Kỳ cuối: Văn hóa nhân lên từ những công dân nhỏ trong gia đình
“Có một lần, chỉ còn vài giây đèn đỏ, tôi định tăng ga xe và nhanh chóng đi qua, nhưng con gái ngồi đăng sau kéo áo và nói: Mẹ ơi đèn đỏ…, lúc đó tôi đã thấy rất xấu hổ với con. Còn 2 giây tôi cũng dừng lại” – lời kể của chị Nguyễn Thường, phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Có đôi lúc, người lớn vì những phút giây vội vàng mà quên mất rằng: Mình là tấm gương cho trẻ nhỏ noi theo. Ứng xử đối với các quy tắc giao thông cũng vậy, trẻ nhỏ sẽ học nhiều điều từ người lớn.
Người lớn nêu gương…
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm cả nước có trên 1.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm khoảng trên 20% tổng số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, hàng năm Việt Nam có hàng nghìn người tử vong hoặc bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, để lại hậu quả đau xót cho bản thân, gia đình và xã hội, đe dọa đến sự phát triển của giống nòi, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Nhưng vấn đề là ở chỗ, tai nạn giao thông đối với trẻ nhỏ phần nhiều bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan của người lớn.
Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ ra rằng: Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em chỉ mới ở mức 35-40%; một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông ở trẻ em vẫn có xu hướng tăng cao thời gian qua. Việc không đội mũ cho con là lỗi xuất phát từ người lớn.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng từng nêu quan điểm: Các phụ huynh hãy làm từ những việc rất nhỏ, trước tiên hãy chọn một mũ bảo hiểm đủ chất lượng cho con, dù đến trường phải di chuyển ngắn, các con cũng cần được giáo dục cách đội mũ, không đi ngược đường và không đi hàng ba, hàng bốn. Người lớn phải nêu gương, thì các con mới học tập theo được.
Song song với nêu gương, giáo dục cho các con văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông phải làm ngay ở cấp nhỏ nhất, mầm non và tiểu học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Việc xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ việc giáo dục nâng cao nhận thức tham gia giao thông an toàn cho học sinh ngay từ cấp học nhỏ, để dần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT.
Video đang HOT
Hiểu được sự quan trọng của công tác giáo dục văn hóa giao thông với trẻ nhỏ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ký cam kết với Bộ GD&ĐT, Ủy ban ATGT quốc gia trong việc tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Hàng nghìn mũ bảo hiểm đạt chuẩn đã được gửi đến các em học sinh và mỗi nhà trường đều có những “lời nhắc” phụ huynh và học sinh khi tham gia giao thông. Tại trường tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, nhà trường có quy tắc tham gia giao thông gửi đến từng phụ huynh, trong đó, đặc biệt lưu ý phụ huynh chấp hành đúng Luật ATGT và đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ khi đến trường như: Tuyệt đối không được để con không đội mũ bảo hiểm đến trường. Ngày nào, cũng đích thân cô hiệu trường của nhà trường nhắc trên loa thông báo, yêu cầu phụ huynh gương mẫu và khi đón đưa các con, phải hướng dẫn các con đi đúng Luật.
Giáo dục từ nhà trường, cùng với sự gương mẫu của người lớn sẽ góp phần tạo ra những công dân nhỏ, gương mẫu và có văn hóa khi tham gia giao thông. Ảnh: Hanoi.edu.vn
…Để có các công dân nhỏ gương mẫu
Hiện nay, chương trình giáo dục về an toàn giao thông ở các cấp học rất linh hoạt, riêng đối với các cấp học nhỏ, giáo dục văn hóa giao thông cho các con, cần tạo ra môi trường thân thuộc với sự tham gia của cả người lớn. Vào những thời gian có chủ đề an toàn giao thông, các cô sẽ trang trí lớp học tràn ngập các tín hiệu, biển báo, phương tiện giao thông,… để các con thêm phần hứng thú. Các con thể nhờ bố mẹ tìm những hình ảnh về an toàn giao thông tại nhà rồi mang đến lớp để trang trí các góc. Các cô cùng các con xây dựng những câu chuyện về an toàn giao thông bằng cách cắt dán hình ảnh, ghi chú lời thoại. Các bé có thể tham gia vẽ trực tiếp vào các câu chuyện ấy. Đó sẽ nguồn học liệu thiết thực để giảng dạy.
