Kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Chuyện một người thầy
Nhận được điện của Hằng báo tin thầy Lâm mệt nặng, tôi cố thu xếp rút ngắn chuyến công tác để có thế ra Bắc sớm hơn.
Nhưng cũng phải gần một tuần sau tôi mới về đến Hà Nội. Ném vội hành lý vào nhà, tôi vớ xe máy phóng đến ngay nhà thầy. Hằng mở cửa đón, tôi hỏi ngay:
- Thầy thế nào rồi?
Hằng vừa giúp tôi đưa xe vào khoảng sân hẹp vừa nói, mắt đỏ hoe:
- Từ tối qua đến giờ thầy lúc tỉnh, lúc mê, chả còn nuốt nổi thìa sữa nữa!
Ảnh minh hoạ do tác giả cung cấp.
Tôi vội vã theo Hằng vào nhà. Thầy Lâm nằm thiêm thiếp trên chiếc giường cá nhân trong căn phòng nhỏ, giữa bốn bề là sách. Tôi quỳ xuống cạnh thầy. Hai bàn tay tôi nắm lấy tay thầy. Tay thầy hơi lạnh, không còn ấm như mọi khi. Tôi khẽ gọi:
- Thầy ơi… con… An đây…
Thầy Lâm vẫn nằm lặng yên. Nhưng tôi cảm thấy bàn tay thầy khẽ động đậy trong tay mình. Tôi biết thầy đã nghe thấy tiếng tôi gọi. Hằng vẫn sụt sịt đứng bên cạnh. Tôi hỏi:
- Sao không đưa thầy vào bệnh viện?
Hằng lau mắt:
- Chúng em đã đưa thầy vào viện. Nhưng sau một tuần thầy cứ dứt khoát đòi về. Mấy hôm nay bệnh tự dưng bệnh thầy nặng thêm.
- Thế thuốc thang cho thầy bây giờ thế nào?
- Mấy anh chị học trò của thầy là giáo sư bác sĩ ở bệnh viện vẫn đến theo dõi, tiêm thuốc cho thầy. Các anh chị ấy cũng vừa mới về xong, lát nữa sẽ lại đến…
Tôi lặng nhìn thầy. Thầy nằm yên trên giường. Đôi mắt của người nhắm nghiền như đang ngủ. Mái tóc của thầy bạc trắng như bông, trắng hơn bui phấn đời người. Nét mặt thầy thanh thản như chưa hề có những cơn đau đang âm ỉ trong cơ thể. Có lẽ thầy hiểu. Cả cuộc đời gắn bó với bao lớp học trò như chúng tôi, con đò của thầy chở bao nhiêu chuyến sang sông nay đã đến lúc phải cập bến nghỉ ngơi, giã từ sóng gió. Nhìn thầy, tôi chợt nhớ lại khi còn là học trò của thầy. Nhớ về kỷ niệm những ngày xanh.
Đó là những năm chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Khi ấy tôi vừa lên lớp 8. Thời đó, lớp 8 là lớp đầu của cấp ba. Thầy Lâm vừa là chủ nhiệm vừa dạy lớp tôi môn toán. Thầy là người Hà Nội gốc. Hình như thầy có chuyện gì trục trặc về gia đình nên xin lên miền núi quê tôi dạy học. Thầy đem theo đứa con gái nhỏ. Hai bố con thầy ở một gian nhà nhỏ trong khu tập thể. Bé Hằng khi ấy mới năm sáu tuổi đang chuẩn bị vào lớp 1. Tính thầy Lâm rất nghiêm khắc nên chúng tôi không thích thầy lắm. Nhất là tôi lại là một đứa lười học, hay trốn tiết đi bơi ngoài sông hoặc lang thang ra thị trấn. Giờ toán của thầy đúng là một cực hình. Văn thì tôi chả kém mấy ai nhưng lại rất rốt môn toán. Đã thế thầy Lâm lại hay gọi tôi lên bảng. Bị nhiều điểm kém môn toán nên tôi rất lo, nhất là khi chi đoàn đang bồi dưỡng để kết nạp tôi vào đoàn. Học kém sẽ không đủ tiêu chuẩn để trở thành đoàn viên. Ngày ấy không là đoàn viên thì đi bộ đội cũng khó chứ đừng nói gì là vào đại học, cao đẳng. Tôi cũng đã cố tập trung học môn toán. Nhưng sự thông minh không phải cứ cố là có được ngay.
Bài kiểm tra giữa học kỳ môn toán thường là hệ số hai. Được một điểm khá, hay điểm giỏi tức là có hai điểm khá, hai điểm giỏi, khi chia trung bình nó kéo các điểm kém khác lên. Ấy thế mà bài kiểm tra giữa học kỳ một tôi lại làm không tốt. Bài làm tẩy xoá, sửa chữa be bét.
