Kỳ tích của thủ khoa 29 điểm ở ĐH Bách khoa
Từng giành HCĐ Olympic Toán Quốc tế, cậu học trò chăn bò ngày nào đã bỏ trường ĐH danh giá bậc nhất TP.HCM để thi lại vào ĐH Bách khoa. Lần này, Huy lại lập kỳ tích với vị trí thủ khoa với 29 điểm.
Rẽ lối vì đam mê
Mùa thi năm nay chưa xuất hiện nhiều kỳ tích vượt trội, ngoại trừ sự “thăng hoa” của lớp 12A1 trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) với 3 thủ khoa. Đến thời điểm này, cả nước có 8 thí sinh đứng đầu các trường với điểm số 29.
Trong số các thủ khoa này, có một thí sinh rất đặc biệt, đó là Võ Văn Huy (cựu học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) – đầu bảng ở ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm 2011, Huy từng được dư luận quan tâm với hình ảnh cậu học trò nghèo ở Phú Yên lọt vào đội tuyển Olympic Quốc tế Toán, sau đó giành tấm huy chương đồng.
Võ Văn Huy (từ trái qua) cùng với các bạn trong đội tuyển Olympic Toán Quốc tế 2011. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Với thành tích đó, Huy đã được tuyển thẳng vào ĐH Dược TP.HCM. Thế nhưng năm nay, trong bảng vàng thủ khoa, lại xuất hiện tên của cậu học trò Phú Yên. Điểm số của Huy là Toán: 10, Lý: 9,25, Hóa: 9,5, tổng 28,75, làm tròn thành 29.
Về quyết định thi lại vào ĐH Bách khoa, Huy chia sẻ: “Khi em chọn Dược, em nghĩ rằng ngoài Toán ra thi mình học Hóa cũng tốt, do đó em cũng sẽ yêu thích ngành dược. Thế nhưng, sau khi vào học, em đã phát hiện ra rằng mình không phù hợp với nghề này. Trong khi đó, niềm đam mê Toán của em vẫn vậy, và em quyết định nghỉ học ở Dược để thi vào ngành Công nghệ Thông tin trường ĐH Bách khoa TP.HCM”.
Video đang HOT
Huy tin rằng, Công nghệ thông tin cốt lõi vẫn là thuật Toán, hơn nữa em thích sự ứng dụng thực tế nên đây sẽ là sự lựa chọn hợp lý.
Dù vậy, cậu học trò cũng có áp lực khi chuyển hướng: “Em không gặp sự phản đối của gia đình, dù ba mẹ nào cũng muốn con sau này trở thành bác sĩ, thầy thuốc. Nhưng năm ngoái thì em được tuyển thẳng, năm nay lại thi nên em cảm thấy cũng có áp lực”.
Huy đi thi ở ĐH Bách khoa TP.HCM, thi xong, hai môn Lý và Hóa, khi so với đáp án của Bộ thì em tính điểm của mình khá sát so với điểm công bố ngày hôm qua. Riêng môn Toán, dù là môn tủ nhưng tự luận nên cậu không chắc chắn lắm. Thế nhưng, sự không chắc chắn đó đã mang lại bất ngờ khi em đạt điểm tuyệt đối.
Đây cũng là một điều đặc biệt, bởi theo ý kiến của nhiều thầy cô giáo, đề Toán khối A năm nay rất khó, riêng câu giá trị nhỏ nhất hầu như các thí sinh dù học lực giỏi cũng bỏ cuộc. ĐH Ngoại thương, nơi vốn luôn có các thí sinh giành được nhiều điểm 10 cũng chỉ có 3 thí sinh khối A đạt được. Vậy mà, cậu học sinh giã từ trường THPT đã môt năm nay lại giành trọn điểm 10.
Huy tại Hà Nội. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Nếu học tốt thì sẽ có một công việc tốt
Huy xuất thân trong một gia đình khó khăn. Năm ngoái, khi báo chí viết về em thì đều bắt đầu bằng hình ảnh cậu học trò nghèo đi chăn bò chinh phục cuộc thi Olympic Toán Quốc tế. Năm nay, ở quê, từ hai con bò, mẹ em đã phải bán bớt một con vì chẳng có người đi chăn, cũng để trang trải cuộc sống. Hiện, cả gia đình em, với ba mẹ, hai em gái (một học lớp 12, một lớp 8) đều sống dựa vào nghề nông vất vả. Em gái út của Huy còn bị tật ở chân.
Ở TP.HCM, Huy thuê nhà trọ cùng một bạn học chung trường Dược. Em cho biết, thành phố quá đắt đỏ so với cuộc sống ở quê. Thời còn đi học trường Dược, em đi làm gia sư vào thứ 7, chủ nhật.
