Kiến nghị bỏ quy định công bố cơ sở thực hành đối với trường đào tạo ngành Dược
SV ngành Dược thực hành tại BV thời gian ngắn, do đó quy định công bố cơ sở thực hành đối với các trường Dược gặp nhiều khó khăn hơn trường Y.
Qua 5 năm thực hiện Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 5/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, đến nay việc đào tạo thực hành y khoa của các cơ sở giáo dục đi vào nền nếp nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Những quy định như trả chi phí đào tạo cho cơ sở thực hành, thời gian giảng dạy thực hành, công bố cơ sở thực hành… đang khiến nhiều trường đào tạo sức khỏe bị vướng.
Nhiều quy định phù hợp với trường Y nhưng không phù hợp với trường Dược
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhài Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cho rằng từ khi có Nghị định 111 thì sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo y khoa và các cơ sở khám, chữa bệnh thêm chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đánh giá: “Từ khi áp dụng Nghị định 111 về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương đã và đang thực hiện tốt, có hiệu quả hơn hoạt động đào tạo thực hành cho sinh viên.
Nghị định 111 đã định hình mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành rõ ràng hơn thông qua các quy định về chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong tổ chức đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe”.
Nghị định 111 không quy định cụ thể chi phí đào tạo trả cho cơ sở thực hành khiến nhiều trường gặp khó khi tính phí đào tạo. Ảnh: Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương
Tuy nhiên, theo cô Nhài, có một số quy định của Nghị định 111 phù hợp với khối các trường ngành Y, nhưng đối với khối các trường ngành Dược thì sẽ khó khăn hơn trong triển khai thực hiện.
Điểm khó đầu tiên, theo vị Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chính là quy định công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Cụ thể, cô Nhài cho biết, đối với các trường Y – sinh viên có thời gian thực tập dài, thường xuyên, thì việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có liên kết đào tạo thực hành với trường công bố và chịu trách nhiệm về việc đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành sẽ hợp lý.
Tuy nhiên, đối với các trường Dược, nhất là các trường cao đẳng thì thời gian thực tập của sinh viên chỉ khoảng từ 2-4 tuần tại khoa Dược của bệnh viện mà trường liên kết, số lượng sinh viên thực tập cũng ít. Do đó, việc công bố bệnh viện đăng ký là cơ sở thực hành đối với các trường ngành Dược sẽ gặp khó khăn hơn so với các trường ngành Y.
Điểm khó thứ hai, cô Nhài chỉ ra là việc chi trả lệ phí, học phí thực hành cho bên bệnh viện chưa được quy định chưa rõ ràng. Cụ thể, Nghị định 111 quy định phải trả chi phí đào tạo thực hành cho các cơ sở thực hành, tuy nhiên lại không rõ mức chi trả cho các khoản chi tiết là bao nhiêu: từ giảng viên giảng dạy, cơ sở vật chất, đến vật tư tiêu hao…
“Do không có quy định cụ thể nên trường nọ hỏi trường kia chi bao nhiêu tiền rồi thỏa thuận mức giá cả để trả cho cơ sở thực hành. Cũng có nhiều cơ sở thực hành kể từ khi có Nghị định, họ áp dụng luôn mức chi trả cụ thể cho từng khoản và yêu cầu các trường phải đóng đủ mức đó nếu muốn đưa sinh viên đến thực hành”.
Cô Nhài cho biết, hiện nay Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương chủ yếu liên kết đào tạo với các bệnh viện, công ty dược, nhà thuốc,… ở địa bàn tỉnh Hải Dương, dựa trên những mối quan hệ quen biết.
“Hiện tại, trường chúng tôi và các cơ sở liên kết thực hành đang giúp đỡ lẫn nhau trong đào tạo sinh viên. Vì thế, các cơ sở nhà trường đang cho sinh viên đến thực tập, hiện chưa tiến hành thu phí. Về quan hệ tương hỗ, sinh viên thực hành tại cơ sở khám chữa bệnh cũng chính là đang giúp các cơ sở, có nhiều nơi thậm chí còn chi trả tiền lương cho sinh viên đến thực tập nữa”, cô Nhài cho biết.
