Kiến nghị vẫn phân hóa đề thi Tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học
Nhiều Sở GD-ĐT cho rằng, dù phục vụ xét tốt nghiệp THPT, song các trường ĐH vẫn sử dụng kết quả này để xét tuyển, do đó đề thi vẫn cần có tính phân hóa.
Trao đổi tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố về thi Tốt nghiệp THPT năm 2020, đại diện các Sở GD-ĐT địa phương đưa ra nhiều kiến nghị về công tác tổ chức thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra.
Toàn cảnh hội nghị.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, năm nay, toàn tỉnh có 17.907 thí sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp THPT với 707 phòng thi tại 55 điểm thi khác nhau. Quảng Nam dự kiến huy động 3.087 cán bộ, giáo viên tham gia phục vụ công tác coi thi, chấm thi.
Ông Quốc cho rằng, Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng ban hành và tuyên truyền về quy chế thi. Song công tác đảm bảo an toàn kỳ thi cần được đặt lên hàng đầu. “Bất cứ sơ hở ở khâu nào cũng có thể xảy ra sự cố. Quan trọng nhất là đề thi. Đây là công cụ, cơ sở để đánh giá chất lượng cũng như điều chỉnh việc dạy và học tại các địa phương. Đề thi dùng để xét tốt nghiệp, song cũng cần đảm bảo tính phân hóa để các trường đại học có thể tuyển sinh. Bộ GD-ĐT cũng cần đặc biệt chú ý với vấn đề vận chuyển, quản lý đề thi, nhất là ở các tỉnh vùng núi”, ông Quốc kiến nghị.
Bên cạnh đó, đánh giá cao việc Bộ GD-ĐT sử dụng dữ liệu điểm thi để đánh giá, phân tích kêt quả thi tốt nghiệp để dối chiếu so sánh với kết quả học của học sinh. Song ông Quốc cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên tiếp tục xếp thứ tự điểm thi trung bình các môn thi của các địa phương (phổ điểm- phóng viên) bởi sẽ gây áp lực và rất bất cập cho các Sở GD-ĐT.
Video đang HOT
“Đề nghị Bộ GD-ĐT chấm dứt việc này, chúng tôi thấy đây là việc không có lợi, kết quả xếp hạng không có tính thuyết phục mà ngược lại còn trở thành thông tin khiến các Giám đốc Sở áp lực”, ông Quốc nêu ý kiến
Đại diện Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng cho rằng, để khắc phục những sự cố của năm trước, Bộ GD-ĐT nên kiểm tra chất lượng máy móc để quét bài thi trắc nghiệm được chính xác, tổ chức tập huấn việc sử dụng phần mềm chấm trắc nghiệm cho các địa phương.
Với công tác thanh tra, kiểm tra, ông Quốc cho biết, trong kỳ thi năm nay, sẽ có thanh tra 3 cấp, song đến nay các địa phương cần hướng dẫn cho tiết hơn về công tác thanh tra. “Thanh tra 3 cấp sẽ tổ chức ra sao để không chồng chéo, nên có thanh tra cắm chốt tại các điểm thi hay bố trí thanh tra lưu động”, ông Quốc thắc mắc.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cũng cùng kiến nghị cho rằng Bộ GD-ĐT nên ra đề có tính phân hóa để vừa có thể xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học bởi hiện nay hầu hết các trường ĐH đều sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cũng kiến nghị, năm nay không có sự tham gia của các trường ĐH vào công tác coi thi, chấm thi, do đó Bộ cần quy định rõ các khâu và tăng cường giám sát của lực lượng công an thành phố, giám sát liên tục trong suốt quá trình chấm thi để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, đại diện Sở GD-ĐT Nghệ An lại kiến nghị Bộ GD-ĐT cần cải tiến phần mềm chấm thi trắc nghiệm để đảm bảo tính chính xác. Phần mềm quản lý thi cũng cần được nâng cấp để không xảy ra các sự cố khi thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển.
