Kinh hoàng dừa phế thải thành… mứt tết
Dừa phế thải trong các thùng rác, vương vãi ven lề đường được một số người thu gom bán cho các cơ sở chế biến mứt tết. Loại nguyên liệu bẩn này sau khi chế biến được đóng gói tung ra thị trường.
Ngày 6/1, một phụ nữ tên Liên vừa đi nhặt rác vừa thu gom vỏ dừa phế thải dọc công viên 30-4 (Q1, TPHCM), cho biết: “Gần tết, loại dừa phế thải này hút hàng lắm. Bình thường chẳng ai lấy nhưng những tháng cận tết, nhiều người đi thu gom loại dừa này về làm mứt. Nhìn dơ vậy chứ về làm ra mứt thơm ngon lắm”.
Thu gom dừa rác…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần tết, loại dừa phế thải được các cơ sở mua với giá 500 đồng/vỏ, thậm chí có cơ sở còn mua loại vỏ dừa phế thải này với giá 1.000-2.000 đồng/vỏ.
Điểm chế biến mứt từ dừa phế thải của bà Dung nằm trên đường Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM – Ảnh: A.Thoa
Khi khách uống nước dừa ném vỏ ven các con đường vào công viên, dưới các gốc cây hay trong thùng rác đều được bà Liên thu gom. Gần 18h, bà Liên cúi nhặt hai vỏ dừa ruồi nhặng bu đầy bên thùng rác ven đường Hàn Thuyên, ngoảnh lên khoe: “Tuần rồi, tui bán dừa phế thải được hơn 600.000 đồng lận đó”. Nói đến đó, thấy hai thanh niên cầm vỏ dừa bỏ vào thùng rác, bà Liên nhanh chân chạy lại nhặt và bỏ vào một bao tải chờ người đến thu gom.
Ngày 9/1, chúng tôi bám theo chiếc xe ba gác của Tùng, một thanh niên chuyên thu gom dừa ở cổng bệnh viện, trường học, công viên và các xe bán nước lề đường. Lúc này, Tùng chạy qua khu vực quán nước trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy thu gom hơn 40 vỏ dừa, rồi tiếp tục chạy ra đường Nguyễn Tri Phương ghé vào lấy vỏ dừa tại quán cà phê TN. Lúc này, thấy thùng rác gần khu vực vòng xoay đường Nguyễn Tri Phương có bốn vỏ dừa đã úa màu vàng, Tùng nhanh chóng xuống xe thu gom rồi chạy về nhà trọ trên đường Lạc Long Quân, Q.11 để giao cho các cơ sở làm mứt tết.
Tùng cho biết: “Họ uống xong, ném vỏ thì mình nhặt đem đi bán lại cho các cơ sở sản xuất mứt tết ở Xóm Đất”.
Một trong những điểm thu mua dừa thải về làm mứt tết là lò bà Dung. Điểm thu mua và sơ chế mứt dừa của bà Dung nằm ngay góc đường Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Trỗi, Q.3. Hằng ngày bà Dung và những người làm mứt dừa ở lò này đi thu gom những trái dừa từ các đầu mối “chân rết”. Hầu hết những đầu mối này đều đi gom vỏ dừa của khách ven đường sau khi uống hết nước bị quẳng vào những thùng rác hay lề đường hoặc từ những người chuyên đi thu gom dừa bẩn từ xe đẩy bán với giá 2.000 đồng/trái. Khoảng 16g hằng ngày, bà Dung sử dụng xe máy chở những bao dừa đã uống chỉ còn vỏ và cơm về góc đường Trần Quốc Toản, Q.3. Tại đây, bà và nhân viên ngồi bóc tách cơm dừa, vừa bán mứt dừa thành phẩm.
Video đang HOT
Ngày 16/1, bà Dung cùng hai phụ nữ tập kết hàng loạt bao dừa phế thải. Nhiều trái dừa đã bốc mùi chua được bà Dung đổ thẳng từ bao thu gom xuống lề đường. Không ít trái dừa bị bể, cơm dừa dính đầy đất bụi được bà dùng giấy vệ sinh lau sơ sài. Nhiều trái dừa được bổ ra tách lấy cơm đã mốc, kiến bám đầy. Theo tìm hiểu, mỗi ngày bà Dung thu gom về “lò” được khoảng vài trăm quả dừa. Sau khi nạo dừa ở lề đường Trần Quốc Toản, bà Dung mang dừa về nhà tiếp tục chế biến.
