Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021: Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho thí sinh
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đã kết thúc sau 2 đợt tổ chức thi. Đây là kỳ thi rất đặc biệt, bởi cả 2 đợt thi đều diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Mặc dù chưa thể khẳng định là kỳ thi thành công bởi còn nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức, nhưng điều đáng ghi nhận là sự nỗ lực của ngành giáo dục và các địa phương trong việc huy động mọi nguồn lực để tổ chức thi, với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh, đặc biệt là sự nỗ lực của hơn 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh hơn rất nhiều so với năm 2020. Nhiều địa phương xuất hiện hàng nghìn, hàng chục nghìn ca mắc COVID-19, trong đó có cả thí sinh và nhiều khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cả phụ huynh và học sinh đều lo lắng, tâm trạng bất an. Tuy nhiên, với những quyết sách đúng đắn Bộ Giáo dục và Đào tạo và cách làm kịp thời, linh hoạt của các địa phương đã cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng kịch bản tổ chức kỳ thi. Đến thời điểm này, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã hoàn thành 2 đợt, với hơn 1 triệu thí sính vượt vũ môn thành công.
“Em cũng cảm giác mặc dù gặp một chút bất lợi, nhưng qua đây giúp bản thân em càng phải tiến bộ hơn, cố gắng hơn để đỗ vào trường đại học mình mong muốn”- một thí sinh chia sẻ.
Kết quả có được là bởi, trước hết với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn phòng dịch, các địa phương đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… trong bối cảnh khó khăn để tạo môi trường thi thuận lợi cho thí sinh. Một số địa phương có số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tăng, nhưng vẫn quyết tâm tổ chức thi để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, như: thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh….. Từ đó, các địa phương, Hội đồng thi đã chủ động xây dựng kịch bản trong từng tình huống cụ thể, phân công rõ người, rõ trách nhiệm nên công tác phòng, chống dịch được triển khai nghiêm ngặt hơn. Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đảm bảo công tác thi năm nay, tỉnh ưu tiên hàng đầu cho công tác an toàn phòng chống dịch; cùng với việc an toàn trong tổ chức các nhiệm vụ chuyên môn của kỳ thi”.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó điểm trưởng Điểm thi Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), chúng tôi đã có được sự phối hợp của rất nhiều lực lượng liên quan ví dụ như lực lượng công an, an ninh, trật tự đô thị và thanh niên tình nguyện, đặc biệt là bên y tế đã hỗ trợ để kỳ thi diễn ra an toàn.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, số điểm thi, phòng thi dự phòng được sử dụng nhiều hơn những năm trước. Mặc dù công tác chuẩn bị đã xây dựng khá bài bản nhưng nhiều điểm thi đã phát hiện có thí sinh diện F0. Nhiều điểm thi phải dừng khẩn cấp, nhiều cán bộ coi thi phải thay thế và đưa vào khu cách ly. Lúc đó, mỗi địa phương lại có cách xử lý tình huống khác nhau vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh và hơn hết là đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Video đang HOT
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đây là những tình huống phát sinh nhưng đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dự đoán, nằm trong kịch bản, do vậy không bất ngờ. Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1, Bộ cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm quý cho đợt thi thứ hai.
“Một nét rất là rõ là tất cả 63 tỉnh, thành phố đã vào cuộc chủ trì tổ chức kỳ thi này với trách nhiệm cao nhất tất cả mọi khâu, đặc biệt là ứng phó với dịch COVID-19. Có thể nói rằng địa phương, thầy cô giáo, các sở, ngành liên quan đã rất nỗ lực, vượt lên chính mình để tạo môi trường thi an toàn, thuận lợi nhất có thể cho các em thí sinh. Điều này thể hiện một trách nhiệm rất lớn đối với các em và chúng ta thấy rằng phần lớn thí sinh hồ hởi tham dự kỳ thi này với nguyện vọng của mình”- ông Mai Văn Trinh cho biết.
