Kỳ lạ lớp học cháu dạy bà ê a đánh vần
Khi màn đêm buông xuống, giữa buôn làng sâu hun hút vang lên tiếng đọc bài ê a lạ lẫm. Những ngón tay thô ráp, nhăn nheo do lao động và tuổi tác như sờ lần, khám phá từng chữ cái trên sách vỡ lòng. Gần nửa đêm, những phụ nữ luống tuổi ấy rời lớp học, rọi đèn pin trở về nhà…
Cô Yến hướng dẫn bà con viết chữ
Niềm vui biết viết tên mình
Buôn Drai, buôn Cuah, buôn Tơ Lơ ( xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) vẫn còn những nóc nhà sàn dung dị nằm lẩn khuất giữa vườn cà phê và ở đó có những người mẹ luống tuổi nhưng chưa biết chữ.
Theo chị Hòa Thị Hằng, cán bộ Đoàn xã Ea Na, hầu như buôn nào ở đây cũng có đồng bào dân tộc không biết chữ. Cuộc sống ở các buôn còn rất khó khăn, đất canh tác ít, bà con phải đi làm thuê nơi khác, việc học cũng dở dang. Họ cần miếng ăn hơn cái chữ. Mấy chục năm không biết chữ, mặc cảm tự ti của nhiều chị em đã làm mẹ, làm bà rất lớn. Vào các dịp hè, huyện Đoàn tổ chức, chỉ đạo các Đoàn xã, các câu lạc bộ đi đến từng nhà vận động bà con đi học. Để có những đêm sáng đèn là nỗ lực của nhiều thầy cô đã hy sinh kỳ nghỉ hè cùng những tình nguyện viên trẻ đi đến gõ cửa vận động các bà, các mẹ đến lớp.
Những lớp học ấy rồi cũng đỏ đèn đều đặn vào các tối trong tuần. Hình ảnh những người bà, người mẹ cắp sách đến trường không còn xa lạ, gợi nhớ thời “bình dân học vụ” của thế kỷ trước. Từng đêm, tiếng ê a đánh vần của các bà mẹ như rộn cả một góc của buôn làng hẻo lánh.
“Ngày nhỏ nhìn một số bạn bè đồng trang lứa đến trường, tôi ao ước một lần được đi học. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa một lần được đến lớp. Điều ước ấy trở thành hiện thực khi buôn Drai (xã Ea Na) mở lớp dạy chữ miễn phí cho bà con. Bây giờ tôi đã biết ký tên mình, làm toán và đọc được nhiều chữ, biết bấm điện thoại gọi cho con”, đó là lời tâm sự của bà H’Rú H’Đơk (57 tuổi).
Bà H’Nứt Ênuôl (62 tuổi) mù chữ vì nghèo, lấy chồng sớm. Tuổi trẻ của người phụ nữ này nằm trên nương rẫy để kiếm cái ăn. Một năm làm ra bao nhiêu nông sản bà không tính được. Bây giờ đã khác, bà đọc thông viết thạo, không còn cảnh điểm chỉ lăn tay khi đi làm giấy tờ, lại biết tính toán giá mua bán nông sản rõ ràng.
Bên bếp lửa đượm nồng trong căn nhà sàn nhỏ ở buôn Drai, đôi bàn tay đen đúa nứt nẻ của bà H’rem đang tỳ những nét bút nặng nề lên trang giấy trắng tinh. Bà bảo: “Học xong rồi nhưng tối nào cũng lôi vở ra tập đọc, tập viết, sợ đi làm rẫy lại quên chữ”. Sau những nét bút ấy là cả giấc mơ dài thấp thoáng, giấc mơ biết chữ.
Vượt lên trên những khó khăn, bà con đồng bào càng biết yêu quý cái chữ, coi việc học chữ là đích đến cải thiện cuộc sống, dù đôi khi họ vẫn bị gián đoạn bởi gánh nặng mưu sinh hằng ngày. Có nhiều bà mẹ bảo, viết được tên vui lắm, sợ quên chữ nên mỗi lần lên rẫy, vợ chồng con cái lại đố nhau từng chữ để ôn bài. Những lúc như thế thấy mình trẻ ra như hồi lên 9 lên 10 ấy.
Phụ nữ Êđê địu con đi học
Khó hơn cầm cuốc giẫy cỏ
Con đường bê tông nhỏ hẹp chạy sâu hun hút qua những rẫy cà phê để đến buôn làng của người Êđê chìm khuất trong sương đêm. Sau cánh cửa sáng ánh điện, trong nhà cộng đồng buôn Kala (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk). Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh của những mí (mẹ), bà đã xua đi không gian tĩnh lặng trong đêm nơi buôn làng hẻo lánh.
