Kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Đề thi ra như nào là ‘cơ bản’?
(VietQ.vn) – Tranh cãi xung quanh đề thi THPT Quốc gia 2015: Thế nào là “cơ bản”? Trả lời báo chí về đề thi THPT Quốc gia 2015, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi sẽ có 60% kiến thức cơ bản, 40% là nâng cao.
Nhưng như thế nào là “cơ bản”? Trả lời Chất lượng Việt Nam về vấn đề này, ông Trinh cho biết, những kiến thức cơ bản nằm trong sách giáo khoa; còn kỹ năng cơ bản của học sinh có nhiều thứ, trong đó có việc lặp theo những gì đã được dạy.
Đề thi THPT Quốc gia 2015: Như nào là “cơ bản”?
Video đang HOT
Ông Trinh khẳng định, các công việc chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã được hoàn thành.
Việc tuyển dụng cán bộ coi thi đã được bố trí, sắp xếp hợp lý.
“Đề thi sẽ theo hướng đánh giá năng lực của người học. Hạn chế ghi nhớ máy móc. Các em phải dùng kiến thức, năng lực, vốn sống tổng hợp…để làm các câu hỏi này. Đề thi có 60% là cơ bản, phần nâng cao là 40%. Trong đề thi, sắp xếp câu hỏi theo độ khó tăng dần; kiến thức chủ yếu nằm trong lớp 12″ – Cục trưởng Khảo thí khẳng định.
Đánh giá về điểm thi thử của các trường còn thấp, ông Mai Văn Trinh cho biết, mục đích của kỳ thi THPT Quốc gia 2015 là đánh giá chính xác năng lực của người học; trên cơ cở đó điều chỉnh dạy học.
“Tất cả các cụm thi không có sự phân biệt để đảm bảo khách quan, công bằng. Đề thi phù hợp điều kiện dạy học…Vừa rồi một số tỉnh có thi thử, tâm thế học sinh có thể chưa thật sự nỗ lực. Mặt khác, đề thi thử khác đề thi thật. Hơn nữa, chúng tôi đã điều chỉnh đề thi chính thức THPT Quốc gia 2015 cho phù hợp, khi biết kết quả thi thử” – ông Mai Văn Trinh cho biết.
Trong khi đó tại Hà Nội, Sở GD-ĐT yêu cầu các điểm thi phải đảm bảo đủ chỗ ngồi cho thí sinh dự thi, kích thước bàn ghế phù hợp với thí sinh và đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh theo hàng ngang không dưới 1,2 m.
Phòng thi phải đảm bảo ánh sáng, thoáng, tiến hành vệ sinh phòng thi, mặt bàn và ghế, thay thế những bóng đèn, quạt hỏng, những bàn ghế có nguy cơ gãy hỏng. Cửa ra vào và cửa sổ phòng thi phải đảm bảo an toàn. Tại hành lang mỗi phòng thi để một bàn để cặp sách, tư trang của thí sinh.
Sở yêu cầu các điểm thi quan tâm đặc biệt đến các phòng thi gần nhà dân, gần đường giao thông. Các phòng thi này phải có cửa sổ chắc chắn và phải đóng khi thí sinh đang thi, đảm bảo không để lọt đề thi ra ngoài.
Mỗi điểm thi phải có một phòng thi dự phòng đủ chỗ cho 28 thí sinh.
Về vấn đề bố trí ăn, ở cho các cán bộ của Học viên Ngoại giao làm nhiệm vụ coi thi, Sở GD-ĐT cho biết, Sở không bố trí được xe đưa đón và tại các điểm thi cũng không có chỗ để cán bộ coi thi ăn, ngủ. Vì thế, các cán bộ làm công tác thi phải tự túc. Theo quy định, các khoản chi phí này sẽ được nhà nước thanh toán qua Học viện Ngoại giao.
Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu đặt ra là các cán bộ coi thi dư trong những buổi thi ít phòng thi có được nghỉ hay không, ông Đại cho biết điều này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của trưởng điểm thi.
Trong kỳ thi năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ chủ trì 1 cụm thi với 27 điểm thi, phục vụ cho hơn 11.000 thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo vietQ.vn