Trong đợt 2 của kỳ thi, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp hơn vì thực hiện giãn cách xã hội nên một số địa phương đã lựa chọn không tổ chức thi mà xin xét tốt nghiệp đặc cách cho thí sinh. Những địa phương có thí sinh tham gia thì phối hợp với nhau trong việc tổ chức thi chung hội đồng thi; hoặc gửi thí sinh sang thi tại địa phương lân cận, như hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã đưa thí sinh vượt qua gần 400km để tới Bắc Giang dự thi. Một số điểm thi còn thực hiện nguyên tắc “3 tại chỗ”- ăn, nghỉ, thi tại điểm thi đối với cả thí sinh, cán bộ tổ chức thi trong suốt những ngày diễn ra kỳ thi, để đảm bảo an toàn phòng dịch. Những nỗ lực của ngành giáo dục – đào tạo và các địa phương đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá là đã bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh, cũng như giải quyết nguyện vọng được tham gia kỳ thi của thí sinh để xét tuyển đại học bằng điểm của kỳ thi tốt nghiệp.
“Vì lợi ích của thí sinh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đã quyết tâm cố gắng thi trong bối cảnh đại dịch, điều quan trọng nhất là an toàn. An toàn ở đây là an toàn về sức khỏe tính mạng của thí sinh, của giám thị, của nhân dân trong mùa dịch đó là điều quan trọng nhất. Từ đó giúp các thí sinh dù thi đợt 1 hay đợt 2 có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, tùy theo điều kiện cụ thể”- Thạc sỹ Trần Trung Hiếu, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An nhận định.
Những sự cố đáng tiếc trong mùa thi trước đã không còn lặp lại trong năm nay. Song trong số 18 thí sinh vi phạm quy chế của đợt 1, thì có trường hợp bị lọt đề là thí sinh Quảng Bình đã dùng điện thoại chụp đề thi môn toán gửi ra ngoài đưa lên mạng xã hội nhờ mọi người giải giúp. Đây là bài học cần được nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại để có giải pháp tốt hơn trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi những năm sau.
Về đề thi năm nay được thí sinh đánh giá là bám sát chương trình học có độ phân hóa hợp lý, những phần giảm tải do ảnh hưởng của dịch đã không được đưa vào đề thi. Mặc dù vẫn có một số nhận định gây tranh luận, song Bộ Giáo dục và Đào tạo với tinh thần cầu thị, trân trọng ghi nhận những góc nhìn quan điểm khác nhau để tiếp thu và trao đổi. Đến thời điểm này, các thí sinh thi đợt 1 đã được thông báo kết quả với số điểm trung bình trở lên nhiều hơn các năm trước. Vui mừng năm nay cũng có hàng ngàn thí sinh được điểm 10, cho thấy tinh thần vượt khó của hơn 1 triệu thí sinh cùng các giáo viên và phụ huynh. Liên tục phải học, ôn tập theo hình thức trực tuyến và phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt trong suốt quá trình thi cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. Thế nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, kết thúc kỳ thi, các em cũng đã khép lại 12 năm học phổ thông để mở ra cánh cửa mới cho tương lai.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khép lại với nhiều cảm xúc: nỗi lo âu của phụ huynh đứng chờ con trước cổng trường và có cả giọt nước mắt làm bài chưa trọn vẹn và cả niềm vui đạt điểm cao, đồng nghĩa với những áp lực của chặng đường 12 năm được tạm bỏ lại phía sau. Sự nỗ lực căng mình vượt khó của ngành giáo dục, các địa phương đã giúp hơn 1 triệu thí sinh vượt vũ môn thành công để vững vàng tiến tới những cánh cửa, mục tiêu xa hơn, lớn hơn trong tương lai./.
Những ngành trên 26 điểm năm ngoái sẽ lấy điểm chuẩn năm nay thế nào?
Các chuyên gia dự báo điểm chuẩn năm nay với những ngành học năm ngoái lấy điểm trên 26.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Đại học Giao thông vận tải cho rằng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 hỗ trợ các trường đại học lựa chọn được thí sinh chất lượng tốt.
Dựa vào phổ điểm các tổ hợp, ông Chương dự đoán, tổ hợp A00 chỉ tăng ở nhóm ngành lấy điểm từ 16 đến 20. Còn từ 20 điểm trở lên không tăng nhiều so với năm 2020. Lượng thí sinh đạt điểm trên 25 gần như bằng năm trước.