Lúc hết giờ so sánh với các bạn giỏi trong lớp thì tôi làm sai gần hết. Chợt nảy ra một sáng kiến. Tôi liền đem đề bài đi tìm anh Bái. Anh Bái là anh họ tôi học trên một lớp. Anh rất giỏi môn toán. Kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh anh đoạt giải nhì. Tôi nhờ anh giải cho các bài toán trong đề kiểm tra giữa học kỳ. Anh làm một loáng là xong. Tôi ngồi chép lại thật sạch sẽ. Buổi chiều, tôi lân la gần nhà thầy Lâm.
Video đang HOT
Nhìn thấy bé Hằng đang thập thò ở cửa, tôi vẫy vẫy tay khẽ gọi:
- Hằng… Hằng… ra đây anh bảo!
Vừa trông thấy tôi, bé Hằng đã lon ton chạy ra ngay. Con bé rất thích tôi vì tôi hay gấp cho nó khi thì cái chong chóng, lúc thì con châu chấu bằng lá dừa hoặc con thuyền bằng giấy.
Bé Hằng tíu tít:
- Anh An ơi! Hôm nay anh gấp cho em con chim bồ câu nhé!
Tôi bẹo má nó thì thào hỏi:
- Bố có ở nhà không?
- Bố em vừa đi “ọp an ám iệu ồi” (họp ban giám hiệu rồi).
Bé Hằng nói líu cả lưỡi. Tôi bảo:
- Thế thì tốt! Nhưng anh không có giấy để gấp…
- Bố em có ối… – Con bé khoe. Tôi bảo:
- Để anh vào nhà xem có tờ giấy nào bỏ đi lấy gấp đồ chơi cho em nhé!
Bé Hằng gật đầu. Tôi lẻn nhanh vào phòng thầy Lâm. Chả khó khăn gì, tôi tìm thấy tập bài kiểm tra toán thầy đang chấm dở để trong ngăn bàn. May quá, bài của tôi thầy chưa chấm đến. Tôi nhanh chóng đổi ngay bài làm vừa nhờ anh Bái giải giúp vào tập bài kiểm tra. Xong xuôi, tôi khép cửa và kéo bé Hằng ra mãi ngoài góc sân trường. Bé Hằng cứ luôn miệng giục đòi: “Anh gấp bồ câu cho em… anh gấp bồ câu cho em…”. Tôi lúng túng, kiếm đâu ra giấy để gấp đồ chơi cho nó bây giờ. Bé Hằng sốt ruột ngúng nguẩy trực khóc. À đây rồi, tờ giấy bài kiểm tra làm sai đánh tráo khi nãy còn gấp nhét trong túi quần. Tôi lấy tờ giấy ra vuốt phẳng, xé đôi rồi gấp cho bé Hằng chiếc thuyền và con chim bồ câu.
Bài kiểm tra giữa học kỳ ấy tôi được điểm chín. Bọn con trai lười học trong lớp đều tròn mắt bái phục. Thầy Lâm biểu dương tôi trước lớp rồi nói thêm: “Thầy mong rằng em sẽ tiếp tục cố gắng nhiều hơn để giữ vững kết quả học tập của mình”. Tôi thấy yên tâm vì thầy không phát hiện ra trò láu cá, gian lận của mình. Nhưng tôi cũng hơi hoảng vì nếu những bài kiểm tra tiếp theo lại bị điểm kém thì biết ăn nói thế nào với các bạn cùng lớp. Thế là tôi chú ý chăm chỉ học tập hơn. Tôi cũng thường xuyên đến nhờ anh Bái hướng dẫn thêm cho môn toán.
Một hôm, thầy Lâm tìm tôi bảo:
- Bé Hằng bị mệt, dỗ mãi không chịu ăn cơm, nó cứ đòi thầy đi tìm anh An đến gấp cho cái chong chóng mới chịu ăn.
- Thưa thầy! Hết buổi học em sẽ đến ngay ạ!
Tôi đáp. Hết giờ học tôi đến ngay phòng thầy Lâm. Bé Hằng đươc mấy thứ trò chơi thích quá, tay cầm cái chong chóng làm bằng lá dừa ăn liền hai lưng bát cơm. Từ đó tôi hay đến chơi với bé Hằng và cũng thấy bớt ngại thầy Lâm nghiêm khắc, khó tính. Thầy Lâm cũng tranh thủ kèm cặp hướng dẫn tôi thêm về môn toán. Đến cuối học kỳ một, lực học môn toán của tôi khá lên hẳn. Điểm kiểm tra đều từ bảy trở lên. Thỉnh thoảng, tôi còn được chín điểm môn toán.
Chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng khắp miền Bắc. Trường chúng tôi sơ tán vào trong rừng sâu. Bé Hằng vào học lớp 1. Nhiều hôm thầy Lâm bận lên lớp hoặc đi họp, tôi giúp thầy đưa đón bé Hằng đi học. Thầy coi tôi như con, tận tình chỉ bảo, nhắc nhở tôi học tập. Tôi cũng rất quý thầy và bé Hằng. Ngày ấy cuộc sống rất khó khăn. Quê tôi thường thiếu đói khi giáp hạt. Nhiều bữa thầy lấy cớ là bé Hằng không chịu ăn nếu không có anh An đến chơi để giữ tôi ở lại ăn cơm. Sau này tôi mới hiểu thầy thương tôi nhà nghèo, ăn uống thiếu thốn, nhiều bữa chỉ có sắn thay cơm. Mỗi khi đem tem phiếu ra mậu dịch mua được chút thịt cá tươi là thầy đều tìm cách giữ tôi ở lại ăn cơm.
Gần hết năm học lớp 8, tôi được kết nạp vào đoàn. Hôm làm lễ kết nạp cho tôi thầy Lâm vui lắm. Thầy đưa cả bé Hằng đến. Sau lễ kết nạp bé Hằng tặng tôi một bó hoa rừng. Giữa năm lớp 9, lúc này chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc tạm ngưng. Trường lại chuyển về thị trấn. Tôi còn nhớ hôm đó là ngày nghỉ, khu nhà tập thể giáo viên vắng vẻ. Tôi đến thăm thầy Lâm và bé Hằng. Đi tới gần phòng thầy ở cuối dãy nhà tập thể thì tôi nghe tiếng kêu khóc của bé Hằng. Tôi vội chạy vào. Thầy Lâm đang nằm dưới sàn nhà. Bé Hằng đang cuống quýt lay gọi bố. Thầy bị một cơn đau đột ngột. Thầy có tiền sử bị bệnh tim. Thấy tôi, thầy cố thều thào bảo:
- Đừng… sợ… thầy… kh…ông việc gì đâu. Cứ để thầy nằm yên một lúc. Thuốc thầy để ở ngăn tủ trên, An lấy cho thầy…
Tôi chạy vào góc phòng mở tủ tìm thuốc. Lúc kéo ngăn tủ ra tìm lọ thuốc tôi chợt thấy một cái thuyền và con chim bồ câu giấy cũ kỹ để ở trong hộc tủ. Tôi cầm lên xem và giật mình sửng sốt nhận ra chính là cái thuyền và con chim bồ câu tôi đã gấp cho bé Hằng bằng tờ giấy bài kiểm tra môn toán giữa học kỳ năm lớp 8 làm sai mà tôi đã đánh tráo. Thì ra ngay từ ngày ấy, thầy đã biết tôi đổi bài kiểm tra. Nhưng thầy đã không đưa tôi ra kiểm điểm trước lớp. Thầy có một cách khác để giúp tôi tiến bộ, học tập tốt hơn. Đó là cách của một người thầy luôn độ lượng, bao dung.
Tôi để chiếc thuyền và con chim giấy vào chỗ cũ rồi đem thuốc ra cho thầy…
*
Năm tháng qua đi, hết chiến tranh, thầy Lâm chuyển về dạy học tại thủ đô. Nghỉ hưu, thầy đi dạy tại lớp học tình thương cho trẻ em đường phố. Thầy vẫn dõi theo mỗi bước trưởng thành của các lớp học trò chúng tôi. Với tôi, thầy luôn có một sự quan tâm đặc biệt. Khi biết tôi trưởng thành thầy mừng lắm. Bé Hằng ngày ấy giờ cũng đã là một tiến sĩ, một nhà khoa học. Thầy đã một mình nuôi con khôn lớn và dạy dỗ bao lớp học trò nên người. Một mình thầy cô đơn với chiếc giường cá nhân. Nhưng bên thầy có bao lớp học trò vững bước, trưởng thành.
Bây giờ thì thầy nằm đó thanh thản trong tĩnh lặng. Là người chèo lái, thầy đã chở bao nhiêu chuyến đò tri thức sang sông cho chúng con nên người. Chúng con biết ơn thầy mãi mãi thầy ơi!
Hà Nội, 20-11-2008
Theo vanhien
Chiếc đồng hồ mất cắp và bài học làm người nhân ngày 20/11
Trong mỗi con người, ai cũng từng trải qua những năm tháng đi học và có những bài học làm người đôi khi chúng ta mang theo suốt cuộc đời cùng với lòng biết ơn vô hạn với những người thầy, người cô của mình.
Dưới đây là một câu chuyện như thế!
