Kỹ sư Apple lần đầu kể về sự ra đời của iPhone
Vào tháng 2/2005, Steve Jobs đưa cho kỹ sư phần mềm cao cấp Greg Christie một bức tối hậu thư, chính là tiền đề cho sự ra đời của những mẫu iPhone sau này.
Đội ngũ của Christie đã mất nhiều tháng trời để phác thảo về phần mềm cho thiết bị sau này trở thành iPhone. Tại thời điểm đó, Jobs đưa ra cho nhóm một thời hạn 2 tuần, hoặc ông sẽ bàn giao dự án này cho một nhóm khác.
“Steve là một người tham lam”, Christie – người vẫn đang lãnh đạo nhóm thiết kế giao diện người dùng của sản phẩm Apple – cho biết. “Ông ta luôn muốn những ý tưởng lớn hơn”.
Nhóm của Christie đã đưa ra nhiều tính năng của iPhone, chẳng hạn như vuốt để mở khóa, một giao diện chơi nhạc thuần cảm ứng. iPhone khi đó còn loại bỏ bàn phím vật lý thông thường trên một màn hình bao phủ gần như trọn mặt trước. Thiết bị này cũng sử dụng một nền tảng phần mềm gần giống với trên một chiếc máy tính cá nhân.
Trước đó, Christie chưa bao giờ công bố thông tin về quá trình phát triển iPhone. Tuy nhiên, ông buộc phải có mặt như là một nhân chứng trong vụ kiện kéo dài giữa Apple và Samsung để xác minh tính chất sáng tạo của Apple khi ra mắt chiếc iPhone năm 2007.
Christie gia nhập Apple vào năm 1996, làm việc cho dự án phát triển Newton – thiết bị trợ giúp cá nhân có tuổi đời khá ngắn của Apple. Khi đó, Newton cũng được xem là đi trước thời đại, với màn hình cảm ứng và bút stylus. Tuy nhiên, nó quá lớn, quá đắt và phần mềm cũng không tiện dụng. Mặc dù thất bại, ông vẫn bị hấp dẫn bởi tiềm năng của một thiết bị điện toán mạnh mẽ nhưng nhỏ gọn, có thể đặt trong túi quần.
Hệ thống dùng để kiểm tra phần mềm của iPhone năm 2006. Ảnh: Apple.
Cuối năm 2004, Christie vẫn đang làm việc ở bộ phận phát triển phần mềm cho máy tính Macintosh cho đến khi Scott Forstall – khi đó là thành viên cao cấp của nhóm thiết kế phần mềm Apple – bước vào và đề nghị ông gia nhập vào một dự án đặc biệt có tên “purple”. Nhóm này có nhiệm vụ phát triển một chiếc điện thoại, tích hợp bộ chơi nhạc và chạy trên nền màn hình cảm ứng.
Ở thời điểm đó, Jobs đã hồi sinh Apple và đang tập trung vào một số sản phẩm chủ đạo, trong đó có iPod. Greg Joswik – Phó chủ tịch phụ trách marketing iPhone và sản phẩm iOS của Apple khi đó đã theo dõi các hãng sản xuất điện thoại và cảnh báo về nguy cơ các thiết bị nói trên sẽ đe dọa đến doanh số của iPod.
Video đang HOT
Nhóm của Christie sau đó miệt mài nghiên cứu các chi tiết như tốc độ hoàn hảo của thanh cuộn trên smartphone và cảm giác tự nhiên nhất để dừng thanh cuộn khi đến gần cuối trang. Ông cho biết, nhóm của mình đã “đập đầu vào tường không biết bao nhiêu lần” khi chuyển giao diện tin nhắn từ một danh sách theo thứ tự truyền thống thành các cuộc hội thoại riêng biệt nhưng không tách rời nhau.
Trong nhiều tháng, Christie phải có những buổi thuyết trình với Steve Jobs, 2 lần mỗi tháng, trong một căn phòng kín. Chỉ một số ít người được quyền vào căn phòng này.
