Kỳ lạ bộ sách bằng… lá 100 tuổi
Bộ sách vẫn còn nguyên không bị mối mọt, chữ viết còn sáng màu mực.
Không mấy ai biết rằng, tại bản Ka Roong, xã Dân Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình) lại có hai bộ sách lá được người Khùa lưu giữ hàng trăm năm, vẫn còn nguyên không bị mối mọt, chữ viết còn sáng màu mực.
Đã 100 năm tuổi
Giữa sương khói hư ảo của dãy núi Giăng Màn, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Hồ Phoong, một người Khùa ở bản Ka Roong để được nghe kể về những huyền tích của hai bộ sách lá hàng trăm năm tuổi. Hai bộ sách kỳ lạ đang được treo ở một vị trí trang trọng trong nhà. Được nghe, được sờ tay vào những dòng chữ cổ của người Khùa ngày xưa khắc ghi trên bộ sách lá, tôi như thấy mình như lạc vào nguồn gốc ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá, văn học của cả một tộc người.
Ông Hồ Phoong sinh năm 1950, là con thứ tư của Anh hùng LLVT Hồ Phòm. Thời niên thiếu, Hồ Phoong được ông nội và bố kể cho nghe về nội dung của bộ sách lá. Nội dung là những từ kinh Phật khuyên răn chúng sinh làm lành, tránh dữ hay những câu chuyện dân gian gắn bó với lịch sử của người Khùa. Ông kể: “Ông nội tui tên là Hồ Văn, trước lúc đi về với tổ tiên đã gọi bố tui và tui lại đầu giường dặn phải gìn giữ cẩn thận hai bộ sách lá đã hơn 100 năm tuổi”.
Ông Hồ Phoong và bộ sách bằng lá
Mặc dù phải thay đổi chỗ ở liên tục do chiến tranh và thiên tai, nhưng bộ sách lá luôn được ông Hồ Phòm mang theo bên người. Theo quân ngũ và giữ nhiều trọng trách nên khi ông nghỉ hưu và mất chỉ kịp để lại cho ông Phoong hai bộ sách mà không thể truyền lại cách đọc và viết theo thứ chữ cổ. Dù không đọc được chữ trong đó nhưng trải qua bao nắng mưa, thiên tai lũ lụt với hàng chục lần chuyển nhà nhưng ông Hồ Phoong vẫn tiếp tục cất giữ nguyên vẹn hai bộ sách lá.
“Sách này bán chẳng được mấy đồng bạc nhưng dù có trả bao nhiêu tiền đi nữa mình cũng không bán. Đây là sách quý, là báu vật hàng trăm năm của người Khùa để lại nên mình phải giữ nó. Con cháu mình rồi sẽ giữ nó. Hy vọng đời sau chúng nó sẽ tìm được cách học – đọc – viết lại thứ chữ trong sách này để dạy lại cho con cháu chứ mình chịu rồi. Mình không được cha dạy thứ chữ này”, ông Hồ Phoong tin tưởng.
Ở nhà ông Hồ Phoong hiện có hai bộ sách lá. Một bộ dài khoảng 50 cm có 150 trang. Bộ kia dài khoảng 60 cm có 200 trang, mỗi trang có 4 dòng được ghi bằng những ký tự giống như chữ viết của người Lào và Campuchia. Tuy đã trên 100 năm tuổi, nhưng bộ sách lá vẫn còn nguyên không bị mối mọt, chữ viết vẫn còn sáng màu mực. Trước đây chỉ có bậc cao niên người Khùa trong vùng mới đọc được những ký tự chép trên bộ sách lá này.
Ông Hồ Phoong cũng đã được bố truyền dạy cách đọc và cách viết, nhưng cuộc sống lam lũ đã làm con chữ bay theo những hạt ngô, củ sắn. Bây giờ, ông chỉ biết khái lược về nội dung của bộ sách lá, chứ đọc thì chịu. Có lần, một người Lào ghé nhà chơi, ông nhờ đọc nhưng ông khách nọ cũng lắc đầu vì không thể đọc sách lá bằng chữ Lào.