Mới đây dư luận dậy sóng về phát biểu của một giáo viên tại Hà Nội về những người mẹ đơn thân không nên vào Ban phụ huynh của nhà trường. Phát biểu được phát ngôn ngay trước thềm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 càng khiến nhiều người buồn về đạo đức của một bộ phận giáo viên hiện nay.
Tuy nhiên, cũng nhân câu chuyện này dư luận xã hội và đặc biệt là cộng đồng mạng cũng chia sẻ vô vàn câu chuyện khác về những nghĩa cử cao đẹp của những người thày người cô mà trong mắt họ. Những thày cô đúng chuẩn là những người "mẹ hiền" hay những "người cha" đáng kính nghiêm khắc ở trường.
Theo các bậc phụ huynh, câu chuyện cô giáo phát ngôn "vô trách nhiệm" về các mẹ đơn thân cũng chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Và trong số các câu chuyện cảm động về các thày, các cô được họ chia sẻ những ngày này, câu chuyện về chiếc đồng hồ bị mất cắp và bài học làm người dưới đây khiến nhiều người xúc động.
Infonet xin đăng lại câu chuyện này như một bó hoa tươi thắm gửi tới các thày giáo, các cô giáo - những người đưa đò - nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 như một lời tri ân và sự biết ơn!
----*****----
Một trong những tiêu chí thiết thực nhất cho bài học giáo dục công dân, dạy làm người, giúp các em lớn lên, trưởng thành là những công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Một thanh niên nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta đến chào người thầy với tất cả sự kính trọng:
-Thầy có nhớ em không ạ?
Thầy giáo nói:
- Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào.
Người học trò nói: Em đã học lớp 3 của thầy hồi đó, em đã ăn cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc là thầy nhớ chuyện đó mà.
Nghề giáo cần rất nhiều tình thương yêu, lòng nhiệt huyết, đam mê, và cả sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục con người.
Một bạn trong lớp có một chiếc đồng hồ rất đẹp, vì vậy em đã ăn trộm nó. Bạn ấy khóc và méc với thầy có người lấy cắp đồng hồ của bạn. Thầy bảo cả lớp đứng cho thầy soát túi. Em nhận ra rằng, hành động của mình trước sau sẽ bị phơi bày ra trước mặt tất cả các bạn. Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi.
Thầy đã bắt chúng em đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát từng chiếc túi, và khi lấy chiếc đồng hồ từ túi của em, thầy tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Xong xuôi, thầy kêu chúng em mở mắt ra và thầy ngồi xuống ghế. Giây phút đó em thật sự lo sợ là thầy sẽ bêu tên em ra trước các bạn.
Thầy giơ cái đồng hồ cho cả lớp thấy và đưa trả lại cho bạn ấy. Thầy đã không nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ. Thầy không nói với em một lời nào và cũng không bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Suốt những năm tiểu học, không một giáo viên hay học sinh nào nói với em về chuyện ăn cắp đồng hồ.
Em nghĩ Thầy đã cứu vớt cho danh dự của em ngày đó. Thầy không nhớ em sao? Sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc là thầy phải nhớ câu chuyện em đã ăn cắp cái đồng hồ và thầy không muốn làm em xấu hổ. Đó là một câu chuyện không thể nào quên.
Đừng để chữ "tâm" của người thầy ngày càng mai một, vơi đi.
Người thầy đáp:
- Thầy không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp cái đồng hồ ngày đó, bởi vì khi thầy soát túi các em, thầy cũng... nhắm mắt!
Thầy nghĩ rằng việc lấy chiếc đồng hồ đó là một hành động nhất thời bồng bột của các em. Thầy không muốn hành vi đó lưu lại trong trí nhớ của các em như một vết nhơ mà muốn đó như là một bài học để rút kinh nghiệm. Cho nên tốt nhất thầy không nên biết người đó là ai và cũng không nên nhắc lại việc đó vì thầy tin rằng, em nào đã lấy sẽ tự biết sửa đổi để trở thành người tốt hơn.
----*****----
Thực tế, câu chuyện này cũng có khá nhiều dị bản nhưng ý nghĩa của câu chuyện thì vẹn nguyên và đầy tính nhân văn. Nhiều người đọc xong câu chuyện đều đồng ý quan điểm, giáo dục là làm cho con người biết hướng thiện, giáo dục không phải là sự trừng phạt!
Chiếc đồng hồ mất cắp và bài học làm người nhân ngày 20/11 này đã đúc kết lại bằng một bài học nhân văn: "Những người thày, người cô - người dẫn dắt các thế hệ học trò - phải biết vun xới, chứ không phải là "triệt hạ" học trò!
Theo infonet
Người thầy, nhà báo tận tụy Vừa là nhà giáo, vừa là nhà báo, vừa dành thời gian viết văn, ở vai trò nào, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng luôn nỗ lực hết mình. Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân...