Kỷ niệm về những mái trường mến yêu
Tôi không có khả năng lưu giữ nhiều kỉ niệm và kí ức, đặc biệt giữa bộn bề cuộc sống.
Lễ khai giảng Trường THCS Lê Văn Thiêm năm học 2022 – 2023.
Nhưng, có một thời để nhớ, có những cuộc gặp gỡ thành duyên nợ của cả một đời. Tôi muốn nói đến cuộc gặp gỡ giữa tôi và những mái trường tôi đã gắn bó, những người tôi yêu mến.
Với tôi, đó là dấu ấn của những sự khởi đầu: Đến với văn chương, khởi sinh những tình cảm đẹp đẽ về bạn bè, thầy cô, học trò, đồng nghiệp, bước vào hành trình tìm kiếm những giá trị sống đích thực và cũng là nơi tôi bắt đầu với sự nghiệp trồng người.
Hành trình của tìm kiếm tri thức
Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ ngày tôi đặt chân vào Trường Năng khiếu Đức Thọ (nay là Trường THCS Hoàng Xuân Hãn – Đức Thọ – Hà Tĩnh). Trong kí ức của một đứa bé hơn 10 tuổi, tôi còn nhớ, năm 1991, trường chỉ có 2 dãy nhà cấp 4 đơn sơ, vài phòng học tận dụng lại của một cơ quan cũ nào đó giữa không gian bình dị, mát mẻ của làng Đông Thái – làng Khoa bảng tại vùng đất học Tùng Ảnh.
Thi thoảng lẫn trong gió chúng tôi vẫn cảm nhận được mùi bùn đất ngai ngái, mùi rơm rạ của đồng chiều giữa khuôn viên có nhiều cây lại chen cả những luống ngô, luống khoai lang, luống hoa cải vàng…
Hồi đó, mỗi khối chỉ có 2 lớp, chuyên văn và chuyên toán với vỏn vẹn 20 học sinh. Tôi được tuyển thẳng vào lớp 5 của trường vì đạt học sinh giỏi tỉnh năm lớp 4 trong sự ngưỡng mộ của rất nhiều bạn cùng trang lứa. Những ngày đầu, thực lòng mà nói, tôi vẫn còn tiếc nuối vì mình không được vào lớp chuyên Toán.
Nhưng rồi, như một cơ duyên, niềm đam mê văn chương của tôi có dịp được khơi gợi qua những giờ giảng văn truyền cảm, qua các câu lạc bộ thơ văn học thời đó đã xuất hiện ở trường. Tôi nhớ đến giọng giảng văn ấm áp, dịu dàng của cô Thân, sự tận tình của thầy Đàn, thầy Hoàng và đặc biệt những tiết học khi sôi nổi, khi sâu sắc, trăn trở của thầy giáo – nhà thơ, nhà quản lí Dương Thế Vinh. Đó cũng là một người anh họ của tôi.
Vốn sinh ra và lớn lên bên dòng sông La – con sông ngàn đời thao thiết chảy mang theo những ước mơ của cậu học trò nghèo, anh thi vào khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1980, đúng vào năm tôi ra đời anh đã tốt nghiệp và vào mảnh đất Thuận Hải (tỉnh Bình Thuận ngày nay) lập nghiệp.
Phan Rang, Tháp Chàm cổ kính, rêu phong, phố nhỏ Phan Thiết và tiếng chuông cầu nguyện của nhà thờ Thiện Giáo và Trường THPT Hàm Thuận những tưởng đã níu được bước chân anh. Thế nhưng, tròn 10 năm sau anh đã từ giã mảnh đất thân thương ấy để trở về dạy học tại quê nhà. Chỉ đến lúc ấy tôi mới có dịp tiếp xúc nhiều với anh, trước hết bởi vì anh có rất nhiều sách. Dường như gia tài tích cóp cho 10 năm xa quê chỉ là sách, đủ loại đông tây kim cổ.
Khi tôi bắt đầu có một số hiểu biết về văn chương anh thường nói với tôi đọc sách là một nhu cầu tự thân của con người, nhất là đối với nghề dạy học. Nếu không đọc sách người thầy giáo trong anh sẽ chết. Có lần anh nói vui với tôi, anh có nỗi khổ của một con voi luôn đói kiến thức.
