Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Ngôi trường ở tuổi lên ba
Khá ngỡ ngàng khi có dịp quay lại thăm Trường Tiểu học An Khê, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng đúng vào dịp nhà trường đang tổ chức buổi tuyên truyền, phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”.
Không chỉ có chương trình văn nghệ với những bài hát và các tiểu phẩm liên quan đến chủ đề này mà người viết còn chứng kiến hàng trăm sản phẩm được trưng bày từ việc tái chế nhựa thành những đồ dùng giảng dạy, học tập và cả những mô hình trò chơi có ý nghĩa do các thầy, cô giáo và các em học sinh tự làm.
Các thầy, cô giáo Trường TH An Khê cam kết “Nói không với rác thải nhựa”.
Thầy giáo Lê Duy Tuấn, Hiệu trưởng Trường TH An Khê cho biết, “Đây là một trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp được Ban giám hiệu và các thầy, cô giáo rất quan tâm. Chính xuất phát từ những việc làm này đã tạo cho học sinh (HS) một sân chơi lý thú, bổ ích”. Tuy mới thành lập từ năm học 2016-2017 nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay, cơ sở vật chất của nhà trường tương đối đầy đủ, khang trang để phục vụ cho hoạt động giảng dạy và học tập cũng như các hoạt động ngoài giờ. Nhà trường có diện tích gần 9.700 m2 với 20 phòng học đều được trang bị máy vi tính, màn hình tivi 43 inches được kết nối mạng cùng các phòng chức năng đầy đủ tiện nghi. Đó là chưa kể nhà trường đầu tư xây dựng được cả sân bóng đá, 2 sân cầu lông, 1 sân bóng rổ và 1 phòng bóng bàn để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho hơn 620 giáo viên, học sinh của trường.
Cô Nguyễn Thị Linh Hương, xuất thân từ cán bộ Đoàn phường nay làm Tổng phụ trách Đội TNTPHCM của trường cho biết, “Liên đội TNTPHCM Trường TH An Khê dù mới chỉ mới qua hơn 3 năm đi vào hoạt động nhưng đã được công nhận đạt “Liên đội Xuất sắc, nghìn việc tốt” và có đến 100% HS hoàn thành Chương trình Tiểu học và 211 em đạt HS xuất sắc được khen thưởng cuối năm học…”. Trong khi đó, thầy giáo dạy bộ môn thể dục kiêm Bí thư Chi đoàn trường Bùi Ngọc Hà cũng rất vui với danh hiệu “Chi đoàn xuất sắc” và tiết lộ thêm: “Về giải thể thao, năm học vừa qua, nhà trường đạt tổng cộng 10 giải từ cấp quận đến cấp thành phố ở các bộ môn bóng bàn, đá cầu, bơi lội, cờ vua. Chúng tôi rất tự hào về thành tích này và cố gắng sẽ tiếp tục duy trì trong các năm học đến”.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 4/3 Trần Thị Ngọc Bích trong cuộc thi tham gia tiết dạy An toàn giao thông cấp thành phố đã đạt giải Nhì, tâm sự “Giáo dục về an toàn giao thông cho các em HS cấp tiểu học rất cần những bài giảng sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Xuất phát từ yêu cầu này, bản thân tôi rất cố gắng để chuyển tải đến các em những câu chuyện cụ thể, thiết thực cộng với những hình ảnh sinh động, trực quan. Qua đó đã giúp các em hiểu và chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, ngay cả khi cùng bố, mẹ đưa đến trường”.
Khi dẫn tôi đi thăm trường lần này, thầy giáo Lê Duy Tuấn còn kể thêm nhiều chuyện khác. “Năm học 2018-2019, nhà trường đã có 6 sản phẩm giáo án điện tử E-Learning đạt giải cấp thành phố, trong đó có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì và 2 giải Ba, tăng 2 giải so với năm học trước. Điều đáng mừng là không chỉ chi đoàn, Liên đội được công nhận xuất sắc mà tập thể nhà trường còn được công nhận “Tập thể lao động tiên tiến”, Công đoàn đạt “Công đoàn vững mạnh”. Đây chính là tiền đề để mỗi giáo viên, HS tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa khi vừa mới qua “tuổi lên ba” – thầy Lê Duy Tuấn thổ lộ.
PHƯƠNG KIẾM
Video đang HOT
Theo congandanang
Lớp học ở bản Phá
Đã 3 mùa khai giảng trôi qua, các em học sinh ở bản Phá chưa được nghe tiếng trống "tùng tùng" ở trường.
Điểm trường bản Phá.
