Kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 thứ ba
Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) cho rằng tăng trưởng GDP của Thái Lan có thể giảm xuống 1,6% trong năm nay nếu Chính phủ không kích thích nền kinh tế đang quay cuồng với làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Mặc dù vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP ở mức 2,8%, UTCC hôm 22/4 đã cảnh báo Chính phủ về những triển vọng mờ nhạt hơn vì tăng trưởng kinh tế sẽ được quyết định một phần bởi chi tiêu của nhà nước trong năm nay.
UTCC gợi ý Chính phủ chi 200 – 300 tỷ baht (6,3 – 9,5 tỷ USD) thông qua các gói kích thích để bù đắp cho tác động kéo dài của COVID-19 vốn đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Thái Lan kể từ năm ngoái.
Truyền thông sở tại ngày 23/4 dẫn lời Chủ tịch UTCC Thanavath Phonvichai cho biết mức tăng trưởng 1,6% được đưa ra với giả định Chính phủ chỉ mất hai tháng để kiểm soát đợt bùng phát mới nhất. Một đợt bùng phát kéo dài hai tháng đủ để giảm chi tiêu của người dân 200 tỷ baht, hoặc GDP giảm 1,2 điểm phần trăm.
Trong khi đó, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cũng đã lần thứ hai cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 từ 1,5% – 3,5% xuống 1,5% – 3,0%, mặc dù xuất khẩu được cải thiện.
Video đang HOT
Chủ tịch FTI Supant Mongkolsuthree cho biết dự báo kinh tế mới dựa trên giả định rằng Thái Lan sẽ đạt được các mục tiêu tiêm chủng và đưa ra các biện pháp tài khóa trị giá hơn 200 tỷ baht để hỗ trợ nền kinh tế. Nếu không có số tiền như vậy, GDP sẽ tăng trưởng 0%.
GDP của Thái Lan sụt giảm 6,1% trong năm 2020 – kết quả cả năm tồi tệ nhất trong vòng 2 thập niên qua kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Nền kinh tế thuộc vào du lịch này đang phải vật lộn với một đợt bùng phát mới của COVID-19 bao gồm một biến thể rất dễ lây lan, giáng một đòn vào sự phục hồi kinh tế vốn đã chậm chạp của Thái Lan.
Ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ baht cho nền kinh tế Thái Lan vào năm 2019, chiếm 18% GDP của cả nước, trong đó 2.000 tỷ baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP).
Năm ngoái, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan đạt 6,7 triệu lượt, tạo ra doanh thu khoảng 300 tỷ baht, kém xa con số gần 40 triệu lượt vào năm 2019.
Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (K-Research) ngày 23/4 dự báo lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan trong năm nay sẽ sụt giảm mạnh, xuống còn khoảng 250.000 đến 1,2 triệu lượt do ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 thứ ba kể từ cuối tháng 3.
Trước khi xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ ba, K-Research đã dự báo sẽ có khoảng 2 triệu lượt khách du lịch nước ngoài tới Thái Lan vào năm 2021. Theo trung tâm này, làn sóng COVID-19 thứ ba có thể kéo dài hơn những đợt trước do số lượng lây nhiễm cao hơn và khả năng lây lan nhanh hơn của chủng virus đột biến. Trong nửa đầu năm sẽ chỉ có 35.000 lượt khách du lịch nước ngoài, trong khi tình hình sẽ từ từ được cải thiện trong nửa cuối năm.
K-Research nói thêm rằng mặc dù kế hoạch “Hộp cát Phuket” của Chính phủ, dự kiến bắt đầu vào tháng Bảy, để cho phép những người nước ngoài được tiêm chủng có giấy chứng nhận không nhiễm COVID-19 tới hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng này mà không cần cách ly, ngành du lịch Thái Lan sẽ phải đối mặt với một chặng đường khó khăn phía trước cho đến cuối năm do thị trường du lịch toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Về tình hình đại dịch ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 23/4 ghi nhận số người mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức cao kỷ lục, vượt ngưỡng 2.000 ca, đồng thời cũng ghi nhận số lượng các ca nhiễm từ trước tới nay vượt ngưỡng 50.000 ca.
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 23/4 xác nhận thêm 2.070 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 8 ca nhập cảnh, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ trước tới nay lên 50.183 ca. CCSA cũng cho biết có thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 121.
Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) của Thái Lan đã công bố lịch tiêm 61 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong nửa cuối của năm nay. Theo DDC, 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được tiêm trong tháng 6, sau đó là 10 triệu liều mỗi tháng từ tháng 7 đến tháng 11, và 5 triệu liều trong tháng 12.
Tiền tệ Thái Lan mất giá nhiều nhất ở Đông Nam Á
Baht, đồng tiền của Thái Lan, mất giá nhiều nhất trong số những đồng tiền phổ biến ở Đông Nam Á do các yếu tố nền tảng yếu kém của nền kinh tế.
Hãng nghiên cứu Refinitiv ước tính đồng baht mất 4% giá trị so với đồng USD khi 31,24 baht đổi 1 USD, mức giảm cao ở Đông Nam Á - khu vực cũng chứng kiến đà mất giá của nhiều đồng tiền khác. Vào ngày 31/3, đồng baht rơi xuống mức giá thấp nhất trong sáu tháng qua.
Các yếu tố nền tảng yếu của nền kinh tế Thái Lan đã dẫn đến sự mất giá của đồng baht. Tài khoản vãng lai của quốc gia Đông Nam Á này trong quý IV/2020 thâm hụt 1,4 tỷ USD từ mức thặng dư 6,6 tỷ USD trong quý III trước đó và thặng dư 11,5 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan, tài khoản vãng lai trong quý IV/2020 đang thâm hụt lần đầu tiên kể từ quý III/2014.
Doanh thu dịch vụ từ khách du lịch, ngành công nghiệp đóng góp quan trọng cho thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan, giảm xuống mức 742 triệu USD trong quý I, chỉ bằng 5% so với cùng kỳ năm trước, bởi việc đóng cửa biên giới để ứng phó đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Số liệu của ING được hãng Bloomberg dẫn cho thấy ngành du lịch đóng góp hơn 62% thặng dư tài khoản vãng lai của Thái Lan trong năm 2019. Kể từ tháng 4, Thái Lan sẽ rút ngắn thời gian kiểm dịch bắt buộc từ 14 ngày xuống còn 10 ngày, nhằm phục hồi dòng khách du lịch cũng như chi tiêu.
Đồng baht mất giá còn do yếu tố mùa vụ kinh doanh. Các cơ sở sản xuất tại Thái Lan của các công ty lớn đến từ Nhật Bản, đã chuyển một lượng tiền mặt về nước trước khi năm tài chính tại nền kinh tế lớn thứ hai châu Á kết thúc vào tháng 3.
Mặc dù không quá lo ngại về sự mất giá của đồng baht sau khi tăng cao nhất trong 7 năm vào tháng 12/2020, Chính phủ Thái Lan quan ngại về ảnh hưởng bất lợi của đồng nội tệ yếu đối với xuất khẩu công nghiệp.
Trong khu vực Đông Nam Á, đồng rupiah của Indonesia và đồng ringgit của Malaysia lần lượt giảm 3,4% và 3,1 trong quý I/2021, còn SGD giảm hơn 1%.