Vì thế cả cuộc đời anh là hành trình của tìm kiếm kiến thức. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu những trăn trở ngây thơ và có phần non nớt về lão Hạc, chị Dậu, về cô bé bán diêm…, về những tác phẩm văn chương thuở ấy đã giúp tôi có góc nhìn đa chiều hơn, giàu lòng nhân ái hơn. Những bài thơ đầu tiên của tôi về màu tím, về hoa cỏ may, về chiều quê… đã được chọn đọc ở trường, đăng lên báo bảng rồi từ đó được in cả Tạp chí Hồng Lĩnh, Mực tím, cả Hoa học trò nữa…
Video đang HOT
Bản thân là một người viết anh thấu hiểu được những nhọc nhằn, khổ ải trên con đường sáng tác nghệ thuật. Và trên hết với tư cách của một người thầy giáo, anh đã truyền cho học trò niềm đam mê, niềm tin vào chính mình và luôn nuôi dưỡng trong tâm hồn tôi những rung cảm nguyên sơ, thanh khiết về cuộc sống. Những tiết giảng văn, đặc biệt những tiết dạy về Truyện Kiều của anh lúc đó luôn có sức truyền cảm như một thứ ma lực đặc biệt và từ đó giúp chúng tôi tiếp cận văn chương một cách chân thành hơn, ngôn từ trong sáng, tinh tế hơn…
Với năng lực và uy tín của tập thể giáo viên, Trường Năng khiếu năm xưa và Trường THCS Hoàng Xuân Hãn hôm nay được khẳng định với nhiều thành tích rực rỡ. Từ một ngôi trường bé nhỏ, khiêm nhường, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã là một trường học khang trang có diện tích rộng rãi với trang thiết bị hiện đại, cây xanh và hoa nở khắp bốn mùa, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen…
Đó không chỉ là tài sản được quy đổi bằng tiền bạc mà còn là nơi để học sinh được trải nghiệm thực tế, áp dụng các kiến thức khoa học vào thực tiễn đời sống, giúp các em có thêm kỹ năng sống – một hướng giáo dục tiến bộ với xu thế phát triển của đất nước và thế giới.
Mỗi lần về quê, đi ngang qua trường cũ với rất nhiều cây và hoa lòng tôi lại trào lên bao cảm xúc. Thật khó nói lời tri ân với mái Trường Năng khiếu Đức Thọ ngày ấy, vì vậy tôi vẫn luôn khát khao và phấn đấu mang lại thật nhiều đam mê cho các thế hệ học sinh với văn chương, để văn chương có một chỗ đứng trong tâm hồn, trong những định hướng cuộc đời với người học, để nhiệt huyết, niềm đam mê không lúc nào thôi ngừng chảy.
Những lúc ấy, tôi thấy mình như bé lại, như quay ngược về tuổi thơ. Tôi vẫn mong rằng những năm tháng ấy sẽ lưu giữ mãi trong cuộc đời này, để cho chúng tôi, dù có bị dòng đời thử thách vẫn luôn vững vàng một niềm tin, một niềm lạc quan bởi chúng tôi từng được lớn lên với bao điều đẹp đẽ. Xin được cảm ơn Trường Năng khiếu Đức Thọ, một mảnh gương thần xanh trong trái tim tôi.
Cô Dương Thị Huyên phát biểu tại Hội nghị cán bộ, viên chức và người lao động Trường THCS Lê Văn Thiêm năm 2022.
