Kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Lo ngại bởi thiết bị nghe nhìn gian lận vẫn được rao bán tràn lan
Chiều nay (24/6), thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019 sẽ đến trường thi làm thủ tục dự thi. Thí sinh bắt đầu làm bài thi từ ngày 25 – 27/6/2019.
Năm nay, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học gồm 5 bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Điều đáng lo ngại, khi càng sát ngày thi, các thiết bị nghe nhìn gian lận vẫn được rao bán tràn lan…
Tất cả đã sẵn sàng trước giờ G. (Ảnh minh họa)
Tập huấn cán bộ coi thi về thiết bị công nghệ
Trước thềm kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, trên mạng xã hội và các cửa hàng bán thiết bị điện tử xuất hiện tràn lan và đắt khách khiến nhiều người lo lắng về tình trạng gian lận thi cử sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi. Nhằm đối phó với tình trạng này, Bộ giáo dục đào tạo đã mời đại diện Cục Công nghệ cao – Bộ Công an tham gia Ban Chỉ đạo thi. Và lực lượng này đã tập huấn kỹ cho các cán bộ coi thi và trực tiếp phối hợp với Bộ Bộ giáo dục đào tạo để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp.
Trước đó, ngày 12/6, cơ quan chức năng quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng vừa triệt phá một tụ điểm chuyên cung cấp các thiết bị công nghệ cho học sinh, sinh viên để nhằm mục đích gian lận trong thi cử, thu giữ 8 bộ tai nghe siêu nhỏ dạng hạt đậu, 17 bộ pin, 15 bộ tai nghe thường, 2 máy đọc thông tin cùng một số thiết bị công nghệ khác…
Ông Lê Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học FPT bày tỏ: “Điều tôi lo nhất là gian lận bằng công nghệ cao trong thi cử ngày càng nhiều. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị công nghệ mới có giá rẻ, dễ mua và sử dụng nhưng rất khó phát hiện như tai nghe mini, camera thu nhỏ, sử dụng thiết bị nghe lén dưới dạng thẻ ATM… kết nối từ trong ra ngoài khu vực thi.
Dù có lắp camera trong phòng thi cũng không thể phát hiện được”. Do đó, ông Lê Thanh Tùng đề xuất: “Cần kiểm soát khu vực phòng thi không được sử dụng điện thoại, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để phát hiện ngay có sóng thu-phát từ khu vực thi”.
Còn bà Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở giáo dục đào tạo Quảng Ninh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi của tỉnh cho biết, khó kiểm soát các thiết bị, phương tiện gian lận công nghệ cao tinh vi và có kích thước rất nhỏ được lưu hành trên thị trường. Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiến hành các phương án nhằm phòng chống việc này.
Qua theo dõi các diễn đàn trên mạng xã hội, cá nhân trao đổi về việc mua bán các thiết bị gian lận thi cử bằng công nghệ cao, cơ quan công an đã trực tiếp thông tin tới từng nhà trường có những thí sinh trao đổi về việc này.
Video đang HOT
Đại tá Ngô Kim Khôi, Cục A03, Bộ Công an cũng cho hay, qua thống kê sơ bộ, một số thiết bị công nghệ có thể thực hiện hành vi tiêu cực. Rất nhiều thiết bị như kính lắp camera, hay camera nằm ở cúc áo. Sử dụng thiết bị nghe lén dưới dạng thẻ ATM. Có những loại bút tàng hình, viết lên gỗ giấy thì không thấy nhưng khi chiếu đèn tia cực tím ở phần đuôi thì có thể nhìn thấy, đồng hồ thông minh,…
“Tinh vi đến đâu cũng phát hiện được…”
Trước thực tế trên, ông Tống Duy Hiến – Phó Chánh Thanh tra Bộ giáo dục đào tạo nhận định, dù quy trình có chặt chẽ đến đâu cũng có thể không đem lại hiệu quả nếu con người vận hành quy trình đó thiếu ý thức trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ được giao, vụ lợi cá nhân.
Vì vậy, theo yêu cầu của Bộ, cán bộ tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải bảo đảm có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; nắm vững quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi. 4.000 cán bộ thanh tra trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2019 sẽ được huy động cắm chốt ở 2.000 điểm thi.
Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở giáo dục đào tạocũng lưu ý cán bộ tổ chức thi những thiết bị gian lận thi cử ngày càng tinh vi. Ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở cho biết, việc đưa đường link trình chiếu nhận dạng thiết bị gian lận phòng thi lên trang web của Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội sẽ giúp mọi người có thể nghiên cứu, tìm hiểu các thiết bị này. Từ đó, hạn chế tối đa các thiết bị công nghệ cao có thể lọt vào phòng thi.
