Kinh ngạc nạn hiếp dâm nam quân nhân trong quân đội Mỹ
Tấn công tình dục đang gia tăng với tốc độ đáng báo động trong quân đội Mỹ. Vấn đề nằm ở chỗ hơn nửa số nạn nhân là nam giới và quân đội chưa hề làm hết sức để ngăn chặn tệ nạn này.
Cơn ác mộng trên chiến hạm
Một con tàu chiến to lớn như một thành phố, đầy những người đàn ông và phụ nữ đang bận bịu làm các công việc của họ. Nhưng trên con tàu chiến, cũng như ở trong thành phố, có những người không xem kẻ khác là bạn hay hàng xóm của họ, mà trái lại, là những con mồi.
Sau khi bước sang tuổi 25, Steve Stovey gia nhập Hải quân vì muốn nhìn ngắm thế giới. Anh thích tới thăm Malaysia, Australia, Nhật Bản, Fiji, Vịnh Ba Tư. 1 năm rưỡi đầu tiên của anh trên tàu chiến USS Gary đã diễn ra như mơ ước, là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong đời.
Văn hóa đề cao quá mức nam tính trong quân đội Mỹ được cho là một trong những yếu tố khiến nạn hiếp dâm nam quân nhân diễn ra phổ biến
Tới cuối tháng 9.1999, Stovey lên đường tới Hawaii – nơi anh sẽ gặp cha đẻ trong sự kiện Tiger Cruise, một truyền thống đáng yêu của Hải quân, trong đó các thành viên gia đình được đi cùng người thủy thủ trong chặng cuối trước khi họ cập bến.
Trong buổi sáng ngày 20.9, chỉ 2 tuần trước khi con tàu tới điểm bắt đầu sự kiện Tiger Cruise, 3 người đàn ông đã phục kích và tấn công Stovey trong một khu vực để đồ, có ít người qua lại trên tàu khi anh được điều tới nơi này để lấy nhu yếu phẩm.
Những kẻ tấn công đã chụp một chiếc khăn trùm màu đen lên đầu Stovey, siết cổ và hiếp dâm anh từ phía sau. Xong việc, chúng bỏ mặc anh nằm giữa đống vỏ hộp. Stovey chẳng nói với ai chuyện này. Anh biết rõ những kẻ tấn công, do đã ghé mắt nhìn thấy chúng, song cũng hiểu rằng chúng sẽ giết chết anh, nếu dám hé môi.
Video đang HOT
Bất lực, anh đã náu mình trong phòng tắm cho tới khi hết sợ và đỡ đau rồi mới lặng lẽ trở lại vị trí. Stovey nói rằng anh có thể đã tự sát nếu như không có chương trình Tiger Cruise, thời điểm anh được gặp cha đẻ. Anh mô tả lại khoảnh khắc “giống như phép màu” ấy. “Khi nhìn thấy cha, tôi đã có được cảm giác an toàn chưa từng thấy trong cuộc đời mình” – anh kể. 2 cha con đã có 5 ngày tiếp theo ở trên con tàu cùng nhau. Tuy nhiên, Stovey đã giấu kín chuyện riêng, không cho cha biết mình đã trải qua điều tồi tệ gì, đơn giản bởi anh không có can đảm nói ra.
Hiếp dâm nam giới không phải vì sex
Câu chuyện của Stovey không phải cá biệt. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, mỗi ngày lại có 38 nam quân nhân Mỹ bị tấn công tình dục. GQ nói rằng khoảnh khắc một người đàn ông ghi danh tham gia quân đội Mỹ, khả năng bị tấn công tình dục của anh lập tức tăng lên tới 10 lần.
Phụ nữ, hiển nhiên cũng là nạn nhân của nạn tấn công tình dục trong quân đội, nhưng so về số lượng, phụ nữ ít tham gia quân đội hơn so với đàn ông. Thực tế số nam quân nhân bị tấn công nhiều hơn hẳn so với phụ nữ, riêng trong năm 2012 đã là hơn 14.000 vụ. Khoảng một chục người đàn ông, gồm cả các cựu quân nhân và những người đang phục vụ, đã can đảm tiếp xúc với GQ trong phóng sự đặc biệt của tạp chí và kể lại thảm cảnh mà họ phải trải qua.
