Kinh nghiệm vàng từ trường ĐH tự chủ thành công
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là 1 trong 26 trường ĐH thí điểm tự chủ. “Sau 3 năm tiến hành cuộc “đại phẫu”, đến nay trường tự chủ 100% và phát triển mạnh” – PGS.TS.NGƯT Đỗ Văn Dũng phấn khởi chia sẻ với GD&TĐ khi bàn đến chuyện bếp núc tự chủ của các trường ĐH tại Việt Nam.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cùng các SV trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Ảnh: FBNV
Áp lực nhất chính là yếu tố con người
* Nếu nhớ lại giai đoạn nhà trường “quá độ” từ bao cấp lên tự chủ, điều gì khiến ông cảm thấy áp lực nhất?
- Điều khiến tôi áp lực nhất chính là yếu tố con người. Tư duy một số người không theo kịp việc đổi mới. Họ vẫn nghĩ đây là trường công nên cái gì cũng được bao cấp, cái gì cũng đòi hỏi xin – cho mà không nghĩ rằng bây giờ trường tự chủ rồi, phải tự làm ra tiền thì mới được hưởng khoản đó. Sắp xếp bộ máy, tổ chức nhân sự thì đơn thư…
Điều khiến tôi thấy “sợ” nữa là cơ chế chính sách cùng các luật lệ không theo kịp thời đại. Tự chủ, nhà trường được thu học phí cao và phải có trách nhiệm đầu tư thật mạnh về thiết bị, phòng ốc… để SV được hưởng những gì cha mẹ đã dày công đóng góp lo cho các em ăn học. Nhưng do vướng Luật Đầu tư công và thủ tục xin phép bên nọ, bên kia nên không thể mua sắm nhanh chóng được, gây chậm trễ cho quá trình phát triển.
* Vậy nhà trường đã vượt qua khó khăn này như thế nào, thưa ông?
- Thực ra khó khăn nhất là ở năm đầu tiên, khi trường mất đi một nguồn kinh phí khá lớn, trong khi mức học phí chưa đủ để bù vào. Đến năm nay là năm thứ 3 tự chủ, nguồn thu đã tăng lên 25%. Rất mừng là thu nhập đầu người của cán bộ trong trường sau 2 năm tự chủ đã tăng gấp rưỡi, điều đó giúp cho giữ được cán bộ giỏi cống hiến cho nhà trường, theo đó nâng cao được chất lượng đào tạo.
Hiện điểm đầu vào của trường khá cao so với mặt bằng chung, học phí tăng gấp đôi và cao hơn gấp đôi so với các trường khác nhưng nhờ tự chủ, trường được đầu tư bài bản, chất lượng “đầu ra” tốt nên được nhiều HS lựa chọn. Dù trường đang trong sự cạnh tranh không lành mạnh khi một bên học phí 10 triệu, một bên học phí 20 triệu – nhưng đầu vào của trường vẫn dồi dào.
Điều này chứng tỏ phụ huynh coi trọng chất lượng đào tạo là trên hết, họ nghĩ đồng tiền bỏ ra là xứng đáng. Trường nào đào tạo tốt, tốt nghiệp xong có việc làm ngay, ra trường có thu nhập cao, các gia đình sẵn sàng bỏ tiền ra cho con em theo học chứ không nghĩ tự chủ là học phí cao nữa.
Hiệu trưởng “yếu”, trường đi vào vòng luẩn quẩn
* Từ 1/7, các trường ĐH triển khai tự chủ. Từ kinh nghiệm của nhà trường trong 3 năm qua, ông có lời khuyên gì cho các đồng nghiệp để tự chủ nhà trường ĐH thành công?
Video đang HOT
“Chủ tịch Hội đồng trường ĐH trước nay chưa có được quyền lực đúng như quy định tại Luật GD ĐH. Chủ tịch Hội đồng trường hiện nay chỉ thông qua Hội đồng trường để chủ trì, biểu quyết một số định hướng, đầu tư chính cho nhà trường, chưa có quyền lực lớn. Tuy nhiên, từ 1/7/2019, vai trò của Chủ tịch Hội đồng trường sẽ khác theo hướng tốt hơn. Lâu nay ở các trường quyền lực thường tập trung vào ông Hiệu trưởng. Giờ Chủ tịch Hội đồng trường có thể sa thải Hiệu trưởng. Cá nhân tôi không lo lắng về việc này, bởi đây là áp lực để Hiệu trưởng phải làm việc tốt hơn nữa”. PGS.TS.NGƯT Đỗ Văn Dũng
- Khi tự chủ, trường phải tính toán từ vấn đề tuyển sinh cho đến việc tổ chức lại bộ máy sao cho hiệu quả, không tuyển người nhiều; tuyển giảng viên, không tuyển cán bộ; trao quyền tự chủ về cho các khoa…
Để tự chủ thành công, người đứng đầu phải có tâm, có tầm và phải làm hết mình vì đội ngũ, vì ngôi trường của mình. Hiệu trưởng nào mà “yếu” là trường đi vào chỗ “chết” ngay lập tức. Bởi việc đầu tiên của tự chủ là về tài chính.
