Kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa
Bí quyết quan trọng để giao tiếp hiệu quả trong môi trường đa văn hóa chính là niềm đam mê, ham học hỏi và sự tôn trọng cách ứng xử, bản sắc, tín ngưỡng của các nền văn hóa khác.
Đó là ý kiến của Ông Brian Steel – Giám đốc Tổ chức trao đổi nguồn lực quốc tế(REI) chia sẻ trong buổi gặp gỡ với sinh viên chương trình đào tạo chuyển tiếp đại học (Bridge2B) liên kết giữa Viện Quản trị Kinh doanh FPT và Đại học Greenwich, Anh quốc.
Quan sát và lắng nghe
Theo ông Brian Steel, khi giao tiếp với ai đó thuộc nền văn hóa khác, việc đầu tiên bạn cần thực hiện đó là thể hiện khả năng quan sát của mình. Hãy quan sát ngôn ngữ cơ thể của họ, cách họ cư xử, giao tiếp với bạn và cố gắng sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cách ứng xử cho phù hợp. Mối quan hệ sẽ dần được thiết lập khi giữa bạn và đối tượng có sự đồng điệu.
Video đang HOT
Ông Brian Steel – Giám đốc Tổ chức trao đổi nguồn lực quốc tế chia sẻ với sinh viên Bridge2B.
Muốn giao tiếp tốt vượt qua những khác biệt về văn hóa, bạn phải lắng nghe để không chỉ nghe thấy từ ngữ mà còn nắm bắt được ý nghĩa thực sự mà người kia muốn nói. Bằng cách đó, bạn sẽ nghe hiệu quả hơn và nâng cao khả năng giao tiếp, tránh được mâu thuẫn hay hiểu lầm.
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng một người bình thường chỉ nhớ được khoảng 25% đến 50% những gì họ nghe thấy. Điều đó có nghĩa là khi bạn nói chuyện với sếp, với đồng nghiệp hay khách hàng, họ chỉ có thể nhớ chưa đầy một nửa những gì đã nghe.
Không phải là chúng ta có trí nhớ kém mà đúng hơn là đa số chúng ta thường không lắng nghe. Thêm vào đó, sự đa dạng văn hóa trong giao tiếp ngày nay càng khiến cho việc lắng nghe trở nên khó khăn hơn.
Tôn trọng sự khác biệt
“Một số nền văn hóa có cách ứng xử hết sức riêng biệt, điều mà đối với nền văn hóa khác có thể bị coi như cách cư xử không đúng mực, một sự xúc phạm.” – ông Brian Steel chia sẻ.
Ví dụ tại Ấn Độ, đúng giờ không phải là một điều quan trọng, người ta thường khá ung dung và không mảy may tới giờ giấc. Còn nếu bạn đến Thụy Sỹ, bạn chỉ cần chậm một phút thôi đó cũng được coi như là một sự xúc phạm.
Ông Brian Steel trao chứng chỉ tham dự cho các bạn sinh viên Bridge2B.
Khi giao tiếp với một đối tượng, bạn cần phải tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng sự khác biệt không chỉ là tôn trọng nền văn hóa khác mà cả sự tôn trọng cá nhân. Vì trong cùng một đất nước nhưng mỗi người sẽ có một cách ứng xử riêng biệt. Họ có thể giao tiếp với bạn bằng chính bản sắc cá nhân, tín ngưỡng của họ.
Ông Brian Steel cho biết thêm: “Nếu bạn chịu khó quan sát và tư duy thì rất nhiều hành động hàng ngày dù nhỏ nhưng cũng mang màu sắc văn hóa từng miền, từng quốc gia. Mỗi nền văn hóa đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Điều quan trọng khi giao tiếp trong môi trường đa văn hóa chúng ta cần thích nghi cho phù hợp mới môi trường.”
Buổi giao lưu kết thúc trong sự hân hoan của các bạn sinh viên vì đã khám phá thêm nhiều điều mới lạ. Đặc biệt, tất cả các bạn sinh viên có mặt trong buổi giao lưu đều nhận được chứng chỉ tham dự chương trình do đích thân ông Brian Steel – Giám đốc Tổ chức trao đổi nguồn lực quốc tế (REI) và bà Trần Phương Lan – Viện Phó Viện Quản trị Kinh doanh FPT trao tặng.
Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với những người nổi tiếng, doanh nhân thành đạt là một trong những hoạt động nằm trong nội dung phát triển kỹ năng các nhân (PDP) của chương trình Bridge2B. Đây là chương trình đào tạo chuyển tiếp đại học hợp tác giữa Đại học Greenwich, Anh quốc và Viện Quản trị Kinh doanh FPT dành cho sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng, diploma hoặc sinh viên đang học đại học năm 3 chuyên ngành quản trị kinh doanh hoặc các ngành kinh tế khác. Năm học 2011-2012, ĐH Greenwich, Anh quốc dành 100 suất học bổng có tổng trị giá lên tới 1,5 tỷ đồng cho sinh viên theo học chương trình Bridge2B. Thông tin chi tiết được đăng tải tại Website: http://bridge2b.fsb.edu.vn/ hoặc liên hệ theo số hotlines tại Hà Nội: 0902 282 919 tại TP Hồ Chí Minh: 0903 960 609. Tổ chức trao đổi nguồn lực quốc tế (REI) là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992 Với sứ mệnh nâng cao năng lực con người nhằm củng cố các ngành/lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam.
Theo DT