Những ngày cận kề ngày Nhà giáo Việt Nam (20 -11) chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường khu Phá (bản Phá, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh). Cách thị trấn Lang Chánh chỉ chừng 18km, thế nhưng, để đến được đây, chúng tôi phải mất gần 1 giờ. Bởi lẽ, con đường dẫn lối vào bản Phá quanh co, uốn lượn, dốc cao thăm thẳm...
Thấy có người lạ đến thăm, những em nhỏ bản Phá chạy lại xúm lấy chúng tôi. "Nói thật với các bạn, đã lâu lắm chúng mới được thấy người lạ, ở đây xa xôi lại cuối bản nên ít người ghé thăm. Cách đây 3 năm ở bản mới có điện, mới biết đến tivi, thấy các bạn nên chúng mừng, lạ lẫm là phải rồi". Thầy Lữ Văn Dậu, trưởng khu điểm trường tiểu học bản Phá hồ hởi chia sẻ.
Nằm nép mình bên con suối Phá, điểm trường bản Phá đơn sơ vỏn vẹn 4 lớp học chung được ngăn bằng vách gỗ. Để đến lớp dạy con chữ cho học sinh nơi đây, thầy Dậu và các cô giáo phải dậy từ sớm tinh mơ, vượt hàng chục khúc cua đồi núi.
Theo chia sẻ từ thầy Dậu, điểm trường này đã có từ rất lâu, 100% người dân sinh sống ở đây đều là người dân tộc Thái. Sau khi có con đường bê tông dẫn từ UBND xã đến bản, cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Thầy Dậu kể: "Trước đây khi chưa có đường bê tông vào bản, điện chưa kéo về tận nơi, người dạy chữ ở đây đều là các thầy. Bởi ngày đó nơi đây còn rất khó khăn, đường đất đỏ lầy lội heo hút, phải đi bộ mấy tiếng mới vào được bản khiến nhiều cô giáo không thể đến được. Giờ các thầy cũng đã về hưu, nhưng rất may đã có đường bê tông vào bản nên 4 cô giáo ở đây yên tâm nhận đứng lớp".
Nói là thế, nhưng sau một hồi dạo quanh điểm trường, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. 1 căn nhà gỗ ọp ẹp, chật chội vỏn vẹn chỉ chừng 20m2 là nơi học của hơn 20 em học sinh lớp 4, lớp 5. Hai lớp học được ngăn nhau bằng tấm phên gỗ, bên này đọc bên kia nghe rõ đến từng tiếng.
Ghé thăm một lớp học tiếng Anh lớp 4, cô Hà Thị Dung đang cố gắng truyền tải đến các em học sinh một cách dễ hiểu nhất. "Các anh thấy đấy, lớp có 10 em nhưng các em không có lấy 1 cuốn sách giáo khoa, chỉ có chiếc bảng để các em nhìn rồi ghi theo thôi". Cô Dung tâm sự.
"Bục, bục, bục" 3 tiếng kêu vang lên sau lưng, tôi ngoảnh lại thấy thầy Dậu vừa đặt chiếc gậy lên chiếc trống thủng 2 mặt. Hỏi ra mới hay, đã lâu rồi trường chưa thay trống mới, đây là chiếc trống cũ của làng cho mượn để các cháu tập thể dục. Đã 3 mùa khai giảng trôi qua, các em học sinh ở đây chưa được nghe rõ âm thanh "tùng, tùng" của chiếc trống.
Chia sẻ về những khó khăn, thầy Dậu cho biết: "Các em nhỏ hầu hết được phụ huynh phó mặc hết cho thầy cô. Đa số phụ huynh các em ở nơi đây đều đi làm ăn xa, để các con ở nhà với ông bà, bởi lẽ đó mà việc học con chữ cũng trở nên khó khăn với các cháu. Căn nhà gỗ kia được làm từ khá lâu rồi, để có được ngôi nhà đó làm lớp học cho các cháu thì chủ yếu là các phụ huynh tự quyên góp gỗ, hô hào nhau dựng lên cho các cháu học tạm"."May mắn hơn các anh học lớp lớn, các em nhỏ học lớp 1, 2 và 3 được chia ra làm 3 lớp học ở căn nhà gạch xây cách đây gần 20 năm. Thế nhưng, mùa mưa thì cũng dột nhiều lắm. Chúng tôi mong muốn có 1 phòng học kiên cố cho các cháu lắm". Thầy Dậu chia sẻ thêm.
Ánh mặt trời dần khuất sau núi, chúng tôi chia tay thầy Dậu và những đứa trẻ ở bản Phá mà lòng nặng trĩu. Đâu đó vẫn còn những bản nghèo, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn, những lớp học tạm...
Tuấn Kiệt
Theo baothanhoa
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2019: Tôn vinh những người thầy vượt khó Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2019. Chương trình tuyên dương 63 thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường Mầm non, Tiểu học và...