“Năm ngoái em đi học là nhờ học bổng một triệu/tháng của một công ty sữa, học phí thì cũng được một doanh nghiệp khác tài trợ, mỗi tháng đi dạy thêm được 1,2 triệu đồng. Nhưng trường em ở quận 1, mọi thứ rất đắt, ba mẹ vẫn phải chu cấp thêm cho em” – Huy chia sẻ.
Hình ảnh Huy bế em đến trường khi còn học THPT ở quê nhà. (Ảnh Thanh Niên).
“Cái khó bó cái khôn”, dù nhiều lần săn học bổng toàn phẩn đi du học nhưng em vẫn chưa thành công. Một phần do tài chính, một phần là vốn tiếng Anh của Huy chưa đạt. “Em không đặt đó làm mục tiêu cao nhất, nhưng hiện tại em vẫn đang học thêm tiếng Anh” – Huy chia sẻ.
Với con đường mới sắp đi, Huy cho rằng em sẽ nỗ lực hết sức trong việc học để có kết quả tốt nhất. Bởi theo em, nếu học tốt thì khi đi làm cũng sẽ hiệu quả, thu nhập do đó cũng không ít. Dù vậy, cậu khá giản dị khi nói đến khái niệm “làm giàu” – một mục tiêu mà rất nhiều bạn trẻ đang hướng đến trong nhịp sống hiện đại. “Làm giàu thì ai cũng thích, nhưng vẫn phải theo đuổi niềm đam mê. Còn đôi khi có những người sống mà kiếm đủ ăn thì cũng được rồi” – em nói.
THỦY NGUYÊN
Theo Infonet
ĐH Bách khoa tuyển thẳng hai thí sinh khuyết tật
Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Văn Hảo bị khuyết tật và tay và chân. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, hai em đã được ĐH Bách khoa mời đến phỏng vấn và đã được quyết định tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin.
Ngày 16/7, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng xét tuyển đại học thí sinh khuyết tật. Hai trong ba thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đủ điều kiện (điểm trung bình 3 môn Toán - Lý - Hoá ở các năm THPT đạt từ 7,0 trở lên) được mời đến trường dự buổi phỏng vấn trực tiếp. Kết quả là cả hai em đều được tuyển thẳng vào nhóm ngành Công nghệ thông tin.
Hai thí sinh được ĐH Bách khoa đặc cách tuyển thẳng.
Em Nguyễn Văn Linh, học sinh trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh bị vẹo đốt sống cổ dẫn tới khả năng đi lại và giao tiếp rất khó khăn, hàng ngày đi học phải có người nhà đưa đón. Bên cạnh đó em còn bị dị tật bẩm sinh cả hai tay, tuy viết chậm được bằng tay trái nhưng gõ bàn phím máy tính phải dùng hai chân.
Với nụ cười rất tươi, em cho biết sau khi tham dự đợt thi khối A vừa qua em tự chấm được 20 điểm, có thể chưa đủ điểm chuẩn vào nhóm ngành Công nghệ thông tin của trường nhưng em tin chắc rằng mình sẽ học tốt không thua kém các bạn khác.
Em Nguyễn Văn Hảo, học sinh trường THPT Phạm Văn Nghị, Ý Yên, TP Nam Định bị khuyết tật cả hai chân và hai tay, nhưng rất may mắn là khả năng giao tiếp của em rất tốt, đặc biệt là từ nhỏ đã cố gắng tập luyện nên tự đi lại được.
Hảo cho biết, nhà có 5 chị em, chỉ một mình Hảo là trai, hai chị gái cũng bị khuyết tật nhưng không được học hành "đến nơi đến chốn". Khi được hỏi việc tổ chức cuộc sống và học tập thế nào khi vào ĐHBK Hà Nội, Hảo tâm sự sẽ tự mình xoay sở, bởi sau này ra cuộc sống em cũng sẽ phải tự lập hoàn toàn.
Theo ĐH Bách khoa
Thủ khoa ĐH Bách Khoa lo không có tiền đi học "Đợt thi ĐH, hai mẹ con em bắt xe lên Hà Nội. 12.000 đồng/một suất cơm nhưng không đủ tiền mua hai suất, mẹ toàn nhường em ăn để lấy sức học", thủ khoa ĐH Bách Khoa Phạm Văn Khánh nhớ lại. Đỗ thủ khoa Trường ĐH Bách khoa với 29,5 điểm, Phạm Văn Khánh thôn An Cư, Trầm Lộng, Ứng Hòa, Hà...