Ở cấp tiểu học, các cô cũng có thể biên soạn tài liệu giảng dạy bằng những câu chuyện rất giản dị, tấm gương người thật việc thật, những tấm gương “Lục Vân Tiên” giúp đỡ người đi đường có ngay trong cuộc sống. Hay những người như bà Nguyễn Thị Tiến, ông Lưu Viết Thục… tham gia phân luồng giao thông, để các con thấy rằng: Ông bà, bố mẹ mình cũng có thể là một trong những người như thế: Có ý thức giao thông và luôn giúp đỡ những người xung quanh khi cần thiết.
Chính sự giáo dục từ nhà trường, sự gương mẫu của người lớn sẽ góp phần tạo ra những công dân nhỏ, gương mẫu và có “tác động hai chiều” đối với bố mẹ của mình. Anh Nguyễn Hiệp, khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông từng chia sẻ câu chuyện: “Khi lên xe, con tôi nhắc: Ba phải mang mũ bảo hiểm, còn đi ô tô, ba phải cài dây an toàn… Trước câu nói của con, tôi tất nhiên muốn mình làm gương cho con. Bởi nếu tôi không thực hiện đúng, con sau này sẽ thực hiện theo. Vậy nên việc làm gương cho bé rất quan trọng. Cách thức giáo dục hữu hiệu nhất chính là lời nói và hành động đi liền với nhau”.
Không chỉ dừng lại ở việc làm gương, những chương trình học mà chơi, trong đó dạy các em về những biển báo giao thông rất có tác dụng, giúp các em nhớ nhanh, hiểu được Luật Giao thông. Chị Nguyễn Thường, phường Dương Nội, Hà Đông từng tâm sự: “Không chỉ biết về đèn đường, con tôi 6 tuổi, khi nhìn thấy biển cấm dừng đỗ cũng bảo tôi: “Mẹ đừng đỗ xe ở đây, biển này không cho dừng đâu. Tôi rất bất ngờ về con, nhưng cũng tự nhủ mình phải chú ý hơn để làm gương cho con”.
Giáo dục, không gì tốt và nhanh bằng sự nêu gương. Văn hóa nói chung và văn hóa giao thông nói riêng, để có sự chuyển biến, phải bắt đầu bằng hành động. Và đó phải là sự nêu gương giáo dục nhận thức hàng ngày, thường xuyên, liên tục. Phát triển văn hóa con người, luôn luôn bắt đầu bằng giáo dục từ nhỏ, và là sự kết hợp của gia đình, nhà trường, xã hội.
Những người “vác tù và hàng tổng” như bà Nguyễn Thị Tiến, ông Nguyễn Viết Thục, những người cứu giúp người hoạn nạn trên đường như anh Trần Quang Khởi… những cái bắt tay và ứng xử văn minh khi va chạm giao thông trên đường sẽ là chất liệu gần gũi và thiết thực nhất để tạo nên những bài học cho trẻ nhỏ trong các trường học. Ông bà, bố mẹ, thầy cô gương mẫu, sẽ là tấm gương gần gũi nhất để giáo dục nhân cách cho trẻ, trong đó có ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Từ đó, sẽ có những công dân của Thủ đô thanh lịch trong ứng xử nói chung, trong tham gia giao thông nói riêng.
Theo PLXH
Lung lay văn hóa thưa - chào
Tôi ngạc nhiên khi có lần đến nhà bạn chơi, dù đã ngoài 20 tuổi nhưng về nhà là bạn cúi đầu chào người lớn. Bạn nói nghiêm túc: "Không phải mình làm màu với mấy bạn để xây dựng hình ảnh mà gia đình mình xưa nay vẫn thế. Nguyên tắc này được xây dựng, giữ vững cho đến ngày hôm nay".
Ảnh minh họa
Nhìn thấy gia đình bạn như thế, rồi nhìn lại nhà mình, tôi thấy bản thân mình tệ. Lúc nhỏ, hễ đi đâu chơi, hay đi học là khoanh tay thưa từng người một. Lớn lên một chút, ở tuổi thiếu niên dở dở ương ương, tự nhiên tôi thấy nguyên tắc này "quê quá", "cổ lỗ sĩ quá", nên rút gọn khoanh tay thưa một lần. Rồi khi đã là sinh viên, tôi dần quên mất chuyện này. Ba mẹ, ông bà góp ý nhiều lần nhưng tôi cứ nhớ rồi lại quên.