Người ăn có thấy đâu mà sợ!
Ngày 2/1, chúng tôi tiếp cận lò sản xuất mứt tết Phước Thành (199 Xóm Đât, Q.11). Lúc này trời mưa lớn. Ngay ven đường, hàng loạt thùng phuy nhựa loại lớn ngâm đầy nguyên liệu làm mứt. Xác ruồi nhặng nổi lềnh bềnh trên mặt thùng. Cơm dừa cắt thành sợi được các công nhân ở đây ngâm vào một thùng vôi đặc quánh. Bên trong cơ sở, bốn công nhân nữ tay trần đang tráng đường cho mứt. Một công nhân tên Phương cho biết: “Phải ngâm nhiều vôi cho nó mềm”.
Trưa 16/1, chúng tôi tiêp tục tiếp cận các công đoạn chế biến của cơ sở này. Lúc này ông Phương, nhân viên cơ sở, đang hì hục vớt bí từ các thùng nhựa. Khoảng 10 phút sau, ông Phương nghiêng thùng đổ tháo nước vôi xuống miệng cống ven đường. Số nguyên liệu mứt bí còn sót lại trong thùng chảy tràn ra miệng cống. Ông Phương nhanh chóng móc từng miếng bí đang mắc kẹt ở miệng cống hôi thối thản nhiên đem bỏ lại vào thùng nguyên liệu chờ tẩm đường.
Theo tìm hiểu, lò bà Thu trên đường Bùi Minh Trực (P.2, Q.8) là nơi chuyên cung cấp cơm dừa cho cơ sở Phước Thành. Tại đây, dừa được làm khá mất vệ sinh. Hàng trăm trái dừa khô, dừa non được sáu công nhân hì hục móc cơm và quẳng xuống vỉa hè lấm lem đất cát. Cạnh đó, những thùng nước dừa bẩn để cạnh đống vỏ dừa ruồi nhặng bám đầy. Được biết, mỗi ngày lò của bà Thu bán khoảng 4-5 tạ cơm dừa cho một số cơ sở làm mứt với giá 32.000-38.000 đồng/kg. Bà Thu thường bỏ mối khoảng 160kg dừa cho cơ sở mứt Phước Thành mỗi ngày. Sau khi chế biến xong, cơ sở Phước Thành cho đóng thành gói với thương hiệu mứt dừa “Phước Thành” để bỏ mối cho nhiều đại lý, cửa hàng trên địa bàn TP. Trước đây, cơ sở này đã nhiều lần bị kiểm tra, xử phạt, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động nhưng đến nay vẫn ngang nhiên chế biến “mứt bẩn” công khai bên lề đường.
Tại khu cư xá Đường sắt (P.1, Q.3), nơi chuyên sản xuất các loại mứt me, mứt mãng cầu, cũng có không ít cơ sở chế biến “siêu bẩn”. Khắp các con hẻm Bàn Cờ chật chội, nhiều đống me được đổ ngay cạnh miệng cống bốc mùi hôi thối. Hầu hết các con hẻm nhỏ ở đây được tận dụng tối đa làm chỗ sản xuất mứt tết. Bà Nguyệt, một người làm mứt thủ công tại cư xá, cho biết: “Do nhà chật chội nên tụi tui phải mang mứt me ra hẻm làm cho tiện. Người ăn có nhìn thấy đâu mà sợ”.
Tại căn nhà chưa đầy 15m2 của bà Thu cạnh một con hẻm của lối vào cư xá, ba thanh niên cởi trần, tay không nhào nặn từng mẻ mứt mãng cầu. Phía dưới là nền gạch bông nhớp nháp đất cát, vỏ me, các vật dụng thau chậu. Ba thùng ngâm nguyên liệu làm mứt loại lớn được bà Thu đặt ngay bên con hẻm. Loại mứt mãng cầu chế biến ở đây được đóng gói ngay bên lề đường và bán lẻ cho các điểm bán mứt tết ở những khu lân cận. Cơ sở của bà Thu đã bị đoàn kiểm tra liên ngành Q.3 xử phạt nhiều lỗi về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sau đó lại tiếp tục sản xuất.
