Kỳ nghỉ hè ở Việt Nam có từ bao giờ?
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng kỳ nghỉ hè ở nước ta có từ thời Pháp thuộc. Câu hỏi đặt ra là có nên thay đổi kỳ nghỉ này cho phù hợp xã hội hiện tại và xu hướng thế giới?
Trước câu hỏi “nghỉ hè có từ bao giờ”, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quốc Vương cho rằng kỳ nghỉ vào mùa hè có từ thời Pháp.
Nghỉ hè hay các trường hoạt động theo khung thời gian là giáo dục cận đại, xuất phát từ châu Âu. Trong các cuộc cải cách giáo dục sau này, kỳ nghỉ hè được nhắc lại bằng thông tin một năm học có 9 tháng (kỳ nghỉ hè 3 tháng).
Học sinh lớp 12, trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM trong ngày chia tay cuối cấp. Ảnh: Tùng Tin.
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT: “Từ những năm 1940 đã có nghỉ hè”
Là người bắt đầu học phổ thông từ những năm 1940, GS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng GD&ĐT thông tin khi đó, đã có nghỉ hè. Ngày đó chưa có luật giáo dục nói chung nên kỳ nghỉ hè không được định nghĩa bằng văn bản mà ảnh hưởng bởi nền giáo dục Pháp thuộc.
GS Hạc cho hay năm 1917, phủ Toàn quyền Đông Dương đã ban nghị định, quy định lại bộ máy giáo dục với ba bậc: Tiểu học, trung học và đại học, với hai hệ thống giáo dục gồm trường Pháp và trường Pháp bản xứ.
GS Phạm Minh Hạc kể ông học tiếng Pháp từ tiểu học. Tiếng Pháp có ở tất cả môn và nhà trường.
PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – cũng học tập vào giai đoạn này (1940-1954). Ông khẳng định giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc đã có kỳ nghỉ hè. Ngày đó, kỳ nghỉ hè bắt đầu vào cuối tháng 5 và đến tháng 9, học sinh trở lại trường. Khi đó, thời gian nghỉ rất hợp lý, bởi thời tiết mùa hè thường khắc nghiệt.
Nghỉ hè được định nghĩa trong nghị định từ năm 1956
TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội – cho biết kỳ nghỉ hè được nêu rõ hơn trong những lần đổi mới, cải cách của giáo dục Việt Nam. Trong đó, các văn bản không nêu rõ là “kỳ nghỉ hè” nhưng có viết “một năm học có 9 tháng”.
Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, lịch sử giáo dục nước nhà sang một trang mới. Bộ Quốc gia giáo dục là một trong những bộ – thành viên Chính phủ – được thành lập ngay từ những ngày đầu. Bộ trưởng đầu tiên là ông Vũ Đình Hòe.
Đến năm 1950, cuộc cải cách giáo dục được tiến hành, quyết định thực hiện hệ thống trường phổ thông 9 năm và chương trình giảng dạy mới.
Năm 1956, Thủ tướng Chính phủ, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã ban hành chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Video đang HOT
Như vậy, theo TS Vũ Thu Hương, lần đầu tiên kỳ nghỉ hè được định nghĩa trong Nghị định số 1027-TTg Ban hành bản chính sách giáo dục phổ thông của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như sau:
“Năm học phổ thông gồm 9 tháng, chia ra làm từng học kỳ để học tập đỡ căng thẳng và tiện ôn tập, tổng kết kinh nghiệm. Niên học khai giảng ngày 1/9 năm trước và kết thúc ngày 31/5 năm sau. Điều này phù hợp niên học ở các nước, tiện cho học sinh đi học nước ngoài để học sinh được nghỉ hè vào những tháng nóng nhất (6, 7, 8)”.
Kỳ nghỉ hè 3 tháng như hiện nay quá dài, khiến học sinh bị hụt kiến thức, khi khởi động lại năm học mới gặp nhiều khó khăn. Chia năm học thành 4 kỳ với 4 kỳ nghỉ ngắn là hợp lý, đi theo xu thế toàn cầu.
Thầy Nguyễn Xuân Khang
Cũng từ năm 1956, một năm chia thành 4 kỳ học, giữa mỗi kỳ nghỉ ngắn 1-2 ngày. Hiện tại, nền giáo dục nước ta chỉ có một ngày nghỉ ở giữa 2 kỳ mỗi năm.
Là người học tập trong giai đoạn từ năm 1956 trở đi, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho hay trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, vào mùa hè, học sinh thường đi làm thêm kiếm tiền trang trải cho việc học của năm sau. Thời bấy giờ, kỳ nghỉ hè của Việt Nam cũng tương đồng nhiều nước trên thế giới.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội thông tin, năm 1954, tháng 6 của kỳ nghỉ hè sẽ là thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và chuyển cấp. Tháng 7, giáo viên mới được nghỉ thực sự và tháng 8 nhà trường chuẩn bị cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn cho năm học mới.
