Kon Tum: Nỗ lực vận động học sinh đến lớp
Qua thời gian nghỉ Tết và phòng, chống Covid-19, các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bảo đảm việc dạy và học. Tuy nhiên, một số trường ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên vẫn phải đến từng nhà vận động học sinh.
Kiểm tra thân nhiệt của học sinh ở Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông
Sau thời gian dài tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, tỷ lệ học sinh nghỉ học tại tỉnh Kon Tum gia tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, sự vào cuộc của các cấp và nỗ lực của cán bộ quản lý, giáo viên, số lượng học sinh đến trường đã được đảm bảo.
Trong ngày thứ 2 đến trường, tỉ lệ chuyên cần của học sinh toàn ngành đạt 98,1%. Cụ thể, bậc Tiểu học đạt tỉ lệ 98,1%; bậc THCS đạt 98,4% và bậc THPT đạt 97,9 %.
Thầy Nguyễn Ngọc Huynh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) cho biết, để khắc phục tình trạng học sinh “quên” đến lớp sau thời gian dài nghỉ Tết và phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường đã chủ động lên kế hoạch.
Theo đó, sau khi nhận được thông báo đi học tập trung trở lại, 36 cán bộ, giáo viên của trường đã đến 8 thôn, làng vận động học sinh ra lớp.
Cũng theo thầy Huynh, do thời gian nghỉ lâu nên một số em khi thấy giáo viên đến nhà thì trốn hoặc bỏ chạy, gây khó khăn cho công tác vận động, duy trì sĩ số.
Video đang HOT
“Trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch bệnh, một số em theo bố mẹ lên nương rẫy. Do đó, khi có lịch đi học trở lại giáo viên phải đến nhà học sinh từ sáng sớm để vận động gia đình đưa các em ra lớp. Đối với những gia đình học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để động viên các em đến trường”, thầy Huynh chia sẻ.
Tương tự, tại Trường TH&THCS Lý Tự Trọng (huyện Ngọc Hồi) để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, nhà trường và cán bộ giáo viên tích cực tuyên truyền, vận động học sinh trước và sau Tết Nguyên đán.
Theo thầy Nguyễn Tài Duệ, Hiệu trưởng nhà trường, sau 2 ngày quay trở lại học, trường có 8 học sinh vắng mặt. Nguyên nhân là một số em bị ốm, còn 4 em ăn Tết Nguyên đán ở quê nên chưa về kịp.
“Những học sinh nghỉ học, nhà trường vẫn thường xuyên liên hệ với gia đình để nắm bắt tình hình, sức khoẻ của các em. Đối với những em ăn Tết ở quê, khi trở về sẽ phải kiểm tra sức khoẻ, khai báo y tế đầy đủ. Nếu ngành y tế đồng ý cho những trường hợp này đi học, nhà trường sẽ tạo điều kiện để giúp các em bổ sung kiến thức còn thiếu”, thầy Duệ nói.
Thầy Duệ cho hay, giáo viên trong trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh và học sinh về lịch học. Đối với những phụ huynh không thể liên hệ qua điện thoại, giáo viên đến từng nhà thông báo lịch đến trường cho học sinh.
Trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh, giáo viên trường Tiểu học – THCS Đăk Plô mang bài tập đến tận nhà cho học sinh.
Thầy Trần Nhật Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Đăk Plô (huyện Đăk Glei) cho biết, toàn trường có 243 học sinh. Trong ngày đầu tiên quay trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19 trường có 14 em vắng mặt.
Theo thầy Lam, trong thời gian học sinh nghỉ học, giáo viên trong trường thường xuyên đến tận nhà để phát, thu bài tập của các em. Do đó, thầy cô luôn chủ động tuyên truyền, nhắc nhở các em theo dõi lịch đến trường.
Ngoài ra, khi nhận được lịch đi học tập trung trở lại, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương thông báo đến học sinh qua loa phát thanh. Đối với những học sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa, giáo viên đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
“Trước Tết Nguyên đán, nhà trường đã trao tặng những phần quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó nhằm động viên, khích lệ các em cố gắng đến trường, học tập để cuộc sống bớt khó khăn”, thầy Lam tâm sự.
Ước mong của người thầy nghèo cho học sinh dân tộc thiểu số
27 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy A Phiên chỉ mong học trò của mình được ăn no, mặc ấm khi đến trường.
Thầy A Phiên chăm lo cho từng bữa cơm của học trò.
