Kỷ luật hàng loạt hiệu trưởng
Chiều 28.12, Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố kết quả thanh tra 22 trường vi phạm về việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh và 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị dừng tuyển sinh.
Tước quyền tự chủ về xác định chỉ tiêu
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết: Đây là năm đầu tiên các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo Thông tư 57 của Bộ. Để thực hiện nghiêm, Bộ đã tiến hành thanh tra và phát hiện nhiều trường xác định không đúng. Ngoài việc xử phạt hành chính như mọi năm, Bộ sẽ đề nghị các giải pháp xử lý cá nhân người đứng đầu cơ sở vi phạm. Một số trường sẽ chỉ được giao chỉ tiêu ở mức tối thiểu trong năm 2013 và trong các năm tiếp theo để trở về với các tiêu chí đảm bảo chất lượng.
Thí sinh thi vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong kỳ tuyển sinh năm 2012 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Nguyễn Văn Áng – Vụ phó Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết thêm: Thực chất những trường bị giảm chỉ tiêu và bị giao chỉ tiêu ở mức tối thiểu là những trường bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu. Bộ sẽ áp chỉ tiêu ở mức duy trì hoạt động của trường nhưng không để trường được tự đăng ký chỉ tiêu nữa.
Ông Áng cho rằng năm nay các trường được hoàn toàn tự chủ đăng ký theo quy định, nhưng nhiều trường đã không hiểu rõ quy định và vẫn làm theo “quán tính” nên xác định quá mức. Ông Áng cũng cho biết, trong hội nghị tuyển sinh sắp tới, Bộ sẽ quán triệt rõ hơn về quyền tự chủ của các trường trong việc này. Từ năm nay, Bộ không can thiệp đến việc tính toán chỉ tiêu của các trường và không có chuyện phải xin – cho như trước nữa.
Video đang HOT
Sẽ tiếp tục tiền kiểm và hậu kiểm
Để thực hiện nghiêm túc việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian tới, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết: Bộ sẽ tiếp tục tiền kiểm và hậu kiểm việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013. Bên cạnh đó sẽ đề nghị các bộ ngành, các tỉnh có trách nhiệm thanh tra những cơ sở giáo dục mà mình quản lý.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để các trường vi phạm (đặc biệt là các trường thuộc Bộ Công thương), ông Bằng cho hay: Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quản lý nghiêm các trường.
Về việc các trường công lập bị đề nghị hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng, còn các trường ngoài công lập thì không, ông Bằng giải thích: Bộ không có thẩm quyền quản lý các trường ngoài công lập. Bộ chỉ đề nghị chính quyền các địa phương, đơn vị đã được phân cấp quản lý sẽ hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng nếu họ tiếp tục tái phạm trong năm 2013. Ông Bằng cũng thông tin, hiện nay các trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử phạt từ 15 – 20 triệu đồng theo Nghị định 40 và Nghị định 49 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc xác định chỉ tiêu không đúng với năng lực đào tạo thì chưa có quy định xử phạt nên Bộ chỉ sử dụng biện pháp là cắt giảm và tước quyền tự xác định chỉ tiêu. Sắp tới, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định và sẽ có mức phạt cho hành vi xác định không đúng.
Dừng tuyển sinh 161 chương trình thạc sĩ
Tại cuộc họp báo, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục – Đại học, cho biết: Qua quá trình khảo sát, thống kê các cơ sở đào tạo thạc sĩ và xử lý kết quả, Bộ đã có thông báo dừng tuyển sinh của 161 chuyên ngành thạc sĩ từ năm 2013 do không đáp ứng một trong các điều kiện quy định. Nhiều chuyên ngành đào tạo thạc sĩ nhưng không có một giảng viên cơ hữu nào. Thậm chí, có ngành đào tạo thạc sĩ nhưng trong tình trạng 3 không: không có giảng viên cơ hữu cùng ngành; không có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và không có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành như ngành đại số và lý thuyết số của ĐH Cần Thơ.
Công văn của Bộ cũng thông báo: Sau ngày 31.12.2014, Bộ sẽ thu hồi quyết định cho phép đào tạo của các chuyên ngành chưa khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ và không báo cáo về Bộ. Lãnh đạo Bộ cũng cho biết: Chậm nhất đến ngày 31.12.2014, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của chuyên ngành nêu trên được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại.
Cùng ngày, Bộ cũng đã có công văn tới ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo việc thu thập các báo cáo thống kê của các cơ sở đào tạo thuộc ĐH này chưa đầy đủ. Hiện tại, còn 5 cơ sở đào tạo thạc sĩ chưa nộp báo cáo và 4 cơ sở nộp báo cáo không hoàn chỉnh. Theo thông báo, năm 2013, ĐH này phải dừng tuyển sinh thạc sĩ đối với 9 cơ sở đào tạo thạc sĩ đến khi nhận được thông báo của Bộ về kết quả xử lý báo cáo thống kê của các cơ sở đào tạo này; các cơ sở đào tạo thạc sĩ cần tiếp tục thực hiện và nộp báo cáo thống kê theo quy định về Bộ để được xử lý. Đối với các học viên thạc sĩ đã trúng tuyển và đang học tập tại các cơ sở đào tạo bị dừng tuyển sinh thạc sĩ, cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện đào tạo theo quy định tại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành.
Theo thanh niên
161 chương trình đào tạo thạc sĩ bị đình chỉ tuyển sinh
Bộ GD-ĐT vừa quyết định dừng tuyển sinh 161 chuyên ngành thạc sĩ của 41 cơ sở đào tạo từ năm 2013 do không đáp yêu cầu như quy định về điều kiện được xem xét đê câp phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ.
Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Khi đăng ký được phép đào tạo, các trường đều báo cáo có đủ đội ngũ như yêu cầu nhưng thực tế kiểm tra thì lại trái ngược hoàn toàn".
Ảnh minh họa
Trong 41 cơ sở đào tạo vi phạm có rất nhiều trường thuộc khối các trường tốp trên như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Y Hà Nội...
Bộ GD-ĐT cho biết những chương trình bị đình chỉ tuyển sinh mới chỉ xét trên phương diện điều kiện đội ngũ giảng viên. Các yêu cầu về cơ sở vật chất, về diện tích sàn sẽ tiếp tục được kiểm tra trong thời gian tới với các chương trình đào tạo sau ĐH. Chậm nhất đến ngày 31/12/2014, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của chuyên ngành được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ GD-ĐT để được xem xét cho phép tuyển sinh trở lại. Sau ngày 31/12/2014, Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi Quyết định cho phép đào tạo của các chuyên ngành chưa khắc phục được các nguyên nhân bị đình chỉ và không báo cáo về Bộ GD-ĐT.
Để đảm bảo quyền lợi cho học viên, ông Bùi Anh Tuấn khẳng định: "Đối với các học viên đã trúng tuyển và đang học tập ở các chuyên ngành này, cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện đào tạo theo quy định tại Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành".
S.H
Theo dân trí
Đổi mới thi ĐH, CĐ: Kết quả không như mong muốn Trong khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng cứ 1,7 thí sinh nộp hồ sơ chỉ có một em trúng tuyển, các trường vẫn thiếu thí sinh trầm trọng. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, Bộ GD-ĐT lại điều chỉnh một số quy định nhằm giúp thí sinh và các trường có nhiều thuận lợi hơn trong thi và xét tuyển....