Nuôi dưỡng đam mê để thành công
Bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi cũng không còn nhớ thật nhiều những kiến thức mà thầy cô đã dạy, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, tôi vẫn luôn giữ mãi từng giọng giảng bài đầm ấm, từng ánh mắt dịu hiền, từng sự sẻ chia chân thành, từng sự khích lệ đúng mức… Chúng tôi lớn lên theo muôn ngả cuộc đời. Tôi vinh dự được đến với Khoa Văn – Đại học Vinh, được tiếp tục hành trình của một người gieo chữ. Công việc dạy học, đặc biệt là dạy Văn cũng biết bao nhiêu điều vui buồn, nhiều tình huống mà tôi chưa bao giờ được gặp hay được học để biết. Những lúc ấy tôi thấy mình mang trên vai một sứ mệnh thật lớn lao, tôi luôn trăn trở và sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa. Cô DƯƠNG THỊ HUYÊN
Trường THCS Lê Văn Thiêm – Thành phố Hà Tĩnh (tiền thân là Trường Năng khiếu Thị Xã Hà Tĩnh), là ngôi trường mang tên nhà toán học tài danh Lê Văn Thiêm – một người con ưu tú của quê hương, nơi tôi đã gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Đón tôi vào buổi sáng đầu tháng 9 năm ấy là sự thân tình, ấm áp. Ban đầu tôi vô cùng lo lắng bởi đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Và cũng ngay từ đó tôi đã đặc biệt yêu thích những em học sinh tài năng ở đây.
Niềm đam mê văn chương của tôi càng có dịp được khơi gợi qua những giờ lên lớp, trước đôi mắt trong veo của bao cô cậu học trò, qua những câu lạc bộ thơ văn ca mà các em tham gia rất hào hứng… Và tôi cũng hiểu lí do để ngôi trường ấy luôn có nhiều học sinh giỏi, học sinh đạt giải cao trong các kì thi quốc gia, quốc tế.
Những thành công bước đầu ấy chính là cơ sở để nhà trường vượt qua bao nhiêu khó khăn, thử thách khẳng định vị thế của nhà trường. Để đến hôm nay, nhắc đến Trường THCS Lê Văn Thiêm, người dân Hà Tĩnh nhắc đến một lá cờ đầu của bậc học THCS, điển hình trong phong trào xã hội hóa giáo dục toàn tỉnh, của khu vực.
38 năm – một chặng đường có thể nói là chưa phải thật dài của một đời người, một ngôi trường nhưng những gì mà Trường THCS Lê Văn Thiêm tạo dựng không thể không tự hào. Điểm nổi bật của nhà trường trong nhiều năm qua chất lượng giáo dục luôn dẫn đầu toàn tỉnh Hà Tĩnh của khối THCS.
Trong chừng ấy năm, qua bao lần dời địa điểm, thay đổi tên gọi nhưng có thể nói chưa bao giờ những khát vọng, những đam mê vơi cạn. Từ chỗ mượn phòng học, các gốc cây che bóng mát trong những giờ giải lao ngắn ngủi, mái hiên làm nơi nép mình khi trời mưa của thầy cô giáo đến nay Trường THCS Lê Văn Thiêm đã khang trang với những dãy phòng học hiện đại, khu hiệu bộ, nhà đa chức năng, bể bơi, khu phức hợp thể thao…
Gian khó đã tôi luyện ý chí, tình thầy trò, bạn bè keo sơn gắn bó mãi đến tận bây giờ. Thầy cô giáo luôn đoàn kết, yêu thương học trò, luôn nỗ lực không ngừng để đạt được nhiều thành tích, để phù hợp với vai trò, vị trí của người giáo viên trong thời kỳ đổi mới.
Cũng chính từ những lời bảo ban, chất nhân văn trong mỗi con người của thầy cô giáo luôn nhen lên trong tâm hồn các em học sinh ước mơ và khát vọng để các em cố gắng trở thành những con người có ích. Cảm nhận được tấm lòng ấy bao thế hệ học sinh đã cố gắng vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện.
Cũng chính vì vậy, để đến hôm nay, trải qua suốt chặng đường xây dựng và phát triển, dù phải chuyển đổi mô hình khác nhau nhưng trường đã khẳng định được những bước đi vững chãi với nhiều thành tích. Hàng trăm em đã đạt giải quốc tế, quốc gia, hàng nghìn em đạt giải cấp tỉnh, trong đó có nhiều em đạt giải nhất, thủ khoa. Những hạt giống được ươm mầm từ ngôi trường này đã tạo nguồn HSG cho Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và khối THPT chuyên trong các trường đại học.
