Kinh nghiệm làm bài luận khi du học Australia
Viết luận lỗi lớn nhất là trích dẫn. Nếu trích dẫn sai thì thể nào cũng bị “oánh” tan tác cái lỗi đạo văn. Thế là điểm kém.
Đó là kinh nghiệm của du học sinh Trương Thành Phát, ĐH Monash – một trong 8 trường đầu bảng của Australia. Bạn theo học tại Monash qua sự tư vấn của Trung tâm StudyLink International.
Phát cho biết dù vốn ngoại ngữ không tệ, bạn vẫn bị “chết chìm” trong mớ bài tập bòng bong của ngành bạn theo học – social work. Dưới đây là những chia sẻ của Phát liên quan đến làm bài luận khi học tại Australia.
Viết luận lỗi lớn nhất là trích dẫn.
Học thạc sĩ tại Australia, tôi không phải thi gì cả. Đến hạn thì lại nộp bài luận assignment. Có tổng cộng 9 bài luận trong ngành social work của tôi, và điều đó khiến tôi có lúc muốn phát điên.
Đầu tiên là khoản tra tài liệu. Mách nhỏ là nếu bạn muốn được Distinction (tức là loại giỏi) hay High Distinction (xuất sắc) thì bạn nên chăm chỉ trong phòng thư viện. Tra cứu sách là giải pháp tối ưu cho việc làm luận văn. Nhưng cũng cần có kỹ thuật tra.
Video đang HOT
Trước khi học kỳ bắt đầu, hãy đến và mượn sách của thư viện và scan lại vì tiền sách tại Australia rất đắt. Bạn có thể tốn cả 200-300 USD hay nhiều hơn chỉ để mua sách giáo khoa và chuyện này hoàn toàn bình thường.
Để tiết kiệm tiền sách, ngoài mượn thư viện, bạn có thể đến tiệm sách của trường để thuê/mua sách giảm giá. Làm ngay từ đầu học kỳ thì bạn còn có sách, chứ đợi đến mùa phải làm luận liên tục thì có mà “trời ơi sách sao lâu quá chưa tới”.
Tôi còn nhớ khi con Blackberry chưa hỏng nặng, tôi đã mượn cả một lô sách về để chụp hình từng trang sách một để lưu lại làm bài. Đọc sách kiểu ấy thì con mắt nó thêm cho vài Diop nữa. Nhưng chịu, không tiền mà!
Tiếp theo là viết. Viết luận lỗi lớn nhất chính là trích dẫn. Khoa social work yêu cầu phải trích dẫn theo phong cách Harvard. Và đây là điều khá phức tạp.
Lật một cuốn sách học thuật ở chương sau thì bạn có thể hình dung được trích dẫn Harvard nó như thế nào. Không thì gõ Harvard Citation ra là có ngay ví dụ. Nếu trích dẫn sai thì thể nào cũng bị oánh tan tác cái lỗi đạo văn. Thế là điểm kém.
Để vượt qua được vòng này, tôi đã phải nhờ đến sự giúp đỡ các cán bộ học tập tại thư viện. Họ giúp đỡ khá tận tình trong vụ này.
Và đây là bí quyết giúp bạn có bài luận tốt (còn chuyện được Distinction hay High Distinction là phụ thuộc vào khả năng dùng từ của bạn):
1. Mở bài: nên viết ra những vấn đề mình định bàn luận trong bài luận. Bạn xếp ý nào trước thì phải bàn luận ý đó trước. Nếu bạn xếp ý A (về tâm lý con nít khi bị bạo hành) – B (các yếu tố dẫn đến tổn thương do quan sát cha mẹ cãi vã) – C (các yếu tố gây tổn thương do bị ăn hiếp) thì khi bạn viết đến phần thân bài cũng phải theo trình tự như vậy. Đừng nhảy lung tung.
2. Thân bài: dùng từ đơn giản nhưng câu cú cho ra hồn và nhớ trích dẫn thật sự chính xác. Tôi đã từng phải kiểm tra đi kiểm tra lại một thông tin rất nhiều lần để chắc chắn nó là đúng trước khi đánh vào bài luận.
3. Kết luận: có những kiểu luận văn không cần kết luận. Nhưng tốt nhất là ghi mình nghĩ như thế nào về vấn đề này và các câu hỏi nghi vấn cần được đặt ra như thế nào?
Đó là cấu trúc cơ bản nhất của bài luận. Nghe cũng đơn giản, nhưng tôi đã từng làm xáo trộn tất cả mọi thứ lên vì thiếu kinh nghiệm.
Nếu bản thân không chắc chắn trong bài luận, hãy nhờ chuyên viên học tập của khoa. Tôi đã gặp bà Adele không dưới 10 lần chỉ để tìm ra giải pháp cho bài luận của mình.
Nhưng vẫn chưa đủ. Chuyện bạn có được điểm cao hay không còn tùy thuộc vào giáo viên nữa (tôi còn nhớ bài luận đầu tiên có đến 1/3 lớp rớt). Có giáo viên quan trọng đến trích dẫn, có giáo viên quan trọng đến khả năng Anh ngữ, có giáo viên quan trọng đến ý tưởng của bạn. Cũng hên xui lắm.
Thôi thì, chúc may mắn cho những ai đang vật vã làm luận vậy nhé. Thư viện là nhà bạn trong mùa làm luận đó!
Các bước làm bài luận:
Bước 1: nhận đề tài (tất nhiên rồi).
Bước 2: ngồi nghiền ngẫm coi nó nói về cái gì. Sau đó bạn sẽ cần đến lớp để hiểu hơn về đề tài bạn được giao. Bạn sẽ phải ngồi nghe các bài giảng power point của giảng viên, sau đó hãy hỏi họ trực tiếp những vấn đề mà bạn thắc mắc.
Đừng làm bài vội. Còn khá nhiều thông tin mà bạn cần phải kiểm chứng cho bài luận của mình. Có thể trao đổi với bạn cùng học về các vấn đề mà bạn cho là quan trọng cho bài luận.
Bước 3: khoảng 2 tuần trước khi nộp thì ngồi làm bài, nhưng coi chừng bị trễ. Tôi đã từng phải cắm đầu đến 12 giờ đêm để gõ cho được 1.000 chữ bài luận. Thật mệt vô cùng. Nhưng được cái kỹ năng tìm kiếm thông tin của tôi vượt trội lên hẳn.
Theo Trương Thành Phát/Tuổi Trẻ