Kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội: Có kiến nghị bỏ môn thi thứ 4
Nhiều ý kiến tiếp tục kiến nghị nên bỏ môn thi thứ 4 cho phù hợp với học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch bệnh
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 giữ nguyên như năm ngoái, với 4 môn thi, theo nội dung đã tinh giản.
Nhiều ý kiến tiếp tục kiến nghị nên bỏ môn thi thứ 4 cho phù hợp với hoàn cảnh học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch bệnh
Trong bối cảnh học sinh các cấp vẫn phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 thì quyết định này của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh. Nhiều ý kiến tiếp tục kiến nghị nên bỏ môn thi thứ 4 cho phù hợp với học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch bệnh hiện nay.
Theo phương án tổ chức thi vào lớp 10 THPT của thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập với 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí. Môn thi thứ 4 sẽ được thông báo trước 2 tháng sau khi có ngày thi chính thức.
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên phương án thi này trong thời điểm học sinh toàn thành phố vẫn đang nghỉ học để phòng chống dịch khiến cả học sinh và phụ huynh đều lo lắng.
Em Nguyễn Khắc Đạt, ở quận Hoàng Mai và chị Phạm Thị Ngọc Sâm, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Hiện học sinh đã nghỉ dịch Covid -19 tới 2 tháng rồi nên dù có lùi lịch thi cấp 3 lại thì kiến thức mới bây giờ học không đủ, chỉ tập trung vào 3 môn thôi, còn môn thứ 4 vẫn chưa công bố.
Việc học trên truyền hình, học online nói chung cũng có một chút hiệu quả nhưng không thể hiệu quả bằng cô và trò tương tác trực tiếp. Giờ lại phải học thêm nhiều môn khác nữa trong tư thế không biết sẽ thi môn nào sợ rằng học sinh không kịp học, hiệu quả không cao”.
Video đang HOT
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, kể cả học sinh lớp 9 sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT cũng chỉ tổ chức dạy 3 môn là Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh mà chưa tổ chức dạy các môn học còn lại.
Bên cạnh đó, chương trình dạy học trực tuyến, video bài giảng mà nhiều trường phổ thông cơ sở xây dựng cũng chưa đầy đủ theo chương trình học và điều kiện học tập của học sinh cũng không giống nhau. Vì vậy, nhiều phụ huynh tiếp tục kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nên bỏ môn thi thứ 4 cho phù hợp với điều kiện dạy và học trong thời gian học sinh phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19.
Chị Đỗ Thị Chiến ở quận Hoàng Mai cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay trong khi việc học online thực sự không có hiệu quả. Chị mong muốn nếu cắt giảm được môn chưa công bố thì nên cắt, học sinh chỉ việc tập trung ôn thi 3 môn thôi.
Còn anh Nguyễn Quang Hùng, phụ huynh học sinh ở quận Ba Đình – Hà Nội bày tỏ: “Nếu thi đủ 4 môn thì cả phụ huynh và học sinh đều lo lắng. Học thì không được đến trường, thi thì vẫn đủ 4 môn đấy là áp lực về tâm lý chắc chắn không thể tránh được. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì tốt nhất nên bỏ môn thứ 4. Bởi vì các con học cũng không được học tập trung, tiếp thu kiến thức của các con hạn chế rất nhiều, chưa kể ý thức học tập của các con rất khác nhau”.
Đại diện một số trường trường Trung học cơ sở cũng cho rằng, việc điều chỉnh phương án thi là cần thiết trong thời điểm hiện nay để giảm căng thẳng cho giáo viên và hoc sinh. Ông Nguyễn Khánh Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Ban Mai, Hà Nội nêu quan điểm: “Tôi nghĩ sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện là cần thiết và trong quá trình học sinh không được lên lớp đầy đủ như các năm học trước thì việc chúng ta nghĩ đến việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh vào 10 của thành phố Hà Nội là cần thiết. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thi 3 môn cốt lõi là Toán, Văn, tiếng Anh thì phù hợp hơn với điều kiện này”.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng: “Nếu học sinh được đi học đúng 15/4 này, tức là còn đủ thời gian thì chúng ta có thể vẫn giữ được môn thứ 4. Nhưng ngay cả giữ môn thứ 4, khi công bố môn thứ 4 cũng phải có trọng tâm chứ không thể tràn lan như mọi năm nữa. Còn nếu chậm hơn nữa thì theo tôi là có thể bỏ được, thống nhất sớm để cho học sinh và phụ huynh yên tâm”.
Năm nay, dự kiến toàn thành phố Hà Nội có hơn 107.000 học sinh xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, dự kiến có gần 67.000 học sinh (khoảng 62%) được tuyển vào trường THPT công lập. Trong thời điểm chưa biết bao giờ học sinh sẽ đi học trở lại và chưa có lịch thi vào lớp 10 THPT, thì nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên các trường mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội điều chỉnh phương án thi, hoặc sớm công bố môn thi thứ 4, để giảm phần nào căng thẳng, lo lắng cho giáo viên và học sinh./.
