Kỳ thi đổi mới, cần chủ động trước những tình huống mới
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc
GD&TĐ – Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng khi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thi THPT quốc gia tại tỉnh Ninh Thuận sáng nay (27/6).
Trong quá trình đổi mới cho kỳ thi lần này, vai trò của truyền thông rất quan trọng. Đề nghị Ban chỉ đạo thi hết sức hỗ trợ cho báo chí, truyền thông tác nghiệp, tuyên truyền cho kỳ thi trên tinh thần minh bạch, rõ ràng để toàn xã hội biết.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng
Video đang HOT
Cụm thi số 31 (do ĐH Đà Lạt chủ trì) gồm Ninh Thuận và Lâm Đồng được xem là cụm có nhiều khó khăn do đặc thù của địa phương. Chính vì thế, công tác tổ chức, hỗ trợ học sinh – đặc biệt là học sinh người dân tộc, học sinh thuộc diện khó khăn – được tỉnh đặc biệt chú trọng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết: Qua ghi nhận và đánh giá của đoàn công tác cho thấy việc thực hiện quyết định 04 Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT của tỉnh Ninh Thuận là rất tốt. Có thể khẳng định tỉnh Ninh Thuận đã sẵn sàng cho kỳ thi.
Thứ trưởng đặc biệt ấn tượng với công tác hỗ trợ cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý Ban chỉ đạo cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến từng hội đồng thi, dù tỉnh Ninh Thuận đã sẵn sàng mọi công tác, nhưng không được chủ quan.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Đổi mới bao giờ cũng kèm theo những tình huống mới, cần chủ động để xử lý mọi tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Đặc biệt, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tới đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số; nghiêm túc nhắc nhở, lưu ý tới đội ngũ cán bộ coi thi của chúng ta, tăng cường trách nhiệm của từng cán bộ, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Với học sinh đi thi, chúng ta cần làm hết sức để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc khách quan đến với thí sinh (tai nạn, di chuyển, ăn ở).
Chúng ta minh bạch cho phụ huynh, toàn xã hội biết để mọi người cùng với ngành giáo dục giám sát về kỳ thi. Để kỳ thi thành công, sự đổi mới lần này đi đến thắng lợi, không thể không có sự giám sát, đồng hành của toàn xã hội. Một khi xã hội đồng lòng, dù có bất cứ khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua”.
Đánh giá rất cao công tác chuẩn bị và hỗ trợ của tỉnh Ninh Thuận cho số học sinh di chuyển lên cụm thi Đà Lạt và số học sinh thi tại địa phương, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng và đoàn công tác lưu ý Ban chỉ đạo thi của tỉnh Ninh Thuận về công tác vận chuyển, bảo mật đề thi trong quá trình di chuyển; tỉnh cần tập huấn thật kỹ công tác thanh tra, giám sát, nghiệp vụ coi thi của cán bộ coi thi, công tác chấm thi, cũng như việc đảm bảo an ninh trường thi cần phải được làm thường xuyên, trên tinh thần và ý thức trách nhiệm cao nhất.
Việc cán bộ trường ĐH Kinh tế TPHCM cử ra giúp tỉnh cần minh bạch rõ ràng nhiệm vụ, vai trò và vị trí của mình (nếu giám sát thì giám sát bên trong)
Ông Nguyễn Bá Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Ban chỉ đạo cụm thi địa phương – cho biết: Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị, hỗ trợ cho thí sinh đi thi đã được tỉnh, ngành giáo dục chuẩn bị đặc biệt kỹ lưỡng.
Với số lượng gần 5.000 học sinh dự thi tại cụm thi Đà Lạt, cùng với việc hỗ trợ chi phí đi lại, chỗ ăn ở khi di chuyển lên Đà Lạt thi, 500 em thuộc diện khó khăn đã được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ em, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh còn hỗ trợ toàn bộ vé xe đi và về.
Với số học sinh thuộc hai trường PTDTNT của tỉnh, Ban chỉ đạo của trường thi Đà Lạt thống nhất đưa đón, nhận bố trí chỗ ăn ở cho các em ngay tại trường.
UBND tỉnh Ninh Thuận, ngành giáo dục và các ban ngành đã hỗ trợ gần 5.000 thí sinh dự thi tại cụm thi tại Đà Lạt phương tiện di chuyển, chỗ ăn ở trong quá trình thi, kinh phí đi thi; bố trí lực lượng tại các bến xe để cùng gia đình thí sinh, hỗ trợ thí sinh trong công tác di chuyển.
Với 7 điểm thi tại địa phương (khoảng 1.900 em chỉ để xét tốt nghiệp), địa phương đã bố trí các điểm thi không quá xa (khoảng cách tối đa 5-7km); chuẩn bị sẵn sàng về phòng ốc, đội ngũ giáo viên coi thi (không bố trí coi học sinh của mình), cán bộ chấm thi; về công tác nhận đề thi từ ĐH Nha Trang đã bố trí 4 cán bộ, lực lượng công an, an ninh đi kèm trong quá trình bàn giao đề thi cho các điểm thi.
Với những điểm thi xa, tỉnh đã tính và đồng ý phương án ghép hội đồng để tránh di chuyển xa cho học sinh. Riêng với số học sinh của huyện Bác Ái được bố trí thi ngay tại trường của mình, tránh gây bất tiện cho thí sinh.
Năm nay, tổng số cán bộ làm công tác thi tại địa phương của tỉnh Ninh Thuận là 309 người. Trong đó có 194 giám thị, 98 cán bộ chấm thi, 15 thanh tra các điểm thi, có 11 ngươì cắm chốt…lực lượng làm phách, Thanh tra công tác chấm thi và đội ngũ nhân viên phục vụ các hội đồng thi phục vụ cho gần 1.900 học sinh thi tại địa phương.
Theo GD&TĐ