Lớp học xóa mù chữ được huyện Đoàn Krông Ana phối hợp cùng Đoàn xã Dray Sáp tổ chức (khai giảng tháng 7/2020), giúp bà con biết đọc, biết ký tên để không phải điểm chỉ khi vay vốn, nhận tiền hỗ trợ, làm giấy khai sinh cho con… 40 học viên có độ tuổi từ 15 đến 65 tuổi, là đồng bào Êđê sinh sống tại xã Dray Sáp.
Vào các tối trong tuần từ 19 giờ đến 21 giờ, những phụ nữ luống tuổi khuôn mặt rám nắng, đôi bàn tay chai sần vì cầm cuốc lâu ngày giờ vụng về cầm bút nắn nót tập viết từng chữ cái. Những đứa trẻ theo bố mẹ đi học quấn dưới chân bàn, có em ngồi bên cạnh giúp mẹ đánh vần. Có em được mẹ địu sau lưng chìm sâu vào giấc ngủ.
Trong số họ, có người chưa một lần biết mặt chữ, cũng có người đã từng được đi học nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên chữ rơi rụng dần. Họ quay lại học chữ, viết được tên mình với niềm vui bất tận. Bà H’pát Niê (61 tuổi, buôn Kala) hồi nhỏ được học chút ít, chỉ biết mặt chữ. Gia đình khó khăn đến lớp 2 bà nghỉ học, ngày ngày oằn mình trên nương, trên rẫy. Thời gian trôi qua, giờ 7 đứa con đã lập gia đình, bà muốn học để đọc sách báo hay đơn giản là tìm thêm niềm vui tuổi già. Bà đưa quyển vở ra khoe: “Bây giờ tôi viết được rồi nhé. Chữ thế này có đẹp không”.
Dưới ánh điện sáng trưng, lớp học xóa mù chữ cho gần 40 học viên người đồng bào Êđê. Các cô giáo, tình nguyện viên đứng lớp bằng tuổi con, cháu của các học viên. Họ vừa dạy các ông bố, bà mẹ cách đánh vần, vừa kiên nhẫn hướng dẫn từng nét chữ thô mộc trên trang giấy trắng kẻ ô li.
Cô Bùi Thị Yến (giáo viên Trường Tiểu học Dray Sáp), trực tiếp đứng lớp chia sẻ: “Những học sinh “quá tuổi” ở lớp học xóa mù chữ đều ở buôn Kala. Mỗi người có một mục đích và cách học riêng. Với họ, việc cầm bút khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc giẫy cỏ”.
Cả gia đình cùng đi học
Ở những lớp học xóa mù chữ ở huyện Krông Ana, chuyện cô giáo nói một thứ tiếng, học trò nói một thứ tiếng, hay những phụ nữ Êđê mang con đến lớp, vừa ru con ngủ, vừa cặm cụi đọc viết như những trẻ học lớp 1 không lạ. Một chị xấu hổ, xua tay khi tôi định chụp ảnh, đứa bé rời vú mẹ, tròn xoe mắt nhìn tôi lạ lẫm. Chị ngượng nghịu: “Con nhỏ quá, không ai trông nên phải mang nó theo”.
Anh Phạm Bá Nguyên, Bí thư Đoàn xã Dray Sáp cho biết: “Dù bận công việc gia đình, nhưng tối đến các cô giáo vẫn đều đặn đến lớp dạy chữ. Mỗi lớp xóa mù chữ sẽ được tổ chức trong thời gian từ 2-3 tháng. Mục đích là dạy đến khi nào học viên đều biết đọc, biết viết, làm những phép tính đơn giản. Các học viên tham gia lớp học sẽ được hỗ trợ 100 nghìn đồng/người. Sau khi có kết quả bài kiểm tra kết thúc khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 1″.
Từ năm 2016 đến nay, huyện oàn Krông Ana đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức lớp xóa mù chữ miễn phí cho bà con đồng bào ở nhiều buôn như: Buôn Kmăl (xã Dur Kmăl), buôn Drai,buôn Cuah, buôn Tơ Lơ (xã Ea Na), buôn Căm (thị trấn Buôn Trấp)…
Người mẹ ôm con khóc trước cổng trường thi: '15 tuổi, tôi vẫn không biết chữ'
'Tôi không được học hết lớp 1. Năm 15 tuổi, khi không thể tự đọc được chữ, tôi từng muốn đập đầu vào tường với cảm giác đầy uất hận', người mẹ ôm con khóc trước cổng trường thi vào lớp 10 ở TP.HCM bồi hồi kể.
