‘Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo viên không đạt yêu cầu mới’
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng nhiều giáo viên vào biên chế để ổn định nên thiếu động lực phát triển, dẫn đến chất lượng giáo dục không cao.
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội diễn ra sáng 9/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập vấn đề chuyển đổi cơ chế từ công chức, viên chức sang hợp đồng. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm thời gian gần đây.
Tư lệnh ngành giáo dục cho biết việc này nằm trong quá trình bộ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 29, triển khai Nghị quyết 88 Quốc hội về đổi mới sách giáo khoa.
Sẽ thí điểm bỏ công chức ở trường đại học
Ông nhấn mạnh muốn nâng cao chất lượng giáo dục phải có nguồn lực và động lực. Trong đó, động lực đối với giáo viên và quản lý các nhà giáo hết sức quan trọng.
Thực tế, chế độ công chức, viên chức hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong vấn đề tuyển dụng. Ông Nhạ lấy ví dụ việc tuyển dụng công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở bậc phổ thông, chưa phù hợp nhu cầu về môn học, dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ.
Video đang HOT
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội sáng 9/6. Ảnh cắt từ clip.
Bên cạnh đó, phần đông giáo viên có tâm lý vào biên chế để ổn định nên gặp khó khăn trong vấn đề nâng cao kiến thức, phẩm chất, năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới dạy theo chương trình mới. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục không cao.
Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đặt ra vấn đề nghiên cứu, đề xuất thí điểm việc chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động, trước hết, thí điểm ở trường đại học và một số trường THPT có điều kiện, sau đó từng bước rút kinh nghiệm, nhân rộng.
Ông Nhạ khẳng định khu vực giáo viên và quản lý nhà giáo phải được đổi mới. Đây là yếu tố được cho là quyết định nâng cao chất lượng giáo dục và phải có lộ trình thực hiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết 29 nêu rất rõ năng lực đội ngũ phải căn cứ đóng góp về kết quả và năng lực, phẩm chất dạy theo phương pháp mới và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đạt yêu cầu mới.
“Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể không làm. Điều quan trọng là nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình bước đi. Chúng tôi thực hiện một cách căn cơ. Trước hết, thí điểm ở khu vực đại học vì đây là khu vực có thuận lợi trong việc thực hiện đơn vị sự nghiệp chuyển sang mô hình tự chủ tốt hơn”, Bộ trưởng Nhạ phát biểu.
Ông thông tin thêm Bộ GD&ĐT đã trao đổi với các đơn vị, sở liên quan về chủ trương này và nhận được sự nhất trí. Dư luận xã hội cũng quan tâm và đồng hành. Theo ông, điều quan trọng là phải có lộ trình phù hợp với điều kiện cơ sở và tâm lý giáo viên.
Tranh cãi
Ngày 16/5, thông tin Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định, sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được xã hội quan tâm.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà theo chế độ hợp đồng có vào – ra. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng.
Mặc dù chưa triển khai, thông tin Bộ trưởng GD&ĐT đưa ra được giáo viên trên cả nước tiếp nhận với tâm lý lo lắng. Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, đó là sự xáo trộn tận tâm can.
Thầy Hiếu nói: “Giáo viên vốn đã ‘trăm dâu đổ đầu tằm’, thử hỏi với đồng lương của họ hiện nay làm sao đủ để tạo ra những sự chuyển dịch như vậy?”.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, cho rằng bỏ biên chế là đề xuất nguy hại, không làm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Nghề giáo có đặc thù riêng “trồng người”. Vì vậy, không thể để tư tưởng thương mại hóa lọt vào hệ thống trường học.
Chiều 6/6, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất thí điểm chuyển giáo viên viên chức sang hợp đồng lao động với một số trường đại học và trung học phổ thông đủ điều kiện.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT chưa xem xét thí điểm đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa, biên giới.
Theo Zing