Nếu để thí sinh mang các thiết bị này vào phòng thi và sử dụng thì ngay lập tức đề thi sẽ bị lộ ra ngoài, gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, kiểm tra kỹ hồ sơ của thí sinh, cơ sở vật chất, máy photo copy, máy phát điện, túi đựng bài thi, giấy niêm phong và các nội dung liên quan đến cơ sở vật chất, để chúng ta bước vào với tâm thế điều kiện chuẩn bị tốt nhất.
Theo đại diện Công an Thành phố Hà Nội, hiện số lượng và chức năng của các thiết bị công nghệ cao này rất đa dạng, đặc biệt là các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, thu phát sóng. Do đó, nếu không chủ động nhận diện chính xác các thiết bị này và có thái độ kiên quyết chống tiêu cực, gian lận trong khi thi thì rất khó phát hiện.
Nếu để thí sinh mang các thiết bị này vào phòng thi và sử dụng thì kết quả chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng, vì ngay lập tức đề thi sẽ bị lộ và có thể lan truyền trên mạng xã hội, gây hậu quả khôn lường.
Tuy nhiên, theo Đại úy Hà Quang Huy, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an Thành phố Hà Nội cho biết, thiết bị dù tinh vi đến đâu nhưng sử dụng vẫn là con người. Do đó, nếu cán bộ coi thi kiên quyết chống gian lận, tiêu cực đến cùng thì sẽ phát hiện được.
Ví như, thí sinh đeo thiết bị nghe lén nhỏ như hạt đậu trong tai sẽ ngứa ngáy, dùng thiết bị ghi phát ra ngoài khi cầm đề sẽ giơ đề lên, lẩm bẩm đọc để truyền đề ra ngoài; thí sinh không tập trung làm bài thi, quan sát giám thị, mặc áo dày, để tóc dài che tai, gáy… Khi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao, cán bộ coi thi phải lập tức báo cáo điểm trưởng, lập biên bản, báo cáo lực lượng công an để có phương án xử lý, tránh tình trạng đề lọt ra ngoài.
Có thể nói, sự thành công của một kỳ thi quan trọng như kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia phụ thuộc trước tiên vào công tác tổ chức, càng chặt chẽ, khoa học, kỹ càng, chu đáo, thì càng ít xảy ra các sự cố đáng tiếc, càng đảm bảo sự công bằng, khách quan.
Sự nghiêm túc của kỳ thi còn phụ thuộc vào từng người tham gia vào kỳ thi này: từ thí sinh, phụ huynh, đến các cán bộ coi thi, chấm thi, làm công tác thanh tra, kiểm tra hay phục vụ cho kỳ thi. Nếu tất cả mọi người đều thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao và sự công bằng, chắc chắn kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc như nó cần phải có…
Trực thăng, tàu cao tốc chở đề thi Trung học phổ thông quốc gia ra các huyện đảo
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, huyện Côn Đảo có một điểm thi với gần 100 thí sinh. Một nửa giám thị của tỉnh, còn lại đến từ Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được máy bay trực thăng chở ra đảo trước kỳ thi diễn ra. Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Thành phố Vũng Tàu là nơi sao in đề thi, lưu trữ bài và chấm thi.
Từ đây, đề và bài thi được giao nhận hàng ngày. Riêng Côn Đảo, toàn bộ bài thi được chuyển về đất liền vào ngày cuối cùng của kỳ thi. Tại Quảng Ngãi, từ sáng 23/6, xe của Sở Giáo dục đào tạo đã xuống cảng Sa Kỳ để giao đề cho Hội đồng thi Lý Sơn. Đề thi sau đó được cảnh sát hộ tống trên tàu cao tốc về đảo. Tại Kiên Giang, tàu cao tốc chở đề thi cùng gần 100 cán bộ, giám thị coi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm nay đến Phú Quốc an toàn.
Uyên Na
Theo baophapluat
Một ngày trước kỳ thi THPT quốc gia: Thí sinh lo đề thi khó hơn đề minh họa
Ngày mai (25/6), thí sinh trên toàn quốc bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019, điều thí sinh lo lắng nhất vẫn là độ khó, dễ của đề. Trong khi đó, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, đề thi năm nay tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, vừa có câu hỏi dễ, vừa có câu hỏi có độ khó phù hợp.