Sau khi đã thuyết phục Steve Jobs về phần mềm của iPhone, đội ngũ của Christie lại được làm việc với Jony Ive – Giám đốc thiết kế của Apple. “Ông ấy đã rất tò mò về cách chúng tôi tạo ra những ảo thuật trên thiết bị độc đáo này”.
Với mỗi lần thuyết trình ý tưởng, Jobs đều đưa ra những ý tưởng của riêng mình. “Sự phấn khích của ông ấy dường như là vô biên”, Christie cho biết.
Steve Jobs giới thiệu iPhone vào ngày 9/1/2007 tại San Francisco, Mỹ.
Vì lý do bảo mật, Jobs đã ra lệnh cho nhân viên – những người làm việc tại nhà – phải sử dụng một máy tính riêng, trong một khu vực tách biệt của ngôi nhà để đảm bảo không một ai vô tình nhìn thấy chi tiết của iPhone.
Gợi ý của Jobs vào năm 2005, theo Christie, chỉ là sự khởi đầu của một “chặng marathon kéo dài 2 năm rưỡi”. Với Christie, Jobs bị ám ảnh bởi từng chi tiết nhỏ nhất trên chiếc iPhone.
Trong khoảng thời gian 6 tháng trước khi iPhone ra mắt (tháng 1/2007), đội ngũ của Christie liên tiếp thực hiện những thay đổi. Theo yêu cầu của Jobs, họ phải loại bỏ giao diện chia đôi màn hình trên ứng dụng email. “Steve cho rằng sẽ là ngu ngốc khi chia đôi màn hình trên một thiết bị màn hình nhỏ như vậy”.
Gần 7 năm gắn bó cuộc sống của mình với chiếc iPhone, Christie cho biết chỉ có một khoảnh khắc khiến ông không bao giờ quên. Vài ngày trước khi Steve Jobs có bài keynote để đời, Christie bước vào khán phòng từ cửa bên. Sau khi kéo tấm màn che dày, ông nhìn thấy một hình ảnh khổng lồ chụp màn hình chủ của iPhone trong phòng tối. Đến lúc đó, ông mới nhận ra chiếc điện thoại này sẽ thay đổi thế giới như thế nào.
“Nó chắc chắn sẽ tỏa sáng trong căn phòng này. Tim tôi như ngừng đập và tôi nghĩ, một kỷ nguyên mới đã thực sự bắt đầu”. Christie chia sẻ.
Theo Zing
Trả lương 2.000 USD/tháng, doanh nghiệp Nhật 'vợt' nhiều kỹ sư phần mềm Việt
Doanh nghiệp gia công phần mềm Nhật Bản sẵn sàng trả lương cao tới 1.500 - 2.000 USD/tháng để tuyển dụng kỹ sư phần mềm biết tiếng Nhật khiến các doanh nghiệp Việt Nam lo ngay ngáy mất người.
Chưa tìm được hướng khắc phục vấn nạn nhân viên "nhảy việc" sang nơi có chế độ lương thưởng ưu đãi hơn, các doanh nghiệp phần mềm lại tiếp tục gánh thêm nỗi lo "chảy máu chất xám" sang các doanh nghiệp gia công phần mềm Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo tìm hiểu của ICTnews, ngày càng nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm Nhật Bản sang Việt Nam làm ăn. Trong bối cảnh nhu cầu, đơn hàng về gia công xuất khẩu phần mềm vẫn tăng mạnh, doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực "săn lùng" các kỹ sư phần mềm thông thạo tiếng Nhật.
Ông Tạ Sơn Tùng, Giám đốc Điều hành Công ty Rikkei Soft tại Việt Nam cho biết: "Các công ty gia công xuất khẩu phần mềm Nhật Bản sẵn sàng trả lương cao gấp 2 - 3 lần so với doanh nghiệp Việt để tuyển được người.