Riết rồi mẹ bảo: "Chỉ việc nhắc con thưa hỏi mà cứ như nhắc tuồng. Đừng để người ngoài đánh giá con là người kém ngoan. Mọi việc trong cuộc sống này đều cần có nguyên tắc. Trừ khi con rời xa cộng đồng, cô độc trên đảo hoang hay ở giữa sa mạc".
Cũng từ lần ghé thăm nhà bạn, bạn đã cho tôi thấy giá trị truyền thống là như thế nào nên tôi cố gò theo khuôn phép và bây giờ tôi đã quen với điều đó. Với việc cúi đầu chào từng người lớn, đã khiến cho cả nhà thảng thốt, có người còn hoài nghi tôi "có ý đồ mua chuộc" (xin tiền chẳng hạn). Nhưng sau đó thì ai cũng hiểu được tình cảm của tôi dành cho cả nhà.
Trong những buổi họp mặt bạn bè, tôi cũng hay đề cập đến vấn đề này và lắc đầu than thở về giá trị truyền thống gia đình đang xuống cấp, khi mà học sinh bây giờ chẳng biết thưa, chào người lớn. Cứ bước ra khỏi nhà, hay đặt chân vào nhà là tung tăng tung tẩy, đắm mình trong niềm vui riêng mà quên mất ông bà, cha mẹ đang hiện diện trước mặt, dù môn đạo đức (tiểu học), giáo dục công dân (THCS, THPT) đều không quên uốn nắn.
Bạn bè tôi cho rằng, văn hóa thưa - chào lung lay, sắp mai một là do trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Tôi cho điều này là sai. Người phương Tây mặc dù sống thực tế, sòng phẳng, lý tính nhưng họ vẫn có giá trị truyền thống gia đình. Bằng chứng là trong phim ảnh, phóng sự, ngoài đời, cứ hễ gặp ba mẹ hay người lớn họ đều chào (hi, hello). Còn những biểu hiện như trên một phần là do lớp trẻ thích sống vội, sống "rút gọn". Chẳng hạn khi giao tiếp, họ hay nói chuyện cộc lốc thay vì hoa mỹ.
Trong ngôn ngữ viết, họ sử dụng nhiều ký tự viết tắt cho đỡ dài dòng. Trong phong cách sống, họ yêu rất nhanh và không ngần ngại chia sẻ cảnh âu yếm trên mạng xã hội. Nhất là trong những mối quan hệ giao tiếp với gia đình, vì muốn cuốn mình vào việc riêng mà người trẻ bỏ qua những phép tắc cần thiết khi gặp mặt ông bà, cha mẹ, cô chú...
Dù rằng câu chuyện thưa hỏi chưa chắc ảnh hưởng đến đạo đức, nhưng một khi bản sắc văn hóa, phép tắc gia đình bị xáo trộn thì cuộc sống trở nên vô trật tự. Người trẻ dễ bị rơi vào trạng thái tự phụ, thích thay đổi tất cả các giá trị xưa nay, hay xem nhẹ giá trị truyền thống, lịch sử... Để gìn giữ giá trị truyền thống, người lớn cần phải giáo dục con cháu ngay từ nhỏ. Người lớn cũng phải làm gương bằng việc thưa hỏi những ai lớn tuổi hơn mình. Rõ ràng, việc duy trì, xây dựng giá trị từ chuyện thưa - gửi mới gìn giữ được văn hóa từ gia đình.
TRẦN THÁI HỌC
Theo SGGP
Nhiều bất cập trong phương án tuyển sinh ĐH-CĐ 2019 Trường nào công bố điểm trúng tuyển đại học bằng kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 trước ngày 8.8 là vi phạm quy chế tuyển sinh và sẽ bị xử lý; 45 trường ĐH bị đề nghị dừng tuyển sinh hệ CĐ ngay trong năm nay, đó là những điểm nhấn của mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2019, trong đó có không...