Gary Jones (phục vụ trong Lục quân từ 1984 – 1986) kể: “Ban đầu anh ta nghĩ anh ta chỉ đùa thôi. Anh ta cố gắng vật tôi ngã ngửa ra và đó là khi tôi bắt đầu thấy sợ. Anh ta ép chặt tay tôi lên trên đầu, dùng khuỷu tay kẹp đầu gối tôi, bàn tay phải bịt lấy miệng tôi. Anh ta nhìn thẳng vào tôi rồi nói: “Mày sẽ không được kêu lên một tiếng nào”. Tới giờ Jones vẫn cảm thấy khó khăn khi kể lại chuyện. Anh luôn dằn vặt bản thân rằng giá như mình không uống quá nhiều bia trong đêm đó, giá như anh đã không mời kẻ tấn công về phòng. Tôi cố gắng kháng cự. Nhưng gã đó đơn giản là quá khỏe” – anh nói.
Steve Stove
Kole Welsh (Lục quân, 2002 – 2007) còn nhớ sau khi bị hiếp dâm, anh đã để mọi chuyện trôi qua trong im lặng. “Tôi không muốn sự kiện ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình. Tôi muốn là một sĩ quan. Tôi chỉ tự nhủ rằng: Trải nghiệm xấu, không nên để nó xảy ra nữa”. Tuy nhiên vẫn có những thiệt hại mà anh không lường được.
Một tháng rưỡi sau vụ hiếp dâm, Welsh được đưa vào một căn phòng cùng 9 viên sĩ quan và nhận thông báo đã nhiễm virus HIV. “Tôi lập tức bị loại khỏi quân đội chỉ trong vòng có 1 ngày. Chuyện là một cú sốc hoàn toàn với tôi” – anh kể.
Matthew Owen (Lục quân, 1976 – 1980) chẳng thể quên những gì “đồng đội” đã làm cho anh: “Tôi là người vùng Trung Tây, nên ngay khi nhập ngũ đã bị ghét bỏ. Họ gọi tôi là gã Yankee. Ban đêm họ thường trùm đầu tôi rồi dùng tất quấn bánh xà phòng đánh tôi dữ dội. Họ thường đẩy tôi ra khỏi giường tầng xuống dưới sàn. Họ lục tung tủ đồ của tôi khi kiểm tra. Một đêm nọ, khi tôi đang chuẩn bị đi vào phòng thì một tấm chăn từ đâu bay tới trùm lên đầu tôi. Tôi nghe thấy 5 giọng nói của đàn ông và nhận ra những kẻ đó, bởi cũng những tiếng nói này đã chửi mắng tôi mỗi ngày. Chúng đánh tôi ngã xuống sàn, kéo chân tôi mở rộng. Rồi chúng lấy cán chổi và nhét nó vào người tôi, hết lần này tới lần khác. Mỗi lần tôi đều có cảm giác như lòng ruột mình sắp chui ra ngoài. Máu chảy là một sự may mắn, bởi máu dường như khiến cán chổi trơn tru hơn”.
Theo các nhà quan sát, văn hóa quân đội được xây dựng trên sự cân bằng giữa tính hung hăng và sự vâng lời. Tấn công tình dục sẽ xuất hiện bất kỳ khi nào khi tính hung hăng hoặc sự vâng lời vượt quá giới hạn.
“Một trong những giả thuyết gây nhầm lẫn lâu nay cho rằng những kẻ phạm tội là người đồng tính. Tuy nhiên thực tế không phải vậy” – James Asbrand, một bác sĩ tâm lý đang làm việc với Hội cựu chiến binh Salt Lake City nói – “Chuyện không hề liên quan tới sex. Đây là vấn đề về quyền lực và sự kiểm soát”.
Theo ông, vụ hiếp dâm một nam quân nhân mang tính biểu tượng rất cao. “Trong một văn hóa đề cao nam tính, điều tồi tệ nhất mà anh có thể làm với một gã đàn ông khác là gì? Buộc anh ta phải lâm vào tình thế thường chỉ có nhân vật nữ phải chịu đựng. Đó là thống trị anh ta hoàn toàn và hiếp dâm anh ta” – Asbrand đánh giá.
Những “dư chấn” nặng nề
Có một thực tế là khi vụ hiếp dâm xảy ra, đại đa số các nạn nhân không báo cáo sự việc với cấp trên. GQ cho biết cảm giác vô cùng xấu hổ khi phải kể lại vụ hiếp dâm khiến nhiều tân binh từ chối báo cáo sự việc. Ngoài ra, việc tiết lộ bí mật có thể phá vỡ các gia đình, các mối quan hệ bè bạn. Vì thế tốt nhất là chẳng nói gì cả.