Toàn là sách độc bản
Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Đinh Thanh Dự (hiện đang sinh sống ở Quy Đạt, huyện Minh Hóa) thì: “Sách lá của người Khùa ở xã Dân Hoá được chia thành 3 bộ, gồm Kinh Phật, chuyện đời xưa (theo tiếng người Khùa là Phôộc năng xừ) và giáo pháp trong gia đình. Ký tự được ghi trên các bộ sách lá này có thể là chữ viết cổ của người Lào hoặc Khơme. Ngày trước ở vùng Y Leeng, có một ngôi cổ tự của các nhà sư người Lào, nhưng vì chiến tranh loạn lạc, các nhà sư này đã bỏ đi, đến nay vết tích của ngôi cổ tự này không còn nữa”.
Ông Đinh Thanh Dự cho biết, những bộ sách lá này thường là độc bản vì phải làm thủ công rất công phu, tỉ mỉ. Một trang sách lá có chiều dài khoảng 50 đến 60 cm, chiều ngang khoảng 5 cm. Người viết phải thật uyên thâm về chữ nghĩa, chữ cổ xưa lại có kích cỡ lớn hơn chữ thường nên mỗi lá chỉ có thể ghi được 5 hàng, do vậy không thể viết giống như trên sách thông thường. Người chép phải lựa chọn từng từ sao cho chữ nghĩa súc tích, đầy đủ.
Phải giữ gìn những cuốn sách độc bản cho thế hệ sau.
Bút và cách viết cho bộ sách này cũng phải đặc biệt. Người viết dùng mũi sắt mài thật nhọn hoặc dùng mũi kim làm ngòi, khắc từng chữ lên lá. Nếu viết nhanh mỗi ngày cũng chỉ hoàn thành được từ 5 đến 7 lá. Viết xong, dùng mực Tàu trộn đều với mật một loài cá sống ở khe phết lên. Sau đó đục lỗ ở hai đầu để xỏ dây, ngoài cùng là hai thanh gỗ dùng làm bìa. Khi cần đọc hoặc di chuyển chỉ cần đeo dây vào cổ, khi không dùng đến thì rút sợi dây buộc sang một bên và treo ở một vị trí trang trọng nhất trong nhà.
Theo các thư tịch cũ, sách lá có nguồn gốc từ các ngôi chùa Khơmer, được viết trên lá cây buông. Cây buông (còn gọi là cây slắt krúth) giống như cây cọ, cây thốt nốt, có lá dài 3m. Sở dĩ gọi là cây buông bởi khi có ý định làm sách phải buộc lá lại, đợi đủ một năm trời mới buông ra. Cây buông có nguồn gốc từ Campuchia do một số nhà sư mang về, được trồng chủ yếu để lấy lá làm sách, nhiều nhất là tại các ngôi chùa Khơmer ở các tỉnh An Giang, Bạc Liêu và Trà Vinh. Thông thường cây buông trồng 10 năm mới đâm chồi non, người ta lấy giấy bọc ngoài rồi buộc lại để sau này lá không bị cong, đồng thời để lá có màu vàng nhạt. Nếu không buộc lại lá cây buông sẽ có màu xanh, sau này viết chữ sẽ không đẹp.
Buộc khoảng gần 1 năm thì chặt xuống, tháo giấy ra rồi dùng ván gỗ ép lại thật chặt từng chiếc lá một, sau đó đem phơi nắng. Đợi đến khi nào lá héo, sau khi đã loại bỏ xương lá, mới đem cắt đều thành từng khúc. Thường mỗi lá được từ 3 đến 4 khúc, mỗi khúc có chiều ngang khoảng 5 đến 6 cm, dài 60 cm, tương ứng với 1 trang sách. Độ dày mỏng của bộ sách lá tuỳ thuộc vào nội dung sách.
