‘Kỳ thi có thể duy trì động lực của học sinh’
Nếu dịch bệnh được kiểm soát vẫn có thể tổ chức được các kỳ thi, trong đó có kỳ thi THPT quốc gia năm nay để duy trì động lực học tập của học sinh.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ – thứ trưởng Bộ GD-ĐT – trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.
Ông Độ nói: “Trong tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu học sinh trở lại trường cuối tháng 5-2020 hoặc chậm nhất là 15-6, vẫn kịp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giữa tháng 8-2020″.
“Nếu tháng 6-2020 học sinh trở lại trường thì dự kiến sẽ chỉ thực hiện 1-2 bài kiểm tra định kỳ với các môn học và một bài kiểm tra cuối năm học. Giai đoạn này các trường cũng tổ chức cho học sinh làm thủ tục đăng ký dự thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, ôn thi cho học sinh cuối cấp. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức thi THPT quốc gia.”
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT NGUYỄN HỮU ĐỘ
Ông Nguyễn Hữu Độ – thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Đủ điều kiện chuẩn bị cho kỳ thi
* Căn cứ nào để Bộ GD-ĐT tin tưởng vào tính khả thi của kế hoạch tổ chức thi này?
- Bộ GD-ĐT vừa thực hiện tinh giản chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 theo tinh thần bảo đảm nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi của mỗi môn học nhưng giảm được thời lượng, giảm áp lực cho học sinh. Học kỳ II có 18 tuần, đã học hai tuần trước tết. Sau khi tinh giản, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng mười tuần đến thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15-7.
Từ 25-3 đến nay, các trường đều đã triển khai dạy học qua Internet, trên truyền hình bước đầu có kết quả. Các địa phương đều có cách làm sáng tạo, khắc phục khó khăn về kỹ thuật dạy học, đường truyền, phần mềm… để thực hiện được chương trình học tập học kỳ II.
Nếu tính ngày 15-4 là mốc thời gian chính thức các trường trên cả nước tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình (một số nơi đã triển khai sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường, dự tính nếu muộn nhất là 15-6 thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Video đang HOT
Sau khi kết thúc năm học, học sinh cuối cấp còn gần một tháng để ôn tập trước khi thi THPT quốc gia, tương ứng với thời gian học sinh được ôn tập năm 2019. Như vậy đủ điều kiện để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi.
* Trường hợp kỳ thi THPT quốc gia diễn ra như dự kiến thì phương thức thi có điều chỉnh để phù hợp với tình hình khó khăn năm nay không?
- Phương thức thi cơ bản giữ ổn định như năm 2019, đồng thời điều chỉnh phù hợp với tình hình đặc biệt của năm học này. Hiện nay, chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được điều chỉnh, tinh giản. Nội dung nằm trong phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Cũng vì thế, đề thi tham khảo năm 2020 vừa công bố đã có những điều chỉnh so với năm 2019. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tính toán để có biện pháp giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với học sinh.
* Nếu 15-6 học sinh chưa trở lại trường, dịch bệnh không cho phép tổ chức các kỳ thi tập trung đông học sinh thì Bộ GD-ĐT có tính toán phương án bỏ kỳ thi THPT quốc gia không? Trường hợp này căn cứ để xét tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào?
- Nếu đã cố gắng nhưng không đảm bảo để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như dự kiến vì lý do bất khả kháng, Bộ GD-ĐT đang tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, thay vào đó giao cho các địa phương thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT.
Nhưng nếu việc này xảy ra, Bộ GD-ĐT phải xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép. Vì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được quy định trong Luật giáo dục.
Khắc phục khó khăn dạy học trực tuyến
* Học sinh trở lại trường muộn nhất là 15-6 sẽ chỉ còn một tháng để kết thúc năm học và khoảng hai tháng để chuẩn bị thi THPT quốc gia. Các trường sẽ phải làm những gì trong khoảng thời gian ít ỏi này để bù đắp cho những việc không thể thực hiện từ xa?