Video đang HOT
Từ thực tiễn triển khai Nghị định, cô Nhài kiến nghị nên bỏ yêu cầu công bố cơ sở thực hành đối với các trường đào tạo ngành Dược. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương phân tích rõ hơn:
“Đối với ngành Dược, khi sinh viên thực tập ở các doanh nghiệp thì doanh nghiệp không phải công bố là cơ sở thực hành, do vậy tôi cũng mong muốn được áp dụng quy định này với các bệnh viện. Vì sinh viên trường cao đẳng Dược có thời gian thực hành ít, và đa số cũng thực hành ở các doanh nghiệp, hiệu thuốc nhiều hơn ở bệnh viện”.
Với chi phí đào tạo thực hành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương kiến nghị: “Vì Nghị định không quy định chi tiết mức phí các khoản đào tạo thực hành nên rất khó khi nhà trường tính toán chi phí để gửi cho cơ sở thực hành. Như đã nói, các cơ sở liên kết với trường chúng tôi chưa yêu cầu trả phí đào tạo thực hành, nhưng về lâu dài, vấn đề này là cần thiết. Do đó, cần có thêm khoản quy định chi tiết từ tiền chi trả cho giảng viên, cơ sở vật chất, vật tư thực hành tiêu hao… để tạo sự thống nhất thực hiện giữa các đơn vị”.
Cán bộ bệnh viện khó đảm bảo tham gia giảng dạy 50% chương trình
Tương tự như với Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, hiện nay, việc thực hiện chi trả chi phí đào tạo cho cơ sở thực hành theo hợp đồng chi tiết được quy định trong Nghị định 111 vẫn chưa được thực hiện tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh.
Thầy Trần Xuân Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Xuân Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho biết, mối quan hệ giữa viện – trường luôn được duy trì tốt, do vậy đến nay hai bên trên cơ sở giúp đỡ nhau và không thu phí sinh viên đến thực tập.
“Nhà trường sẽ chi trả chi phí giảng dạy thực hành cho giảng viên theo giờ, giảng giờ nào sẽ tính tiền giờ đó. Sau này, khi các bệnh viện tự chủ, nếu bệnh viện yêu cầu nhà trường trả tiền đào tạo thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện theo yêu cầu của bệnh viện”, thầy Thắng cho hay.
Ngoài ra, theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh, hiện khó khăn liên quan đến thực hiện Nghị định 111 tại trường là quy định về thời lượng giảng dạy.
Cụ thể, tại điểm e khoản điều 9 Nghị định 111/2017/NĐ-CP quy định “tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành”.
Thực tế cán bộ bệnh viện công việc rất nhiều, do đó để thực hiện theo đúng tỷ lệ thời gian giảng dạy của Nghị định 111 gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, thầy Trần Xuân Thắng cho biết, nhà trường sẽ chủ động lên thời gian biểu học từng tuần và liên hệ cán bộ bệnh viện sắp xếp thời gian giảng dạy phù hợp.
Phân biệt trường công, trường tư trong thực hiện NĐ 111 là chưa đúng Luật GDĐH
Thực hiện Nghị định 111, cơ sở đào tạo sức khỏe mong có định mức chi phí thay vì tự thỏa thuận với cơ sở thực hành như hiện nay.
Sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 5/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe cũng bộc lộ những mặt hạn chế, khiến một số cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở thực hành gặp khó khăn.
Một trong số đó là việc không có định mức chi phí đào tạo thực hành cụ thể nên gây khó cho cơ sở đào tạo, đặc biệt là những trường không có cơ sở thực hành trực thuộc trong trường.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, vị Phó Hiệu trưởng của một trường cao đẳng đào tạo về y khoa ở miền Bắc đã chỉ ra những khó khăn, cũng như đề xuất biện pháp tháo gỡ, tạo hiệu quả thực hiện Nghị định 111.