Sáng 23/6, sĩ tử đến Văn Miếu Quốc Tử Giám cầu may trước khi thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngán với học sinh không học vẫn có điểm "khủng"
Nguyễn Thị Kim Thanh, học sinh lớp 12, Trường THPT Yên Khánh (Ninh Bình), cho rằng, nếu đề thi của Bộ GD&ĐT giữ đúng cấu trúc, độ khó như đề minh họa thì sẽ không làm khó thí sinh. Theo Thanh, đề minh họa kiến thức vừa phải, bao quát, không quá khó. "Suốt năm học cuối cấp, ngoài học chương trình trên lớp, tất cả các buổi chiều em cũng như các bạn ôn đều 6 môn thi. Tuy nhiên, trước kỳ thi em vẫn rất hồi hộp, lo lắng, đặc biệt là lo chuyện có những thí sinh gian lận, không học hành gì vẫn đạt mức điểm "khủng" trong khi những thí sinh học thật lại mất cơ hội", Thanh nói.
Chị Trần Thu Hà, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, trong quá trình luyện đề, thầy cô đánh giá con chị làm được đề ở mức khá, tức đạt mức điểm 7-8 nhưng con vẫn lo lắng đề thi thật sẽ khó hơn đề của thầy cô ra. "Vì thế, có ngày con học 4 ca ở trung tâm nhưng tối về vẫn thức học đến 1-2 giờ sáng. Chỉ mong thời tiết bớt nắng nóng để các con thi đỡ vất vả", chị Hà nói.
Các địa phương sẵn sàng
Đến sáng 23/6, các đoàn cán bộ, giảng viên cuối cùng đến từ các trường ĐH, CĐ đã về các địa phương để phối hợp tổ chức thi. Năm nay, có một số thay đổi như, trường ĐH, CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình. Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm, do đó vai trò các trường cũng nặng nề, lực lượng hùng hậu hơn. Đặc biệt, phó trưởng điểm thi là cán bộ thuộc trường ĐH, CĐ năm nay cũng phải trực bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, tránh tình trạng cán bộ địa phương lợi dụng buổi tối có thể can thiệp vào bài thi.
Với 125 điểm thi, trải rộng trên 30 quận, huyện và có tới 74.000 thí sinh dự thi, năm nay Hà Nội điều động gần 7.800 cán bộ, giảng viên, giáo viên coi thi. Năm nay với sự điều chỉnh một số điều kiện kỹ thuật nên Hà Nội đã sớm bắt tay vào chuẩn bị cơ sở vật chất, phối hợp với các lực lượng đảm bảo nguồn điện, y tế... Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, trước kỳ thi đã quán triệt tinh thần đến toàn bộ cán bộ, giáo viên coi thi nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thi, nếu phát sinh tình huống, các điểm thi phải báo cáo Ban chỉ đạo thi quốc gia của thành phố để xin ý kiến chỉ đạo, không chủ quan làm theo kinh nghiệm của mình.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết, năm nay địa phương có 32 điểm thi, điểm xa nhất trung tâm là 40 km. Đến thời điểm này, các phần việc chuẩn bị đã hoàn tất, cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ ở địa phương khác cũng đã về sớm cách kỳ thi 3 ngày để cùng họp, thống nhất công tác tổ chức thi. Ngày 24/6, các lực lượng sẽ vận chuyển toàn bộ đề thi về điểm thi. Với kinh nghiệm 4 năm tổ chức thi THPT quốc gia, cả phía tổ chức và thí sinh, phụ huynh đều không có nhiều lo lắng, căng thẳng vì đã làm tốt công tác chuẩn bị cũng như nắm rõ các điểm mới, quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ coi thi... Theo bà Tiến, trước kỳ thi, địa phương cũng lưu ý các trưởng điểm thi, nhắc nhở thí sinh về việc giữ gìn sức khoẻ, ghi nhớ thời gian, lịch thi và bình tĩnh làm bài thi.
ề vừa cơ bản vừa có câu hỏi khó
Về đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT xác định, quan trọng nhất của đề thi là phải đảm bảo chính xác, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình và có độ phân hoá phù hợp, đánh giá được khách quan năng lực của thí sinh. Kết quả thi là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh việc dạy, học phù hợp, đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Vì vậy, như đã công bố từ trước, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12. Đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Đề thi sẽ có nhóm các câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có các câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Để làm tốt bài thi, Thứ trưởng Độ cho rằng, thí sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, sức khỏe và kiến thức. Do đề thi sẽ ra theo hướng mở, có tính ứng dụng thực tiễn, nên thí sinh cần hệ thống lại và nắm chắc các nội dung đã học, chủ yếu trong chương trình lớp 12. Chỉ khi vững kiến thức, kỹ năng, các em mới có tâm lý tốt, tự tin để hoàn thành tốt bài thi.
Theo Tiền phong
Hà Nội yêu cầu đảm bảo quạt, máy phát điện cho các điểm thi THPT trong thời tiết nóng Trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2019, Ban chỉ đạo thi quốc gia yêu cầu 100% các điểm thi phải đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, điện, quạt phục vụ thí sinh. Học sinh lớp 12 THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh:...