- Các trường phải đánh giá được hiệu quả của dạy học qua Internet, truyền hình. Từ đó trường xây dựng kế hoạch dạy bù nội dung còn thiếu, chưa tốt, rà soát để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng thêm cho học sinh theo các nhóm đối tượng khác nhau; đảm bảo những học sinh chưa tiếp thu được bài học vững vàng trong thời gian học từ xa được củng cố kiến thức.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những nơi đủ điều kiện sẽ có thể thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với học sinh trong quá trình học qua Internet hoặc truyền hình. Còn khi trở lại trường, học sinh sẽ chỉ phải làm các bài kiểm tra định kỳ vào cuối năm học. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra định kỳ, học kỳ sau khi học sinh quay lại trường học phù hợp với thời gian còn lại của năm học.
* Hiện nay, bên cạnh các trường thực hiện tốt, nhiều nơi vẫn gặp khó khăn khi học trực tuyến như chưa có mạng Internet, thiếu điện, sóng điện thoại cũng chập chờn. Nếu Bộ GD-ĐT xem dạy học qua Internet và truyền hình là giải pháp có thể thực hiện đủ nội dung chương trình sau khi đã tinh giản thì có công bằng với những vùng khó khăn?
- Tính tới thời điểm này có những trường, địa phương đã triển khai tốt việc này trong 2-3 tuần. Nhiều trường đã bắt đầu dạy bài mới qua Internet, trên truyền hình ngay từ khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn. Tuy nhiên, giai đoạn trước 15-4 có thể coi là đợt tập dượt cho học sinh ôn tập, luyện tập với đa số trường trước khi triển khai chính thức.
Qua đợt tập dượt các trường cũng bộc lộ những bất cập. Có những khó khăn Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương khắc phục. Nhưng cũng có những khó khăn đòi hỏi các trường, giáo viên và học sinh phải chia sẻ, nỗ lực để quyết tâm thực hiện được việc dạy học.
Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin – truyền thông trong việc tăng cường hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin cho gần 40.000 trường học trên cả nước, chỉ còn khoảng 6.000 trường vùng khó khăn đang tiếp tục được đầu tư. Một số nơi chưa có mạng Internet, học sinh có thể vào mạng qua sóng 4G, 3G trên điện thoại. Một số địa phương đã huy động chính quyền địa phương, thôn, bản, Đoàn thanh niên, lực lượng tình nguyện để đưa bài, nhận bài giữa học sinh và giáo viên.
Hiện Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (kênh VTV7) để phát sóng các chương trình dạy học qua truyền hình, bên cạnh các chương trình địa phương đã làm trên sóng đài truyền hình địa phương…
Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Địa phương quyết phương án thi lớp 10
*Vậy còn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì cho các sở GD-ĐT trong việc xây dựng phương án trong tình thế đặc biệt của năm nay?
- Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các địa phương quyết định phương án tuyển sinh theo một trong ba phương thức (xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển).
Căn cứ hướng dẫn của bộ về tinh giản chương trình học kỳ II năm học 2019-2020, các địa phương sẽ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình hiện nay, đảm bảo công bằng, minh bạch, giảm áp lực cho học sinh.
Có thể tính toán để điều chỉnh số môn thi, nội dung đề thi, linh hoạt trong việc áp dụng các phương thức thi, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
VĨNH HÀ thực hiện
Học sinh hoang mang, thầy giáo mách cách học hiệu quả mùa dịch
Theo các giáo viên, thời gian này, học sinh không nên quá hoang mang, lo lắng, lập kế hoạch học cụ thể, tự ôn tập theo quy tắc dễ ôn trước khó ôn sau.
Thời gian nghỉ học tránh dịch kéo dài khiến không ít học sinh cuối cấp hoang mang, lo lắng khi thời gian thi THPT quốc gia đang đến gần.
