Kinh nghiệm quốc tế trong dạy nhạc cụ cho học sinh : Người thầy là nguồn truyền cảm hứng
Đưa nhạc cụ vào các tiết học âm nhạc; sử dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, giảng viên như một người bạn khơi gợi động lực, cảm xúc hứng khởi học tập cho các em, từ bỏ sự kiểm soát, áp đặt… chính là kinh nghiệm giảng dạy được giáo sư người Nhật Masafumi Ogawa truyền tải trong hội thảo “Tiếp cận kinh nghiệm quốc tế trong dạy học nhạc cụ ở nhà trường phổ thông” do trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW tổ chức ngày 21/3 tại Hà Nội.
Đầu tư đưa nhạc cụ vào chương trình giảng dạy
Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng nhiều giảng viên, sinh viên của trường.
Tại chương trình, Giáo sư – tiến sĩ Masafumi Ogawa, Trường Đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản đã có bài tham luận về lợi ích của việc học nhạc cụ trong chương trình giảng dạy trường học: từ Tiểu học đến Trung học.
Toàn cảnh chương trình hội thảo do Giáo sư – tiến sĩ Masafumi Ogawa (Trường Đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản) làm diễn giả.
Nhạc cụ được giới thiệu vào chương trình giảng dạy âm nhạc hơn 100 năm trước, được thực hành rộng rãi trong và ngoài chương trình giảng dạy trường học. Người ta tin rằng loại nhạc cụ đầu tiên xuất hiện là bộ gỡ (trống, lục lạc…), tiếp theo là nhạc cụ có giai điệu (dây, sáo…).
Nhấn mạnh lợi ích của việc đưa nhạc cụ vào giảng dạy ở trường, giáo sư người Nhật khẳng định: “Sự phong phú và đa dạng trong âm nhạc về tôn giáo, lãnh thổ, phương thức thể hiện mang đến những trải nghiệm thú vị, sâu sắc hơn các thể loại khác.
Âm nhạc giúp tạo sự hào hứng trong học tập cho trẻ và phát triển kỹ năng ca hát thông qua sự phối hợp. Việc hòa tấu giúp rèn luyện tính hợp tác, phối hợp, tôn trọng lẫn nhau và nâng cao bản sắc tập thể.
Đặc biệt, nhạc cụ giúp phát triển não bộ và tư duy. Những nghiên cứu về não bộ gần đây đã chứng minh rằng việc chơi nhạc cụ có thể tiếp thêm “sinh lực” cho não bộ, kích thích và “làm mới” não bộ. Chơi nhạc cụ giúp kích hoạt mọi bộ phận của não, từ đó tăng cường sức khỏa của người chơi”.
“Nhạc cụ giúp phát triển não bộ và tư duy, vì thế việc nhà trường đưa các loại nhạc cụ vào giảng dạy vô cùng cần thiết”, Giáo sư – tiến sĩ Masafumi Ogawa.
Vị giáo sư người Nhật giới thiệu kết quả khảo sát tại Indonesia, các giảng viên đồng tình rằng thái độ, trình độ, động lực của học sinh được cải thiện rõ rệt qua các buổi học với nhạc cụ.
Việc đưa nhạc cụ vào giảng dạy giúp học sinh có thái độ học tích cực hơn, tính kỷ luật cao hơn, tự giác hơn, cảm thụ âm nhạc tốt hơn, yêu thích tiết học và vui vẻ hơn.
“Nhạc cụ rất cần thiết trong chương trình giảng dạy âm nhạc học đường từ cả hai khía cạnh giáo dục và âm nhạc. Việc đưa nhạc cụ vào giảng dạy và đào tạo giáo viên chuyên môn là điều thiết yếu, cần phải đầu tư”, ông Masafumi Ogawa chia sẻ kinh nghiệm.
Từ bỏ phương pháp “giảng dạy một chiều”
Cùng với công cụ giảng dạy, một điều không thể bỏ qua trong việc nâng cao chất lượng dạy – học chính là một phương pháp đúng. Theo Giáo sư Masafumi Ogawa, có 2 phương pháp giảng dạy âm nhạc điển hình: Giáo viên làm trung tâm và Học sinh làm trung tâm.
Đối với phương pháp đầu tiên, giáo viên là người hướng dẫn chính tất cả các nội dung. Học sinh chưa có kiến thức tổng thể sẽ lắng nghe từ giáo viên. Giáo viên là người truyền tải duy nhất và học sinh phải nghe theo , đây là trường hợp “giảng dạy một chiều”.
Với phương pháp học sinh làm trung tâm, học sinh và giáo viên cùng nhau học tập. Giáo viên tạo động lực cho học sinh, học sinh tiếp nhận thông tin và hiểu theo trải nghiệm của riêng họ. Học sinh và giáo viên cùng làm việc nhóm với nhau.
Vị giáo sư người Nhật giảng dạy một tiết học trực quan sinh động cho sinh viên trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW.