Chị Tuyền và bé Vân, cô gái ôm mẹ khóc như mưa sau giờ thi lớp 10 TP.HCM mới đây - ẢNH THÚY HẰNG
Gần 1 tháng sau ngày thi vào lớp 10, chúng tôi tới địa chỉ 31/5A Hùng Vương, P.9, Q.5, TP.HCM tìm gặp người mẹ ôm con khóc trước cổng điểm thi Trường THCS Kim Đồng khiến nhiều bạn đọc xúc động ngày nào. Chị Nguyễn Thanh Tuyền, 38 tuổi, người mẹ trong bài viết đang pha cà phê cho khách. Ngôi nhà nhỏ cũng là quán cà phê này là nơi mưu sinh của gia đình chị Tuyền 7 năm nay, nuôi cô bé Nguyễn Thanh Vân nên người.
"Con tôi cần một điểm tựa"
Ngày hôm qua, 11.8, TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10. Hai mẹ con chị Nguyễn Thanh Tuyền và bé Nguyễn Thanh Vân, cựu học sinh lớp 9 Trường THCS Lý Phong hồi hộp rà điểm. Cô con gái ôm mẹ khóc trước cổng trường thi thấy điểm của mình đã đậu nguyện vọng 3 vào Trường THPT Ngô Gia Tự, P.15, Q.8. Tuy nhiên kết quả này cũng khiến Vân buồn. "Em cảm thấy tiếc, nếu như có thể làm lại em sẽ làm tốt hơn. Em sẽ không chủ quan và đã ôn tập môn toán thật kỹ càng và có thể đậu nguyện vọng ở Trường THPT Sương Nguyệt Anh, Q.10", Vân chia sẻ.
Hình ảnh bé Vân ôm mẹ khóc sau giờ thi khiến nhiều người xúc động - ẢNH THÚY HẰNG
Chị Tuyền cho biết, hôm 17.7, khi tới đón con ở cổng trường thi, thấy con òa khóc và kể không làm được nhiều bài môn toán, chị đã rất đau lòng. Mắt cay sè, chị muốn khóc theo con, nhưng bản lĩnh của một người mẹ khiến chị cầm lòng. "Con tôi thường bị hoảng những lúc nhìn thấy mẹ rơi nước mắt. Con đã rất buồn và thất vọng rồi, con cần một điểm tựa và tôi cần là chỗ dựa của con", chị Tuyền kể lại vì sao lúc đó chị vẫn đủ bình tĩnh để khuyên nhủ con.
"Cả ngày hôm sau khi thi xong, con tôi vẫn rất buồn, con kể con đã khóc ngay trong phòng thi lúc vừa đọc đề toán. Con sốc và nghĩ mình coi như đã xác định điểm thấp môn này rồi. Tôi bình tĩnh nói với con, đây là một bài học đầu đời của con, con đã làm và phải chịu trách nhiệm cho tương lai của mình. Nếu như con không chủ quan, không quá tự tin và cẩn thận ôn tập, thì kết quả đã khác. Nên bây giờ, có buồn chán cũng không thể làm gì khác. Con nên nghĩ xem hướng tiếp theo mình sẽ học gì, làm gì", người mẹ ôm cô con gái khóc trước cổng trường thi lớp 10 kể lại với phóng viên.
Chị Tuyền pha chế đồ uống cho khách tại tiệm của mình - ẢNH THÚY HẰNG
Vì Trường THPT Ngô Gia Tự ở xa nhà, chị Tuyền cùng con bàn bạc rồi hai mẹ con quyết định sẽ học Trường An Đông gần nhà, sau đó các buổi tối con chị sẽ học thêm lớp vẽ để theo đuổi ước mơ làm thiết kế.
Chị cho hay, cha mẹ nào cũng mong con tài giỏi, đỗ đạt trường xịn, nhưng phải hiểu rõ sức học của con mình, đừng quá ảo tưởng, đặt kỳ vọng quá lớn vào con để con phải trầm cảm, có thể dẫn tới những kết cục xấu như tự tử vì điểm thi không như ý. "Không học trường này, con có thể học trường khác, học nghề, nhưng nếu đánh con, để con bỏ nhà đi hoặc để con tự tử vì điểm thấp, mình sẽ vĩnh viễn mất con, hối hận cũng không kịp", chị Tuyền - người mẹ tự nhận rằng mình chưa học hết lớp 1 - bồi hồi nói.