Các bộ sách lá hiện có ở các ngôi chùa Khơmer đều lưu giữ từ kinh Phật, kinh luận, Phật giới của các vị tăng ni, kinh Tam Tạng…cho đến đạo giáo của cả vùng và lịch sử của các ngôi chùa. Một bộ sách lá nặng khoảng 1 kg, ngoài kinh, sách lá còn dùng để chép những câu chuyện dân gian Khơmer như chuyện Ramayana, huyền thoại Bốpphatup…và đây cũng là nguồn kịch bản cho các loại hình nghệ thuật sân khấu của người Khơmer ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng có tài liệu cho rằng, sách lá chỉ có duy nhất ở dân tộc Thái nơi miền tây xứ Nghệ, đặc biệt chữ của người Thái nơi đây còn cổ hơn chữ của người Thái ở vùng Tây Bắc.
Người Thái ở vùng Tây Bắc trở xuống thì dùng chữ Thái viết trên giấy dó như người Kinh, còn người Thái ở phương Nam, giáp Lào thì vẫn dùng tiếng Thái cổ, nên chỉ có những bậc túc nho cao tuổi là có thể đọc được loại chữ này.
Chiều muộn dần, mặt trời đằng xa đang gác lên dãy Giăng Màn hùng vĩ. Chia tay ông Hồ Phoong, chúng tôi vẫn cứ băn khoăn một điều rồi đây số phận của bộ sách lá có được lưu giữ cẩn thận để góp phần trả lại cho nền văn hoá Việt Nam nét hấp dẫn đa sắc mãi mãi trường tồn.
Theo Tiin
Khi mặt bàn học sinh thành nơi "trút bầu" văn nghệ
Nhiều học trò học văn thì dở nhưng lại "thích" làm thơ. Những câu chữ ấy lại "trút" không thương tiếc trên mặt tường, bàn ghế, hộc bàn... Có người nói vui rằng: Có một dòng "văn nghệ bàn ghế" trong thế giới học trò.
Không biết mặt bàn học sinh ở các thành phố lớn như thế nào chứ ở quê tôi luôn đầy chữ viết, hình vẽ mà những người tử tế nhìn vào thấy phát ngượng. Những "tác phẩm tuổi học trò" này làm đau đầu thầy cô giáo vì không biết tác giả cụ thể là ai.
Tuổi học trò có biết bao điều dễ thương và cũng bấy nhiêu điều kỳ lạ. Học văn thì dở nhưng lại "thích" làm thơ. Anh văn chỉ bập bẹ nhưng viết và nói tiếng bồi như... gió. Những câu chữ ấy lại "trút" không thương tiếc trên mặt tường, bàn ghế, hộc bàn... Có người nói vui rằng: Có một dòng "văn nghệ bàn ghế" trong thế giới học trò.
Bây giờ bước vào bất cứ phòng học nào ở trường phổ thông quê tôi, thấy không mặt bàn ghế nào được xem là sạch sẽ. Ở đó xuất hiện đầy đủ những thể loại "văn xuôi", "thơ ca" và cả "hội họa" nữa.
Ngôn ngữ thể hiện ngoài tiếng Việt còn có tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa... có cả chữ tốc ký tiếng Việt. "Công cụ sáng tác" rất "đa hệ": bút bi, bút máy, bút chì, bút xóa.... Đề tài mà các tác giả muốn thể hiện cũng phong phú, nhưng tập trung nhiều nhất chuyện muôn thuở vẫn cứ là... tình yêu (dù ở tuổi học trò là hơi sớm)
Dòng "văn nghệ bàn ghế" nay cũng có lắm "triết gia" bào chữa cho đề tài của chúng, chẳng hạn như câu: "Tình yêu là một thực tế khách quan tồn tại ngoài ý muốn của... học trò". Rất nhiều sáng tác là "cóp-pi" những bậc tiền bối của thơ ca như Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử... Đại loại các câu như: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở", "Nắng mưa là bệnh của trời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng", "Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố".
