Ký túc xá rẻ, đẹp nhưng bất tiện – Bài cuối: Sẽ dần hoàn thiện
Thừa nhận những bất cập mà sinh viên gặp phải khi phải ở trong những khu ký túc xá hiện đại, sắp tới, Hà Nội sẽ triển khai nhiều giải pháp để thu hút sinh viên về ở được.
Khắc phục dần
Hiện tại, chỉ có một tuyến xe buýt duy nhất đi qua ký túc xá Mỹ Đình là tuyến 60 đi qua Đại học Thăng Long, vì vậy chỉ những sinh viên trường Đại học Thăng Long là thuận lợi trong việc đi lại. Trước thực trạng nhiều sinh viên than phiền việc đi lại khó khăn. Ban quản lí ký túc xá đã huy động đội ngũ xe ôm chở những sinh viên có nhu cầu ra điểm xe buýt, hoàn toàn miễn phí. Nhưng nhiều sinh viên cũng tỏ ra e ngại, chỉ gọi những lúc cấp bách.”Chỉ những lúc muộn học em mới gọi, nhờ các anh xe ôm, còn lúc đi học về thì em đi bộ vì cũng không vội, Nguyễn Văn Cường, sinh viên năm thứ nhất ĐH Xây dựng, cho biết.
Video đang HOT
Khu ký túc xá Mỹ Đình nhìn từ mặt ngoài.
“Chúng tôi đã kiến nghị với cấp trên về việc mở thêm tuyến xe buýt đi qua khu ký túc xá, phục vụ cho sinh viên đi lại. Trong thời gian tới nhất định sẽ có nhưng phải có nhiều sinh viên đến sống thì việc kiến nghị sẽ có hiệu quả nhanh hơn”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Quản lý vận hành ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp cho biết.
Ông cho biết thêm, các khu nhà ở cho sinh viên vẫn đang trong khâu hoàn thiện cơ sở vật chất. Hiện tại, ban quản lí nhà ở đang chỉ đạo tiến hành lắp đặt wifi cho các tầng, cố gắng tạo điều kiện tốt nhất có thể để sinh viên học tập.
Anh Nguyễn Như Thái, Trưởng Ban quản lý KTX Mỹ Đình cho biết: “Hiện tại, có 315 sinh viên đang thuê tại đây. Số lượng sinh viên đăng ký qua mạng khá nhiều, nhưng chưa thấy các em chuyển đến. Trong giờ hành chính chúng tôi luôn đảm bảo có nhân viên trực, sẵn sàng phục vụ sinh viên đến đăng ký”. Lý giải về việc tỷ lệ sinh viên đăng ký thuê trọ thấp sau gần 2 tháng đưa KTX vào sử dụng, anh Thái cho rằng, hiện tại là thời điểm gần cuối năm học, sinh viên đang thuê trọ ở ngoài không tiện chuyển chỗ ở, dự kiến sang năm học mới sẽ có nhiều sinh viên đến đăng ký hơn.
Về phía những người làm công tác quản lí KTX, những tuần gần đây đã tăng cường đăng tin trên trang website ktxmydinh.com và tiến hành quảng cáo trên kênh thông tin để thu hút sinh viên trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 66 dự án phát triển nhà ở xã hội của thành phố, có 10 dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên, đáp ứng chỗ ở cho hơn 39.000 sinh viên. Hiện nay, hai dự án Pháp Vân – Tứ Hiệp và Mỹ Đình đã hoàn thành và đón tiếp sinh viên đến thuê với sức chứa hàng vạn người.
“Việc xây dựng khu kí túc xá cách xa trung tâm là xu hướng tất yếu, góp phần giảm quá tải nội đô. Hiện nay khu vực trung tâm thành phố đã quá tải về hạ tầng, không thể xây dựng những khu nhà ở sinh viên hàng vạn chỗ được nữa. Các em sinh viên cần làm quen với điều này. Cách thức tổ chức cuộc sống trong các khu kí túc xá hiện đại này sẽ được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với cuộc sống tự do, thoải mái hiện nay, phục vụ đúng nhu cầu nhà ở cho sinh viên”, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội). Ông Nguyễn Duy Thái, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ GD – ĐT): “Hiện nay những điều kiện về ký túc xá là tùy từng trường. Với hai ký túc xá trên, ngành xây dựng cần có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo việc học, ăn, nghỉ cho sinh viên”.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Vũ Ngọc Đạm, trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Khu Pháp Vân có nhà đẹp, giá rất rẻ nhưng sinh viên không đến ở do thiếu các tuyến giao thông công cộng kết nối từ đây đến các trường đại học, cao đẳng. Khoảng cách từ khu Pháp Vân – Tứ Hiệp đến các trường ĐH gần nhất như: Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Viện ĐH Mở… khoảng 5 km theo trục đường Giải Phóng (quốc lộ 1), trong khi hiện nay, từ khu nhà sinh viên chỉ có một tuyến xe bus chạy theo đường vành đai 3 nên sinh viên đi học có khi mất cả tiếng đồng hồ do phải đi nhiều tuyến”.
Ông Đạm cho biết thêm, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập về giao thông tại khu ký túc xá Pháp Vân – Tứ Hiệp, ngày 5/5, một cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố và các sở ngành đã được tổ chức. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phải bố trí thêm tuyến xe buýt hoặc điều chỉnh lộ trình các tuyến xe bus theo hướng kéo dài hoặc nắn tuyến đi qua khu KTX sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, nhằm thu hút thêm sinh viên, tránh lãng phí nguồn nhà. Khả năng đến tháng 9, tức là đầu năm học mới, sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, theo ông Đạm, đây là bài toán “quả trứng – con gà”, trong khi Sở Xây dựng muốn có thêm xe bus để hút sinh viên thì Sở Giao thông lại muốn khi nào có đông sinh viên đến mới mở thêm tuyến xe bus.
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với ông Lương Đức Thịnh – PGĐ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội. Ông Thịnh cho biết, ngành giao thông sẽ tạo mọi điều kiện để khu kí túc xá Pháp Vân hoạt động tốt, phối hợp với sở tài chính bố trí nguồn vốn, ngân sách để mở thêm tuyến xe bus đi qua khu vực này. Việc mở thêm tuyến phải được tính toán kĩ để tránh lãng phí. Hiện khu nhà có sức chứa hơn 10.000 người này mới chỉ có 500 sinh viên thuê (chiếm 5%), một con số quá ít.
“Tuy nhiên, giao thông không thuận tiện chỉ là một lí do. Hãy nhìn sang khu kí túc xá Mỹ Đình 2, mặc dù giao thông thuận tiện, xe bus đầy đủ, nhưng sinh viên đến ở cũng mới chỉ chiếm 30%. Do đó, phải xem lại cách tổ chức mô hình kí túc xá tại đó, xem liệu nó có đáp ứng nhu cầu của sinh viên hiện đại không, hay vẫn theo mô hình kí túc mấy chục năm trước”, ông Thịnh phân tích.
Theo baotintuc.vn