Kỳ thi quốc gia 2015: Mong ước “thấu tình đạt lý” của người trong cuộc
Việc đánh giá, cho điểm học sinh lớp 12, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy, cô giáo đang đứng lớp có chung những băn khoăn, lo ngại…
Thầy nghiêm, trò trung thực và tự trọng thì lo gì tiêu cực thi cửThầy Văn Như Cương: Làm sao để cho người đỗ không bị oanNhững thí sinh thuộc diện cộng điểm trong Kỳ thi THPT quốc gia
LTS: Kỳ vọng nhiều vào kỳ thi quốc gia năm nay, một lần nữa, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc- có kinh nghiệm gần 20 năm làm giáo dục, hàng chục năm làm công tác thi cử- lại nói lên tâm nguyện của mình.
Những ý kiến của thầy Ngọc rất xác đáng, Tòa soạn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 do Bộ GD và ĐT tổ chức lần đầu tiên hướng tới 2 mục tiêu, vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa tham gia xét tuyển ĐH, CĐ.
Từ 2 kỳ thi riêng, cách nhau chỉ một tháng, gây áp lực và hao tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của của phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và Nhà nước, thì nay chỉ còn 1 kỳ thi, số lượng môn thi từng thí sinh không nhiều (bình quân vào khoảng 5-6 môn), di chuyển, đi lại gần…rõ ràng đem lại nhiều lợi ích, thuận tiện to lớn cho học sinh, phụ huynh và nhà nước.
Do vậy, phụ huynh, học sinh, nhà trường, các nhà quản lý giáo dục rất trông mong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp diễn ra sẽ ” thuận buồm xuôi gió”, phản ánh được thực chất; an toàn, đúng quy chế.
Trong nhiều nhân tố, lực lượng tham gia vào kỳ thi quan trọng, có tính bước ngoặt này thì nhân tố, lực lượng, đội ngũ thầy cô giáo trường THPT, các trường ĐH, CĐ có tính chất quyết định nhất, từ khâu đánh giá, cho điểm đến khâu coi thi, chấm thi…
Video đang HOT
Về việc đánh giá, cho điểm học sinh lớp 12, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và thầy cô giáo đang đứng lớp đang có chung băn khoăn, lo ngại rằng: số môn thi ít đi (do chưa đủ điều kiện tiến tới thi các bài tổng hợp, liên môn) có thể sẽ kéo theo hệ quả là học sinh sẽ học lệch, chỉ chú trọng vào các môn thi tốt nghiệp và ĐH-CĐ; cho tự chọn 1 môn thi còn lại (cộng với từ 1 đến 2 môn để xét tuyển sinh ĐH, CĐ) học sinh sẽ bỏ rơi các môn xã hội, các môn thi theo hình thức tự luận.
Năm nay, việc thi cử được dự đoán là sẽ giảm gánh nặng cho thí sinh và gia đình.
Thực tế, một bộ phận học sinh có tư tưởng thực dụng đó, ở một số nhà trường, hai năm nay, khi đăng ký xong các môn tự chọn nhiều học sinh có dấu hiệu chán nản, lơ là, thiếu tập trung học những môn không thi, không đăng ký thi khiến thầy cô giáo khó chịu, bức xúc, buồn lòng.
Về điều kiện được dự thi tốt nghiệp THPT, theo tôi, Bộ GD & ĐT nên quy định, bổ sung thêm, trường hợp học sinh học lực loại yếu năm lớp 12 sẽ không được dự thi tốt nghiệp. Quy định thêm như vậy buộc học sinh phải học nghiêm túc.
Tính tự giác, ý thức học tập toàn diện của một bộ phận học sinh Việt Nam lâu nay thường không cao, do đó cần những chế tài, quy định đủ mạnh để làm chuyển biến, thay đổi những hành vi, thói quen chưa tốt.
Là một người đang quản lý trường học, có gần 20 năm giảng dạy bậc THPT, tôi lại có suy nghĩ rằng việc học sinh học lệch, thiếu toàn diện hay không, nó phụ thuộc nhiều vào cách quản lý, đánh giá, kiểm tra của nhà trường, thầy cô giáo.