Còn rất nhiều câu nữa không biết xuất xứ từ đâu, nhưng đọc lên nghe cũng hay hay. Như có lần tôi vô tình đọc được mấy câu thơ trên bàn học sinh ở trường D.Đ: "Nếu mà bên ấy có buồn. Xin theo cánh bướm, chuồn chuồn sang đây". Những câu thơ có vẻ bâng quơ ấy phần nào cũng phản ánh tâm trạng của các cô cậu chớm chuyện tình yêu.
Chắc hẳn tác giả đã "kế thừa" vào một đoạn thơ của ai đó để nói lên nỗi lòng. Đôi khi ta cũng bắt gặp tâm trạng "thất tình" khi tác giả bị ai đó nói lời từ chối. "Người ta vá áo bằng kim. Người ơi, tôi vá con tim bằng gì?". Lắm lúc vì quá thất vọng mà "nhà thơ" cũng chẳng cần theo nguyên tắc gieo vần gì cả."Yêu em hai chữ tình đầu. Ghét em bốn chữ giã từ biệt ly".
Sau các kỳ thi, bàn ghế lại xuất hiện những lời "bộc bạch" để bào chữa: "Thức đêm mới biết đêm dài. Cóp-pi mới biết được bài người ta". Bên cạnh dòng "thơ ca bàn ghế" thì văn xuôi và hội họa cũng chẳng thua kém. Về văn xuôi đó là những câu dài được trích dẫn từ bài học, để khi kiểm tra, tác giả chỉ cần nhìn xuống mặt bàn tha hồ viết, không sợ bị phát hiện.
Hay là một cuộc đối thoại "bỏ túi' của hai người ngồi chung vị trí nhưng ở hai buổi học khác nhau: Bạn tên gì? Sinh nhật ngày tháng nào? Bạn thích màu gì?... Nhiều nhất có lẽ câu... "Anh yêu em". Một cụm từ hơi khó nói "trắng trợn" nên được thể hiện bằng chữ viết, viết chữ Việt thấy hơi kỳ nên viết tiếng Anh là... chắc cú.
Vì thế mà trên mặt bàn lúc nào cũng thấy xuất hiện "I love you", và cứ thế liên tục phát triển trên tường, hộc bàn, thân cây... Người viết lắm lúc ghi thẳng thừng: "H love L" chẳng hạn. Còn về hội họa thì hình ảnh mũi tên xuyên thủng trái tim có mấy giọt máu rỉ xuống luôn là đề tài được tuổi học trò thể hiện.
Có những cô cậu học trò nổi máu họa sĩ vẽ chân dung hai người nam nữ, ở giữa có dấu cộng, còn bên dưới ghi tên của hai bạn trong lớp thường ghép đôi nhau. Lắm lúc, nhiều hình ảnh của những nhân vật trong phim hoạt hình và phim truyện cũng xuất hiện trên mặt bàn. Tham khảo dòng "văn nghệ bàn ghế", không ai tránh khỏi bực mình khi nhìn mặt bàn ghế không còn sạch đẹp.
Có nhiều trường đưa ra biện pháp xử lý nghiêm minh như buộc các em tẩy xóa, kiểm tra sơ đồ lớp học hai buổi để xác định thủ phạm, liên hệ gia đình học sinh... thậm chí là nhà trường xuất kinh phí sơn lại mặt bàn bằng một lớp keo đặc biệt để các em không thể viết chữ lên được.
Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tức thời, về lâu dài, cần giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bàn ghế sạch đẹp và xem đó là một trong những điều kiện để xếp loại hạnh kiểm các em.
Theo Dân Việt/Làng Cười
Cảnh giác với gạo nhiễm chất độc Theo một thông tin khác từ một người buôn gạo, thì hiện nay đang có rất nhiều đại lý lớn nhỏ đang sử dụng chiêu ướp hương liệu vào các loại gạo kém chất lượng, biến nó thành gạo Thái, gạo Bắc Hương, gạo Điện Biên... Để có được một bữa ăn ngon cho cả gia đình, rất nhiều người nội trợ thường...