Toàn bộ nguồn thu của nhà trường 90% dựa vào học phí, Nhà nước không cấp nữa. Thế nên trường ĐH tự chủ mà không có HS vào thì đồng nghĩa với tự sát, sau 1 – 2 năm thì không đủ tiền nuôi “quân”, “quân” không thể lo cuộc sống được thì họ bỏ đi. Cuối cùng tạo thành vòng luẩn quẩn là mất đội ngũ giỏi, chất lượng đào tạo kém, không có tiền để trang trải, đầu tư thiết bị, không tuyển sinh được, và cuối cùng là… sập. Thậm chí một số trường 1 – 2 năm gần đây tuyển sinh chỉ được 40 – 50% chỉ tiêu là không có tiền để… cắt cỏ trong trường luôn!
Hai sản phẩm của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là Robot hỗ trợ việc bón thức ăn cho người già và bệnh nhân Parkinson và Hệ thống không cho người say lái xe được triển lãm tại Youth Innovation Showcase & Awards 2019. Đây là 2 sản phẩm duy nhất đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi do chính phủ Singapore tổ chức dành cho SV và HS khu vực châu Á. Ảnh: FBNV
Bởi vậy, tự chủ ĐH , người đứng đầu nhà trường phải nỗ lực, làm ngày làm đêm, đặt ra chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển sinh cho tốt, tổ chức bộ máy sao cho hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu trong những năm đầu.
Tôi cho rằng tiết kiệm chi tiêu rất quan trọng. Từ lúc tự chủ, chúng tôi không mua báo phát cho các phòng/ban như trước, điện nước phải siết lại, quy định 9 giờ mới bật máy lạnh, tự động tắt lúc 4 giờ 30 phút chiều; đặc biệt là tận dụng các mối quan hệ với doanh nghiệp. Như việc dù có đau chân nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia Ngày hội Cựu sinh Australia được tổ chức mới đây chính một phần để phục vụ cho việc tự chủ của nhà trường, gặp gỡ bạn bè, kết giao quan hệ, tìm cơ hội thu hút nguồn đầu tư vào trường.
* Được biết ông là một cựu sinh học Quản lý GD tại ĐH Sydney (Australia). Xin hỏi các kiến thức học hỏi được tại Australia có giúp ích gì cho ông trong việc triển khai tự chủ ĐH trong thời gian vừa qua?
- Xin khẳng định là việc mở mang kiến thức giúp ích cho tôi rất nhiều! Suốt một thời gian dài, các trường ĐH ở Australia cũng theo mô hình bao cấp như Việt Nam, sau chính phủ cắt dần tài trợ. Sau khi nhận được tự chủ, đặc biệt là các trường tư ở Australia vươn lên mạnh mẽ.
Tôi cho rằng, Australia là một địa chỉ chúng ta có thể học tập được nhiều kinh nghiệm trong vấn đề tự chủ ĐH. Tôi được biết vừa qua có một đoàn của Bộ GD&ĐT đã sang công tác tại Australia học hỏi về mô hình quản trị, tự chủ ĐH.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Gia Hân (thực hiện)
Theo GDTĐ
Thi THPT quốc gia 2019: Lời khuyên dành cho thí sinh trước giờ G
Chỉ còn hai ngày nữa là thí sinh các nước bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Để giúp thí sinh có sự chuẩn bị tốt cho kỳ thi, lãnh đạo một số trường ĐH có những lời khuyên dành cho thí sinh trước giờ G.