Sinh viên được tăng thực hành, tăng cơ hội đầu ra nhờ Nghị định 111
Theo chia sẻ của vị này, kể từ khi nhà trường đưa vào triển khai Nghị định số 111/2017/NĐ-CP đã có những điểm thuận lợi vượt trội trong quá trình đào tạo khối ngành sức khỏe.
Ảnh minh họa: nguồn: Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh
"Có thể nói, Nghị định 111 được ban hành đã tạo ra cơ sở pháp lý để các trường đào tạo khối ngành sức khỏe cũng như cơ sở thực hành tăng hiệu quả phối hợp do khai thác được nguồn nhân lực đôi bên", vị Phó Hiệu trưởng khẳng định.
Theo vị Phó Hiệu trưởng, trước đây, khi chưa có Nghị định 111, nhà trường chủ yếu dạy chương trình lý thuyết, có thực hành nhưng ít, kém chuyên nghiệp. Sinh viên chỉ "thu gọn" trong phòng thực hành của trường; thiết bị, cơ sở vật chất thực hành không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu và chất lượng đào tạo.
"Nghị định 111 tạo cơ sở để các trường được liên hệ với các cơ sở thực hành, tạo môi trường trao đổi sinh viên tham gia trải nghiệm, học chuyên môn nhiệm vụ trực tiếp tại bệnh viện. Sinh viên được "cầm tay chỉ việc", tránh lý thuyết suông, kém kỹ năng hành nghề, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Bệnh viện cũng có bác sĩ tham gia giảng dạy cho sinh viên của trường nên đây là tác động qua lại đôi bên. Bác sĩ thông qua giảng dạy sẽ nâng cao trình độ chuyên môn, học thuật. Các cơ sở thực hành được bổ sung thêm nguồn nhân lực do có sự tham gia của thầy, trò từ các cơ sở đào tạo, giúp bệnh viện chọn được những sinh viên có kỹ năng, phẩm chất tốt, mở rộng nguồn tuyển nhân lực.
Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Vị Phó Hiệu trưởng khẳng định, một bên là đào tạo lý thuyết, một bên là đào tạo thực hành, trực quan sinh động nên quá trình thực hiện Nghị định 111 sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm như thế nào để khai thác hiệu quả thế mạnh của các bên.
"Về mặt chính sách, Nghị định 111 nhìn chung là tốt. Tốt ở chỗ đội ngũ nhân lực có trình độ, trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các cơ sở y tế đáp ứng đủ nhu cầu thực hành.
Song, khi nhà trường gửi sinh viên sang thực tập, chi phí thực hành được tính như thế nào lại là điểm khó", vị này chia sẻ vướng mắc.
Phó Hiệu trưởng cho hay, khó khăn thứ nhất là các bệnh viện chủ yếu đã hoặc đang chuyển mình hoạt động theo cơ chế tự chủ.
"Thực hiện Nghị định 111, cơ sở đào tạo gặp khó khi xây dựng hợp đồng tài chính với cơ sở thực hành. Hiện nay, đa phần các trường và cơ sở đào tạo thực hành chỉ xây dựng hợp đồng trên tinh thần tự thỏa hiệp với nhau.
Trường phải căn cứ vào định mức quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở thực hành thế nào thì mới cùng xây dựng hợp đồng tài chính giữa đôi bên. Điều này càng khó khăn hơn khi các bệnh viện thực hiện tự chủ và không có mức thu quy định chung", Phó Hiệu trưởng chia sẻ.
Khó khăn thứ hailà liên quan đến quy định liên kết giữa các cơ sở đào tạo với bệnh viện.
Quy định tại Nghị định 111 là trường công lập thì liên hệ với bệnh viện công lập, còn trường tư thục thì liên hệ với các bệnh viện tư (trong việc đào tạo thực hành). Theo vị Phó Hiệu trưởng, quy định này không chỉ chưa đúng với Luật Giáo dục Đại học và chính sách xã hội hóa giáo dục mà còn cứng nhắc, khiến quá trình thực hiện gặp khó.
"Trường công hay trường tư thì đều thực hiện một mục tiêu là đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các trường công hay tư hoạt động đúng theo các quy định của Luật và các văn bản dưới Luật, không nên áp đặt trường công thì liên hệ với bệnh viện công trong đào tạo thực hành và ngược lại", vị này chia sẻ.
Giả sử, trường tư thục đào tạo y khoa đạt chất lượng tốt, thì việc gửi sinh viên về bệnh viện công vẫn đảm bảo tốt yêu cầu thực hành. Hệ thống trường công gửi sinh viên về các bệnh viện tư nhân tham gia thực hành cũng không có vấn đề gì. Miễn thỏa mãn điều kiện là trường đào tạo và cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu đào tạo, thực hiện đúng theo khung chương trình, quy định của Luật, và các văn bản dưới Luật.
"Trường đào tạo y khoa thuộc hệ công lập hay tư thục thì đều có thước đo, quy định chung về khung chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và các hoạt động liên quan đến đào tạo một khóa học với mục tiêu chung là cung cấp nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Do đó, việc phân biệt trường công, tư là không hợp lý", Phó Hiệu trưởng nói.
Khó khăn thứ ba là thực tế khi xây dựng các bệnh viện, đa số chỉ tính định mức sử dụng là khám chữa bệnh, chứ không có nội dung đào tạo thực hành cho sinh viên (vì các bệnh viện hầu hết được xây dựng trước năm 2017 thời điểm Nghị định 111 ban hành).
Do vậy, việc đào tạo thực hành cho sinh viên chưa được bài bản, chưa chú trọng và chưa được coi là nhiệm vụ của bệnh viện.
Mong có định mức chi phí linh hoạt
Trước những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 111, vị Phó Hiệu trưởng cho biết cần có giải pháp, sửa đổi, bổ sung một số quy định để cơ sở đào tạo cũng như cơ sở thực hành thuận lợi triển khai.
Một là, cần xem xét lại quy định tại Mục b, Điều 10 của Nghị định 111.
Yêu cầu: có 20% giảng viên dạy chương trình thực hành phải là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở thực hành bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề, rất khó đối với các trường.
Hay nói cách khác, nhiều trường không có đủ đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu này theo Nghị định 111.
Hai là, cần có hướng dẫn xây dựng định mức chi phí đào tạo thực hành.
Vấn đề này chưa có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành xây dựng định mức chi phí cho quá trình thực tập, thực hành tại bệnh viện. Nhất là những cơ sở đào tạo không có cơ sở thực hành trực thuộc trong trường.
"Mong mỏi của các cơ sở đào tạo cũng như các cơ sở thực hành là làm thế nào để có mức quy định chung, hoặc xây dựng sườn chung để định hướng cho các trường, các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để vận dụng cho linh hoạt".
Tại Điểm 1, Khoản 1, Điều 15 của Nghị định 111 nêu rõ về Quyền và trách nhiệm của cơ sở giáo dục như sau:
Cơ sở giáo dục được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành là giảng viên cơ hữu trong các trường hợp:
Cơ sở giáo dục công lập được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này là giảng viên cơ hữu nếu đã được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên tại cơ sở giáo dục;
Cơ sở giáo dục ngoài công lập được kê khai người giảng dạy thực hành của cơ sở thực hành ngoài công lập thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này là giảng viên cơ hữu nếu đã được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp bộ môn trở lên tại cơ sở giáo dục;
Một người chỉ được kiêm nhiệm và kê khai là giảng viên cơ hữu tại một cơ sở giáo dục; không áp dụng quy định này với các cơ sở thực hành của lực lượng vũ trang.
Trường đại học đào tạo y dược gặp khó trong chi trả các khoản chi phí thực hành Phó Giáo sư Trần Viết An cho rằng, cần có Thông tư hướng dẫn về mức chi trả chi phí thực hành các khoản như: vật tư y tế, điện nước, quản lý phí thống nhất. Với trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe, Nghị định 111/2017 Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối...