Kỳ II: Rợn người với tai nạn lao động
Anh công nhân leo cột điện chẳng may trượt chân, bên dưới là một cây xà beng cắm thẳng đứng…
Theo thống kê từ khoa Khám bệnh (Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) cho hay, tai nạn lao động (TNLĐ) chiếm khoảng 7% tổng số trường hợp tai nạn vào bệnh viện Việt Đức. Vì là tai nạn xảy ra trong khi lao động nên 35% số này rơi vào độ tuổi từ 20 đến 29 tuổi- độ tuổi có sức cống hiến cao- và 80% trong số đó là thu nhập chính cho gia đình. Như vậy không những TNLĐ cướp đi sinh mạng và tiền của một số người, mà còn cướp đi khả năng lao động cống hiến và khả năng nuôi dưỡng gia đình của họ.
Anh công nhân leo cột điện này không may rơi trúng thanh xà beng dựng thẳng đứng
(Ảnh tư liệu Bệnh viện Việt Đức)
Trong các ngành nghề dễ bị TNLĐ thì công nhân và lao động tự do chiếm đến 58% bởi những đối tượng này phải làm trong môi trường có tiếng ồn lớn, có nhiệt độ cao hoặc làm ở độ cao có nắng và gió những người lao động tự do lại phải làm tạp vụ, những việc nguy hiểm như khai thác đá, chuyển gạch, xi măng lên cao…
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNLĐ được đánh giá đầu bảng là ngã cao gây chấn thương sọ, chấn thương cột sống, gãy xương, vỡ tạng… có thể ngã vào vật nhọn như cọc tre, rào sắt nhọn. Đã có công nhân leo cột điện ngã bị xà beng cắm dưới đống cát đâm xuyên qua ngực.
Đứng sau ngã là nguyên nhân tai nạn do máy móc gây nên, đáng chú ý là máy cưa, máy dập, máy cắt và gần đây nhất là máy nghiền đất. Bệnh viện Việt Đức từng cấp cứu 4 trường hợp bị máy nghiền đất cuốn chân hoặc vào tay vào máy, cả 4 trường hợp này người nhà đều phải chuyển cả người liền với máy đến bệnh viện, sau khi cắt cụt chi ngay tại chỗ các bác sĩ mới có thể lấy được người ra khỏi máy.
Qua thực tế nhiều năm cấp cứu những ca bị TNLĐ, các bác sỹ bệnh viện Việt Đức nhận thấy có quá nửa số nạn nhân phải làm việc ở nơi không có nội quy bảo đảm an toàn lao động. Ngoài ra có tới 85% nạn nhân không hề được tập huấn về an toàn lao động hoặc cách sơ cấp cứu khi xảy ra TNLĐ. Phần lớn những nạn nhân khi được các bác sỹ hỏi, đều trả lời rằng họ không được phát hoặc không sử dụng thiết bị an toàn trong khi làm việc.
1 trường hợp bị máy nghiền đất cuốn chân, người nhà phải chuyển cả người và máy đến
bệnh viện. (Ảnh tư liệu Bệnh viện Việt Đức)
Video đang HOT
Còn theo cục An toàn lao động (Bộ LĐ,TB&XH) thì nguyên nhân gây TNLĐ chủ yếu là do người sử dụng lao động vi phạm các quy định về an toàn lao động: lắp đặt sử dụng máy thiết bị thiếu an toàn; không huấn luyện đầy đủ cho người lao động, không xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình vận hành, biện pháp làm việc an toàn (chiếm trên 47% tổng số vụ tai nạn lao động chết người); do người lao động không có ý thức chấp hành đúng các quy định về an toàn lao động (chiếm 35,5% tổng số vụ TNLĐ chết người). Ngoài ra TNLĐ xảy ra còn do tâm lý người lao động, vi khí hậu, thiên tai…
Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động đồng chỉ ra: TNLĐ xảy ra nhiều nhất là ở ngành khai thác đá và khoáng sản, sau đó tới ngành xây dựng, chế biến thực phẩm-nông-lâm sản, ngành cơ khí-luyện kim, thấp nhất là ngành sản xuất dệt-may và hàng tiêu dùng. Tại các ngành khai thác – khoáng sản và xây dựng, TNLĐ chủ yếu là do ngã cao, nổ mìn, vật rơi, điện giật, sập hầm; các ngành còn lại tỷ lệ TNLĐ do điện giật gây ra là cao hơn cả.
Ngoài nguyên nhân chính do sự bất cẩn của người lao động, sự thiếu may mắn; còn phải kể đến chế tài trong việc xử phạt chủ doanh nghiệp, cơ sở khi để xảy ra tai TNLĐ. Được biết mức phạt hành chính hiện nay chỉ dừng ở con số vài chục triệu đồng, không đủ “sức nặng” để răn đe, nên hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn “nhởn nhơ”, không hề để ý đến chuyện tập huấn về an toàn lao động cho người lao động. Trong khi đó lực lượng thanh tra chuyên trách về lĩnh vực này còn rất mỏng, không thể “ôm” hết địa bàn. Nên có lẽ, TNLĐ vẫn sẽ còn là câu chuyện…dài tập.
Theo ANTD
Kỳ I: Treo sinh mạng lửng lơ giữa giời
Đại ngồi lửng lơ ngang tầng 2 của ngôi nhà, giữ mạng người thợ này chỉ có duy nhất một sợi dây thừng.
Thợ xây dựng: treo đời trên giàn giáo
Đầu Đại đội một cái mũ- nhưng không phải mũ công trường mà là mũ vải, tránh cho sơn khỏi bắn vào mái tóc mới nhuộm vàng hoe.
Lao động trên cao, song Đại không hề có phương tiện bảo hộ nào
Ngồi thõng chân trên tấm ván nhỏ, tay phải bám vào sợi dây thừng, tay trái Đại cầm cái cây lăn sơn, tỉ mẩn lăn từng khe tường cho gia chủ. Nếu tính thêm trọng lượng hai thùng sơn nước treo tòng teng ở dưới cùng, thì sợi dây thừng vắt từ cửa sổ tầng 3 xuống kia, phải "gánh" chừng 1 tạ. Không rõ ở đầu dây phía trên, nhóm thợ sơn chằng buộc thế nào, song cái cảnh "đu đưa cùng gió" của Đại thực sự đáng ngại.
Cách Đại không xa, hai người thợ khác cũng đang tỉ mẩn sơn từng chi tiết của ngôi nhà mới. Một người đứng bám vào song cửa tầng 2, sơn mặt ngoài; người còn lại, dù đứng trên giàn giáo, song lại nhoài người ra ngoài khoảng không. Nếu so sánh mức độ nguy hiểm thì chưa chắc...ai đã hơn ai.
Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những người thợ này
Phó giám đốc Công ty xây dựng An Phát- ICA (E4-Thanh Xuân bắc,HN)- ông Phan Trang cho rằng: chỉ có chưa đầy 1/3 thợ xây dựng trên địa bàn thành phố là đã qua đào tạo, còn lại đều là lao động thời vụ. Thậm chí ngay trong các công trình xây dựng lớn bằng nguồn vốn nhà nước và do các công ty xây dựng có tiếng thực hiện thì số lượng thợ xây được thuê theo hợp đồng thời vụ, là người lao động ngoại tỉnh vẫn chiếm đa số. Chính vì thế, số vụ tai nạn lao động chết người xảy ra thường rơi vào số thợ lao động thời vụ bởi họ hầu như không có bất cứ kiến thức nào về việc trang bị bảo hộ lao động.
Theo các chuyên gia, làm trên mái nhà là một trong những nhóm công việc nguy hiểm nhất trong ngành xây dựng. Các nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn là : Ngã xuống từ rìa mái; ngã xuống qua các lỗ hổng trên mái; ngã do sập mái làm từ vật liệu giòn và dễ vỡ. Mặc dù phần lớn tai nạn xảy ra với những công nhân chuyên làm việc trên mái, song không hiếm những trường hợp xảy ra đối với công nhân lên tu tạo và dọn dẹp mái nhà. Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động còn cho rằng tai nạn lao động ở ngành xây dựng chỉ "chịu nhiều" sau ngành khai thác đá và khoáng sản.
Thợ sắt, coi chừng...đôi bàn tay
Hiếu năm nay chỉ mới 16 tuổi, nhưng đã có kinh nghiệm 3 năm làm thợ sắt. Kê miếng sắt dày vào dưới máy đột dập, cậu giật mạnh.... "xoảng"....sau âm thanh khô khốc phát ra, miếng sắt đã được dập gọn ghẽ thành hình e-lip, phục vụ cho công việc cơ khí nào đó. Phải đến khi Hiếu rút găng tay ra, mới thấy bàn tay bên trái của cậu thiếu mất ngón trỏ- đó là hậu quả của một lần nhấn máy đột dập xuống nhưng bất cẩn, sắt thép còn không chịu được, huống hồ là da thịt.