Theo Nhóm PV CTXH (Tuổi trẻ)
Bánh kẹo nhái, mứt bẩn, rượu giả "đua nhau" đón Tết
Những ngày gần đây, các làng nghề làm bánh, mứt... phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ bỗng "nóng" hơn ngày thường.
Chế biến sắn thành tinh bột đường để làm bánh kẹo rởm
Làng nghề Dương Liễu và La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vốn nổi tiếng là "thủ phủ" của hàng trăm thứ bánh, kẹo "ba không": Không nhãn mác, không hạn sử dụng, không ngày sản xuất. Đột nhập vào làng nghề này những ngày giáp tết mới thấy sự lo ngại của người dân về an toàn thực phẩm không thừa.
Nhan nhản bánh, kẹo "ba không"
Tại một quán nước ngay đầu xã Dương Liễu, bà chủ quán tên Vân cho chúng tôi biết, toàn xã có khoảng gần 100 cơ sở sản xuất, chế biến bánh kẹo. Không chỉ chế biến thủ công kiểu gia đình, nhiều hộ còn liên kết, nâng cấp mở công ty lớn. Sau một hồi tỉ tê nhờ chỉ mối để lấy hàng làm ăn, bà Vân mới hướng dẫn tôi tới một cửa hàng tên H.N trên xóm Chàng Chợ.
"Vừa qua, đoàn liên ngành ATVSTP tỉnh Bắc Ninh đã có cuộc thanh, kiểm tra về tình hình chế biến, sản xuất rượu trên địa bàn. Sau khi lấy 3 mẫu đối với rượu sắn, rượu ngô, rượu gạo, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện có 2 mẫu trong 2 cơ sở chế biến không đạt chất lượng cho phép. 2 mẫu rượu này đều được chế biến từ cồn thực phẩm pha nước lã. Nếu dùng nhiều, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp, nguy hiểm tới tính mạng", ông Vũ Đình Minh (phó chủ tịch UBND xã Tam Đa) cho biết.
Dù có sự giới thiệu của bà Vân, nhưng người bảo vệ trẻ tên Lâm vẫn tỏ ra thận trọng: "Chị là khách mới, cứ ngồi ghế đợi, lát bà chủ về tôi sẽ gọi". Lâm cho hay, một tháng trở lại đây, cơ sở chế biến này lúc nào cũng đông khách. Các mặt hàng bánh kẹo, mứt tết, dầu ăn... được bán rất nhiều. Có khi, lượng hàng sản xuất ra còn không đủ cung cấp cho các đầu mối, nhất là vào những ngày cận tết như thế này. Trong một tiếng đồng hồ, tôi thấy cửa hàng này đã có cả trăm lượt người ra vào, khuân vác nguyên liệu, bột đường, vận chuyển bánh, kẹo, mứt đi tiêu thụ.
Rời cơ sở sản xuất H.N, tôi dạo qua một loạt các xưởng chế biến sắn tinh bột tại thôn Đồng Phú. Toàn thôn có gần chục hộ chế biến sắn sang tinh bột đường, 3 hộ chế biến sắn thành nha và 3 xưởng chế biến nha thành bánh kẹo. "Mỗi một công đoạn tốn khá nhiều thời gian, vì thế không phải cơ sở nào cũng đảm nhận hết được" - chị Hữu Thị Lâm, chủ một cơ sở chế biến sắn, cho biết.
Sắn thu mua về, được rửa qua loa rồi nghiền thành bột, đóng thành những bánh ươn ướt có hình như viên gạch ba banh cỡ lớn với giá 3.600 đồng. Những bánh sắn ấy sau đó được chuyển qua lò nấu nha. Muốn cho bột sắn phân hủy thành đường, các lò phải cho vào bột sắn một loại hoá chất rồi mới cho bột vào máy đánh quấy. Ngoài loại hóa chất phân hủy, theo nguồn tin của PV, muốn cho nha trắng và mịn, người làm còn cho thêm hóa chất tẩy trắng. Mỗi một mẻ nha 10kg sẽ được hắt vào một môi thuốc tẩy trắng.
Sau khi hoàn tất các công đoạn trên, nha sẽ được cho vào lò để chế biến bánh kẹo. Tận mắt chứng kiến mới thấy tình trạng mất vệ sinh tại nơi chế biến. Nha được bỏ từ lò ra khay như người ta... trộn vôi vữa. Máy móc cực thô sơ, bụi bặm. Kẹo từ lò nấu chuyển sang khay nguội rồi được vần về máy đóng viên.
