Kỷ luật bằng tình yêu thương
“Giống như những người nông dân bỏ bao tâm huyết, sức lực cày bừa, cấy hái, bắt sâu, nhổ cỏ, chăm bón để gặt hái một mùa vàng bội thu, người thầy phải biến những công việc lao động vất vả ấy bằng tình yêu thương để hỗ trợ, giúp đỡ các em phát triển nhân cách”. Đó là chia sẻ của cô Bùi Ngọc Lan, GV môn Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa – Hà Nội).
Cô Bùi Ngọc Lan cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu trong dịp Trung thu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kỷ luật thép – bước lùi của giáo dục
Cô giáo Bùi Ngọc Lan cho biết: Ở lứa tuổi học sinh, đặc biệt cấp THPT, các em rất dễ “nổi loạn”, dễ sai lầm trong cách nhìn nhận, đánh giá dẫn đến những hành vi không chuẩn mực. Những sai lầm ở lứa tuổi còn nhiều “chông chênh” này, khi bị gia đình, nhà trường chối bỏ, các em thường mặc cảm, tự ti, tuột dốc và có khi cuộc đời rẽ theo hướng càng tồi tệ hơn.
“Một cái hạ bút hạnh kiểm yếu, một lời nhận xét không hay ghi vào học bạ của giáo viên ngày hôm nay như là một nỗi ám ảnh cuộc đời học sinh sau này – khó mà xóa nhòa được”, cô Lan chia sẻ.
Có bao nhiêu câu chuyện tiếc nuối từ những người thầy về cách đánh giá, kỷ luật học sinh trong quá khứ khiến chúng ta day dứt. Ngược lại, cũng có không ít học trò thành đạt trở về, cảm ơn những người thầy biết cảm thông, chia sẻ, tha thứ, tìm cách dạy dỗ những học sinh chưa ngoan để họ đứng dậy đi tiếp, làm lại cuộc đời.
Luôn bao dung nhưng nghiêm khắc
Cô Bùi Ngọc Lan cùng HS Trường THPT Hoàng Cầu trong ngày khai giảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo cô Bùi Ngọc Lan, một trong những nguyên tắc giáo dục mà các thầy cô giáo giúp đỡ học trò của mình trong việc hoàn thiện nhân cách, đó là luôn bao dung nhưng nghiêm khắc.
Video đang HOT
Thầy cô luôn là người bạn, trân trọng học sinh của mình khi các em làm được một việc tốt hay có sự tiến bộ trong học tập. Phần thưởng mà các học trò đều mong chờ là những lời khen tặng, động viên nhẹ nhàng, những cuốn sách, hay đôi khi chỉ là chiếc kẹo nhỏ. Điều này dạy cho học sinh biết trân quý tấm lòng của bạn, biết khích lệ, động viên người khác…
Khi học trò mắc lỗi, GV không nên quát mắng hay trách phạt. GV luôn ân cần giảng giải, phân tích để các em hiểu ra những lỗi sai và biết cách sửa sai, từ đó giúp học sinh hình thành phẩm chất biết vị tha, nghiêm khắc tự phê, biết cảm thông, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân.
Đôi khi những biểu hiện bề nổi như lếu láo, văng tục, không nghe lời… chỉ để che giấu tình cảm sâu kín hơn trong tâm hồn các em. Đó có thể là những tổn thương do gia đình mang lại, là nỗi cô đơn của những đứa trẻ thiếu sự quan tâm.
Cô Bùi Ngọc Lan cho rằng: Nếu giáo viên chỉ sử dụng biện pháp mạnh mà không chịu thấu hiểu sẽ dẫn đến những tổn thương lớn hơn, khiến các em có những phản kháng tiêu cực. Giáo viên không chỉ là người thầy cung cấp tri thức mà đóng nhiều vai: Gần gũi học sinh như một người bạn, tình cảm như một người mẹ, để các em tin tưởng, tâm sự khi cảm thấy hoang mang trước cuộc sống.
“Kỷ luật bằng tình yêu thương” – Bài toán khó cho người thầy
Theo cô Bùi Ngọc Lan, trong nhiều phương pháp giáo dục, có lẽ giáo dục bằng tình yêu thươngtưởng dễ dàng nhưng thực ra là khó nhất. Đuổi học một học sinh, kỷ luật hạ hạnh kiểm thì dễ nhưng đó không phải là cách giáo dục tốt nếu không muốn nói là một sự thất bại. Nó cũng không phải là cách giúp người ta nhìn nhận ra sai lầm và cũng không khuyến khích vươn lên. Kỷ luật bằng tình thương không có nghĩa ve vuốt, chiều chuộng mà là đi từ tấm lòng yêu thương với một khát khao đem lại cho học sinh những gì tốt nhất.
Nhưng kỷ luật học sinh như thế nào, bằng hình thức nào để các em ý thức được những sai phạm của mình để tự sửa lỗi điều cô Lan luôn trăn trở. Kỷ luật để không bị tác dụng “ngược”, gây nên những bức xúc không chỉ cho phụ huynh mà cho chính học sinh là một bài toán rất khó đối với mỗi người thầy. Song, hình thức kỷ luật ngoài mục đích giáo dục nhân cách cho học sinh là sự tự ý thức, tự giáo dục còn đem lại giá trị sống và mang đậm tính nhân văn đối với các em.
