Kỳ tích mới: 2 ca ghép gan trẻ em thành công trong 3 ngày
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa công bố thành công 2 ca ghép gan cho trẻ em. Đây được coi là một kỳ tích mới khi 2 ca ghép này được thực hiện chỉ cách nhau 1 ngày.
BS khám cho cháu bé 4 tuổi được ghép gan thành công. Ảnh: PV
TS Nguyễn Phạm Anh Hoa – Trưởng Khoa Gan Mật Tụy – Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, hai cậu bé được chỉ định ghép gan đều nguy kịch do xơ gan tiến triển đến giai đoạn cuối, sự sống chỉ tính bằng ngày. Để cứu sống các bệnh nhi, không còn cách nào khác là ghép gan. 2 ca ghép gan này lần lượt tiến hành vào ngày 23 và 25.7 tại Bệnh viện Nhi TƯ. Đây là một kỉ lục về thời gian ngắn, 2 ca ghép gan cách nhau 1 ngày.
Bệnh nhi đầu tiên là bé 4 tuổi (Thanh Hóa) bị teo mật bẩm sinh, xơ gan, nguy cơ tử vong cao. Ca ghép gan cho bệnh nhi hoàn thành sau 12 tiếng với 1 phần gan từ người cho là bà nội bệnh nhi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân gặp phải vấn đề nhiễm khuẩn, sốt nhiễm trùng nặng, vàng da, men gan tăng… nên việc điều trị vô cùng khó khăn.
Chia sẻ thêm về ca ghép gan này, TS. Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại cho biết: “Vấn đề thải ghép, tắc mạch hoặc nhiễm khuẩn được đặt ra, sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết định điều trị theo hướng nhiễm trùng, tập trung điều trị nhiễm khuẩn theo hướng vi khuẩn và nấm. Sau 2 tuần, tình trạng bệnh nhân biến chuyển, các xét nghiệm chức năng gan cải thiện nhiều”. Bệnh nhi này đã được xuất viện chiều 28.8.
Cháu bé 15 tuổi khỏe mạnh sau ghép gan. Ảnh: BSCC
Video đang HOT
Bệnh nhân thứ 2 là bé trai 15 tuổi (ở Hà Nội) mắc bệnh Wilson, đã điều trị 5 năm, bị xơ gan giai đoạn cuối, hai năm gần đây còn thêm biểu hiện suy thận. Trường hợp này đủ tiêu chuẩn ghép gan để phòng ngừa biến chứng hôn mê gan sớm có thể xảy ra. Tuy nhiên, do bệnh di truyền nên phải tìm nguồn ghép từ họ hàng chứ người ruột thịt không ghép được. Người chú họ 31 tuổi đã tình nguyện hiến 1 phần gan phải cho cháu.
“Với trường hợp này, do rối loạn chuyển hoá đồng, lách to và và có bất thường về đường mật giữa người cho và người nhận nên các bác sĩ đã phải tạo hình đường mật trước khi ghép gan. Do đó, ca ghép kéo dài 20 tiếng đồng hồ”- TS Phạm Duy Hiền – Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa, Trưởng Khoa Ngoại nói.
Sau mổ, bệnh nhân rối loạn nhiều, hồi sức 4 ngày mới tỉnh và cai máy, tự thở được. Giai đoạn sau lại thuận lợi hơn, sau 2 tuần chuyển lên khoa gan mật điều trị.
Cháu bé 4 tuổi được xuất viện chiều 28.8. Ảnh: Thùy Linh
TS Phạm Duy Hiền cũng cho biết, để thực hiện hai ca ghép gan này, ngoài các êkíp phẫu thuật và nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi TƯ khoảng 50 người, còn có thêm sự phối hợp của chuyên gia ghép tạng Chin Su Liu và cộng sự đến từ Đài Loan.
Bệnh viện Nhi TƯ là một trong những bệnh viện đầu tiên tiến hành ghép gan của Việt Nam. Ghép gan là kỹ thuật cao, cần sự phối hợp lớn của các chuyên khoa. Đặc biệt hơn, đây lại là ghép gan trẻ em. Cơ hội sống sau 5 năm ghép là 80- 90%.
Đến nay, Bệnh viện Nhi TƯ đã ghép gan thành công được 13 ca, lần ghép 2 ca liên tiếp này là dấu ấn lịch sử của bệnh viện.
