Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 ‘dỡ bỏ’ nhiều áp lực cho team 2k2
Cùng với việc dỡ bỏ cách ly xã hội ở nhiều địa phương, học sinh lớp 12 cả nước cũng được “dỡ bỏ” nhiều áp lực thi cử khi Bộ GD&ĐT công bố tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với phạm vi kiến thức nằm trong chương trình học đã được tinh giản.
Các trường đại học vẫn có thể sử dụng điểm thi này để xét tuyển, Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường đại học và thí sinh trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là khâu đăng ký xét tuyển và lọc ảo như năm 2019. Điều này giúp thí sinh bớt nhiều gánh nặng khi thi cử và xét tuyển vào đại học.
Giảm tải chương trình lẫn áp lực thi cử, thí sinh đỡ lo xét tuyển nhiều lần
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trước tiên đảm bảo mục tiêu chính là lấy quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo mặt bằng chung của cả nước có tính tới điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, với quy trình tổ chức thi cử nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, các trường đại học hoàn toàn có thể sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển, theo đúng chủ trương tự chủ đại học vài năm trở lại đây.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học 2020 là vấn đề “hot” với team 2k2 hiện nay
Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng,… nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành học, trường học mình mong muốn. Thêm vào đó, với phạm vi kiến thức được giảm tải, nằm hoàn toàn trong chương trình tinh giản (giảm kiến thức học kỳ 2 lớp 12), học sinh chỉ cần ôn tập những nội dung đã học, giảm đáng kể những lo lắng, căng thẳng cho học sinh và cả giáo viên. Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ hoàn thiện và công bố đề thi minh họa trong thời gian sớm nhất để giáo viên và học sinh dễ dàng ôn tập.
Đối với các trường có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, Bộ GD&ĐT vẫn sẽ hỗ trợ trong việc tổ chức thi, đăng ký xét tuyển, lọc ảo theo nhóm trường,… Với quan điểm cố gắng tối đa đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, công bằng, khách quan, trung thực, nhất là quyền lợi của thí sinh.
Yên tâm ôn tập với cấu trúc đề thi giữ nguyên như năm 2019
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Quy chế tuyển sinh năm nay và sẽ ban hành sớm nhất trong những ngày tới. Tuy nhiên, theo những công bố hiện tại từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm tập trung ôn tập vì cấu trúc đề thi, môn thi không bị xáo trộn so với năm 2019.
Video đang HOT
Cấu trúc đề thi, môn thi năm 2020 vẫn giữ nguyên như năm 2019
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội). Trong đó bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; còn bài thi Khoa học xã hội gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Tương tự năm 2019, thí sinh thực hiện 03 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và có thể tự chọn 1 trong 2 bài thi tổng hợp tùy theo lợi thế của mình. Đây là một trong những ưu điểm đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vì vẫn đảm bảo tính chủ động của thí sinh trong chủ trương giảm bớt áp lực thi cử cho các bạn.
Tuy nhiên, điểm khác biệt là năm 2020 mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm, không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây. Tương ứng, các trường đại học có sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ phải có sự điều chỉnh toàn bộ tổ hợp môn xét tuyển cho phù hợp. Chẳng hạn, đối với Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), tổ hợp xét tuyển A01 (Toán, Văn, Lý) dự kiến sẽ được thay bằng tổ hợp mới Toán, Văn, Khoa học tự nhiên.
Thí sinh nên “đầu tư” vào năng lực học tập của bản thân
Trước ảnh hưởng dịch Covid-19, khó khăn của kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học 2020 là điều tất yếu. Hàng loạt trường đại học cũng đã điều chỉnh các phương thức xét tuyển cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, trong đó, nhiều trường cho biết vẫn giữ phương thức xét tuyển điểm thi THPT, kết hợp với các phương thức xét tuyển khác của trường.