Các em học sinh tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, giành được những kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện. Hàng trăm em là học sinh giỏi quốc gia, thủ khoa các kỳ thi vào đại học, thủ khoa các kỳ thi vào các trường THPT chuyên, vào đại học, thủ khoa tốt nghiệp đại học… Nhiều em là cựu học sinh nhà trường có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà báo, nhà giáo, doanh nghiệp trẻ…
Nhiều em đã trưởng thành và công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang… Dù ở đâu, đang học tập hay làm việc ở lĩnh vực nào học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm vẫn giữ được dấu ấn riêng và có những đóng góp lớn lao cho quê hương đất nước. Đó chính là sự thành công nhất đối với nhà trường và bao thế hệ thầy cô giáo.
Được sống, làm việc, cống hiến, học tập dưới mái trường này thật sự là niềm tự hào không gì sánh nổi. Có những người đã từng đi nhiều nơi, giảng dạy ở nhiều ngôi trường nhưng chắc chắn điểm dừng chân nơi ngôi nhà Lê Văn Thiêm sẽ để lại muôn vàn cảm xúc.
Có niềm vui, niềm hãnh diện về những thành tựu, có niềm cảm phục về những tấm gương đã vượt qua gian khó. Có niềm tiếc nuối pha lẫn niềm hy vọng của người chèo đò khi chia tay những thế hệ học sinh. Có nỗi buồn sẽ được sẻ chia.
Có những khoảnh khắc rồi sẽ thành kỷ niệm… Tôi thầm nghĩ rằng, với tôi, với mỗi thầy cô giáo ở đây sẽ luôn nỗ lực để đã và sẽ khắc tạc vào các em học sinh một kiệt tác, một bài học dịu dàng nhưng chứa chan tình nghĩa, để tất cả những ai đã đi qua, đã dừng lại ở nơi đây, dù luôn bị dòng đời thử thách, xô đẩy sẽ vẫn luôn vững vàng một niềm tin yêu, niềm lạc quan bất tận, một niềm tự hào…
Những tình cảm trân quý ấy đã bắt đầu từ những phút giây tôi được gặp gỡ, được sống ở nơi đó, nơi tình yêu có thật, nơi mái Trường THCS Lê Văn Thiêm, nơi để tôi được yêu thương, được sống thật với bản thân mình, để có được bao kí ức đẹp đẽ.
Vì thế, tôi cũng luôn tâm niệm: Hãy coi học trò là những người bạn để sẻ chia, để đồng cảm để từ đó mới có thể phác họa được chân dung đời sống tâm hồn của học sinh. Dạy học phải truyền cả niềm tin, cả ước mơ, khát vọng sống chứ không phải là một khối lượng kiến thức đơn thuần, những con chữ khô khan trên trang giấy.
Đó cũng chính là tình cảm thiêng liêng mà một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí hơn thế, mà mỗi thế hệ thầy cô giáo và cả chúng tôi vẫn giữ cho nhau, vẫn truyền cho mỗi người học sinh.
Cuộc thi giúp giáo viên thêm yêu nghề, niềm tin với giáo dục
Hưởng ứng cuộc thi 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2022' cô giáo Võ Thị Thùy Dương dự thi tác phẩm 'Cậu học trò và tôi'.
Cô Võ Thị Thùy Dương (hàng 2 ở giữa) và học trò cũ.
Cô giáo Võ Thị Thùy Dương, sinh năm 1971, quê quán ở xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện đang dạy học tại trường THCS Lộc Nga (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Cuộc thi "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2022" do Bộ GD&ĐT phát động, Báo GD&TĐ tổ chức, cô giáo Võ Thị Thùy Dương đã dự thi với tác phẩm "Cậu học trò và tôi" .
Cô Dương chia sẻ: Nói đến kỉ niệm về thầy cô và mái trường khá nhiều, nhất là với giáo viên đã có 30 năm thâm niên công tác. Nhưng lý do chọn kỉ niệm để đưa vào tác phẩm dự thi lại không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên hay tình cờ, đó là sự lựa chọn toàn tâm, toàn ý.
