Kiên Giang: Nuôi đủ thứ cá đặc sản to bự dưới biển, dân khá giàu
Mấy năm gần đây ngư dân, ở các huyện đảo như Phú Quốc, Kiên Lương và Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang khá giả lên, đa số bà con đều sống bằng nghề nuôi cá bớp tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có gần 3.000 lồng bè nuôi cá các loại trên biển thu hoạch đạt sản lượng trên 1.400 tấn chủ yếu thả nuôi các loại cá mú, cá bớp tập trung chủ yếu trên vùng biển Phú Quốc và đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải.
Mô hình nuôi cá bớp trong lồng bè trên biển được người dân chọn nuôi nhiều nhất so với các loại khác như cá bóng mú, bóng cọp, bóng sao và chim trắng… Để không bị động nguồn con giống nhất là cá bớp người dân đã sử dụng con giống sinh sản nhân tạo, đa phần nuôi đã đem lại hiệu quả cao.
Anh Phan Văn Lưu, ở ấp An Cư, xã An Sơn, huyện Kiên Hải đầu tư 9 lồng bè nuôi cá bớp khoảng 1.400 con. Cá bớp nuôi trong vòng 9 – 10 tháng đạt trọng lượng 6 – 8 kg/con. 9 bè nuôi cá bớp (khoảng 15 m2/bè) của gia đình anh Lưu mỗi năm cho thu nhập 250 – 300 triệu đồng.
Thức ăn của cá bớp chủ yếu là các loại cá con, cá tạp được đánh bắt ngoài thiên nhiên. Để cá bớp nuôi cho năng suất cao, yếu tố quan trọng là nguồn con giống phải khỏe, giúp cá ít bệnh và nuôi mau lớn.
Hiện cá bớp giống được bán giá 200.000 – 220.000 đồng/con; tuy nhiên hiện nay do nghề nuôi cá bớp phát triển mạnh nên giá cá bán tại bè cho thương lái từ 140.000 – 160.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ); giá cá xuất sang thị trường Trung Quốc có thời điểm đạt khoảng trên 200.000 đồng/kg.
Video đang HOT
Ngành nông nghiệp Kiên Giang đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi cá biển công nghiệp sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biển.
Theo Ngọc Trinh (Tạp chí Thuỷ sản)
Mang loài "thủy quái" nhốt lồng trên sông Lô, nuôi không kịp để bán
Anh Vũ Tuấn Công, thôn Ba Luồng, xã Thái Hóa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đang nuôi 4 lồng cá chiên đặc sản (nhiều người gọi vui là thủy quái) trên sông Lô cho biết, so với nhiều loại vật nuôi khác thì nuôi cá chiên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bởi, cá chiên được xếp vào nhóm cá "ngũ quý hà thủy" (cá chiên, cá lăng, cá rầm xanh, cá anh vũ, cá bỗng). Với giá trên thị trường hiện nay dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/kg, mỗi một lồng cá gia đình thu khoảng từ 50 - 60 triệu đồng...
Anh Công cũng chia sẻ thêm, nuôi cá lồng có nhiều ưu điểm như, có thể tận dụng được diện tích mặt nước tự nhiên, vật liệu làm lồng cá dễ kiếm, dễ làm, kỹ thuật nuôi đơn giản. Trong thôn hộ nào có điều kiện thì làm lồng bằng khung sắt, lưới và phao nhựa, hộ nào ít vốn thì tận dụng những cây tre hoặc ống nhựa để làm lồng. Mỗi lồng có thể thả khoảng 100 con cá chiên, mỗi lứa nuôi từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2 kg thì có thể xuất bán.
Người dân tham quan Hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Còn gia đình ông Đặng Hoài Hưng, tổ 7, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang đang nuôi 20 lồng cá các loại; trong đó chủ yếu là cá chiên, cá lăng... trên sông Lô, mỗi năm cho thu hơn 300 triệu đồng.
Ông Hưng cho biết, cá chiên và cá lăng là loài khá dễ nuôi, ít bị bệnh. Mỗi lứa nuôi từ 1 năm đến năm rưỡi, khi cá đạt trọng lượng trung bình từ 1,5 đến 2 kg/con có thể xuất bán.
Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh ở Tuyên Quang đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng nguồn lợi từ điều kiện tự nhiên, đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề phát triển ở nông thôn. Đặc biệt, thu nhập từ nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyên Văn Viêt, Quyền Giam đôc Sơ NN&PTNT tinh Tuyên Quang cho biết, nhằm phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết hướng tới nuôi cá đặc sản hàng hóa, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách cho vay vốn phát triển cá đặc sản để khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô, phát triển mạnh số lượng lồng nuôi cá đặc sản trên sông, hồ thủy điện.
Đặc biệt định hướng phát triển lồng nuôi cá đặc sản có kích thước lớn (trên 100 m3) và xác định đây là bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương và duy trì thương hiệu "ngũ quý" cá đặc sản của tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang thực hiện dự án nghiên cứu, lưu giữ, xây dựng khu vực bảo tồn và phát triển các giống cá quý hiếm của địa phương có sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Tỉnh cũng thực hiện đề tài nghiên cứu và ứng dụng sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm các loại cá đặc sản để bảo tồn quỹ gen quý hiếm của quốc gia; tiếp tục đầu tư xây dựng Trại sản xuất giống thủy sản tại huyện Na Hang để cung cấp con giống cho các hộ nuôi .
Tận dụng chiều dài 255km sông chạy qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài 255 km, những năm qua người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm đã phát triển nuôi cá lồng đặc sản.
Nuôi cá lồng trên sông Lô, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Theo thống kê, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 1.087 lồng nuôi cá; trong đó 286 lồng nuôi cá đặc sản (cá chiên, lăng, bỗng...), tập trung ở các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang.
Với giá thành cao trung bình từ 450.000 - 500.000 đồng/kg cá, nuôi cá lồng đặc sản đang giúp người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm tỉnh Tuyên Quang nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có hơn 9 km sông Lô chảy qua địa bàn xã, tận dụng điều kiện thuận lợi này, năm 2006, một số hộ dân trong xã đã tổ chức nuôi cá lồng.
Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nuôi cá lồng với 135 lồng cá, tập trung chủ yếu ở 5 thôn: Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long để khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng.
Đặc biệt, năm 2016, hợp tác xã chăn nuôi cá đặc sản Thái Hòa đã được thành lập và sản phẩm cá chiên của hợp tác xã đã được công nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP).
Anh Đặng Hoài Hưng, tổ 7, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, cho cá ăn. Ảnh: Quang Đán - TTXVN.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với phương châm "mỗi xã một sản phẩm" xã Thái Hòa chọn xây dựng thương hiệu cá Chiên Thái Hòa là sản phẩm thủy sản mũi nhọn của địa phương.
Tỉnh Tuyên Quang tập trung nâng cao chất lượng con giống bảo đảm sạch bệnh, chất lượng tốt, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Khuyến khích các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản đạt chất lượng; trong đó khuyến khích các hộ nuôi thủy sản, sử dụng máy chế biến thức ăn nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Tập trung xây dựng thương hiệu cho các loại cá đặc sản; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô, sông Gâm trở thành ngành kinh tế hàng hóa quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.000 tấn; trong đó gần 800 tấn cá đặc sản. Đặc biệt, đến năm 2025 sẽ đạt gần 10.000 tấn; trong đó cá đặc sản là gần 1.500 tấn; đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.714 tấn; trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.144 tấn.
Theo Vũ Quang Đán (TTXVN)
Xuống sông Gâm nuôi toàn cá đặc sản, ngon nức tiếng, dân khá giả Từ xa xưa, dòng Gâm được biết đến là nơi cư ngụ của 5 loài cá: Dầm xanh, anh vũ, bỗng, chiên và lăng. Tận dụng chiều dài hơn 50 km sông chạy qua địa bàn, những năm qua, UBND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã quy hoạch phát triển vùng chuyên nuôi cá lồng trên sông Gâm, mang lại thu nhập khá...