Những năm gần đây, việc phân bố kế hoạch năm học, Bộ GD&ĐT giao cho địa phương sắp xếp hợp lý. Tại Hà Nội, năm học sớm nhất sẽ bắt đầu ngày 1/8 và kết thúc muộn nhất ngày 31/5.
Ủng hộ thời gian 4 kỳ nghỉ/năm
TS Vũ Thu Hương ủng hộ thời gian nên có 4 kỳ nghỉ/năm thay vì chỉ có một kỳ nghỉ hè như hiện tại. Theo nữ tiến sĩ, 4 kỳ nghỉ ngắn trong năm sẽ giảm thiểu được vấn nạn dạy thêm, học thêm. Thời gian này, học sinh được nghỉ ngơi trước khi bước vào phần học mới, không có cảm giác một năm học quá dài.
Với một kỳ nghỉ dài như hiện nay, phần lớn phụ huynh cho con tham gia các lớp học thêm vì không có người chăm sóc, trông coi trẻ. Cha mẹ cũng không có kỹ năng chăm sóc, giáo dục con tại nhà trong thời gian dài như vậy.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cũng cho rằng kỳ nghỉ hè 3 tháng như hiện nay quá dài, khiến học sinh bị hụt kiến thức, khi khởi động lại năm học mới gặp nhiều khó khăn.
Thầy Khang cho hay chia năm học thành 4 kỳ với 4 kỳ nghỉ ngắn là hợp lý, đi theo xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, phương án này cần được thực hiện thống nhất trên toàn quốc chứ không thể chỉ áp dụng với Hà Nội hay một số tỉnh, thành.
Thầy Đào Tuấn Đạt – phụ trách chuyên môn trường Anhxtanh, Hà Nội, thông tin hiện nay, học sinh không còn có kỳ nghỉ hè đầy đủ 3 tháng như trước kia. Thời gian nghỉ hè còn khoảng từ 2 đến 2,5 tháng. Học sinh tựu trường vào tháng 8 chứ không phải tháng 9. Học sinh đi học cả tháng rồi mới khai giảng.
Không cho rằng phải nhất thiết giữ các kỳ nghỉ thống nhất trên toàn quốc, thầy Đào Tuấn Đạt nêu ý kiến các địa phương không cần có năm học theo lộ trình giống nhau, mỗi tỉnh có thể khai giảng khác nhau và có các kỳ nghỉ khác nhau. Thậm chí, thời điểm kết thúc năm học cũng có thể không giống nhau.
Nếu kỳ thi cuối cấp giao về các địa phương, xét tuyển đại học được tổ chức nhiều lần trong năm, việc “địa phương hóa” lịch học, lịch nghỉ hoàn toàn khả thi.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng mỗi địa phương có thể sắp xếp kỳ nghỉ khác nhau, tùy thuộc điều kiện khí hậu, văn hóa. Tuy nhiên, đảm bảo khối lượng học tập trong năm và thời gian kết thúc năm học phải tương đồng nhau.
Theo Zing
Dạy học trực tuyến trên truyền hình có khả thi?
63 tỉnh, TP đã quyết định tiếp tục cho học sinh (HS) nghỉ học để tránh dịch Covid-19. TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT đề xuất trong thời gian này nên chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến trên truyền hình áp dụng cho đại trà.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT
Học sinh, sinh viên hoàn toàn học trực tuyến
Trong thời gian cho sinh viên (SV) nghỉ tránh dịch Covid-19, một số trường ĐH đã thực hiện đào tạo trực tuyến, đây có nên là xu hướng?
- Tôi được biết, vừa rồi có một số trường ĐH như ĐH Mở Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân... thực hiện đào tạo trực tuyến, như vậy là rất tốt. Nhiều trường khác cho rằng chương trình học mang tính ứng dụng, khó có thể đào tạo trực tuyến là ngụy biện. Môn học nào cũng có học phần lý thuyết và thực hành, vì thế các trường có thể dạy học trực tuyến lý thuyết trước, song hành học thực hành tại trường (theo từng nhóm nhỏ) hoặc sau.
Chỉ có điều, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến không dễ, bởi đối tượng người học giàu nghèo khác nhau. Không phải HS, SV nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, Ipad... để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà. Vậy tại sao chúng ta không phục hồi việc dạy học trên truyền hình cho HS phổ thông và SV ĐH?
Bậc phổ thông có 12 lớp, mỗi khối lớp lại có nhiều môn học. Liệu việc dạy học trên truyền hình có khả thi?
