Kiên Giang: Cụ bà 81 tuổi gần 20 năm đưa đón học sinh từ nhà đến trường
Khoảng năm 2000, thấy các cháu nhỏ một mình đến trường không an toàn, cụ Phan Thị Hai (81 tuổi, xã đảo Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) lặng lẽ vào các con hẻm đón từng học sinh, xếp thành hàng dọc đưa các cháu đến trường, sau đó bà dẫn các cháu về tận nhà. Trên đường đi học, bà Hai dạy các cháu nhiều điều hay, mua quà bánh cho các cháu.
18 năm lặng lẽ dẫn các cháu đến trường
Xã Sơn Hải là xã đảo nằm trong quần đảo Bà Lụa, thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Cuộc sống bà con xã đảo 5-7 năm trước gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống người dân phấn khởi, kinh tế phát triển, đường giao thông, trường học, trạm y tế… được Nhà nước đầu tư, nâng cấp đáng kể.
Đối với người dân xã đảo Sơn Hải (xã có 42 Hòn và trụ sở UBND xã đặt tại Hòn Heo) chứng kiến bao thay đổi nhưng hình ảnh một phụ nữ và nay là một cụ bà lặng lẽ vào sâu các con hẻm dẫn từng cháu học sinh đến trường hơn 18 năm qua là bà con trên đảo không sao quên được.
Hơn 18 năm nay, bà Phan Thị Hai dẫn các em học sinh từ lớp 1-5 từ nhà đến trường.
Ông Trần Văn Cam – Bí thư, trưởng ấp Hòn Heo cho biết: “Bà con trên đảo gần như ai cũng biết bà Hai, vì bà là một trong những người dân sống trên đảo lâu đời. Và hơn nữa, người dân biết đến bà là vì cách đây hơn 18 năm, bà Hai thấy tụi nhỏ một mình đến trường, bà lo chúng nó không an toàn vì xe cộ, lạc đường… Nên bà tự nguyện đến từng nhà dẫn các cháu đi học, hết giờ bà dẫn các cháu về giao lại cho phụ huynh”.
Anh Phan Văn Thuận – phụ huynh cháu Phan Kim Tuyền đang học lớp 1 trường Sơn Hải được bà Hai đưa đón đến trường mỗi ngày, vui vẻ cho biết: “Bà con trên đảo sống chủ yếu bằng nghề chài lưới hay nuôi trồng, khai thác thủy sản. Do vậy, nhiều gia đình không có điều kiện, thời gian đưa con cái đến trường. Từ khi có bà Hai đến tận nhà đón các cháu đến trường, hết giờ học, bà dẫn các cháu về nhà, bà con chúng tôi biết ơn bà Hai nhiều lắm”.
Các em học sinh di chuyển theo một hàng dọc, em học sinh học lớp lớn sẽ được bà Hai bố trí đứng đầu hàng, còn bà Hai là người đi sau cùng
Anh Thuận và nhiều phụ huynh khác cho biết, các cháu rất quý trọng bà Hai. Vì bà Hai không chỉ dẫn các cháu đến lớp mà trên đường đi, bà Hai dạy các cháu rất nhiều điều hay, nhất là biết lễ phép với người lớn, vâng lời thấy cô. Trên đường đi, các cháu khát nước, bà Hai mua nước cho uống, mua bánh cho ăn…Còn đứa nào lười học, nghịch ngợm, phụ huynh cũng nhờ bà Hai dạy bảo.
“Không bỏ được nghề dẫn con nít đi học”
Bà Hai kể, trong hàng trăm học sinh bà dẫn đi học, hiện nay nhiều đứa đã 19-20 tuổi, có đứa đã có vợ có chồng. Những dịp lễ tết, nhiều đứa đến thăm, bà chẳng nhớ đứa nào, đến khi nhắc lại những câu chuyện bà đến nhà dẫn đi học, mua cho cây viết, quyển sách hay bị bà véo tai khi đi không thẳng hàng… bà mới nhớ ra.
Bà Hai chia sẻ: “Tôi cũng có con nên khi thấy các cháu nhỏ một mình lủi thủi đến trường tôi lo lắm, vì thế năm nay đã 81 tuổi vẫn không bỏ được cái nghề dẫn con nít đi học. Tụi nhỏ thấy thương lắm, đa phần gia đình thuộc diện khó khăn, cha mẹ suốt ngày ngoài biển khơi, nếu không có ai đưa chúng nó đến trường, không nói cho chúng nó biết vì sao phải đi học thì sớm muộn tụi nó cũng bỏ học nửa chừng”.
Dù ở tuổi 81, lưng đã còm nhưng bà Hai vẫn chưa thể bỏ “nghề” dẫn con nít đi học
Hiện nay, buổi sáng bà dẫn 23 cháu, buổi chiều dẫn 14 cháu, từ lớp 1 đến lớp 5. Đối với nhóm buổi sáng, bà Hai phải dậy từ rất sớm và chia thành hai nhóm, sau khi đón và đưa các cháu nhóm 1 đến trường xong, bà quay lại đón nhóm hai đến trường. Bà đợi các cháu ăn sáng xong, vào lớp, bà mới về nhà. Đến tầm 10h30 bà Hai đến trường, đón các em về nhà. Đến buổi chiều bà Hai cũng có hai lượt đưa, đón học sinh như buổi sáng.