Nhưng hổ thẹn không phải lý do duy nhất để nạn nhân câm nín. Lý do khác là bởi giới lãnh đạo quân đội thường không thích nghe thông tin về hoạt động hiếp dâm trong quân ngũ. Briand Lewis (Hải quân, 1997 – 2001) nói rằng “không một sĩ quan chỉ huy nào muốn bốc điện thoại gọi cho sếp của họ nói rằng đã có một vụ tấn công tình dục xảy ra dưới quyền anh ta”. Việc đó giống như hành vi thừa nhận anh ta không thể kiểm soát nổi người của mình.
Bản thân nạn nhân bị hiếp dâm cũng sợ hãi bị trả thù về thể xác. Họ sợ bị hủy hoại sự nghiệp, sợ định kiến xã hội nên càng không dám tố cáo tội ác.
Trên hết, nạn nhân giữ im lặng bởi họ không tin những kẻ tấn công sẽ bị trừng phạt. Về điều này, các nạn nhân đã đúng. Tỉ lệ khởi tố thành công các vụ hiếp dâm nam quân nhân đã được báo cáo hiện chỉ dừng ở mức 7%. 81% các nạn nhân không bao giờ báo cáo việc bị hiếp dâm. Dựa trên những điều chúng ta đã đọc được ở trên, hẳn sẽ rất ngạc nhiên nếu họ thi nhau đi báo cáo việc bị hiếp dâm.
Và như thế, những người lính bị hiếp dâm âm thầm gặm nhấm nỗi đau mà biến cố để lại cho họ. Theo các nghiên cứu, người lính bị tấn công tình dục thường có nguy cơ bị chấn thương tâm lý cao gấp đôi những quân nhân đã tham gia chiến trận. Cảm giác bị phản bội bởi đồng đội, bởi người anh em mà mình có thể trao cả tính mạng, trở nên thật khó chấp nhận.
Ngoài ra, mô hình chỉ huy cứng nhắc của quân đội đôi khi buộc nạn nhân phải ngủ cạnh hoặc làm việc cùng kẻ tấn công anh ta. Điều này khiến nạn nhân có cảm giác bị cầm tù, không thể thoát ra khỏi cảnh khốn cùng. Chấn thương vì thế mà càng nặng nề hơn rất nhiều.
Sau khi rời quân đội, Stovey nói rằng anh đơn giản là không còn có thể sống như trước được nữa. “Tôi cảm thấy mình đã bị hỏng thứ gì đó trong cơ thể. Tất cả những gì tôi còn nhớ, bên cạnh nỗi đau, là âm thanh phành phạch của việc bị hiếp dâm. Tôi cố ân ái với vợ mình, nhưng không thể. Tôi luôn nhớ tới chuyện cũ và bị chấn thương tâm lý bởi cái âm thanh đó” – anh kể.
Quân nhân Health Philips (Hải quân, 1988 – 1989) cho biết, sau khi bị hiếp dâm trong quân đội, anh đã không còn có thể làm việc quanh những người đàn ông được nữa. “Đôi khi những câu chuyện đùa vui về tình dục cũng có thể khiến tôi bùng nổ. Tôi quay ra chửi mắng những người pha trò. Tôi gào thét tên những kẻ tấn công mình ra chửi. Những người vừa kể chuyện cười kia hiển nhiên sẽ nhìn tôi như thể “gã này bị điên à” – anh nói.
Với Owen, những gì còn đọng lại trong anh cho tới nay chỉ còn là nỗi tức giận âm ỉ cháy. “Để trở lại bình thường, tôi cần phải tha thứ. Tôi đã tự nhủ điều đó với mình bao lần. Nhưng làm sao anh có thể tha thứ những kẻ đã làm điều ghê tởm đó với mình? Liệu anh có thể tha thứ nổi?” – anh nói – “Ngày hôm nay tôi vẫn nghĩ về việc mình sẽ làm gì với chúng. Đầu tiên tôi sẽ trói chúng xuống một cái bàn. Rồi tôi sẽ lấy một cây đèn khò và chậm rãi nướng chúng, từ đầu tới chân. Anh có biết tôi đã nghĩ về chuyện này trong bao lâu rồi không?”.
Welsh chọn im lặng sau khi bị hiếp dâm để bảo vệ sự nghiệp. Nhưng sự nghiệp anh đã kết thúc chóng vánh sau biến cố.
Theo Lao Động