"Vì đời tôi từng không biết chữ"
Chị Nguyễn Thanh Tuyền quê ở Đồng Tháp, cha mẹ ly hôn năm 4 tuổi rồi tái hợp, nhưng chỉ được tới năm chị 7 tuổi, hai người lại đường ai nấy đi. Tuổi thơ của chị cơ cực, nhiều năm tháng chìm trong nước mắt. Một thời gian ở với dì ba, sau đó lại ở với bà nội, rồi ở với mẹ kế, chị Tuyền chỉ được đi học chưa hết một năm lớp 1. "Tôi còn nhớ cô giáo lớp 1 của mình tên là Phụng, rất dễ thương. Sau đó, phải nghỉ ở nhà bế em cho mẹ kế, làm việc nhà, tôi thèm khát đi học vô cùng nhưng điều kiện không có, mọi người dưới quê tôi ngày đó hay quan niệm 'con gái thì học làm gì'", chị Tuyền xúc động.
Vân giúp mẹ quản lý tiệm cà phê các buổi chiều, tối. Cô bé biết pha chế các loại đồ uống từ hè lớp 6 - ẢNH THÚY HẰNG
Quán bán đồ uống giá bình dân, chị Tuyền cho hay đó cũng là cách chị "kích cầu" để mọi người ghé quán nhiều, bé Vân có thêm nhiều việc để làm trong dịp hè, từ đó học được nhiều hơn - ẢNH THÚY HẰNG
Chưa đầy 10 tuổi, chị Tuyền kể mình làm đủ các công việc để kiếm tiền, từ bán rau muống, bánh khoai lang, bánh bèo, "đội thúng bánh trên đỉnh đầu đến giờ gần hói, tóc không mọc được". 15 tuổi, chị lên thành phố Cao Lãnh phụ trong quán cà phê, 19 tuổi, một mình lên TP.HCM mưu sinh với đủ công việc, phụ cà phê, làm phụ bếp, làm guốc mộc trong xưởng... sau đó kết hôn, đi làm đủ nghề để nuôi con. 7 năm nay, chị mở tiệm cà phê nhỏ ở trước nhà, chị cũng hy vọng đây có thể là nơi để con gái có thể học từng việc nhỏ, từ pha chế, dọn bàn, thu ngân...
Từ hè năm lớp 6, Nguyễn Thanh Vân đã giúp mẹ phụ quán. Mùa hè năm nay, các buổi chiều và tối, cô và các bạn đã thay mẹ trông coi quán, từ pha chế tới dọn dẹp, thu ngân. "Em muốn mẹ được nghỉ ngơi, mẹ làm cả ngày rất vất vả", Vân nói.
"Khi mình có học, dù mình có làm bếp, hay bán cà phê mình cũng dễ thành công hơn với nghề mình đã chọn" - ẢNH THÚY HẰNG
Mẹ của nữ sinh chia sẻ: "Năm 15 tuổi, tôi không biết chữ, không đánh vần được chữ người ta viết, tôi muốn đập đầu vào tường với đầy cảm giác uất hận, tại sao tôi không được học hành như các bạn? Tôi quyết tâm tự học, sau khi biết hết mặt chữ, tôi mua nhiều sách báo về đọc và viết rất nhiều, thời gian rảnh là lôi giấy bút ra viết lách, ghi chép, trong nhà hiện giờ vẫn còn rất nhiều sách. Tôi ấp ủ, sau này có nhiều vốn hơn, sẽ mở tiệm cà phê sách, để mọi người ghé quán được uống nước, đọc nhiều cuốn sách hay".
"Chính vì những thăng trầm mình đã đi qua, lúc nào tôi cũng nhắn nhủ con gái mình phải ráng học, dù không học trường công, có thể học trường tư, rồi học nghề, nhưng khi có cơ hội, hãy học để có một cuộc đời tươi đẹp hơn. Khi mình có học, dù mình có làm bếp, hay bán cà phê mình cũng biết quản lý tốt để thành công với nghề mình đã chọn", người mẹ từng ôm con khóc trước cổng trường thi bộc bạch.
Phụ huynh đứng giữa trời mưa chờ con thi tốt nghiệp THPT
Giúp con tự tin vào lớp 1 Nhiều phụ huynh có xu hướng cho con học thêm để "đọc thông, viết thạo" trước khi vào lớp 1, tuy nhiên cũng có một số phụ huynh lại khác. Giáo viên trường Mầm non Hương Nắng Hồng trang bị kỹ năng cho trẻ mầm non, để trẻ tự tin hơn trước khi vào lớp 1. Ảnh: Thùy Lâm. Họ nhẹ nhàng tự...