Kim tự tháp lừng danh Sahure lộ bí ẩn mới sau bức tường đổ
Sau gần 2 thế kỷ được khám phá, kim tự tháp gần 4.500 tuổi Sahure vừa để lộ một hệ thống phòng ốc chưa từng được biết với lối đi bắt đầu từ phòng chôn cất chính.
Theo Heritage Daily và Ancient Origins, một phái đoàn khảo cổ Ai Cập – Đức khi thực hiện dự án phục hồi cấu trúc đổ nát bên trong kim tự tháp Sahure đã vô tình tìm ra một lối đi đổ nát trong lòng kim tự tháp, dẫn đến một hệ thống gồm 8 căn phòng chưa từng được biết đến trước đây.
Kim tự tháp Sahure cao 48 m là một trong các kim tự tháp nổi tiếng nhất của Ai Cập, nằm ở Cánh đồng kim tự tháp Abu Sir phía Nam Giza.
Kim tự tháp lừng danh Sahure và khu vực mà các nhà khoa học phát hiện lối đi bí mật – Ảnh: BỘ DU LỊCH AI CẬP
Đây là nơi an nghỉ của Pharaoh Sahure, người cai trị thứ 2 của Vương triều thứ Năm (năm 2465 đến 2325 trước Công Nguyên) thuộc giai đoạn Cổ Vương quốc của Ai Cập.
Triều đại của Pharaoh Sahure là là một trong những thời kỳ thịnh vượng nhất về kinh tế và văn hóa, với nhiều tuyến thương mại lớn được mở ra. Vị pharaoh này cũng chọn không chôn cất tại các nghĩa địa hoàng gia truyền thống như Saqqara hay Giza, mà chọn xây kim tự tháp của mình đơn độc tại Abusir.
Mặc dù kích thước nhỏ hơn các kim tự tháp của các vị tiền nhiệm nhưng kim tự tháp Sahure lại công phu hơn với hơn 10.000m2 phù điêu được chạm khắc tinh xảo, một số trong đó được coi là báu vật vô song trong lịch sử nghệ thuật Ai Cập.
Chắc chắn bên trong nó cũng từng rất xa hoa. Đó cũng là lý do kim tự tháp lộng lẫy này thành đối tượng của những kẻ trộm mộ hàng thiên niên kỷ sau.
Tuy nhiên, trong quá trình cố gắng khôi phục khu vực phòng chôn cất bị hư hại nặng nề, các nhà khoa học đã vô tình tìm thấy một lối đi.
Sử dụng chức năng quét laser 3D với máy quét LiDAR di động, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Mohamed Ismail Khaled từ Khoa Ai Cập học của Đại học Julius-Maximilians ở Würzburg (Đức) đang tiếp tục lập bản đồ các khu vực ẩn giấu của kim tự tháp.
Họ vẫn chưa tiếp cận được tận cùng các căn phòng mới được phát hiện, tuy nhiên tin rằng quá trình phục hồi và gia cố cẩn trọng sẽ giúp làm được điều đó trong tương lai.
Các nhà khoa học trong một lối đi đã được gia cố bên trong kim tự tháp Sahure – Ảnh: BỘ DU LỊCH AI CẬP
Do đây là một kim tự tháp có giá trị lịch sử cực cao nên quá trình phục hồi cần đặt việc bảo đảm tính toàn vẹn của cấu trúc lên hàng đầu.
Nhóm khảo cổ cũng tin rằng các căn phòng vừa được phát hiện có thể là những phòng chứa đồ, nơi có các cổ vật hứa hẹn cung cấp thêm nhiều chi tiết về Triều đại Sahure.
Rùng mình 13 hộp sọ giống 'ngoài hành tinh' cạnh kim tự tháp Maya
Các dấu hiệu mà 2 trong số 13 hộp sọ tiết lộ chỉ ra sự thật còn ghê rợn hơn liên quan đến kim tự tháp ở quảng trường phía Đông thành cổ Moral-Reforma.
Theo Ancient Origins, các hộp sọ đã được khai quật trong một số ngôi mộ niên đại trên 1.000 năm, thuộc khu khảo cổ Mora-Reforma ở Tabasco - Mexico.
Các hộp sọ đã được phân tích trong số 13 hộp sọ lạ được khai quật gần kim tự tháp - Ảnh: INAH
Khu khảo cổ này vốn là một thành cổ Maya từng hưng thịnh trong hàng thế kỷ, sau đó bị bỏ hoang vào khoảng năm 1000 sau Công nguyên.
Các hộp sọ gây tò mò cho giới khảo cổ vì hình dáng thon dài bất thường - trông như đầu của người ngoài hành tinh trong phim giả tưởng - mà các bước nghiên cứu đã cho thấy là do sự tạo hình cố ý bằng cách buộc đầu trong nhiều năm.
Hai trong số các hộp sọ bị tách đôi với dấu vết cực kỳ bén gọn, khiến các nhà khoa học tin rằng ít nhất 2 người này là nạn nhân của một nghi lễ hiến tế rùng rợn của người Maya thời kỷ Cổ điển (năm 600-900 sau Công nguyên).
Địa điểm xảy ra là một kim tự tháp, cũng là đền thờ ở quảng trường phía Đông của thành cổ.
Kim tự tháp đôi khổng lồ ở tàn tích thành cổ Maya - Moral-Reforma của Mexico - Ảnh: INAH
Những sự thật nói trên đã được tiết lộ thông qua cuộc nghiên cứu công phu của Viện Nhân chủng học và lịch sử quốc gia (INAH) của Mexico, với hy vọng thông qua hài cốt có thể tìm hiểu phong tục, các nghi lễ và chế độ ăn uống của người Maya cổ đại.
Theo Heritage Daily, cho đến nay, việc phân tích hình thái của 5/13 hộp sọ đã hoàn tất, bao gồm 2 hộp sọ có dấu hiệu bị chặt đầu. Cả 5 người đều là nam giới, 2 người có tuổi khoảng 17-25, 2 người khoảng 33-45 tuổi và 1 người khoảng 25-35 tuổi. Tuổi được ước tính dựa theo độ mòn của răng.
Các hộp sọ này đều cho thấy tác động của một kiểu chỉnh sửa sọ nhân tạo nhằm tạo ra hình dáng "như ngoài hành tinh", nhưng đối với người Maya lại là cách thể hiện địa vị cao.
Để có được hình dáng đó, họ bị nẹp đầu từ khi còn nhỏ dẫn đến sự phát triển của chứng phì đại xương, hộp sọ dài ra về phía sau.
Mộ của một số người được bao phủ chất màu đỏ, có lẽ là chu sa - thường được dùng trong các ngôi mộ quyền quý của người Maya. Cách sắp xếp các mộ cũng thể hiện một lễ nghi đặc biệt, khẳng định thêm rằng đó là mộ hiến tế.
Tuy nhiên, vì sao những cá nhân này bị đem đi hiến tế trong một nghi lễ cực kỳ tàn khốc vẫn là bí ẩn.
Thu Anh
Phát hiện 'choáng' từ hai xưởng ướp xác lớn nhất Ai Cập Hai xưởng ướp xác có niên đại hơn 2.300 năm tiết lộ những chi tiết thú vị trong công nghệ đưa con người và động vật trở thành 'bất tử' theo quan niệm cổ đại, bao gồm 'dịch vụ tùy chọn' với các mức giá khác nhau. Theo Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập, đó là hai xưởng ướp xác lớn...