Những ngày này, Nguyễn Thùy Hương, học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) đang không khỏi lo lắng. Bàn học của Hương luôn có một cuốn lịch bàn để đếm ngược thời gian thi THPT quốc gia. Theo điều chỉnh mới nhất của Bộ GD-ĐT, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 11/8, tức chỉ còn hơn 4 tháng nữa, kỳ thi sẽ diễn ra. Trong khi Hương cũng như bao bạn bè khác vẫn đang học trực tuyến, học qua truyền hình bởi kỳ nghỉ bất thường dài chưa từng có.
Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia, song không ít học sinh lớp 12 vẫn đang lo lắng không yên trước kỳ thi THPT quốc gia 2020. (Ảnh minh họa)
"Từ Tết đến giờ, trường em chủ yếu học qua truyền hình và tự học qua phiếu bài tập của thầy cô gửi hàng ngày. Từ tuần này, nhà trường mới bắt đầu học trực tuyến. Bởi vậy mà chương trình kỳ 2 vẫn chưa học được nhiều. Học trên truyền hình có những chỗ thầy cô giảng khá nhanh nên em chưa bắt kịp, lại không thể hỏi lại nên sẽ khó hơn. Với những phần nhanh quá, em thường phải ghi chú để hỏi lại thầy cô bộ môn. Như những năm trước, việc học không bị gián đoạn, học sinh có thể ôn đi ôn lại kiến thức nhiều lần sau khi hoàn thành chương trình, nhưng với lịch học như hiện nay, em lo rằng sẽ không có đủ thời gian học kỹ kiến thức", Hương lo lắng.
Tự dành thời gian tự học ở nhà kín ngày từ sáng đến tối, thậm chí nhiều hơn cả khi đi học ở trường, song Nguyễn Thùy Hương cho biết, bản thân em vẫn cảm thấy loay hoay, lúng túng vì có quá nhiều môn phải học và nhiều kiến thức phải nhớ. "Nhiều lúc em cảm thấy choáng ngợp bởi kiến thức, tâm lý lo lắng cũng khiến em đôi khi mất tập trung hơn trong việc học, không biết phải bắt đầu từ đâu. Ban đầu em có ý định thi vào ĐH Dược Hà Nội, nhưng đến giờ em cảm thấy chưa chắc chắn với kiến thức đang có, nên phải tính sang phương án thi ĐH Thương mại hoặc những trường khối kinh tế có mức điểm mềm hơn", Hương chia sẻ.
Nguyễn Huy Quân, học sinh lớp 12 (Nam Sách, Hải Dương) cho biết, hiện em đã được đi học trở lại, song vì thời gian nghỉ dịch khá dài, nên phải mất vài ngày mới có thể làm quen lại với việc học trên lớp. Cảm thấy may mắn hơn nhiều bạn ở các địa phương khác đang phải nghỉ học chống dịch, song Quân cũng không khỏi lo lắng, khi lượng kiến thức phải học khá lớn. Xác định học kỳ 2 là giai đoạn nước rút quan trọng, nhưng lại không thể tham gia các lớp luyện thi như những năm trước, Quân cùng một số bạn cùng lớp lập nhóm nhỏ để tự học ở nhà sau thời gian trên lớp. Ngoài ra, nam sinh cho biết, em đang tự ôn lại những kiến thức đã học ở kỳ 1, vừa học kiến thức mới, cố gắng học đến đâu chắc đến đó.
Học sinh nên tự đánh giá để biết mình yếu ở đâu
Trước những băn khoăn, lo lắng của học sinh, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, học trực tuyến là giải pháp tức thời trong mùa dịch Covid-19.
Thầy Tùng cho rằng, để việc học trực tuyến hiệu quả trong mùa dịch, tính tự giác của học sinh vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp và giám sát chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.