Giáo sư tại trường Đại học Quốc gia Yokohama nhấn mạnh, điều vô cùng quan trọng trong việc giảng dạy âm nhạc là một người thầy biết khơi gợi sức sáng tạo của người học. Đó là một giảng viên luôn tạo môi trường thân thiện, thoải mái; luôn làm mẫu một cách chuẩn xác và thật hay; luôn tạo cơ hội để học sinh thể hiện bản thân qua các hoạt động; luôn khen ngợi và đưa ra những nhận xét tích cực ngay cả khi học sinh đang chơi.
Giảng viên quan sát cư xử, hành động của học sinh và đừng bao giờ tạo khoảng cách. Tìm ra những thay đổi trong cách biểu diễn của học sinh và tránh tạo khoảng cách. Tất cả học sinh đều bình đẳng và như nhau.
Giáo sư người Nhật khuyến khích các giảng viên âm nhạc biết tạo thời gian để học sinh có thể thể hiện bản thân giữa các hoạt động. “Quan sát sự thay đổi trong cách cư xử của sinh viên, quan tâm đến sự thay đổi trong cách biểu diễn của họ và đừng ngừng quan sát.
Người thầy nên tìm hiểu những động lực của họ qua từng hoạt động trong lớp. Đồng thời, nâng cao khả năng trình diễn của sinh viên qua các kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm”, ông Masafumi Ogawa chia sẻ.
Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần hạn chế/ tránh so sánh về kỹ năng, kiến thức âm nhạc và khả năng tiếp thu giữa các học sinh với nhau.
“Đừng nói với học sinh mục tiêu cũng như cách thức đạt được mục tiêu của bài học. Đừng dành quá nhiều thời gian để giải quyết một thắc mắc hoặc vấn đề quá nhỏ. Đừng cố gắng kiểm soát học sinh theo hình thức kỷ luật, hãy kiểm soát bằng âm nhạc..
Giáo sư Masafumi Ogawa và chuyên viên Otaketrong tiết dạy thử đầy cảm hứng.
Nếu làm học sinh mất tinh thần, gây nên sự phân biệt đối xử với học sinh qua việc so sánh kỹ năng, bắt phạt học sinh trước lớp theo cách quá nghiêm khắc, giáo viên sẽ làm thui chột niềm vui, hứng khởi, tinh thần học tập của các em”, vị giáo sư Nhật lưu ý thêm.
Mục tiêu quan trọng nhất của tiết học âm nhạc trong trường học là giúp học sinh thích thú cùng âm nhạc, qua trải nghiệm, giúp họ sống trong môi trường âm nhạc và mang lại tiếng cười bằng âm nhạc.
Không chỉ giới thiệu cách làm hay, phương pháp tốt, giáo sư Ogawa đã giảng mẫu cho giảng viên, sinh viên trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW một tiết dạy và học thực sự truyền cảm hứng. Ở đó, sinh viên là chủ thể sáng tạo, một lớp học tương tác, giàu hứng khởi và nhiều tiếng cười.
Cũng tại chương trình, chuyên viên người Nhật Otake đã giới thiệu về sáo Recorder là một nhạc cụ phổ biến của giáo dục bằng nhạc cụ trong môn học âm nhạc và cách lựa chọn một cây sáo chất lượng.
Chuyên viên người Nhật Otake có tiết giới thiệu về sáo Recorder với các giảng viên.
Thông qua các tiết dạy mẫu, các giảng viên, sinh viên nghệ thuật tham dự chương trình được tiếp cận kinh nghiệm quốc tế với phương pháp giảng dạy âm nhạc tốt và truyền cảm hứng cho học sinh.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Đổi mới chương trình tiểu học: Nhiều nội dung tự chọn thành bắt buộc
Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm 2020 sẽ được 'mở màn' thực hiện với khối lớp 1. Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh kế hoạch thực hiện chương trình mới ở cấp học này.
Dạy học 2 buổi/ngày
Một trong những thay đổi lớn nhất với cấp tiểu học trong chương trình (CT) mới là chuyển từ việc dạy học 1 buổi/ngày sang bắt buộc dạy 2 buổi/ngày. Ông có thể chia sẻ về tính khả thi của nhiệm vụ này so với tình hình thực tế hiện nay?
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học
CT giáo dục phổ thông mới là CT học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm học tăng lên. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS); hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục HS của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Hiện nay toàn quốc đã có khoảng hơn 70% số trường tiểu học dạy 7 buổi/tuần trở lên. Tuy nhiên số còn lại là vô cùng khó khăn, tập trung vào các vùng đô thị dân số tăng cơ học do tốc độ đô thị hóa, vùng sâu, vùng xa. Có những nơi khó khăn đến mức phải có lớp ghép do phải học ở điểm lẻ quá xa trường chính, một số trường liên cấp... Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho HS học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân.
Quan điểm xây dựng CT mới là hướng tới hơn 70% số trường đã dạy 7 buổi/tuần trở lên. Cùng với đó có giải pháp để khắc phục khó khăn hơn 20% còn lại. Vì vậy từ năm 2017 Bộ trưởng GD-ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16, khẳng định rất rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc rà soát, đánh giá lại điều kiện cơ sở vật chất hiện có để đảm bảo điều kiện thực hiện CT mới.
