Kín lịch học, trẻ không còn thời gian đọc sách
ANTĐ – Cảnh báo về tỷ lệ trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách trong một năm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, học sinh thiếu kỹ năng sống một phần là do không có thói quen đọc sách. Ngoài lý do bị các phương tiện nghe nhìn lấn át thì việc này còn do học sinh bị quá tải.
Nhiều trường đầu tư mạnh vào thư viện để phát triển văn hóa đọc cho học sinh
Không còn thời gian trống để đọc sách
“Con tôi phải dậy từ 6h sáng để đi học. Về đến nhà cũng là gần 6h chiều. Cơm tối xong thì chỉ còn thời gian để làm bài tập, mà cũng thường xuyên đến 10-11h mới được đi ngủ. Dù muốn con có thời gian đọc sách trước giờ đi ngủ, mẹ cũng phải cản lại để còn đảm bảo sức khỏe cho con” – chị Ngô Thúy Hà, phụ huynh học sinh trường THCS Nguyễn Siêu chia sẻ.
TS Nguyễn Thụy Anh, người sáng lập câu lạc bộ Đọc sách cùng con kể: “Có một hình ảnh khiến tôi lâu nay vẫn day dứt khi nghĩ về cái gọi là “văn hóa đọc” của người Việt. Khi tôi đến chơi nhà một người bạn, anh chị đang đốc thúc con học. Góc nhà có một tủ đầy ắp sách nhưng bị khóa chặt. Bố mẹ chỉ cho phép con đọc khi… nghỉ hè để không ảnh hưởng đến việc học. Các cô cậu học sinh phải tập trung học kiến thức, rảnh ra chút nào lại đăng ký học các lớp kỹ năng sống, lấy đâu ra thời gian cho sách! Sau này, nghiên cứu thời gian biểu của rất nhiều bạn nhỏ, thời khóa biểu ở trường, tôi nhận thấy, việc đọc sách trên thực tế là một hoạt động phụ, chỉ được sắp xếp vào những tiết “sinh hoạt” để không ảnh hưởng đến chương trình học của trẻ”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: “Những hạn chế của học sinh chúng ta hiện nay là thiếu kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn, thiếu kỹ năng sống và làm việc theo nhóm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân học sinh ít đọc sách thường xuyên”.
Đọc sách cần được tôn trọng như thi cử
Theo số liệu khảo sát của Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách nước ta chiếm tới 26%, thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên đọc chiếm áp đảo tới 44%, còn đọc thường xuyên là 30%. Trong khi đó, bà Trần Thị Minh Nguyệt, Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định, văn hóa đọc là một phương tiện quan trọng giúp con người lĩnh hội, vận dụng tri thức, kinh nghiệm và các giá trị văn hóa của nhân loại một cách có hiệu quả vào các hoạt động sống, nhằm nâng cao chất lượng sống của mỗi cá nhân đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Riêng đối với học sinh, đọc sách được đánh giá là một trong những yếu tố thúc đẩy năng lực tự học của học sinh rất tốt.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái thói quen đọc sách của công chúng là vì hiện chúng ta chưa hình thành được các chương trình khuyến đọc trên phạm vi quốc gia như tổ chức tháng đọc quốc gia, tổ chức định kỳ các hội chợ sách trên quy mô quốc gia… Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta đang phát triển với tốc độ khá cao làm cho thời gian nhàn rỗi của người dân dành cho đọc sách đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, du lịch… lấn lướt. Học sinh ít đọc sách còn do hệ thống thư viện trường học, địa phương còn yếu, sách, tài liệu nghèo nàn; cách thức quản lý, chỉ đạo hoạt động của thư viện lạc hậu.
Kinh nghiệm được chia sẻ từ những trường mạnh về phong trào thư viện cho thấy, nhằm khuyến khích thói quen đọc sách trong học sinh, các trường này đã biến thư viện thành nơi giao lưu của học sinh, các lớp học tự bầu thủ thư để quản lý tủ sách của lớp, học sinh tự tổ chức các giờ đọc sách của chính mình. Tuy nhiên, để đọc sách trở thành thói quen tích cực thì TS Nguyễn Thụy Anh nhấn mạnh vào việc đọc cũng phải được tôn trọng như việc học và việc thi: “Bộ GD-ĐT cần phải đưa vào chương trình như một môn học nhưng không phải một môn Văn thứ hai mà là một hoạt động riêng được xây dựng phương pháp và quy trình riêng để hướng dẫn các em tự đọc, tự khám phá”.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá trong nhà trường cũng cần đổi mới để bắt buộc học sinh phải đọc thêm nhiều sách, tài liệu để có được đánh giá tốt…
Theo ANTĐ