Công đoạn cuối cùng là dán nhãn. Kẹo được đóng thành từng bịch lớn, bán theo cân hay được đóng vào những thùng các tông đựng hoa quả Trung Quốc. Mặt hàng chủ lực của các lò nơi đây là kẹo cứng mang hương vị chanh, cam, nho, ổi, lạc... Ngoài ra, cũng có một số mặt hàng kẹo mềm, mè xửng Huế, thậm chí cả sô cô la loại hảo hạng.
Không riêng gì các làng bánh, kẹo La Phù, Dương Diễu, những ngày gần đây, những lò làm mứt tại xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang vào guồng. Hàng tấn mứt dừa, mứt bí được phơi la liệt khắp các vỉa hè, lòng đường bất chấp thời tiết mưa bụi.
Tuy cách chế biến có khác với kẹo, nhưng điểm chung của việc làm bánh kẹo và mứt "ba không" đều là dùng hóa chất để tẩy trắng. Sau khi hoàn tất các khâu chế biến, bánh, kẹo, mứt... và hàng chục loại sản phẩm nhái phục vụ Tết sẽ được tung ra thị trường cả nước, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa.
Rượu rởm hoạt động hết công suất
Có mặt tại "thủ phủ" rượu rởm Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh) những ngày này mới thấy hết sự náo nhiệt của hoạt động bán, buôn, nấu rượu Tết. Hàng chục thùng phuy đựng rượu được bày ngổn ngang dọc đường làng, lối xóm. Trong các kho ở các cơ sở, hàng đã chất đầy.
Trong vai người đi mua rượu bán Tết, chúng tôi được bà Lan - một chủ cơ sở chế biến, cung cấp rượu buôn - cho biết: "Nhà tôi rượu gì cũng có, từ rượu ngô, rượu sắn, rượu gạo..., thậm chí cả nếp cái hoa vàng. Tùy giá tiền mà chất lượng rượu sẽ được thay đổi cho phù hợp. Từ giờ tới Tết, cô chú muốn lấy bao nhiêu cũng được. Nhà tôi nấu rượu cả ngày lẫn đêm".
Theo báo giá của bà Liên, một lít rượu sắn có giá 8.500 đồng, rượu gạo có giá 15.000 đồng. Rượu nếp cái hoa vàng thì 30 - 37.000 đồng/1 lít, tùy độ rượu. Giá thành của mỗi một loại rượu sẽ được giảm đi một giá khi độ rượu giảm xuống 1 - 2 độ.
Cầm trên tay chiếc nhiệt kế đo độ rượu, bà Liên nhanh nhẹn múc rượu trong thùng phuy rồi thả chiếc nhiệt kế vào: "Đây cô chú xem, rượu sắn này 30 độ. Nếu hạ xuống 28 độ, tôi lấy còn 8.000 đồng/1 lít, còn không thì đúng giá".
Sau một hồi mặc cả, bà Liên quyết định bán cho chúng tôi loại rượu sắn 30 độ với giá 8.000 đồng/1 lít. Khi tôi băn khoăn về chuyện vận chuyển, bà Liên nói ngay: "Cô chú yên tâm, tôi cho người cung cấp tận nhà, chỉ cần đặt cọc trước là được. Công vận chuyển là 500 đồng/lít". Hiện tại, mỗi ngày, chồng bà Liên chở từ 1 - 2 tấn rượu cung cấp cho các đầu mối ở ngoại thành Hà Nội. Thấy chúng tôi vẫn lăn tăn về giá, bà chủ cơ sở ngọt nhạt: "Cô chú cứ lựa chọn đi, nếu muốn có thể pha trộn thêm. Đổi chất, đổi giá thành. Nhà tôi làm ăn đường hoàng, chứ nơi khác có rẻ hơn thì lại tăng chất độc".
Theo xahoi
Quan xã mở tiệc cưới trong khu thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực Nhiều khách mời đều khá bất ngờ khi nhận thiệp mời đám cưới con của ông Lâm Văn Hùng, bí thư Đảng ủy xã An Nhựt Tân (Tân Trụ, Long An) ghi rõ địa điểm tổ chức là khu thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Di tích vàm Nhựt Tảo gắn liền với chiến tích vang dội khi vị anh hùng...