Để thực hiện được quy định của CT mới, bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với HS những nơi khác, các địa phương thực hiện giải pháp như cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm theo lộ trình thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày.
Với những nơi còn "vô cùng khó khăn" như ông nói, giả sử đến thời điểm thực hiện CT mới ở lớp 1 vẫn chưa thể thực hiện dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ phải xử lý ra sao?
Có thể nói việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ GD-ĐT khi xây dựng CT đã lường hết những khó khăn nhất. Tuy nhiên, có thể thấy là những cơ sở giáo dục bố trí dạy học được 6 buổi/tuần thì đều có thể thực hiện được đầy đủ CT. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày sẽ thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trong đó sẽ có hướng dẫn chi tiết về những lớp ghép thì dạy thế nào, nơi quá đông học sinh thì dạy thế nào... để làm sao thầy cô có định hướng cụ thể.
Học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - ẢNH: NGỌC THẮNG
Thêm môn học trong bối cảnh thiếu giáo viên
Các môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học
Trong CT giáo dục phổ thông mới, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc ở tiểu học gồm: tiếng Việt, toán, đạo đức, ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5), tự nhiên và xã hội (lớp 1, 2, 3), lịch sử và địa lý (lớp 4, 5), khoa học (lớp 4, 5), tin học và công nghệ (lớp 3, 4, 5), giáo dục thể chất, nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) và hoạt động trải nghiệm (trong đó có tích hợp nội dung giáo dục của địa phương). Nội dung môn học giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề, HS được lựa chọn chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Các môn học tự chọn (dạy ở những nơi có đủ điều kiện dạy học và phụ huynh học sinh có nguyện vọng) gồm có tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (dạy ở lớp 1, lớp 2).
Theo Nghị quyết 51 của Quốc hội: năm học 2020 - 2021 thực hiện ở lớp 1, năm học 2020 - 2021 lớp 2, năm học 2020 - 2021 lớp 3, năm học 2020 - 2021 lớp 4, năm học 2020 - 2021 lớp 5.
CT mới ở cấp tiểu học có hai môn tự chọn ở CT hiện hành chuyển thành môn học bắt buộc (từ lớp 3) là ngoại ngữ và tin học. Vậy vấn đề về GV dạy học 2 môn học này sẽ được chuẩn bị ra sao?
Trên toàn quốc hiện tỷ lệ GV tiểu học/lớp là 1,42 GV/lớp. Số GV biên chế của tiểu học là hơn 90%. Như vậy về tổng số trên toàn quốc thì các tỷ lệ này đều đã đảm bảo. Tuy nhiên, trong CT có thêm 2 môn học mới là ngoại ngữ 1, tin học và công nghệ. Đối với một số địa phương, việc bổ sung GV tin học và tiếng Anh là thách thức không nhỏ, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.
Hiện nay, cả nước có hơn 70% số HS lớp 3 được chọn môn tin học tự chọn, nhưng nếu tính trên số trường thì tỷ lệ này chỉ đạt hơn 40%. Như vậy khi thực hiện CT mới sẽ có những trường rất thuận lợi và không ít trường rất khó khăn khi chuyển môn học từ tự chọn sang bắt buộc. Với môn ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, thì số HS được học tự chọn từ lớp 3 là hơn 80%.
Việc dạy học tiếng Anh khi trở thành bắt buộc sẽ phải là 4 tiết/tuần nên sẽ cần đến một lượng GV lớn hơn nhiều so với hiện nay. Vậy Bộ sẽ hình dung giải quyết bài toán thiếu GV ra sao khi thiếu nguồn tuyển như hiện nay?
Trong tổng số hơn 80% HS lớp 3 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần như tôi nói ở trên thì chỉ có khoảng 60% được học đủ 4 tiết/tuần. Tín hiệu đáng mừng là khoảng 2 năm gần đây, số trường và số HS được học tiếng Anh tăng rất mạnh do các địa phương nắm được chủ trương của CT mới là môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc.
Việc dạy tiếng Anh trước đây thực hiện theo Đề án ngoại ngữ dù đã nhiều cố gắng nhưng chắc chắn sẽ không được quan tâm thực hiện quyết liệt bằng việc tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc trong CT giáo dục phổ thông mới.
Tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 nên tính từ thời điểm này chúng ta có khoảng ít nhất 3 - 4 năm để chuẩn bị về đội ngũ GV, nên tôi hy vọng việc có đủ GV sẽ khả thi.
Theo thanhnien
Nhật Bản "siết" quy định cấp visa du học đối với sinh viên Việt Nam Đại sứ quán Nhật Bản mới đây đã đưa ra thông báo mới về thủ tục xin visa du học Nhật Bản. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2019, tất cả những đối tượng xin cấp visa du học sang các cơ sở giảng dạy tiếng Nhật ở nước này cần nộp giấy xác nhận văn bằng tốt nghiệp THPT cấp trong hồ sơ...