Kinh tế Mỹ duy trì đà phục hồi nhờ doanh thu bán lẻ vượt dự báo
Doanh thu bán lẻ của Mỹ đã bất ngờ tăng trong tháng 11 khi các chương trình giảm giá sâu giúp mùa mua sắm trong dịp nghỉ lễ có khởi đầu thuận lợi, qua đó nhiều khả năng giúp nền kinh tế số một thế giới duy trì đà tăng trưởng trong quý này và tiếp tục xoa dịu nỗi lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ, ngày 12/4/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Cục Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ đã tăng 0,3% vào tháng trước, sau khi giảm 0,2% vào tháng 10. So với cùng kỳ năm 2022, con số này tăng 4,1%. Dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại do các hộ gia đình phải điều chỉnh chi tiêu khi giá cả và chi phí vay nợ tăng lên, song vẫn đủ để Mỹ tránh được nguy cơ suy thoái. Ngay từ đầu mùa mua sắm, các nhà bán lẻ đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại lớn để thu hút khách hàng, trong khi giá nhiên liệu giảm giúp người dân có thêm tiền chi tiêu cho các hàng hóa khác. Người dân cũng ngày càng có xu hướng mua sắm trực tuyến, thay vì đến tận cửa hàng, với doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng 1% trong tháng 11, sau khi giảm 0,3% trong tháng 10. Cụ thể, doanh thu bán xe và phụ tùng tăng 0,5%, doanh thu bán nội thất tăng 0,9%. Doanh thu bán quần áo tăng 0,6%, trong khi doanh thu từ dịch vụ ăn uống tăng tới 1,6%. Do giá xăng đi xuống, nên doanh thu của các trạm xăng giảm 2,9%.
Sự phục hồi trong ngành bán lẻ đã phản ánh xu hướng tiêu dùng tích cực nhờ thị trường lao động vững mạnh, đồng thời cũng làm dấy lên đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ ( Fed) sẽ hạ lãi suất sớm nhất là vào tháng 3/2024.
Video đang HOT
Giám đốc đầu tư của Liên minh Tư vấn độc lập tại bang North Carolina, Chris Zaccarelli khẳng định nỗi lo về nguy cơ suy thoái trong năm nay sẽ không thành hiện thực. Việc người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu hơn sẽ thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp và sự phát triển của thị trường. Cùng chung quan điểm, nhà kinh tế trưởng của Nationwide, Kathy Bostjancic cho rằng đà phục hồi của tiêu dùng sẽ tạo thêm niềm tin vào việc Fed đạt được mục tiêu giúp kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ không nhanh chóng hạ lãi suất. Theo chuyên gia này, hoạt động kinh tế càng mạnh, lạm phát giảm càng chậm và vì thế Fed sẽ càng chậm giảm lãi suất.
Các chuyên gia kinh tế dự báo tiêu dùng trong quý IV có thể tăng tới 2,75%, cao hơn so với dự báo 2% được đưa ra trước đó, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 3,6% trong quý III. Với nhiều việc làm mới, thị trường lao động đang tiếp tục củng cố đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc vào ngày 9/12 đã giảm 19.000 người xuống còn 202.000 người. Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV từ 1,4% lên 1,5%.
Fed có thể đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2023 tăng 0,2% so với tháng trước đó, sau khi tăng 0,7% trong tháng 9/2023, đánh dấu mức tăng chậm nhất kể từ tháng 5/2023.
Trụ sở Fed ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
So với cùng kỳ năm ngoái, CPI trong tháng 10/2023 vẫn tăng 3% như tháng 9/2023, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ưu tiên theo dõi trong tháng 10/2023 vẫn tăng 0,4% so với tháng trước đó.
So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá PCE tăng 3%. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021, sau khi tăng 3,4% trong tháng 9/2023.
Việc lạm phát hạ nhiệt rõ rệt trong năm nay được cho là sẽ làm tăng thêm khả năng Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất, thậm chí các thị trường tài chính còn nhận định lãi suất sẽ giảm vào giữa năm tới.
Tuy nhiên, các quan chức Fed dự kiến sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp cuối cùng của năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 12-13/12 tới.
Các quan chức Fed cho rằng vẫn phải quan sát thêm xu hướng giảm lạm phát về mức mục tiêu 2% trước khi có thể đưa ra một quyết định chính thức về việc dừng tăng lãi suất.
Kể từ tháng 3/2022, Fed đã nâng lãi suất 525 điểm cơ bản lên mức 5,25-5,5% như hiện nay, nhằm hạ nhiệt lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, có nghĩa là "hạ cánh mềm".
Theo một khảo sát của Fed công bố ngày 29/11, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, và thị trường việc làm đang nới lỏng, cho thấy thêm các dấu hiệu về khả năng hạ cánh mềm.
Chủ tịch Fed tại New York, John Williams, phát biểu tại họp báo ngày 30/11 cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục chậm lại trong năm tới, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, cho thấy môi trường lãi suất cao đang hạ nhiệt nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo ông Williams, lãi suất đã hoặc gần đạt đến mức đỉnh và sẽ là hợp lý để duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian để lạm phát quay trở lại mức mục tiêu một cách bền vững.
Deutsche Bank: Fed có thể hạ lãi suất 1,75 điểm phần trăm trong năm 2024 Ngân hàng Deutsche Bank mới đây dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất mạnh mẽ hơn ước tính hiện tại của thị trường, khi kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ suy thoái nhẹ vào nửa đầu năm sau. Trụ sở Fed ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Trong một báo cáo về triển vọng kinh tế,...