Kon Tum: Dạy nghề thanh niên dân tộc thiểu số
Mặc dù, các chính sách về dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là chủ trương nhằm khuyến khích con em đồng bào DTTS tham gia học nghề, tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cuộc sống… Thế nhưng, những năm gần đây các trường nghề, trung tâm dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh…
Bỏ học vì…phải đóng học phí
Để đẩy mạnh thực hiện các chương trình dạy nghề cho học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhiều năm trở lại đây các trường nghề, trung tâm dạy nghề đã chú trọng dạy nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia như: Nghị định 74, Quyết định 267, chương trình 135, đề án 1956…Tuy nhiên, công tác vận động, tuyển sinh học nghề vẫn còn là một bài toán khó.
Video đang HOT
Số học sinh ít ỏi đang theo học lớp may thời trang còn bám trụ với lớp
Phương tiện sử dụng cho những bữa cơm chỉ với 2 cái nồi cơm điện.
Ông Mai Ngọc Kiên – Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Kon Tum cho biết: Chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học 2014 – 2015 của trường là 180 học sinh hệ trung cấp nghề chính quy, 120 học viên hệ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956. Trong đó, 90% học sinh là người đồng bào DTTS. “Một thực trạng đáng lo ngại trong năm học vừa qua mà trường đang cố gắng khắc phục để năm học mới này không tái diễn đó là các em học sinh bỏ học giữa chừng. Đỉnh điểm là học kỳ II của năm học 2013 – 2014 (chỉ tính từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2014 đã có 117 trường hợp bỏ học không lý do. Tôi lấy ví dụ cụ thể như lớp may thời trang chúng tôi tuyển sinh được 30 học sinh, theo nhu cầu và nguyện vọng không có phương tiện đi lại để học xa nhà của các em nên nhà trường đã thuê một gian phòng của công ty 79 (Phường Quang Trung, TP. Kon Tum) để tổ chức đào tạo nghề tại chỗ. Sang đến học kỳ II chỉ còn 17 em theo học. Những học sinh bỏ học không lý do này đã vô hình chung làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh năm sau”. Ông Kiên trăn trở.
Theo dẫn chứng ông Kiên đưa ra, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là nhận thức của các em về việc học nghề còn kém, hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho học sinh tham gia học nghề còn hạn chế mà gia đình lại không có đủ tiềm lực cho các em theo học, tâm lý của các bậc phụ huynh người DTTS là các em đều đã đến tuổi lập gia đình nên họ mong muốn con em mình lấy chồng, lấy vợ để “Yên bề gia thất” vì suy nghĩ của họ là học rồi cũng chẳng theo nghề. “Sau một thời gian dài làm công tác vận động, kêu gọi, thậm chí là tới từng ngõ, gõ từng nhà để tuyển sinh các em học nghề nhưng đã hơn 3 tháng nhập học mà chỉ có 139 học sinh đến nhập học. Như vậy, trường vẫn chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh, chưa kể thời gian 2 năm học số học sinh này có bỏ học nữa hay không”. Ông Kiên nói.
Tìm hiểu của chúng tôi thì trước tháng 9/2013, những học sinh đang theo học tại trường nghề, trung tâm dạy nghề phải thuộc diện đối tượng được thụ hưởng chính sách dạy nghề (Theo Quyết định 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ) là học sinh tốt nghiệp các trường THCS, THPT dân tộc nội trú (DTNT) và việc tổ chức dạy nghề cho học sinh DTTS nội trú được thực hiện bởi các cơ sở dạy nghề công lập có đủ điều kiện dạy nghề, có chỗ ở nội trú cho học sinh và chỉ áp dụng cho những nghề với thời gian đào tạo từ ba tháng trở lên. Thế nhưng, Nghị định 74/2013 ra đời, chỉ áp dụng hỗ trợ dạy nghề cho học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Do vậy, những đối tượng là học sinh DTTS không thuộc diện trên muốn tiếp tục học nghề các em phải đóng học phí nên các em nghỉ bỏ giữa chừng hết.
Ngay như Trung tâm Dạy nghề Đăk Hà (Huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã chủ động liên kết với Trường cao đẳng nghề Bình Dương để tuyển sinh, đào tạo nghề miễn phí hệ trung cấp nghề cho học sinh DTTS. Tuy vậy, thực trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng làm các giáo viên nhức nhối với tỷ lệ mỗi năm chiếm từ 30 – 40%.
Bữa cơm 3.500 đồng
Với một số trường hợp, các em nhận thức được sự nghèo khó khi không có nghề nghiệp trong tay thì các em mới quyết tâm cao bám lớp, bám trường nhưng chủ yếu là các em tự vận động để có tiền chứ gia đình cũng không có chu cấp cho đi học. Theo chân ông Mai Ngọc Kiên thăm quan khu ký túc xá trường trung cấp nghề Kon Tum chúng tôi mới cảm nhận được hết sự khó khăn, vất vả của những học sinh đang từng ngày bám trụ với lớp. Câu chuyện bếp ăn ở thời hiện đại chỉ vẻn vẹn với giá 3.500 đồng/người/bữa.Y Giẻ, học sinh năm cuối lớp Công nghệ thông tin chia sẻ: Gia đình em ở huyện Sa Thầy, trước giờ sống chủ yếu bằng nghề nông nên điều kiện kinh tế cũng không có khả giả để có thể đi học nghề. Khóa trước các anh chị còn được học nghề miễn phí, chứ đến thời điểm của em thì phải đóng học phí rồi nhưng em vẫn thuyết phục bố mẹ cho đến lớp.
Để chắt chiu tiền cho gia đình và dành dụm đóng học phí, em và các bạn cùng lớp tập trung nấu cơm ăn hàng ngày, vị chi chỉ có 2 cái nồi cơm điện, một nồi dùng để nấu cơm, nồi còn lại sử dụng cho việc xào nấu thức ăn. Vì nhà trường chỉ cho chúng em mượn nhà ăn để nấu và không tính tiền điện nên chúng em chọn những phương tiện sử dụng bằng điện cho tiết kiệm. Như vậy, mỗi bữa tính ra là 3.500 đồng/người.
Là sinh viên vừa mới nhập học được 2 tháng, Y Mari (huyện Ngọc Hồi) cũng đã biết chi tiêu tiết kiệm bằng cách rủ các bạn cùng phòng góp gạo thổi cơm chung. Mỗi bữa ăn gồm đậu rau luộc cá khô, với tổng số tiền là 25.000 đồng/ngày chia cho 4 người ăn.
Hiện trung tâm dạy nghề đã đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo sỹ số học sinh đang theo học đồng thời khuyến khích tân học sinh như tái cấu trúc lại lớp, nghĩa là nhà trường sẽ sắp xếp lại sỹ số học sinh, rồi tư vấn cho các em theo học một nghề tập trung và nhà trường sẽ hỗ trợ giảm học phí; rồi cơ sở dạy nghề phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cho các em học tích hợp. Cụ thể sáng học lý thuyết tại trung tâm, chiều thực hành nghề tại phân xưởng, sản phẩm các em làm ra sẽ quy đổi ra tiền mặt rồi dùng làm phần thưởng sau mỗi giờ học. Ngoài ra cơ sở dạy nghề còn hỗ trợ chỗ ở miễn phí, được sử dụng bếp ăn để tự phục vụ ăn uống.
Theo tầm nhìn