Tinh thần lạc quan, vui vẻ rất cần trong suốt kỳ thi
PGS.TS Đỗ Văn Dũng: 10 lời khuyên dành cho thí sinh
PGS.TS Đỗ Văn Dũng
Chia sẻ trên trang cá nhân (facebook) PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra 10 lời khuyên dành cho thí sinh:
- Các giấy tờ cần thiết: giấy báo dự thi, giấy chứng minh nhân dân nên để sẵn trên bàn để nhớ mang theo. Chiều 24/6/2019 các em sẽ được phát Thẻ dự thi.
- Mang 2 bút bi màu xanh, 2 cây bút chì 2B hoặc 4B, thước kẻ, ê ke, compa, tẩy, chuốt viết chì, máy tính (các máy được phép), Atlat.
- Đồng hồ đeo tay để canh giờ làm bài.
- Nước uống đựng trong chai không có mác.
- Tuyệt đối không được mang theo điện thoại hay các thiết bị điện tử, máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
- Nếu quên giấy tờ hoặc mất trên đường đi thi thì các em yên tâm là không bị sao cả. Các em sẽ được làm cam kết và lăn dấu ngón tay rồi thi bình thường.
- Nên đến sớm 15-30 phút để phòng kẹt xe.
-Trong những ngày thi nhớ đi ngủ sớm, tranh thủ chợp mắt buổi trưa nhưng đề phòng ngủ quên.
- Ăn uống đầy đủ, hạn chế ăn ngoài đề phòng ngộ độc thực phẩm. Không nhậu nhẹt.
- Lúc làm bài trắc nghiệm: câu dễ làm trước câu khó làm sau. Thời gian còn 5 phút tô cùng 1 phương án những câu không làm được.
- Không dao động trước và đừng tin vào các tin vịt trên mạng trong những ngày thi!
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Cần giữ vững tinh thần lạc quan...
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Chia sẻ một vài "bí kíp" giúp thí sinh làm bài thi đạt kết quả tốt, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng:
- Điều kiện cần là: Giữ vững tinh thần lạc quan và tự tin vào bản thân mình khi vào phòng thi, giao lưu cùng giám thị hay thí sinh thi cùng... Kinh nghiệm có thể tham khảo là ổn định tâm lý bằng cách đến địa điểm thi sớm và chuẩn bị đầy đủ "vũ khí" để sẵn sàng "ra trận".
- Điều kiện quan trọng là: Tập trung cao độ khi làm bài và tuyệt đối không rời phòng thi sớm. Hãy tận dụng từng phút trong phòng thi để kiểm tra thật kĩ bài làm của mình. Một trong những sơ xuất không đáng có là thường thiếu thao tác kiểm tra kỹ đề thi vài lần, kiểm tra bài làm vài lần bằng kiểu kiểm tra xuôi và ngược (từ trên xuống và từ dưới lên...).
- Điều kiện được xem đủ là: Cần dung hòa suy nghĩ làm bài thi cho mình và cho cho giám khảo chấm trong tầm nhìn tích cực; có thể vận dụng cách trình bày bài thi theo dàn ý hay sơ đồ; thủ thuật đặt vấn đề gây hiệu ứng tích cực của các môn KHXH... Với các bài thi trắc nghiệm, cần chú ý sử dụng bút đúng yêu cầu, đừng quên ghi mã đề nếu có - không nên bỏ bất kỳ câu trắc nghiệm nào, rà soát vài lần, đừng dừng ở bất kỳ câu nào quá lâu, sử dụng các yêu cầu lựa chọn và điều chỉnh đáp án sao cho chính xác nhất...
Với các bài thi cần trình bày theo luận đề, cần dành ra vài phút cuối để quan tâm đến việc trình bày theo cấu trúc: mở đầu, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề... sao cho hiệu quả, ấn tượng...
Vài kinh nghiệm nho nhỏ có thể khai thác như: vài phút chờ ở phòng thi rất căng thẳng nên có thể nhắm mắt tạm tìm cảm xúc; khơi gợi cảm hứng cá nhân để có nguồn lực khi làm bài; có thể sau khi nhận được giấy nháp, hệ thống hóa nhanh các công thức hay các dàn ý cơ bản... và có thể tác chiến tự tin.
Công Chương (ghi)
Theo giaoducthoidai
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: 11 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA Ngày 2/6, Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN) đã trao chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA cho 3 chương trình đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE). GS.TS. Shahrir Abdullah và PGS.TS Đỗ Văn Dũng trao chứng nhận đạt chuẩn AUN-QA cho đại diện 3 khoa của HCMUTE Tham gia buổi lễ,...