Tuổi thơ của thầy A Phiên - giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) gắn liền với núi đồi và con đường đất đỏ. Những ngày còn nhỏ, quãng đường đến trường của thầy A Phiên chưa bao giờ là thuận lợi. Khi đó, đường đi lại đất đỏ bụi mù mịt, ngày mưa thì trơn như đổ mỡ.
Để đến trường học con chữ, mỗi ngày cậu học trò A Phiên phải leo vài quả đồi. Cuộc sống khó khăn, sáng lên lớp đến chiều A Phiên lại theo bố mẹ lên nương rẫy. Hành trình tìm con chữ của cậu học trò A Phiên khi đó vô cùng khó khăn, gian khổ. Thương bản thân mình cũng như thương các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa A Phiên quyết tâm lớn lên trở thành thầy giáo.
Ước mong đứng trên bục giảng của A Phiên dần trở thành hiện thực qua năm tháng. Khi về giảng dạy tại điểm trường cụm Đăk Ka, thầy A Phiên như thấy được bản thân mình dưới bóng dáng của học trò. Bởi các em đều là đồng bào dân tộc thiểu số, bố mẹ quanh năm bận làm nương rẫy nên không có thời gian quan tâm con em mình. Do đó, thầy A Phiên luôn giành hết tình yêu thương của mình cho học trò. Bởi thầy thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả trên hành trình tìm con chữ của các em.
"Các em học sinh nơi đây đều là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, nhà lại đông anh em. Để lo cho cuộc sống, bố mẹ các em quanh năm quần quật với nương rẫy. Các em chỉ mới 7-8 tuổi đã biết tự lập, nấu cơm, có khi phải ở nhà trông em. Có những em đến lớp với chiếc bụng rỗng tuếch, lả đi vì đói.
Trước kia mình đi học đã thiếu thốn trăm bề rồi, giờ nhìn học trò khổ mình thương lắm. Nhà mình chẳng khá giả gì, nhưng trước kia khi chưa có bếp ăn của trường gia đình nấu thêm cơm cho học trò lót bụng. Vợ mình cũng phụ một tay giúp bữa cơm của các em ấm cúng hơn. Các em có no cái bụng mới sáng được cái mắt mà tiếp thu con chữ.", thầy A Phiên tâm sự.
Buổi chiều thầy A Phiên lên lớp giảng dạy cho các em học sinh.
Khi bếp ăn của trường đỏ lửa, thầy A Phiên vừa đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy, lại làm đầu bếp chính. Cứ 6 giờ sáng, thầy A Phiên chạy từ điểm trường ra trường chính lấy thức ăn rồi về nấu cho học trò. 11 giờ trưa, khi chiếc bụng của lũ trẻ đói meo, mâm cơm ấm cúng của thầy A Phiên sẵn sàng cho học trò. Khi lũ trẻ ăn uống xong xuôi, thầy A Phiên dọn dẹp rồi về nhà ăn cơm cùng gia đình để chuẩn bị cho tiết dạy buổi chiều trên lớp.
"Tuy mình không phải là đầu bếp chuyên nghiệp nhưng những vị khách nhí vẫn luôn ủng hộ mỗi ngày. Mình thấy hạnh phúc khi trò ăn hết cơm và thức ăn do chính tay mình chế biến.", thầy A Phiên nghẹn ngào.
Vừa qua, nhờ được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trung ương, địa phương nên bếp ăn của học trò đủ đầy hơn. Vất vả của thầy A Phiên dường như cũng vơi bớt.
"Chỉ cần thấy các em no bụng, học tập thật tốt là mình thấy vui lòng rồi. Mình mong bản thân có sức khoẻ, được đi học tập, trau dồi thật nhiều để về truyền dạy lại cho học trò.
Các em học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên mình mong các cấp, chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho các em vững bước đến trường. Các em học tập có tốt, tương lai sau này mới sáng lạn, góp phần trong công cuộc phát triển quê hương, đất nước.", thầy A Phiên chia sẻ.
Nối dài yêu thương "Bếp tình thương" của điểm trường thôn Đắk Ka (Trường PTDTBT Tiểu học - THCS Tu Mơ Rông) và điểm trường Ty Tu (Trường Tiểu học xã ĐắK Hà của huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vừa được nhận nguồn hỗ trợ ý nghĩa. Tấm lòng những người giáo viên vùng cao được thể hiện qua bếp ăn tình thương. Đó là kinh...