"Các trường nên có một thời khóa biểu học trực tuyến cụ thể để đôn đốc học sinh và cả giáo viên. Trong thời gian này, tính tự giác của các em rất quan trọng, bản thân mỗi học sinh nên tự xây dựng cho mình một thời khóa biểu rõ ràng, luôn có thói quen chuẩn bị bài và làm bài tập theo đúng lịch mà giáo viên giao. Nếu không có sự chuẩn bị, thì việc học trực tuyến của các em sẽ rất kém", thầy Tùng lưu ý.
Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, đến thời điểm này, học sinh các lớp cuối cấp đã học được khoảng 70% chương trình năm học, mỗi học sinh có thể tự đánh giá năng lực bản thân, liệt kê ra những nội dung kiến thức còn yếu và thiếu, từ đó xây dựng kế hoạch tự học cá nhân, và nghiêm túc thực hiện để trau dồi những lỗ hổng kiến thức của mình.
Khi không thể đến lớp, kho kiến thức từ internet, sách báo sẽ rất hiệu quả cho việc ôn tập của học sinh.
"Theo Bộ GD-ĐT, đề thi năm nay sẽ được giữ ổn định như năm ngoái, do đó, các em có thể làm thử đề thi thử của những năm trước cho quen dần. Thời gian học kỳ 2 đắt giá gấp 2-3 lần so với thời gian học kỳ 1, nên các em cần tận dụng tối đa. Trong trường hợp các em vẫn còn những khó khăn, thì nên liên hệ với thầy cô giáo bộ môn để có sự hướng dẫn. Riêng với môn Toán, các em cũng nên tự chia và hệ thống kiến thức từng phần, phát hiện những phần còn thiếu và yếu. Mỗi tuần nên làm tối thiểu 1 đề thi thử để rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, ôn tập kiến thức. Thời gian nghỉ tránh dịch, các em không được lên lớp, nhưng đổi lại, sẽ có rất nhiều thời gian để tự học, đây là điều mỗi em cần tận dụng tối đa", thầy Tùng nói.
Lưu ý thêm về cách ôn tập, thầy Trần Mạnh Tùng cho biết, đề thi những năm trước đều có khoảng 60% kiến thức cơ bản, học sinh muốn đạt điểm khá từ 7 trở lên, trước tiên cần nắm chắc trong tay 6 điểm phần cơ bản. Bởi vậy, trong giai đoạn ôn nước rút, học sinh cần tập trung ôn chắc phần cơ bản, tránh việc sa đà vào học quá nhiều kiến thức khó, sẽ dễ làm mất điểm ở những câu dễ.
"Với những thông báo của Bộ GD-ĐT về việc tinh giản nội dung chương trình, các em hoàn toàn không cần quá lo lắng, bởi nguyên tắc là học gì thi nấy, những phần kiến thức được giảm tải sẽ không gặp phải trong đề thi. Các em không nên phân tán tư tưởng, lo lắng để ảnh hưởng đến việc học, quan trọng nhất là cần đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch và giữ âm lý ổn định, từng bước chinh phục kỳ thi", thầy Tùng nhấn mạnh.
Về quan điểm cá nhân, thầy Trần Mạnh Tùng cũng hy vọng rằng, để giảm bớt những áp lực hoc học sinh cuối cấp và giáo viên, đề thi THPT quốc gia năm nay nên bỏ 10% kiến thức chương trình lớp 11, chỉ tập trung vào chương trình lớp 12. Bên cạnh đó, Bộ cũng nên sớm có hướng dẫn cụ thể với các trường về việc tinh giản nội dung giảng dạy ra sao, hoặc công bố đề thi minh họa, để giáo viên và học sinh có thêm căn cứ ôn tập hiệu quả./.
Nguyễn Trang
Băn khoăn công nhận kết quả học qua Internet Đánh giá học sinh như thế nào, cho điểm ra sao, làm thế nào để kết quả phản ánh đúng năng lực của học sinh..., các giáo viên, nhà quản lý đang băn khoăn khi dạy và học qua Internet, trên truyền hình. Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với các cơ...