Nhà trường, vì vậy, phải là nơi an trú của tình thương và giờ đây các thầy cô có công cụ kỷ luật vô cùng nhân ái – “Kỷ luật bằng tình yêu thương”.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Tình yêu thương nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc
Ngày 22/9, Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) tổ chức Hội thảo chuyên đề "Tình yêu thương - nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc" với sự hỗ trợ và cố vấn khoa học từ Tiến sĩ Hoàng Trung Học- Trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý giáo dục.
Các thầy cô thảo luận nhóm về xây dựng lớp học hạnh phúc.
Tham dự hội thảo chuyên đề có sự tham gia của ông Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Nội, Ban giám hiệu nhà trường cùng đội ngũ thầy cô giáo, CBCNV cùng đại diện ban cha mẹ học sinh nhà trường.
Cô giáo Lưu Thị Lập chia sẻ tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, cô giáo Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Xuất phát điểm từ chính thực tiễn của nền giáo dục và định hướng phát triển lâu dài của Trường THPT Hoàng Cầu, trong nhiều năm nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, thì việc tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện tiến đến mục tiêu "Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc- Học sinh hạnh phúc" là điều mà tôi - người đứng trên cương vị quản lý luôn trăn trở và quan tâm".
Ngay từ ngày 6/ 9/2018 (sau buổi lễ khai giảng năm học 2018-2019) nhà trường đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề "Giáo viên chủ nhiệm với kỹ năng xây dựng lớp học hạnh phúc" có sự tham gia hỗ trợ của hai chuyên gia Tâm lý và giáo dục đến từ trường ĐH Sư phạm Hà Nội là Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhân Ái và Tiến sĩ Trần Thị Cẩm Tú.
Các thầy cô thảo luận nhóm và đưa ra ý kiến của mình
Buổi hội thảo đã góp phần trang bị cho đội ngũ CB-GV-NV nhà trường những luận cứ khoa học để từ đó các lực lượng giáo dục nhà trường vận dụng vào giải quyết các tình huống thực tiễn nảy sinh.
Sau hơn một năm, ngày hôm nay nhà trường tổ chức buổi hội thảo lần 2 với chủ đề: "Tình yêu thương- Nền tảng xây dựng lớp học hạnh phúc", đây chính là cơ hội để các thầy cô giáo, các lực lượng phục vụ giáo dục nhà trường cùng nhìn lại những điều mình đã làm được, đã thay đổi được cũng như cả những điều chưa làm được, chưa thay đổi được trong thời gian qua với sự hỗ trợ và cố vấn khoa học từ Tiến sĩ Hoàng Trung Học- Trưởng khoa Giáo dục- Học viện Quản lý giáo dục.
Tại hội thảo, các thầy cô đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về quá trình giáo dục học sinh với các tham luận như "Xây dựng lớp học hạnh phúc - Trách nhiệm không chỉ riêng ai" của cô giáo Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Hiệu trưởng nhà trường;
"Thay đổi để hạnh phúc ngập tràn" của cô giáo Hoàng Thu Trang - GV Ngữ Văn, "Dạy bằng tình yêu - Học bằng trái tim", của cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh - GV Ngữ Văn; "Những chuyến đò yêu thương" của cô giáo Nguyễn Thị Thủy - GV Lịch Sử...
Ông Đỗ Văn Nam chia sẻ tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội cho biết: "Ngành Giáo dục đang triển khai chương trình GDPT mới, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải chuyển mình để đổi mới.
Chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" trên sóng kênh VTV7 đã và đang truyền cảm hứng, lan tỏa giá trị tích cực và là động lực để thay đổi đến với những ngôi trường trên khắp Việt Nam. Tôi mong rằng, chúng ta cùng thay đổi để hướng đến trường học hạnh phúc, giờ học hạnh phúc, GV hạnh phúc, HS hạnh phúc".
Các thầy cô giáo được tham gia thảo luận nhóm với sự hỗ trợ của TS Hoàng Trung Học
Tại hội thảo, các thầy cô giáo được tham gia thảo luận nhóm với sự hỗ trợ và cố vấn khoa học từ Tiến sĩ Hoàng Trung Học với các chủ đề: Tại sao HS bạo lực? Tại sao chúng ta lại bạo lực với học trò? Tại sao HS vô lễ với thầy cô? Làm gì để nhà trường hạnh phúc?
Thông điệp của các thầy cô giáo đều đề cao vai trò giáo dục bằng tình yêu thương. Trao yêu thương, nhận yêu thương, Mọi sự thay đổi bắt đầu từ người thầy. Muốn hạnh phúc phải có nụ cười. Nụ cười của thầy cô là sự lan tỏa hạnh phúc.
"Lớp học Hạnh phúc là lớp học được xây lên đến từ trái tim biết cho đi yêu thương và chúng ta cũng sẽ nhận lại được quả ngọt từ sự yêu thương đó. Tôi hy vọng rằng buổi Hội thảo chuyên đề ngày hôm nay chúng ta cùng dũng cảm nhìn nhận, chia sẻ, trao đổi thẳng thắn quan điểm, suy nghĩ của mình để cùng bắt tay đồng hành với nhau trên hành trình xây dựng "Lớp học hạnh phúc - trường học hạnh phúc",cô Lưu Thị Lập chia sẻ.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Giáo dục đặc biệt: Những điều muốn nói... Lời tòa soạn: Dạy học là một nghề khó, dạy những học sinh bị khuyết tật cả về trí tuệ và hình thể còn khó khăn gấp bội. Các em cần môi trường giáo dục đặc biệt, với những phương pháp dạy - học đặc thù. Hơn bao giờ hết, những "ngọn nến cong" ấy cần được thắp lên từ tình yêu thương...