Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Các môn tổ hợp sẽ “làm khó” học sinh
Theo nhận định của nhiều giáo viên THPT, đề thi minh họa các môn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 so với đề thi chính thức năm 2017 đã có sự “chênh lệch” rõ nét. Đặc biệt, ở tổ hợp môn thi Tự nhiên hay Xã hội, các môn thành phần cũng luôn bố trí nhiều câu hỏi khó để phân loại thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay.
Đề thi tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được dự báo đạt điểm cao sẽ rất khó. Ảnh minh họa: Q.Anh
Tổ hợp môn Xã hội: Khó đạt điểm cao
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 (tổng cộng 14 đề thi), nhiều nhà trường, giáo viên và cả học sinh, thí sinh bắt tay vào “nghiên cứu” để đề ra hướng học, ôn tập hiệu quả. Không riêng gì các môn thi bắt buộc như Ngữ văn, Toán hay Ngoại ngữ, các môn thành phần của tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội cũng đã tăng dần độ khó so với các năm trước. Nhiều giáo viên nhận định, căn cứ vào đề thi tham khảo có thể thấy đề thi chính thức năm nay khối lượng lớn hơn (chương trình lớp 12 và lớp 11), câu hỏi khó cũng chiếm đến từ 20-27% trong đề thi cũng là thử thách cho các thí sinh.
Thầy Trần Văn Năng, Giáo viên môn Giáo dục công dân (THPT) ở Hà Nội nhận xét, trọng tâm của đề thi vẫn là kiến thức lớp 12, các câu hỏi kiến thức lớp 11 dù ít nhưng trải đều ở tất cả các chuyên đề. “So với đề thi chính thức của năm 2017, đề tham khảo 2018 có độ khó hơn hẳn. Các câu hỏi khó tăng, chiếm khoảng 30%. Trong đó, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao thuộc các chuyên đề: Công dân với các quyền tự do cơ bản, Công dân với các quyền dân chủ, Pháp luật với sự phát triển của công dân… Như vậy, các thí sinh sẽ phải ôn tập nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, luyện tập vất vả hơn để có thể đạt kết quả cao”, thầy Năng nhận định.
Tương tự, ở môn Lịch sử dù đã trở thành môn thi thành phần, đề thi theo hình thức trắc nghiệm, nhưng nhiều giáo viên nhận định, nếu đề ra như đề tham khảo, thí sinh sẽ khó đạt điểm 8. Theo đánh giá của Tổ Lịch sử ( Hệ thống giáo dục Học Mãi), nội dung kiến thức trong đề thi minh họa năm 2018 bao gồm chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, trong đó nội dung lớp 11 chiếm khoảng 25%. Đáng chú ý, trong đề thi các câu hỏi khó tăng, chiếm tới 30%, đồng thời cũng được thể hiện ở mức độ khó của các câu hỏi, nhất là các câu hỏi được cho là dùng để phân loại thí sinh.
Trong đề thi tham khảo môn Lịch sử, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao là 37, 39, 40… các câu hỏi này rơi vào các chuyên đề: Việt Nam 1945 – 1954; Việt Nam 1954 – 1975; Á – Phi – Mĩ Latinh 1945 – 2000; Quan hệ quốc tế 1945 – 2000.., đặc biệt không có câu hỏi khó rơi vào kiến thức lớp 11. Do đó, các thí sinh cần phải ôn luyện đầy đủ các chuyên đề, luyện tất cả các dạng bài liên quan, bởi đề thi tham khảo nên không thể bao phủ toàn bộ kiến thức học sinh cần nắm được.
Video đang HOT
Tổ hợp môn Tự nhiên: Khó đạt điểm 8
Không riêng các môn tổ hợp Xã hội, ở các môn trong tổ hợp môn Tự nhiên, độ khó của đề thi tham khảo cũng đã được nâng lên, điều này đúng như chủ trương của Bộ GD&ĐT nhằm phân loại thí sinh và hạn chế “mưa điểm” 10 như đã xảy ra ở kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Theo thầy Nguyễn Thành Công, Giáo viên môn Sinh học (Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm) nội dung kiến thức trong đề thi tham khảo kì thi THPT Quốc gia năm 2018 bao gồm chương trình lớp 11 và lớp 12, trong đó phần kiến thức lớp 11 chỉ chiếm khoảng 20% tổng số câu hỏi của đề.