Xét tuyển học bạ – một trong những phương thức xét tuyển được quan tâm nhiều năm qua
Theo TS. Nguyễn Quốc Anh – Phó Hiệu trưởng HUTECH, kỳ thi THPT giảm khối lượng kiến thức nhưng vẫn đánh giá được khả năng tiếp thu kiến thức, năng lực học tập nói chung của thí sinh nên trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bên cạnh các phương thức do trường tự chủ. Vì vậy, thay vì quá lo lắng về quy chế, thí sinh nên “đầu tư” nhiều hơn vào năng lực học tập của bản thân, tập trung ôn tập để đạt điểm thi tốt, tạo được lợi thế cho mình.
Ông Quốc Anh cho biết: “Thực hiện chủ trương tự chủ đại học của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây HUTECH đã sử dụng nhiều phương thức xét tuyển đồng thời. Cùng với xét điểm thi THPT, trường cũng xét tuyển học bạ từ năm 2014 và tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng từ năm 2019. Tuy nhiên, có một kỳ thi chung của cả nước để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học khi lộ trình tự chủ chưa hoàn thiện như hiện nay vẫn là điều cần thiết. Do đó, HUTECH vẫn áp dụng xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 cho tất cả các ngành đào tạo của trường, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh với các phương thức khác”.
Tuyển sinh ĐH 2020: Mong sớm công bố phương án tuyển sinh
Nhiều trường đại học (ĐH) thông tin sẽ tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển.
Tuy nhiên, các trường phổ thông, giáo viên và học sinh (HS) lại đang lo lắng vì năm nay, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH) sẽ quy về 1 đầu điểm thay vì tách 3 đầu điểm như mọi năm thì các trường sẽ xét tuyển ra sao?
Các trường ĐH khẳng định vẫn dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020.
HS học đều sẽ có lợi hơn?
Ngay sau khi Bộ GDĐT thông báo về thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH năm nay đều cảm thấy bất ngờ vì việc mỗi bài thi tổ hợp khi chấm sẽ cho ra một đầu điểm duy nhất. Như vậy, các trường sẽ tính điểm bài thi chung này để xét tuyển theo các cách khác nhau. Nhưng dù với cách nào thì rõ ràng trong thời điểm chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ diễn ra kì thi, nhiều thí sinh cũng không kịp xoay xở vì trước nay chủ yếu chỉ học tăng cường một số môn để xét tuyển theo khối.
Chẳng hạn, trước đây HS dự định xét tuyển vào ĐH theo khối A00 (Toán - Lý - Hóa) chắc chắn sẽ không dành nhiều thời gian học tập môn Sinh học bằng các môn kia. Nhưng với cách tính điểm kiểu mới này, liệu các em có bị thiệt thòi khi trường thực hiện xét tuyển?
Đến thời điểm này, chỉ mới một số ít các trường công bố cụ thể phương án tuyển sinh dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, phương án quy đổi quy đổi các khối xét tuyển dựa theo các bài thi KHTN, KHXH năm nay là một "bài toán đau đầu" với các trường. PGS.TS Bùi Hoài Thắng- Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM cho biết năm nay cách tính điểm thi quá mới.
Cụ thể, trường quy đổi các khối xét tuyển trước đây thành các tổ hợp mới: Khối A00 quy đổi thành (Toán KHTN x 2), khối A01 quy đổi thành (Toán KHTN Anh), khối B00 quy đổi thành (Toán KHTN x 2), khối D01 vẫn giữ nguyên (Toán Văn Anh), khối D07 quy đổi thành (Toán KHTN Anh), khối V00 quy đổi thành (Toán KHTN Vẽ), khối V01 vẫn giữ nguyên (Toán Văn Vẽ).
Nhìn từ công thức quy đổi mới này của nhà trường, có thể thấy ngoài khối D01 và V01 vẫn giữ nguyên, nghĩa là thí sinh muốn vào trường chỉ phải ôn 3 môn trong khi với các khối khác, rõ ràng lượng bài thi sẽ phải tăng lên thành 4 hoặc 5 môn. Như vậy, liệu có công bằng cho các thí sinh?