Trường nào, thầy cô nào cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm cho đúng, đánh giá cho chính xác theo quy định, chuẩn của Bộ đã ban hành, em nào học yếu, không đủ điểm, thì liệu có học sinh nào dám chểnh mảng, lơ là việc học tập các môn không thi tốt nghiệp và đại học không?
Năm ngoái, khi Bộ GD & ĐT đưa kết quả học tập lớp 12 tham gia vào công nhận tốt nghiệp THPT … thì đã có dấu hiệu một số nhà trường, thầy cô, nhất là các trường ngoài công lập, vì ” bệnh” thành tích, vì muốn học sinh của mình không bị “thua thiệt” so với học sinh trường khác nên đã dễ dãi, nhẹ nhàng trong việc cho, nâng điểm đồng loạt các bộ môn văn hóa, đẩy các con điểm lên cao, không phản ánh đúng thực chất về học tập của học sinh.
Nhiều lãnh đạo trường và thầy cô giáo bây giờ rất “khôn khéo”, ” kín đáo”, ” tế nhị” khi xử lý, làm những việc trong nháy nháy ấy. Còn phụ huynh, học sinh thì khỏi phải nói, được nhà trường, giáo viên “quan tâm”, “tạo điều kiện” như vậy thì vui mừng lắm, vì có lợi mà.
Năm nay, Bộ GD và ĐT tiếp tục sử dụng kết quả văn hóa lớp 12 vào xét tốt nghiệp và nhiều trường ĐH, CĐ dùng kết quả ấy, kể cả mặt hạnh kiểm, học bạ 3 năm để xét tuyển sinh, khi mà công tác thi cử được đổi mới, được xiết chặt, khi mà lợi ích điểm số, hạnh kiểm trong quá trình dạy- học càng thiết thực hơn thì mối lo lắng về tình trạng nâng điểm văn hóa, hạnh kiểm cho học sinh không chỉ ở lớp 12 mà còn ở lớp 10, 11 ở một số nhà trường, giáo viên không phải là không có cơ sở.
Cấp trên, các Sở GD và ĐT thử lấy số liệu về kết quả học tập và hạnh kiểm của học sinh lớp 12 từ các trường, rồi làm biện pháp thống kê, so sánh, đối chiếu, phân tích…sẽ thấy ngay có hiện tượng “tháo khoán” tại cơ sở giáo dục hay không? Làm để biết thực tế thôi, chứ nhằm quy kết cụ thể thì vô cùng khó khăn, vì các đơn vị trường, thầy cô giáo có đủ lý lẽ, nguyên nhân để biện luận, phản bác.
Chúng tôi được biết, trước đây, những năm 1999, 2000, Bộ Giáo dục có quyết định tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh có kết quả học lực và thi tốt nghiệp loại giỏi.
Khi người ta đã biết lợi ích lớn đó nên đã thi nhau nhờ, cậy, dàn xếp với giáo viên, nhà trường cho điểm thật cao, xếp loại thật thoáng, số học sinh được tuyển thẳng đại học các năm sau nhiều đến bất thường. Thấy không ổn trong thực hiện quyết định trên, mấy năm sau, Bộ Giáo dục cho bỏ.
Con người Việt Nam nói chung, đội ngũ thầy cô giáo, quản lý giáo dục nói riêng, với cái chất văn hóa vốn “nặng chủ nghĩa duy tình”, nhiều khi làm việc tùy tiện, vô tổ chức, thiếu tôn trọng quy định, pháp luật cũng là căn nguyên để nhiều quyết sách, định hướng đúng đắn, tích cực của ngành bị phá sản, đi vào ngõ cụt. Nhược điểm này, bao giờ chữa được?
Xét cho cùng, để chống tiêu cực có thể nảy sinh trong việc đánh giá, cho điểm học sinh lớp 12 năm nay, trước hết đó là trách nhiệm, lương tâm của thầy cô giáo, nhà trường. Nói không với bệnh thành tích, gian dối trong thi cử, không thể là những lời nói suông, trên giấy hay hội nghị mà bằng những việc làm đúng đắn của nhà trường, thầy cô giáo, góp phần đánh giá đồng bộ, khách quan, chính xác giữa các trường, các địa phương.
