Kỹ sư đông không làm nổi ốc vít: Tại thiếu tiền
“Số lượng sinh viên quá nhiều so với số máy móc hiện có, nên không thể đáp ứng được việc sinh viên sẽ được sử dụng kỹ thuật đầy đủ”.
“Thừa thầy thiếu thợ”
Theo kết quả nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF), Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới với 100.390 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm.
Thế nhưng, các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ Việt Nam không đáp ứng nổi đơn đặt hàng là sạc pin, ốc vít, cũng như, các kỹ sư công nghệ thì không đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển dụng của các DN nước ngoài tại VN dù mức lương khá cao.
Trước nghịch lý này, trao đổi với Đất Việt, ngày 23/6, PGS.TS Đinh Minh Diệm – Trưởng bộ môn Công Nghệ Vật Liệu – ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cho rằng: “Tôi thấy rằng số lượng kỹ sư chúng ta đào tạo ra được nhiều hàng năm cũng là một điều đáng để ghi nhận. Và nói đánh đồng tất cả đều kém chất lượng thì cũng không đúng, vì trường dân lập, trường công lập, trường thành phố lớn, thành phố nhỏ chất lượng đào tạo cũng hoàn toàn khác nhau.
Video đang HOT
Nghịch lý lượng kỹ sư đông, VN không làm nổi ốc vít
Ngoài ra liên quan đến chế độ chính sách, chiến lược phát triển của nhà nước, nơi nào được đầu tư nhiều thì chắc chắn sẽ phát triển, còn nơi nào nhà nước không đầu tư thì làm sao phát triển được”.
Theo ông Diệm, nguồn vốn đầu tư của nhà nước có 2 dòng, thứ nhất, là đầu tư cho giáo dục đào tạo, thứ hai, là đầu tư cho máy móc thiết bị. Bởi vì, nếu không có máy móc thì không thể giảng dạy được đối với các ngành liên quan đến kỹ thuật.
Giả dụ, tiêu biểu như đối với ngành đào tạo kỹ sư đóng tàu thì phải có máy móc lớn, nhưng bây giờ chúng ta mới bắt đầu đầu tư thì làm sao phát triển được. Cũng chính vì việc đầu tư còn thấp nên dẫn đến chất lượng đào tạo sẽ không thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của những DN tuyển dụng.
Đặc biệt, ông Diệm cho biết thêm: “Hiện nay, thống kê đầu tư của chúng ta chưa thật chính xác, đội ngũ nhân lực các công ty họ cần thì đào tạo lại chưa đủ, trong khi những ngành không có việc làm thì lại đào tạo dàn trải.
Những ngành cần có cơ sở vật chất tốt như kỹ sư cơ khí, điện tử, công nghệ thì lại ít được đầu tư, còn những ngành đào tạo không cần đầu tư nhiều như Quản trị kinh doanh, Kinh tế, các ngành liên quan đến văn hóa, xã hội, không cần cơ sở vật chất hiện đại, chỉ học chữ không thì lại dồn nhiều tiền cho nghiên cứu. Chính vì thế, nên dẫn đến thực trạng, hiện nay, thừa thầy thiếu thợ, đào tạo ra thì không đúng ngành đang cần”.
Chất lượng đào tạo hiện nay của chúng ta chưa hợp lý
Mặt khác, ông Diệm cho biết thêm: “Còn riêng đối với khoa tôi đang giảng dạy thì máy móc trang thiết bị cũng nhiều và hiện đại, nhưng thực ra chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết, vì có nhiều thiết bị mua về nhưng không đưa được vào sử dụng. Mặt khác, số lượng sinh viên quá nhiều so với số máy móc hiện có, nên không thể đáp ứng được việc sinh viên sẽ được sử dụng kỹ thuật đầy đủ”.
Và nghịch lý về lượng cung cầu hiện nay, theo ông Diệm là do chính sách đầu tư cũng như quy định tuyển sinh của cơ quan quản lý, cần vạch rõ ra và quy định cụ thể về chỉ tiêu đào tạo, tránh việc đào tạo dàn trải, kiếm lợi nhuận rồi sinh viên ra trường lại thất nghiệp, kỹ sư đi xe ôm, phu hồ tràn lan.
Giảng dạy vẫn thiên về sách vở, kiến thức cơ bản
Trong khi đó, TS Lưu Đức Bình – Trưởng bộ môn Chế Tạo Máy – ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cũng cho hay: “Hiện nay, theo khung chương trình tại các trường ĐH thì chỉ đào tạo theo kiến thức cơ bản và tư duy. Ví dụ, như khoa cơ khí thì ngành đào tạo vô cùng rộng, bao gồm: chế tạo máy, cơ khí ô tô, tàu thuyền, cơ khí hàng hải, cơ khí than.
Sau đó, bản thân từng nhóm ngành, chế tạo máy thì lại bao gồm nhiều ngành như ngành thép, nhựa, xi măng, cao su, y tế, gọi chung là máy, nhưng rất rộng cho nên không có trường nào đào tạo kỹ sư mà đáp ứng được ngay hết mọi yêu cầu của bên ngoài, đó là thực trang chung. Nghĩa là đào tạo nhiều ngành, dàn trải nên không tập trung vào bất kỳ lĩnh vực nào, nên kiến thức sinh viên có được chỉ là những kiến thức cơ bản”.
Theo ông Bình, giả dụ như một khóa đào tạo được 200 kỹ sư, chắc chắn họ sẽ làm những việc khác nhau, theo các ngành đào tạo khác nhau, nên không thể có khung chương trình nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu của mọi công ty, vào công ty là làm việc được ngay.
Theo baodatviet