Thừa nhận vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho rằng để đi đến phương án này, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã phải suy nghĩ, tính toán và bàn bạc rất kỹ. Tất nhiên mỗi cách đều không phải hoàn hảo tuyệt đối, nhưng mục tiêu là làm sao tốt nhất, có lợi nhất cho thí sinh. Nhìn chung, với các tổ hợp có bài thi KHTN thì các thí sinh học đều 3 môn Lý - Hóa - Sinh sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với thí sinh trước nay chỉ tập trung vào hai môn Lý - Hóa.
Theo các chuyên gia, từ nay đến kỳ thi không còn nhiều nên các trường ĐH cần sớm công bố việc quy đổi các tổ hợp xét tuyển theo tỷ lệ ra sao để thí sinh chủ động cân đối học và ôn tập các môn học. Nhất là với các môn trước nay không nằm trong khối thi có thể sẽ có những thí sinh "trắng" kiến thức thì cần thời gian để hệ thống lại để đạt điểm tốt nhất, thuận lợi cho việc xét tuyển vào ĐH.
Có nhiều phương án tuyển sinh
Liên quan đến việc quy đổi các tổ hợp xét tuyển truyền thống, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Mai Văn Trinh thông tin: "Các em mong chia đầu điểm theo từng môn bởi lo lắng các trường vẫn xét tuyển điểm theo khối. Nhưng các em lưu ý, kỳ thi thay đổi, phương thức tuyển sinh của các trường sẽ được điều chỉnh phù hợp. Tới đây, các trường sẽ hoàn thiện, sớm công bố để các em có định hướng".
Trên thực tế, năm 2020 bài thi tổ hợp sẽ giảm số lượng câu hỏi và thời gian phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp THPT. Đề thi có mức độ phân hóa phù hợp. Thí sinh có năng khiếu ở môn thi trong bài tổ hợp, khi ôn tập tốt vẫn có kết quả cao hơn những em học lực yếu yếu hoặc không học gì. Tất nhiên, lý tưởng nhất vẫn là những học sinh học đều tất cả các môn trong bài thi tổ hợp thì kéo theo điểm thi chung sẽ cao.
Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thu Thủy- Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết trong quy chế tuyển sinh sắp được ban hành, Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh để tổ hợp môn xét tuyển ĐH không quá khác biệt so với tổ hợp tuyển sinh truyền thống. Các trường ĐH có thể lựa chọn đầu điểm khác nhau để tạo tổ hợp xét tuyển phù hợp với ngành nghề đào tạo.Ví dụ, khối B truyền thống có điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh. Với bài thi năm nay, đầu điểm Toán và bài KHTN sẽ là phù hợp cho việc xét tuyển theo khối này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với khối A00 truyền thống cũng sẽ có khả năng sử dụng đầu điểm Toán và bài KHTN. Như vậy, vấn đề đặt ra là tỷ lệ quy đổi này sẽ ra sao, môn Toán hay bài thi KHTN nhân đôi hoặc tương đương nhau?
Khảo sát nhanh của Bộ GDĐT cho thấy các trường ĐH khẳng định vẫn dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020. Chỉ 10-20% số trường khẳng định sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, chủ yếu là nhóm trường đào tạo các ngành đặc thù và những cơ sở đã có kỳ thi đánh giá năng lực từ một vài năm nay sẽ tổ chức thi riêng để tuyển sinh. Tất nhiên, các trường dành một tỷ trọng chỉ tiêu nhất định chứ không tuyển sinh 100% từ kỳ thi riêng. Như vậy, thí sinh không nhất thiết phải lên thành phố lớn dự kỳ thi riêng mới có cơ hội xét tuyển vào trường.
Thu Hương
Những lý do Bộ GDĐT không tách điểm môn thành phần trong bài tổ hợp Theo đại diện Bộ GDĐT, xuất phát từ yêu cầu, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra hướng tới giáo dục toàn diện, nên không chấp nhận việc học lệnh, bỏ môn này hay môn khác. Những ngày qua, tâm trạng chung của gần 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước...