Kỳ thi THPT quốc gia: Chỉ đạo sát sao, thêm niềm tin thắng lợi
Sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ Chính phủ cho đến các Bộ, ngành và địa phương trước kỳ thi càng tạo thêm sự yên tâm, tự tin cho các em HS
GD&TĐ – Liên tiếp các cuộc làm việc với địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều chỉ đạo cần phải triển khai thực hiện tốt kỳ thi, tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở, điều kiện cho quá trình đổi mới.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, các cấp các ngành liên quan phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh; chúng ta đổi mới cách thi cho học sinh nhưng vẫn dựa trên kết quả học sách giáo khoa cũ, phương pháp giảng dạy cũ, chương trình cũ, yêu cầu cũ, vì vậy Kỳ thi THPT quốc gia không phải là siết chặt lại mà tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở cho quá trình đổi mới..
Những chỉ đạo, quan tâm sát sao
Trong các cuộc làm việc với các địa phương Hải Dương, Tuyên Quang và TP Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ GD&ĐT đều đã lắng nghe những kiến nghị của các địa phương này để tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh những bất cập.
Video đang HOT
Ngay trong ngày 23/5, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các trường ĐH chủ trì cụm thi về việc tiếp tục cho phép các thí sinh (nếu có nguyện vọng) được điều chỉnh các thông tin trong phiếu đăng kí dự thi (kể cả điều chỉnh môn thi đã chọn) trước ngày 27/5/2015.
Nhằm tạo điều kiện để các học sinh đồng bào dân tộc ít người di chuyển ra các cụm thi của Sở để dự thi xét tốt nghiệp; quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng mọi cách không để cho thí sinh nào vì khó khăn không được đi thi, Tuyên Quang đã tổ chức tuyến xe đưa, đón các em đến tận điểm thi tập trung, lên các phương án hỗ trợ tối đa chỗ ăn, ở, đi lại cho học sinh và phụ huynh.
Còn ở Hà Giang do thời gian thi chậm 1 tháng so với lịch thi tốt nghiệp THPT trước đây nên các trường THPT nội trú tiếp tục ôn luyện kiến thức cho học sinh đến khi kỳ thi diễn ra. Cũng như vậy, các trường THPT dân tộc của tỉnh Lào Cai cũng chủ động để học sinh ở lại học, cho dù những chi phí làm thêm giờ, cấp học bổng cho học sinh dân tộc thêm một tháng đang được gửi lên tỉnh để quyết định.
Tỉnh Điện Biên cũng đưa ra các phương án tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những thí sinh ở xa điểm thi. Sở GD&ĐT đã giao nhiệm vụ cho các trường THPT, trường dân tộc nội trú THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn rà soát số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để lên phương án hỗ trợ.
Những thí sinh ở xa gia đình dự thi tại các điểm thi liên trường ở cụm thi tỉnh Điện Biên sẽ được bố trí ăn ở, nghỉ tại các trường phổ thông dân tộc nội trú THPT trên địa bàn. Đối với thí sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, Sở yêu cầu tự xây dựng kế hoạch đưa đón học sinh, quản lý học sinh, sắp xếp nơi ăn nghỉ.
Còn ở Sơn La, nhằm giúp học sinh làm quen với các môn thi, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên cập nhật đề thi minh họa 8 môn thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT công bố; đồng thời, tổ chức giáo viên được phân công ôn thi thực hiện giải đề minh họa này.
Các nhà trường cũng đã tổ chức cho học sinh làm quen với bài thi đề thi minh họa một cách nghiêm túc và tiến hành chấm thi, đánh giá kết quả. Cho dù chỉ là giải những đề thi minh họa, nhưng việc làm quen này sẽ giúp học sinh rất nhiều, các em sẽ bước đầu hình dung được mức độ khó – dễ, cũng như cấu trúc của đề thi để đưa ra phương pháp ôn tập, chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nhất.
Thí sinh, nhà trường thêm niềm tin thắng lợi
Một trong những vấn đề mà nhiều thí sinh và nhà trường còn băn khoăn đó là mức độ khó dễ của đề thi do năm nay. Về vấn đề này PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã giải tỏa lo lắng này.
Ông Trinh cho biết: Ngay sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục đã có bộ phận phân tích chi tiết cụ thể trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc, để chỉnh sửa làm sao tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Đến nay, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu và quyết định sẽ không trộn lẫn câu hỏi dễ, khó trong đề thi mà phân định rõ ràng để tạo điều kiện cho thí sinh. Cụ thể, cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao được tách riêng biệt.
Ngoài lo lắng về mức độ khó dễ của đề thi khi phải đảm nhiệm cả vai trò xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ thì những quan ngại về điều kiện xét tốt nghiệp cho các em năm nay cũng được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời thỏa đáng.
Cục cho rằng: Để xét tốt nghiệp cho học sinh năm nay sẽ không chỉ dựa vào điểm trung bình 4 môn thi mà còn tính cả điểm trung bình của học sinh trong năm lớp 12, ngoài ra còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Nghĩa – Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết: Với một huyện miền núi như Tiên Yên thì không chỉ học sinh, phụ huynh mà cả các thầy cô giáo đều lo lắng cho kỳ thi này.
Do đặc thù trường có học sinh dân tộc, lực học của các em không đồng đều, không phải em nào cũng có nguyện vọng học lên cao mà có em chỉ mong xét đỗ tốt nghiệp.
Thế nên, nếu các em không đạt được nguyện vọng của mình thì các thầy cô giáo cũng phải có phần trách nhiệm trong đó. Tuy nhiên, sau khi được các thầy ở Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục giải đáp, chúng tôi thực sự hết lo, giờ chỉ chú tâm vào ôn luyện, củng cố kiến thức cho học sinh.
Chỉ còn hơn tháng nữa là Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra với bao kỳ vọng tạo nền tảng đổi mới chuyển biến tốt đẹp hơn cho nền giáo dục nước nhà. Chính phủ quan tâm, Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT liên tục có những chỉ đạo sát sao, kịp thời; nhà trường, các thầy cô giáo, đặc biệt là các thí sinh, phụ huynh và cả xã hội đang ngày càng thêm tin tưởng vào thành công của Kỳ thi quốc gia 2015.
Theo GD&TĐ