Tại Việt Nam, sinh viên ra trường có bằng tiếng Nhật và bằng CNTT trung bình chỉ nhận mức lương khoảng 600 USD, nhưng mức lương mà doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất có thể lên đến 1.500 - 2.000 USD.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam rất khó tuyển nhân sự biết tiếng Nhật. Bản thân Rikkei Soft từ đầu năm đến giờ vẫn chưa tuyển được người nào dù đăng tin liên tục và mức giá nhân công cũng được tăng lên".
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang "săn lùng" kỹ sư phần mềm biết tiếng Nhật tại Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, điều đáng lo lắng nhất hiện nay không phải là khó tiếp cận thị trường cũng như khách hàng Nhật Bản mà là không đủ người để thực hiện các đơn hàng. "Chỉ riêng chuyến tham gia sự kiện Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản mới đây, Rikkei Soft đã kiếm được đủ việc cho cả năm 2014. Nhu cầu khách hàng rất lớn nhưng chúng tôi đang rất lo về vấn đề nhân lực", ông Tạ Sơn Tùng chia sẻ thêm.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty NTQ-Solution dự đoán sự tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật Bản của các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam năm nay sẽ đạt mức gần gấp đôi năm trước. Cơ hội làm ăn rất lớn nhưng để có thể biến cơ hội thành hiện thực thì phải giải quyết được vấn đề nhân lực.
"Khi hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra chính sách lương và đào tạo cực tốt để thu hút nhân lực, một câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ Việt Nam phải làm thế nào khi không có nhiều chi phí để cạnh tranh với doanh nghiệp Nhật? Kinh nghiệm cho thấy cách thức hiệu quả nhất là tự đào tạo, chọn sinh viên năm thứ 3 - 4 của những trường có nền tảng CNTT tốt, bỏ thời gian hướng dẫn làm đề án tốt nghiệp.
Tại NTQ Solution, năm 2013, chúng tôi đã hỗ trợ 8 sinh viên làm đề án, và nay đã lấy được 5 người vào làm cho công ty. Khi đào tạo cho nhân viên, chúng tôi chú trọng 2 mảng là công nghệ và tiếng Nhật. Chúng tôi khuyến khích nhân viên ra các trung tâm uy tín để học và lấy chứng chỉ tiếng Nhật, nếu đạt được chứng chỉ công ty sẽ trả tiền học phí", ông Phạm Thái Sơn chia sẻ kinh nghiệm.
Đã có ý kiến đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan như Bộ TT&TT, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam tìm cách hạn chế các doanh nghiệp Nhật Bản dùng lương cao để hút nhân lực phần mềm tại Việt Nam.
Đồng cảm với nỗi lo mất người của các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam, song TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT lưu ý: "Việc doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng trả lương cao tới 2.000 USD/tháng, tương đương với mức lương trả cho kỹ sư phần mềm mới ra trường ở Nhật Bản, cho thấy họ đang rất thiếu người đáp ứng nhu cầu các đơn hàng.
Có khi vẫn còn quá ít các doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu gia công xuất khẩu phần mềm của họ, buộc họ phải sang mở công ty tại Việt Nam. Không thể bắt buộc các doanh nghiệp Nhật không được trả lương cao để thu hút các kỹ sư phần mềm".
Trao đổi với ICTnews, đại diện của VINASA và một số chuyên gia trong ngành CNTT cũng khẳng định việc bắt buộc nhân viên của doanh nghiệp phần mềm không được "nhảy việc" sang những nơi có chế độ lương thưởng ưu đãi hơn là vi phạm luật lao động. Các doanh nghiệp phần mềm nên tìm hướng liên minh liên kết với nhau để có thể hỗ trợ nhân lực cho nhau triển khai những hợp đồng lớn cho khách hàng, tạo dựng uy tín trên thị trường quốc tế.
Theo ICT News