Cần kiểm soát việc dạy thêm, học thêm
Giải đáp thắc mắc của các địa phương về các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các địa phương cần chủ động làm tốt, công khai minh bạch để có được kết quả đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi. Việc liên quan đến phổ điểm, công bố kết quả thi chỉ là những việc mang tính chất kỹ thuật. Do đó, không phải vì thế mà địa phương lo ngại, bởi có thể xem đây là chỉ số để có những giải pháp cải tiến chất lượng dạy và học ở địa phương tốt hơn. Thậm chí, đây cũng là chỉ số để Bộ GD-ĐT theo dõi nếu như có những tình huống bất thường, để qua đó có những chỉ đạo làm rõ thêm vấn đề.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho rằng,Các sở GD-ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập theo chương trình, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT bảo đảm chất lượng, để học sinh yên tâm, tự tin dự thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi. Do đó, công tác ôn tập cần có sự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của kỳ thi, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực. Các nhà trường cần chỉ đạo, kiểm soát việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định, để công tác dạy học trong nhà trường an toàn, học sinh học tập, ôn thi không căng thẳng.
“Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Đề nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên. Việc tham gia Ban chỉ đạo cần tránh mang tính hình thức, phân công công việc chung chung rồi thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến hổng dù chỉ một khâu cũng có thể gây rủi ro lớn. Đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo các sở ban ngành liên quan tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi và ưu tiên cho công tác này trong thời gian tới”, ông Nhạ nhấn mạnh./.
Với mục đích xét tốt nghiệp, đề thi không nên có mức vận dụng cao
Khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, liệu kỳ thi tốt nghiệp có phân loại thí sinh để trường đại học sử dụng xét tuyển?
Do kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 mục đích chính là để xét tốt nghiệp, bên cạnh đó, kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ công bố đề thi minh họa trong tháng 5 theo tiêu chí mới để học sinh, giáo viên yên tâm có định hướng ôn tập, thay thế cho đề thi minh họa công bố hồi đầu tháng 4/2020.
Theo lãnh đạo Bộ, những nội dung được tinh giản (không dạy, không làm, không thực hiện, khuyến khích học sinh tự học) sẽ không được đưa vào đề thi. Về tổng thể, đề thi sẽ được điều chỉnh độ khó, mức độ phân hóa theo hướng nhẹ hơn so với năm 2019.
Trước thông tin này, nhiều người băn khoăn vì khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, liệu kỳ thi này có phân loại thí sinh để dựa trên cơ sở đó nhiều trường đại học có thể sử dụng để xét tuyển?
Khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, liệu kỳ thi tốt nghiệp có phân loại thí sinh để trường đại học sử dụng xét tuyển? (Ảnh minh họa: TTXVN)
Chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng một trường liên cấp tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) đề xuất, đề thi tốt nghiệp chỉ nên ra ở 3 mức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng chứ không cần vận dụng cao.
Hiệu trưởng này lý giải, căn cứ vào mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là xác định chuẩn đầu ra và đánh giá quá trình dạy và học 12 năm phổ thông, không đặt nặng yêu cầu "phân hoá mạnh" như tuyển sinh, nên ra đề thi tốt nghiệp chỉ cần 3 mức như vậy là đủ.
Hơn nữa, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây không còn phân biệt tốt nghiệp loại nào (giỏi, khá, trung bình) do đó theo Hiệu trưởng này, nếu học sinh nào đủ điều kiện tốt nghiệp thì cấp cho mỗi em một cái bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, tất cả các bằng như nhau.
Tuy nhiên kỳ thi tuyển sinh thì việc ra đề để phân hoá học sinh là yêu cầu số 1. Nếu đề thi quá dễ thì phổ điểm dồn về "cực bên phải" (điểm cao). Ngược lại, đề quá khó dồn về "cực bên trái" (điểm thấp). Cả hai trường hợp này đều gây khó cho việc tuyển sinh. Vì vậy ra đề phục vụ công tác tuyển sinh phải đủ 4 mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Trước những băn khoăn này cho thấy, những người ra đề thi tốt nghiệp cần phải có nhiều kinh nghiệm, am hiểu chương trình và nắm rõ được tình hình học sinh phổ thông trong năm học nhiều biến động này.
Linh Hương
ĐH Kinh tế - Luật tăng 50% tổng chỉ tiêu điểm thi năng lực Trường ĐH Kinh tế - Luật năm 2020 sẽ tuyển đến 50% chỉ tiêu xét từ điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức thay vì 40% như trước đó. Sáng 5-6, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố đề án tuyển sinh chính thức năm 2020. Theo thông tin tuyển sinh...