Một người thợ lắp kính trên phố Hàng Bông (ảnh trái); Anh thợ hàn ngồi làm việc cheo leo
trên một khung nhà (ảnh phải)
Từ nhiều năm nay, Hà Nội có một số tuyến phố chuyên làm nghề cơ khí, sắt thép như phố Giảng Võ (đoạn từ nhà số 130b- bến xe Kim Mã) hay La Thành (đoạn từ đầu Ô chợ Dừa- ngã tư Láng Hạ).
Dân Hà Nội thường không thích đi qua phố La Thành, đặc biệt là vào giờ tan tầm vì sự bẩn thỉu và cảnh tắc đường do ảnh hưởng bởi hoạt động của hàng trăm xưởng, cửa hàng sắt tư nhân. Phố này, từ lâu đã không còn vỉa hè cho người đi bộ, bởi đều bị các nhà tận dụng làm xưởng sản xuất với các kiểu máy đột dập, đèn khò cắt sắt, máy hàn....
Thợ thuyền thường xuyên ngồi làm ngay dưới lòng đường, sát sạt các loại phương tiện qua lại. Thật khó thống kê hết những lần tai nạn xảy ra với những người thợ ở đây khi bị xe cộ tông phải. Ở chiều ngược lại, lâu lâu lại thấy một anh thợ vác ống sắt, đuôi vươn dài ra đến giữa lòng đường, ngáng cả dòng xe cộ. Khối người đi đường từng ngã lăn quay vì mấy cái ống sắt cả tròn lẫn vuông này.
Sự bất cẩn, mất an toàn trong lao động ở đây thậm chí đã trở thành "điển hình": cắt những tấm sắt dày hàng cm bằng đèn khò thợ không cần đeo găng; hàn một lúc cả chục mối hàn cũng chẳng phải nại đến kính, tia lửa văng tứ tung, có lúc vọt cả vào xe máy qua lại.
Cậu thợ phụ dù có kính nhưng không đeo, giương mắt "trần"
nhìn thẳng vào tia lửa hàn
Trong quá trình đi tìm hiểu, chúng tôi chụp được bức ảnh khá "độc" về cảnh hàn xì ở một cửa hàng sắt trên phố La Thành: Trong khi người thợ cả chấm mối hàn thì cậu nhóc thợ phụ thản nhiên giương mắt nhìn (dù có kính nhưng không chịu đeo, gài kính trên mũ). Không hiểu mắt nào chịu được cường độ sáng lớn đến thế, chưa kể rủi ro, tia lửa hàn có thể bắn vào giác mạc.
Nếu như phố La Thành toàn hàng sắt thì phố Giảng Võ lại thiên về đồ inox với các loại cầu thang, cánh cổng, khung cửa sổ nhôm kính... Cũng chẳng khá hơn là bao: tiếng máy cắt xé tai, tia lửa hàn bắn vọt ra đến giữa tim đường. Và đương nhiên, câu chuyện bảo hộ lao động phố này cũng giống hệt bên phố Đê La Thành: Lao động phổ thông ở đây hầu hết không được đào tạo chuyên môn trước khi vào làm việc, toàn theo kiểu vừa học vừa làm, nên rủi ro rất cao. Chuyện "hợp đồng lao động" có lẽ lại càng là một thứ gì đó xa xỉ, trong trường hợp có chuyện không may xảy ra, người lao động sẽ chịu toàn bộ thiệt thòi, còn đối với chủ cơ sở sản xuất cực dễ để "phủi tay".
(* Tên các nhân vật đã được thay đổi)
Còn tiếp...
Theo ANTD
Những chuyến xe "xiếc" trên đường thủ đô Trên các tuyến đường của thủ đô gần đây có những gánh "xiếc" diễu hành. Đó chính là các phương tiện tham gia giao thông bất chấp nguy hiểm cho bản thân và mọi người thường chở hàng cồng kềnh, xe máy kèm 5 hoặc chở...chó băng băng trên đường. Người đi đường chứng kiến những cảnh như vậy chỉ biết ngán ngẩm,...