THÙY LINH
Theo laodong.vn
4 người chết não hiến tạng cứu 16 bệnh nhân nguy kịch
16 bệnh nhân bị suy tạng mãn giai đoạn cuối có thể tử vong bất cứ khi nào đã được cứu sống diệu kỳ, nhờ nguồn tạng hiến của 4 người không may chết não.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 16/5 đến 13/6), tại Bệnh viện Hữu nghi Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận mô tạng của 4 bệnh nhân chết não để ghép cho 16 bệnh nhân tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Đây là một kỳ tích về số người hiến tạng, người được ghép tạng lần đầu tiên được ghi nhận tại nước ta.
Với nguồn tạng hiến của 4 người chết não, các bác sĩ đã ghép tim cứu sống 4 người bệnh, ghép thận cho 8 trường hợp và ghép gan cứu sống 4 bệnh nhân ở cả Hà Nội và Huế.
Theo GS Giang, các kỹ thuật ghép tạng bác sĩ Việt làm chủ hoàn toàn. Vấn đề duy nhất chính là nguồn tạng hiến. Trước đây, nguồn tạng khan hiếm, trước khi được ghép tạng, bệnh nhân phải nằm viện lâu, phải thở máy kéo dài, phải truyền máu và truyền dịch nhiều... nhưng không phải ai cũng chờ đợi được đến khi có nguồn tạng hiến, rất nhiều người đã tử vong trước khi tìm được nguồn tạng hiến phù hợp để ghép.
GS Giang chia sẻ thêm, kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam ngày càng hoàn thiện. "Hầu như những trường hợp ghép thận, chúng tôi không cần phải truyền máu như trước nữa. Ghép gan thì số lượng truyền máu cũng rút xuống còn 1-2 đơn vị, ghép tim cũng vậy, thậm chí có ca ghép gan không cần truyền máu. Trước đây, thời gian bệnh nhân phải nằm thở máy sau mổ từ 24-48 giờ, bây giờ chỉ còn 3-4 tiếng", GS Giang nói.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng chia sẻ thêm, sự thành công của các ca ghép tạng thể hiện ở ,ỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiệm cận được với tỷ lệ của thế giới.
Như với bệnh nhân ghép thận tỷ lệ sống sau 1 năm là gần 95%, sau 5 năm là 90%. Đối với bệnh nhân ghép gan thì tỷ lệ thấp hơn vì đa số bệnh nhân ghép gan là do ung thư gan; với bệnh nhân xơ gan thì sau khi được ghép gần như khỏi hoàn toàn; còn đối với ung thư gan thì có một tỷ lệ bị tái phát ung thư.
Trung bình tỷ lệ sống sau 5 năm ghép gan là 75% và sau 10 năm là 70%. Trong số 19 bệnh nhân ghép tim chỉ có 2 trường hợp đã tử vong còn lại 17 bệnh nhân vẫn sống sau 8 năm.
Được biết, đến nay bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép được hơn 600 ca ghép thận, gần 60 ca ghép gan và 19 trường hợp ghép tim.
GS Giang chia sẻ thêm, nhân lực cho kỹ thuật ghép các tạng khác như ghép phổi cũng đã được BV Việt Đức cử đi học hỏi, hứa hẹn sẽ tiến hành ghép phổi sớm nhất. Khi đó, sẽ có thêm cơ hội ghép tạng cứu sống thêm nhiều người bệnh khác khi có nguồn tạng hiến.
GS Giang cũng bày tỏ sự tri ân đến những gia đình bệnh nhân chết não đã hiến tạng để nối dài sự sống cho những bệnh nhân khác đang nguy kịch mỗi ngày vì căn bệnh suy tạng mãn.
Hồng Hải
Theo Dân trí
'Ung thư là điều may mắn tôi có được trong cuộc đời' Thủy không cho rằng mắc căn bệnh ung thư là bất hạnh, đau khổ. Cô gọi đó là một điều may mắn quý giá mà cuộc đời này ban tặng cho mình. Trương Thanh Thủy được cộng đồng công nghệ ở Việt Nam gọi bằng cái tên Thủy Muối. Cô từng được báo nước ngoài ca ngợi là "Nữ hoàng khởi nghiệp" và...