- Tôi nghĩ là khả thi, nhất là đối với bậc học phổ thông. Trước đây, chúng ta đã thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì tuy rằng thời gian không nhiều. Hiện cả nước có rất nhiều kênh truyền hình từ T.Ư đến địa phương, là lợi thế để triển khai dạy học. Theo tôi, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.
Các kênh truyền hình cùng tham gia, có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, TP. Các sở GD&ĐT sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình. HS ở nhà hoặc vài ba em cùng ngồi theo dõi thầy cô dạy trên ti vi để học. Tuy nhiên, khi giảng dạy trên truyền hình, các đơn vị phải rút bớt những chương trình khác đi. Đây là lúc cần ưu tiên cho việc học của HS, SV hơn cả.
Một chương trình dạy học trực tuyến trên VTV7.
Nhưng, trong trường hợp có chỗ nào HS chưa hiểu, sẽ không hỏi ngay được các thầy cô giáo dạy trên truyền hình?
- Tôi muốn nói rõ, các bài giảng trên truyền hình là bài học mới (chứ không phải ôn lại nội dung kiến thức các bài đã học). Chính vì thế, khi giáo viên bộ môn dạy trên truyền hình, các thầy cô khác dạy môn học này ở nhà trường cũng theo dõi, để khi học sinh chưa hiểu nội dung nào đó có thể gọi điện thoại hỏi và được giải đáp ngay. Hơn nữa, khi có vài ba em cùng ngồi học, ai chưa hiểu thì được bạn bên cạnh giải thích giúp.
Có một điều hay khi giảng dạy trên truyền hình, đó là nội dung giảng bài được lưu lại. Vì thế, HS có thể vào đường link của đài truyền hình để tải về nghe giảng lại. Cũng có thể dùng hệ thống báo in để đăng nội dung đáp án bài tập giáo viên giao, trả lời những câu hỏi phổ biến mà HS thắc mắc.
Chỉ cần có quyết tâm
Đối với các trường ĐH, việc giảng bài trên truyền hình không đơn giản bởi đặc thù từng trường với những môn học và nội dung khác nhau?
- Về việc này vẫn có thể giải quyết được. Các trường ĐH có những môn học đại cương, áp dụng chung cho sinh viên năm thứ nhất như lý luận Mác - Lênin, Lịch sử Đảng... Với những môn học này hoàn toàn có thể thực hiện giảng dạy trực tuyến trên truyền hình. Ngoài ra, các môn chuyên ngành có phần lý thuyết cũng áp dụng được giảng dạy trên truyền hình.
Tương tự, các trường nghề cũng hoàn toàn có thể đào tạo trực tuyến trên truyền hình đối với những môn học chung. Với những phần thực hành thì vẫn có thể học trực tiếp tại trường theo nhóm nhỏ. Với những trường ngoài công lập, gia đình có điều kiện, việc thực hiện đào tạo trực tuyến với những phòng dạy hiện đại hoàn toàn có thể được, vẫn tiếp tục triển khai cho HS.
Giảng dạy trực tuyến là xu hướng chung của toàn thế giới, các trường học Việt Nam cũng nên theo, thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức truyền thống hiện nay. Thời gian này cũng là cơ hội để các trường suy nghĩ về việc triển khai đại trà giảng dạy trực tuyến trong tương lai chứ không chỉ trong thời gian tránh dịch.
Sáng kiến ông đưa ra cần có thời gian để các đài truyền hình chuẩn bị phòng thu cũng như trang thiết bị phục vụ?
- Chúng ta chỉ cần có quyết tâm cao nhất. Tôi cho rằng nếu những người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương ra quyết định thì các đài phát thanh - truyền hình sẽ phối hợp với những cơ sở giáo dục để triển khai và đi vào hoạt động thậm chí ngay từ ngày mai. Đài truyền hình đã có sẵn phòng thu, họ chỉ cần thay đổi chương trình phát.
Các sở GD&ĐT sẵn sàng cử giáo viên bộ môn đến để dạy và công bố các lịch phát sóng để HS biết, theo học. Các trường ĐH, cao đẳng có thể lo việc giảng dạy trực tuyến lý thuyết. Trường nào không có điều kiện dạy trực tuyến, vài ba trường cùng khối ngành có thể phối hợp với đài truyền hình để thực hiện. Tất nhiên cần ưu tiên cho khối giáo dục phổ thông trước.
Đã đến lúc toàn xã hội phải chung sức với ngành giáo dục tìm giải pháp vĩ mô chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch Covid-19 hơn là chỉ thụ động cho HS, SV nghỉ học chờ hết dịch.
Xin cảm ơn ông!
Theo kinhtedothi
Ngày nghỉ của học sinh trong dịch bệnh nCoV được tính như thế nào? Những ngày học sinh nghỉ vì lo ngại nhiễm bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra sẽ được tính như thế nào? Sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, sẽ có học sinh thuộc những đối tượng có...