Nếu ai cũng chỉ nghĩ cho học sinh mình, địa phương mình thì muôn năm nữa nền giáo dục này vẫn cứ vậy, những điểm mới, điểm tích cực của cấp trên đưa xuống triển khai sẽ sớm tàn lụi.
Về phía Sở Giáo dục khi phát hiện thấy một số trường có kết quả đánh giá học lực học sinh lớp 12 cao một cách bất thường cần có ngay động thái kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý. Cứ để cho cơ sở giáo dục bên dưới tự tung, tự tác thì e không ổn.
Cách thức tổ chức thi THPT quốc gia tới đây cần làm nghiêm túc, đồng bộ, đúng quy chế ở mọi hội đồng, cụm thi. Kể từ khi không còn thanh tra Bộ ủy quyền tại các hội đồng thi, 5 kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây để xảy ra nhiều tiêu cực, thí sinh ngang nhiên gian lận, quay cóp, sử dụng tài liệu; hội đồng thi, nhiều thầy cô thì dễ dãi, hời hợt, mặc kệ, dẫn đến hậu quả đánh giá không thực chất, toàn con số ảo, học sinh càng khinh nhờn, lơ là việc học hành, giáo viên ngán ngẩm, chán nản.
Lỗi tại ai? Tất cả lỗi thuộc về người lớn, thầy cô giáo, nhà trường làm việc, đánh giá, thi cử không đến nơi đến chốn. Bệnh thành tích vẫn còn đè nặng. Bà con, quan hệ, gửi gắm. Dễ người dễ ta. Có tư tưởng hoài nghi, ngờ vực trong nội bộ, mình coi thi đúng quy chế, chắc gì họ (đồng nghiệp trường khác) coi thi giống như mình. 12 năm học vất vả, “tội” học sinh, thôi dễ dãi, nhẹ nhàng cho đậu hết cho rồi.
Mà cái bằng tốt nghiệp lớp 12, kể cả ĐH, CĐ bây giờ có nghĩa gì đâu. Thậm chí, có chuyện cười ra nước mắt trong khâu tổ chức coi thi, thầy cô giáo nào trông thi nghiêm túc, thực hiện đúng chức trách, quy chế thì lãnh đạo hội đồng thi, các giáo viên khác cho đó là dạng người ” khùng”, người ” dị hợm”….
Rồi họ dùng mọi cách đến để thuyết phục, xin tha lập biên bản cho thí sinh vi phạm, các buổi thi sau, bị đẩy ra ngoài làm giám thị hành lang, giám thị hội đồng để hạn chế việc “diệt” thí sinh, “thủ tiêu” những thầy cô làm đúng quy chế.
Có trải nhiệm trực tiếp, bao năm thì mới thấy hết nội tình, những câu chuyện, tình huống bi, hài trong thi cử ở Việt Nam ta. Chính vì vậy, một bộ phận thầy cô giáo từng tâm huyết, muốn việc dạy- học, thi cử đâu ra đấy thì nay đã mất hẳn niềm tin, có biểu hiện chán nản, mệt mỏi; ngại sợ khi được điều động đi coi thi.
Chúng tôi, người trong cuộc thiết nghĩ, muốn giáo dục nước nhà mạnh lên, có bước chuyển biến về chất, trường học kỷ cương, nề nếp, học sinh học tập toàn diện, thi cử nghiêm túc, không gian dối… gần như phụ thuộc tất cả vào hành động của đội ngũ thầy cô giáo, đặc biệt bộ phận quản lý, lãnh đạo nhà trường.
Cán bộ quản lý, thầy, cô giáo không nêu gương, không hưởng ứng, không quyết tâm, còn quá nhiều “cái tôi”… thì mọi ý tưởng hay, quyết sách đúng của ngành giáo dục cũng trở thành vô nghĩa.
Theo Giaoducvietnam.vn