Minh Hường
Các trường không tính kết quả học kỳ 2 lớp 12 khi xét tuyển đại học
Nhiều trường ĐH tiếp tục điều chỉnh phương án tuyển sinh, trong đó có xét học bạ nhưng không tính kết quả học kỳ II lớp 12 vì thời gian học sinh nghỉ do dịch Covid-19 kéo dài.
Trường ĐH Hoa Sen đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đại học năm 2020 bằng phương thức xét học bạ.
Với phương thức này, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển có nhiều sự lựa chọn. Thí sinh có thể chọn phương án không tính điểm học kỳ II năm lớp 12, mà chỉ cần có điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 từ 6 điểm trở lên.
Ngoài ra, thí sinh cũng có thể lựa chọn phương án điểm trung bình cộng các môn học trong cả năm lớp 10, lớp 11 và cả năm lớp 12 từ 6 điểm trở lên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường ĐH xét tuyển học bạ bỏ qua điểm học kỳ II năm 12
Hoặc điểm trung bình của các môn học trong tổ hợp của cả 3 năm học 10, 11 và 12 thoả mãn điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành bậc đại học của nhà trường.
Trong đó, các ngành Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất yêu cầu phải có thêm điểm trung bình cộng môn Toán hoặc môn Ngữ văn đạt từ 5,5 điểm trở lên.
Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng đưa ra nhiều hình thức xét học bạ trong đó không tính điểm học kỳ I năm lớp 12. Cụ thể thí sinh có thể lựa chọn nộp hồ sơ xét theo phương thức có điểm trung bình chung của học kỳ I lớp 11 học kỳ II lớp 11 học kỳ I lớp 12 18 điểm; Hoặc thí sinh xét tuyển theo tổ hợp 3 môn của học bạ lớp 12 18 điểm; Xét tuyển bằng điểm trung bình chung học bạ lớp 12 6 điểm.
Bên cạnh đó nhà trường vẫn duy trì các phương thức khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển theo kỳ thi THPT quốc gia.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với các trường THPT đã ký kết hợp tác với nhà trường về hướng nghiệp, đào tạo và phát triển khoa học công nghệ trường quyết định chỉ xét học bạ sẽ theo kết quả 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ II năm 12).
Cụ thể đối với chương trình tiêu chuẩn, chất lượng cao và chương trình học 2 năm tại cơ sở, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình 5 học kỳ của các môn trong tổ hợp xét tuyển.
Đối với chương trình đại học bằng tiếng Anh, xét tuyển 5 học kỳ theo điểm trung bình học kỳ.
Riêng các trường THPT không ký kết với trường học sinh vẫn phải xét 6 học kỳ. Các phương thức tuyển sinh khác vẫn duy trì.
Trước đó, nhiều ĐH cũng điều chỉnh phương án tuyển sinh, trong đó xét học bạ bỏ qua kết quả học kỳ II năm lớp 12.
Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét tuyển học bạ 3 học kỳ đó là tổng điểm trung bình 3 học kỳ (năm lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cũng bổ sung phương thức xét học bạ bằng tổng điểm trung bình 5 học kỳ (năm 10, 11 và học kỳ I lớp 12) nếu đạt từ 30 điểm trở lên.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng xét tuyển học bạ 5 học kỳ (năm 10, 11 và học kỳ I năm 12) đạt từ 18 điểm trở lên. Sau khi thí sinh kết thúc và có kết quả học tập học kỳ I năm lớp 12 có thể đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, điều kiện để trúng tuyển là sau khi hết năm học điểm trung bình lớp 12 đạt từ 6 trở lên.
Trường ĐH Văn Lang cũng xét tuyển học bạ, trong đó học sinh có thể lựa chọn một trong hai cách thức tính điểm để nộp hồ sơ xét tuyển. Cụ thể thí sinh có thể xét tuyển điểm trung bình năm học lớp 12 hoặc chỉ xét điểm trung bình năm học lớp 11 và I lớp 12.
Riêng ngành Dược học tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên, đồng thời xếp loại học lực lớp 12 đạt loại giỏi. Ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học tổng điểm tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên, đồng thời xếp loại học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên. Các ngành còn lại chỉ yêu cầu tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, điểm trung bình chung môn Tiếng Anh đạt từ 6 điểm trở lên....
Lê Huyền
Xem tư vấn tuyển sinh đại học qua kênh phát trực tiếp Nhằm giúp các em học sinh THPT nghỉ học trong mùa dịch bệnh Covid-19 mà vẫn có được thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng, Trường Đại học An Giang (ĐHAG) tăng cường nhiều phương tiện thông tin như: tư vấn trực tuyến, phát trực tiếp kênh mạng xã hội để học sinh, phụ huynh có thể tìm hiểu về các ngành...