Trong khi đó, những ngành xét tuyển tổ hợp A01 và D01 dự kiến sẽ cao hơn so với năm trước từ 1 từ 1,5 điểm, những khoảng từ 25 đến 28 điểm trở lên không tăng nhiều.
Với Đại học Giao thông vận tải, ông dự báo điểm chuẩn của trường sẽ chia làm 3 nhóm: Những ngành học phổ điểm dưới 20 điểm có thể tăng so với năm 2020 từ 1 đến 1,5 điểm, từ 20 đến 23 điểm chỉ tăng gần 1 điểm và top đầu không tăng nhiều so với năm trước.
Năm nay, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 15 đến 22 điểm. Điểm sàn cao nhất là các ngành học Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Công nghệ ô tô. Các ngành còn lại chủ yếu lấy điểm sàn ở mức 15 điểm.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay điểm chuẩn khó dự đoán nhất là những ngành học xét tuyển bằng các tổ hợp sử dụng môn tiếng Anh (A1 và D1) ở phân khúc từ 24 đến 26 điểm. Những ngành học điểm chuẩn năm trước lấy 26 điểm trở lên rất có thể năm nay tăng 1 điểm. Còn các ngành lấy từ 22 đến 24 điểm năm trước có thể tăng 3 đến 4 điểm. Phân khúc những ngành học trên 27,5 điểm sẽ ít ảnh hưởng và tăng không đáng kể.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Ngoại thương cho biết, quy định nhiều năm nay của trường là điểm trúng tuyển đối với tổ hợp A00 phải cao hơn 0,5 điểm đối với các tổ hợp còn lại có môn ngoại ngữ. Sở dĩ trường đưa ra chuẩn này là trong các tổ hợp khối D của trường (D1 - D7) đều có hai môn là Văn và Ngoại ngữ, điểm thi hằng năm không cao như tổ hợp A00. Tuy nhiên, năm nay, điểm tiếng Anh cao hơn các năm khác rất nhiều.
Theo PGS Hiền, thống kê từ phổ điểm cho thấy, mức điểm từ 26 đến 27 điểm trở lên đối với tổ hợp D01, A01 cao hơn năm trước. Tuy nhiên, các thí sinh đạt mức điểm này cơ bản đều có chứng chỉ ngoại ngữ và đã trúng tuyển ở các trường đại học phương thức xét tuyển kết hợp. Do đó, số thí sinh còn lại tham gia xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều nên cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến điểm chuẩn của các tổ hợp có môn tiếng Anh đạt ngưỡng điểm từ 26 điểm trở lên.
Bà Hiền cũng nhận định, với ngưỡng điểm từ 24 đến 26 điểm ở hai tổ hợp có môn tiếng Anh, sẽ có sự biến động đáng kể về điểm chuẩn. Những thí sinh này thường chưa tham gia xét tuyển kết hợp. Trong khi đó, số lượng thí sinh ở tổ hợp A1 và D1 đạt được mức điểm này năm nay tăng từ 200 đến 300% so với năm ngoái.
Với Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, năm 2020, điểm chuẩn vào trường ở ngưỡng cao từ 24,5 đến 28 điểm. Vì thế, điểm chuẩn các ngành của trường năm nay khả năng sẽ không tăng nhiều, chỉ dao động từ 0,25 đến 1 điểm.
Đặc biệt, với nhóm ngành như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Kiểm toán, Marketing, Thương mại điện tử, năm nay có thể tăng từ 0,25 đến 0,5 điểm.
Nhóm ngành có mức điểm chuẩn năm ngoái vào diện thấp thì năm nay có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm.
Theo ông dự báo, những ngành năm ngoái có điểm chuẩn càng thấp thì khả năng năm nay điểm chuẩn tăng sẽ càng cao. Ví dụ, ngành năm ngoái có điểm chuẩn 24,5 thì năm nay chắc chắn phải trên 25 điểm.
Có điểm tốt nghiệp THPT đợt 2, thí sinh lưu ý những mốc thời gian xét tuyển ĐH Trước nhiều thay đổi trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT, các mốc thời gian tuyển sinh ĐH cũng được lùi lại cho phù hợp thực tế. Thí sinh cần lưu ý những quy định mới về thời hạn tuyển sinh để tránh mất quyền lợi nhập học. Nhiều điều chỉnh mốc thời gian tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi cho...