Về độ khó của đề Sinh học, theo đánh giá của thầy Nguyễn Thành Công: “So với đề thi THPT Quốc gia năm 2017, đề thi tham khảo có độ khó hơn hẳn. Điều này được thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng, chiếm khoảng 25% nhưng đồng thời cũng được thể hiện ở mức độ khó của các câu hỏi, nhất là các câu hỏi được cho là dùng để phân loại thí sinh. Trong đó, các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao là câu 114 đến câu 120, các câu hỏi này thường rơi vào các chuyên đề các quy luật di truyền, cơ chế di tryền và biến dị, di truyền người và di truyền quần thể, các câu thuộc kiến thức lớp 11 thuộc mức độ dễ và trung bình”.
Cho rằng cấu trúc đề thi đã được thay đổi ở môn Vật lý, thầy Nguyễn Ngọc Hải, Giáo viên THPT môn Vật Lí (Hệ thống giáo dục Học mãi): “Cấu trúc của đề thi tham khảo lại không hoàn toàn giống như trước, tỉ lệ phân bố nội dung câu hỏi giữa kiến thức lớp 12 và lớp 11 vào khoảng 5:1. So với đề thi năm 2017, đề thi tham khảo 2018 có độ khó tương đương. Các câu hỏi khó, có tính phân hóa cao chủ yếu vẫn tập trung ở các chuyên đề lớp 12 như: Dòng điện xoay chiều (câu 37). Không có sự sắp xếp rõ ràng trong việc tăng dần mức độ khó của các câu, 3 câu cuối không phải những câu khó nhất”.
Đối với môn Hóa học, một số giáo viên dạy môn Hóa học bậc THPT cho biết, các câu hỏi xuất hiện trong đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12 nhưng trọng tâm vẫn là kiến thức lớp 12. Độ khó của đề thi cũng cao hơn hẳn so với năm trước, điều này được thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó tăng (có 5 – 6 câu khó so với 4 câu của năm 2017). Với dạng đề thi này, các thí sinh tham dự kì thi THPT Quốc gia 2018 phải ôn tập nhiều hơn, đặc biệt là nếu muốn có thêm cơ hội để đứng chân ở các trường đại học “top trên”.
Theo Giadinh.net
Đề thi minh họa: Đảm bảo yêu cầu phân hóa người học
Điểm mới của các đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018 năm nay được đánh giá là kiến thức được trải rộng ở cả lớp 11, chứ không chỉ riêng lớp 12 như mọi năm.
ảnh minh họa
Đề Văn hay, có tính phân hóa cao
Đánh giá về đề thi minh họa môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Tuyết (giáo viên Trường THPT Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, đề thi đảm bảo được yêu cầu kiểm tra kiến thức của học sinh để tốt nghiệp THPT và có sự phân hóa để sàng lọc thí sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Đề thi gồm 2 phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Phần Đọc hiểu không có gì là lắt léo, khó hiểu. Tư liệu, dẫn chứng để làm rõ cho phần Đọc hiểu có liên quan đến phần Làm văn.
Ở phần Đọc hiểu, học sinh chỉ cần nắm kiến thức cơ bản là có thể làm ngay nhưng cũng chiếm một số lượng thời gian bao gồm đọc hiểu và viết trả lời 4 câu hỏi. Phần Làm văn với câu hỏi 2 điểm cũng yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ nữa đã chiếm khoảng 1/3 thời gian làm bài thi.
Trong khi đó, điểm mới và khó ở câu 3 là đề yêu cầu học sinh nêu cảm nhận và so sánh hình tượng Người lái đò vượt thác (Người lái đò sông Đà) và cảnh cho chữ của nhân vật Huấn Cao (Chữ người tử tù). Đây là hai hình tượng của hai tác phẩm khác nhau nhưng của chung một tác giả, thế nhưng mỗi tác phẩm nằm ở hai lớp 11 và 12. Cảnh cho chữ và hình tượng người lái đò vượt thác là hai phần rất hay trong 2 tác phẩm của Nguyễn Tuân nhưng để tiếp cận và hiểu hết ý học sinh cần nhiều thời gian mới thể hiện hết được.
Với học sinh chuyên về các môn xã hội thì đề thi không quá khó nhưng với học sinh thiên về các môn khoa học tự nhiên thì tương đối khó. Bởi học sinh phải có những đánh giá và nhận định về hai hình tượng trong hai giai đoạn khác nhau để đưa ra nhận xét, bình luận. Đây cũng câu hỏi phân hóa trình độ của học sinh khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Đề thi minh họa có cả chương trình lớp 11 và 12 cũng là yêu cầu học sinh học tập, ôn luyện toàn diện hơn, tránh học tủ, học lệch.
Theo cô Tuyết, đề Văn tương đối dài so với thời gian, vì thế khi ôn luyện, học sinh cần rèn luyện cách làm bài, viết văn ngắn gọn, súc tích, tránh dàn trải. Khi kết nối các ý trong đoạn văn, các em cần biết chuyển ý để sao cho vẫn đề cập đầy đủ ý trong một dung lượng chỉ khoảng 200 chữ.
Học sinh cần liên hệ giữa một tác giả với những tác phẩm đã học trong chương trình THPT, có sự liên hệ các tác phẩm văn học với đời sống thực tiễn phong phú để đạt điểm cao.
Đề thi môn Vật lý cần thêm bài tập vận dụng
về đề thi minh họa môn Vật lý, TS Bùi Đình Tú - giảng viên Khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano - Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) cho biết, về mặt nội dung đề thi nằm trong chương trình Vật lý THPT kiến thức trải rộng từ lớp 11 đến hết lớp 12.
Đề thi gồm 2 phần chính: Phần thứ nhất câu hỏi trả lời nhanh, chỉ cần học sinh nắm vững các nội dung lý thuyết trong sách giáo khoa, phần này gồm khoảng 20 câu; Phần thứ 2 các câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức để giải các bài tập.
Về mặt phân bổ các câu (Cơ, Điện, Quang, Vật lý hạt nhân) là tương đối đồng đều. Tuy nhiên đề thi minh họa có thể chưa đạt được sự phân loại giữa học sinh khá và giỏi. Vì mỗi phần nội dung chưa có được câu hỏi ở mức khó để phân loại. Về mặt này nên thay mỗi phần nội dung 1 câu hỏi, 1 bài tập ở mức vận dụng sâu hơn để phân loại.
Về mặt ưu điểm, học sinh có thể hình dung ra được dạng đề thi và những nội dung sẽ được đề cập trong đề thi để định hướng tốt hơn cho học sinh trong quá trình chuẩn bị kỳ thi.
TS Bùi Đình Tú cho biết, đề thi Vật lý cần đề cao khả năng vận dụng linh hoạt các kiến thức lý thuyết vào bài tập thực tế. Đề thi minh họa không quá dễ với học sinh trung bình và trung bình khá nhưng để phân loại học sinh khá và giỏi có vẻ chưa đạt được.
Thầy Tú đề xuất liên quan đến phần nội dung chưa có được câu hỏi ở mức khó để phân loại. Theo đó, nên thay mỗi phần nội dung (Cơ, Quang, Điện, Hạt nhân) 1 câu hỏi, 1 bài tập ở mức vận dụng sâu hơn để phân loại. Cần có thêm những câu hỏi để phân loại học sinh khi xét tuyển vào đại học.
Theo Giaoducthoidai.vn
Hướng dẫn giải đề thi minh hoạ môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018 Báo giới thiệu hướng dẫn giải đề thi minh hoạ môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Nhận xét đề minh hoạ môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ngày 24/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ông bố đề minh họa môn Ngữ Văn THPTQG cho năm học 2018. Cấu trúc đề thi năm nay...