Theo cô Dương, đây là kỉ niệm đã để lại nhiều xúc cảm nhất. Những cảm xúc ấy không thoáng qua hay nhất thời, nó lắng đọng sâu sắc và bền bỉ trong cô. Đặc biệt hơn, đây còn là kỉ niệm đã tác động tích cực tới tâm hồn, nhận thức. Vì vậy, "Tôi hi vọng những cảm xúc tích cực, những giá trị nhân văn không chỉ dừng lại trong tôi mà còn đến với tất cả bạn đọc và toàn xã hội...", cô Dương trao đổi.
Mặt khác, cô Dương cho rằng kỉ niệm đưa vào tác phẩm dự thi sẽ chạm đến trái tim, khơi gợi những cảm xúc của tình yêu thương, sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ nơi bạn đọc, khi đứng trước một hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương của cậu học trò nhưng đang gặp phải sự vô tình của cô giáo (như trong tác phẩm).
Một kỉ niệm mang nhiều ý nghĩa nhân văn đó là nhờ học sinh mà giúp cô giáo kịp nhận ra mình đang ở đâu, đang ở chỗ nào và cần phải làm gì để tự điều chỉnh mình, tự thay đổi bản thân để hoàn thiện hơn trong cuộc sống và sự nghiệp "trồng người".
Cô Võ Thị Thùy Dương đang công tác tại Trường THCS Lộc Nga (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Một kỉ niệm đến với cô Dương tuy muộn nhưng vẫn kịp mở ra một khung trời đầy ánh sáng, còn cơ hội để kịp bù đắp, chuộc lỗi, có hướng đi phù hợp và thích ứng giúp học trò khôn lớn, trưởng thành - dù trong hoàn cảnh đáng thương tâm; và đó cũng là cơ hội cho cô được trút bỏ bớt sự day dứt trong lòng.
Đối với cô Dương, kỉ niệm trong tác phẩm dự thi là sự trải nghiệm hữu ích, bài học quý giá với bản thân. Nhờ đó cô có được những thế hệ học sinh thành đạt sau này, khi chúng luôn nhận được tình yêu thương, sự thấu hiểu, đồng cảm, quan tâm và chia sẻ từ cô giáo. Kỉ niệm của cá nhân trong tác phẩm nhưng ý nghĩa nhân văn không dừng lại ở riêng cô, nó đi sâu và lan tỏa rộng khắp đến bạn đọc, đến xã hội và đặc biệt các thế hệ học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước sau này.
Cô giáo Võ Thị Thùy Dương còn cho biết thêm, đến với cuộc thi từ lúc đầu cho đến bây giờ trong cô diễn ra những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lúc đầu ngần ngại dù đôi lúc nhận thấy mình ít nhiều có chút sở trường về văn học. Rồi lo sợ "ở nhà nhất mẹ nhì con..." nên không đủ tự tin. Nhưng khi được nhà trường phân công nhiệm vụ cô Dương đã cố gắng hết mình để "mang chuông đi đánh xứ người...".
Cô Dương khẳng định tất cả các yếu tố từ cuộc thi đã thực sự tác động và ảnh hưởng tích cực đối với bản thân, giúp cô thêm yêu nghề, tăng động lực, niềm tin và sự hi vọng hơn trong sự nghiệp "trồng người".
Và điều đặc biệt, cuộc thi đã làm thay đổi dòng suy nghĩ trong cô. Từ chỗ cho rằng tác phẩm dự thi chỉ để thực hiện nhiệm vụ được phân công đến chỗ đang nghĩ rằng "Biết đâu tác phẩm dự thi lại là tác phẩm mở đầu cho một sự nghiệp sáng tác của riêng mình thì sao...!".
Đồng cảm để giải mã tác phẩm nghệ thuật trong dạy Ngữ văn Dạy học Ngữ văn cần đi liền với cảm thụ văn chương và khơi nguồn sáng tạo cho từng học sinh. Học sinh Trường THCS Dewey học Văn qua hình thức sân khấu hóa. Định hướng cảm xúc xói mòn yêu thích văn chương Cô Hoàng Thị Tâm, tổ trưởng tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Dewey (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận...