Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Thanh tra lưu động cả ban đêm
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra từ ngày 25 – 27/6 với nhiều điểm mới so với các năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thi và giảm áp lực cho học sinh. Hiện nay, các tỉnh, thành trên cả nước đang “ráo riết” chuẩn bị công tác thi để đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Học sinh đang căng mình – chuẩn bị một kỳ thi vượt vũ môn
Công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành
Tại Thái Bình, năm nay, có 21.557 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 6.210 thí sinh thi chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, 695 thí sinh tự do thi để lấy kết quả xét tuyển cao đẳng, đại học và 2.425 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.
Theo kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, toàn tỉnh Thái Bình có 48 điểm thi với 919 phòng thi được đặt tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên và Trường Đại học Thái Bình; khoảng 2.600 cán bộ làm thi.
Kỳ thi THPT quốc gia tại Thái Bình năm nay do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Đại học Thái Bình và Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình tổ chức.
Theo ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, Sở đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đồng thời lên phương án để kịp thời giải quyết các tình huống xảy ra trước, trong và sau kỳ thi.
Năm nay, ngoài lực lượng thanh tra cắm chốt, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập 4 đoàn thanh tra lưu động thường xuyên thanh tra các khâu tổ chức kỳ thi, kể cả vào thời điểm ban đêm.
Bên cạnh đó, thành lập thêm lực lượng cán bộ coi thi dự phòng bao gồm cả cán bộ từ các trường đại học và các trường THPT trong tỉnh.
Sở chỉ đạo các trường THPT làm tốt công tác ôn tập cho học sinh nhưng tuyệt đối không cắt xén chương trình, thu đúng kinh phí ôn tập 12.000 đồng/buổi.
Ngoài ra, các trường THPT được đặt điểm thi phải chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đặc biệt là điện, nước phục vụ thí sinh và cán bộ coi thi trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đồng thời, cung cấp công khai hai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các ý kiến phản ánh về kỳ thi.
Video đang HOT
Đại tá Phạm Đình Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cho biết: Đến thời điểm này, Công an tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia; tổ chức bố trí lực lượng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại địa điểm in sao đề thi, địa điểm thi, khu vực chấm thi, tham gia vận chuyển đề thi, bài thi bảo đảm an toàn tuyệt đối và đúng quy chế.
Bên cạnh đó, có phương án và kịp thời xử lý các hiện tượng tiêu cực như tung tin thất thiệt, bán đề giả, đưa tài liệu vào phòng thi, đe dọa cán bộ coi thi… Tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông tại các bến xe, bến phà, các nút giao thông, kịp thời giải tỏa ùn tắc tại các tuyến đường thí sinh đi thi và tại các điểm tổ chức thi. ( Theo Đặng Anh – Báo Thái Bình)
Còn tại t ỉnh Hòa Bình, năm nay, có 8.991 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 514 thí sinh tự do với 1.190 cán bộ coi thi.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD &ĐT Hòa Bình đã tăng cường thanh tra, kiểm tra trước kỳ thi, điều động các đơn vị thực hiện kiểm tra chéo về công tác chuẩn bị trước kỳ thi.
Sau khi các đơn vị thực hiện kiểm tra chéo, Sở GD &ĐT đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra từ ngày 30/5 – 12/6 sẽ thanh tra tất cả các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên… để tập trung khắc phục các tồn tại mà đoàn kiểm tra chéo phát hiện. Tập trung vào nội dung: hồ sơ thí sinh, công tác ôn tập, chuẩn bị nhân sự tham gia làm thi, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án tổ chức coi thi…
Việc chuẩn bị công tác in sao đề thi đã được thực hiện đúng quy chế. Sở phối hợp với Công an tỉnh tiến hành khảo sát, chọn địa điểm in đề thi đảm bảo các yêu cầu đề ra của Bộ GD &ĐT. Việc tổng hợp dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu thi, sắp xếp phòng thi đã hoàn thành; tiến hành công tác in ấn các loại bảng biểu, danh sách thí sinh trong phòng thi theo môn thi và điểm thi, danh sách ảnh của thí sinh, thẻ dự thi…
Tỉnh Nam Định, năm nay, có 19.786 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó số thí sinh đang học lớp 12 và thí sinh tự do chưa tốt nghiệp các năm trước hệ THPT là 17.447 thí sinh, hệ GDTX là 1.740 thí sinh; số thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển đại học, cao đẳng là 599; số thí sinh dự thi chỉ xét tốt nghiệp THPT là 4.126 thí sinh; số thí sinh dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng là 15.061 thí sinh.
Trên cơ sở số lượng thí sinh, Sở GD và ĐT đã bố trí 859 phòng thi tại 34 điểm thi tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh. 5 trường đại học, cao đẳng phối hợp cùng tỉnh tổ chức kỳ thi trên địa bàn, gồm: Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Y tế cộng đồng, Đại học Kinh tế – kỹ thuật – Công nghiệp, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định. Theo đó, có 961 cán bộ, giáo viên, nhân viên của 5 trường đại học, cao đẳng trên về tham gia tổ chức thi tại tỉnh.
Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm GDTX, Giáo dục nghề nghiệp – GDTX hướng dẫn cho học sinh đăng ký dự thi; rà soát cho học sinh ký xác nhận, phân công kiểm tra chéo, sửa chữa tất cả sai sót thông tin về hồ sơ thí sinh.
Sở GĐ và ĐT cũng đã hoàn thành việc tập huấn nghiệp vụ về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, sắp xếp các điểm thi thuận lợi nhất cho thí sinh và cán bộ làm công tác thi.
Hải Phòng: Theo Sở Giáo dục-Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 toàn thành phố có 20.101 thí sinh đăng ký dự thi, gồm 17.914 thí sinh THPT, 776 thí sinh tự do và 1.411 thí sinh Giáo dục thường xuyên.
Hải Phòng có 42 điểm thi, với 857 phòng thi; số cán bộ giảng viên điều động của 5 trường đại học gồm: Nội vụ, Hàng hải Việt Nam, Hải Phòng, Dân lập Hải Phòng, Y Dược Hải Phòng, với tổng số 1.025 người và 1.090 cán bộ, giáo viên các trường THPT. Mỗi phòng thi có 1 cán bộ coi thi là người của trường đại học và 1 cán bộ coi thi là giáo viên THPT; mỗi điểm thi huy động 9 nhân viên gồm: công an, bảo vệ, lao công, nhân viên văn phòng, y tế.
Đề thi THPT quốc gia 2018: 40% kiến thức nâng cao
Thông tin từ Bộ GD-ĐT, nội dung thi năm 2018 nằm trong chương trình lớp 12 và lớp 11.
Theo ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), năm 2018, tỷ lệ câu hỏi khó, dễ trong đề thi tham khảo THPT Quốc gia không có sự thay đổi so với năm 2017.
Theo đó, đề thi có khoảng 60% kiến thức cơ bản, 40% nâng cao, nội dung câu hỏi chủ yếu trong chương trình lớp 12 và có một phần kiến thức lớp 11. Cấu tạo đề thi từ câu hỏi dễ đến khó, thí sinh có thể làm lần lượt các câu hỏi.
Ông Hồng cho biết, với kinh nghiệm của chúng tôi, các em học sinh học trong chương trình sách giáo khoa điểm sẽ cao và ít sai sót. Còn những học sinh muốn điểm cao ở những câu hỏi phân hoá, các em cần phải đào sâu kiến thức trong sách giáo khoa và nâng cao.
Nhật Hồng ( tổng hợp)
Theo Dân trí
QUẢNG NGÃI: Học sinh vùng cao nỗ lực ôn thi để "vượt vũ môn"
Điều kiện học tập không bằng học sinh ở đồng bằng, vì vậy học sinh các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi xác định phải nỗ lực hết mình để có thể "vượt vũ môn" trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Đồng hành với các em trong thời gian qua là những thầy cô tâm huyết với giáo dục vùng cao.
Đinh Thị Thái là học sinh lớp 12C1 trường THCS&THPT Phạm Kiệt (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Gần 2 tháng qua, Thái đều đặn đạp xe vượt quãng đường hơn 15 km từ nhà đến trường để ôn tập với trên 100 bạn học khối 12.
Đối với những học sinh vùng cao như Đinh Thị Thái thì môn tiếng Anh chính là môn thi "chua" nhất. Chính vì vậy, Thái dành nhiều thời gian hơn cho môn học này.
"Gia đình làm nông rất nhiều việc nhưng ba mẹ không cho em tham gia để có thời gian ôn thi. Em xác định mình yếu môn tiếng Anh nên tập trung nhiều thời gian hơn cho môn này. Ngoài thời gian ôn tập cùng thầy cô em còn dành toàn bộ thời gian ở nhà để bổ sung thêm kiến thức. Tụi em phải nỗ lực hết mình mới mong có kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới", Thái chia sẻ.
Học sinh trường THCS&THPT Phạm Kiệt huyện Sơn Hà nỗ lực ôn tập dưới sự hỗ trợ của giáo viên
Trong quá trình ôn tập tại trường, học sinh trường THCS & THPT Phạm Kiệt được sự chỉ bảo tận tình của thầy cô giáo. Tùy vào năng lực, nguyện vọng đăng ký dự thi của học sinh mà nhà trường bố trí thời gian ôn tập và giáo viên phụ trách phù hợp.
Thầy Đinh Văn Siếu - giáo viên môn Toán cho biết, đối với số học sinh có học lực tương đối thì ngoài việc ôn tập những kiến thức cơ bản giáo viên còn khuyến khích các em thử sức với bài tập nâng cao. Riêng những học sinh có học lực yếu, trung bình được giáo viên kèm cặp sát sao hơn để có thể đạt điểm trên trung bình ở các môn thi.
"Việc ôn tập được thực hiện theo từng chủ đề, bám sát các đề tham khảo. Đồng thời giáo viên cũng dựa vào năng lực của từng học sinh để có hướng ôn tập phù hợp. Mục tiêu đầu tiên là giúp các em đạt mức điểm trung bình trong kỳ thi sắp tới", thầy Siếu nói.
Thầy Lê Đức Quỳnh - Phó Hiệu trưởng trường THCS & THPT Phạm Kiệt, cho biết: hầu hết học sinh của nhà trường chọn tổ hợp khoa học xã hội. Đối với tổ hợp này thì hạn chế lớn nhất của các em chính là khả năng cập nhật thông tin thời sự. Để bù đắp hạn chế này các thầy cô giáo phải thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn các em làm quen với những câu hỏi mở.
Tại huyện miền núi Sơn Tây, 102 học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đang chạy đua với thời gian để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Huyện Sơn Tây là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ngãi với đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, học lực của đa phần học sinh chỉ ở mức trung bình. Chính vì vậy, toàn trường có 102 học sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có 38 em đăng ký xét tuyển đại học.
Dù mục tiêu không quá cao nhưng học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng vẫn phải nỗ lực hết mình. Buổi sáng các em đến lớp ôn thi tập trung, buổi chiều ôn thi theo nhóm, buổi tối tự ôn tập ở khu nội trú. Trong quá trình đó, thầy cô giáo của nhà trường luôn sát cánh cùng các em.
Đa phần học sinh vùng cao có học lực còn hạn chế nên các em xác định phải nỗ lực hết mình khi ôn thi
Thầy Lê Cao Đồng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: trên cơ sở nắm rõ học lực của học sinh, nhà trường đã phân loại theo nhóm để tổ chức ôn tập. Thời gian ôn tập trên lớp đối với các môn bắt buộc là 6 tiết/tuần, đối với các môn tự chọn mỗi tuần có 4 tiết ôn tập.
Cũng theo thầy Đồng, nhà trường còn phân công giáo viên theo dõi từng phòng bán trú để nhắc nhở các em ôn bài. Bất cứ lúc nào các em cần sự trợ giúp giáo viên sẽ đến tận phòng hỗ trợ với mong muốn các em "vượt vũ môn" thành công.
Quốc Triều
Theo Dân trí
Bí kíp giành 3 điểm 10 khối B của thủ khoa ĐH Y Hà Nội: 'Nhanh và chính xác' Xuất sắc dành được 3 điểm 10 khối B, chàng sinh viên năm nhất trường ĐH Y Hà Nội - Hồ Phi Khánh mới đây đã có những chia sẻ xoay quanh việc ôn tập và thi cử dành cho những sĩ tử. Trò chuyện với Thủ khoa hôm nay sẽ giới thiệu đến các sĩ tử câu chuyện về chàng trai đạt...