Cụ Phan Thị Hai hơn 18 năm đi bộ, dẫn hàng trăm em học sinh đến trường
Về cách tổ chức, khi đón các cháu đến trường bà Hai tổ chức theo “đội hình hàng dọc”. Nhưng khi đón học sinh, bà Hai là người đi đầu, còn lúc đưa học sinh về, bà Hai bố trí em học lớp lớn nhất đứng đầu hàng và bà Hai là người đi sau cùng. Bà Hai giao nhiệm vụ cho em học sinh đi đầu là tổ trưởng, quan sát và thuộc lòng đến đoạn nào có em học sinh phải rời hàng để vào nhà thì cho “lệnh” cả đội dừng lại. Sau khi bà Hai đưa em học sinh vào nhà xong, tổ trưởng cho “đoàn quân” tiếp tục di chuyển. Nếu tổ trưởng đến nhà, người đứng liền kề với tổ trưởng sẽ lên làm nhiệm vụ. Cứ thế, “đoàn quân” cứ đi trong trật tự, không em nào rời hàng, đùa giỡn và lần lượt bà đưa từng cháu một về nhà an toàn suốt 18 năm qua.
Khi dẫn các cháu về, bà tận tay giao các bé cho phụ huynh
Thầy Đoàn Văn Kiều – có hơn 18 năm dạy học trên xã đảo Sơn Hải (trường phổ thông cơ sở Sơn Hải), cho biết: “Không chỉ các em, phụ huynh mà chính những thầy cô chúng tôi cũng rất quý việc làm của bà Hai, vì việc bà Hai đang làm không đơn thuần chỉ có đảm bảo an toàn cho các cháu đến trường mà còn mang ý nghĩa cùng với thầy cô và những người làm công tác giáo dục động viên các cháu đến trường, ngăn ngừa tình trạng học sinh bỏ học, nhất là những vùng khó khăn như biên giới, hải đảo như Sơn Hải”.
Trước khi chia tay bà Hai, chúng tôi hỏi phần thưởng của bà bao năm qua cho việc dẫn hàng trăm em học sinh đến trường là gì? Bà Hai cười móm mém cho biết, phần thưởng là bao năm qua ông trời cho sức khỏe tốt. Còn phụ huynh dành cho bà những lời cám ơn chân tình kèm những con cá, mớ rau để ăn hàng ngày.
Nguyễn Hành
Theo Dân trí
Anh: Thầy cô có ảnh hưởng lớn thứ 3 trong cuộc đời mỗi người
Một nghiên cứu tại Anh mới đây cho thấy, các thầy cô giáo có tầm ảnh hưởng lên cuộc đời mỗi người chỉ sau cha mẹ và bạn bè.
82% những người tham gia khảo sát do chiến dịch "Get Into Teaching" thực hiện cho biết, giáo viên rất hoặc khá ảnh hưởng lên cuộc đời của các học sinh.
56% người tham gia khảo sát đồng tình rằng, các thầy cô giáo mang đến ảnh hưởng lâu dài và tích cực trong cuộc đời họ.
36% trong tổng số 3.000 người ở độ tuổi trên 16 tham gia khảo sát được thực hiện tại Anh đồng tình rằng trường học, đại học là một trong những môi trường có ảnh hưởng lớn nhất lên cuộc đời của họ - chỉ sau gia đình (58%) và môi trường làm việc (40%).
Đặc biệt, với nhóm người trong độ tuổi 16-23, con số những người đồng tình về tầm quan trọng của nhà trường tăng lên tới 49%, trong khi chỉ có 12% chọn người nổi tiếng hay văn hóa đại chúng.
Nhìn chung, người nổi tiếng (được 59% người tham gia khảo sát lựa chọn) và những ảnh hưởng trên mạng xã hội (56%) vẫn phải nhường vị trí ảnh hưởng cho vị thế của cha mẹ, bạn bè và giáo viên.
62% người tham gia khảo sát cho biết, có từ 1-5 giáo viên đã gây ảnh hưởng lớn lao và giúp họ định hình nhân cách bản thân, 43% cho rằng giáo viên có nhiều ảnh hưởng lên họ nhất vào độ tuổi từ 13-15.
58% người tham gia khảo sát vẫn nhớ tên thầy cô mà họ yêu quý. 64% cho biết họ cảm thấy vô cùng biết ơn vì có ít nhất một thầy cô truyền cảm hứng và giúp họ trở thành bản thân của ngày hôm nay.
Ông Roger Pope - Phát ngôn viên chiến dịch Get Into Teaching, khẳng định kết quả khảo sát cho thấy giáo viên đã vượt qua sự kiểm nghiệm của thời gian trong việc định hình cuộc sống của người khác.
"Trong một thế giới hiện đại nơi ảnh hưởng của mạng xã hội và người nổi tiếng thường thu hút nhiều sự chú ý, thật thú vị khi nhận thấy cách cộng đồng nhìn nhận ảnh hưởng thực sự và lâu dài của các giáo viên. Các giáo viên là những người mà chúng ta chia sẻ rất nhiều thời gian và mang đến cho chúng ta sự tự tin và khuyến khích đạt được những thành quả kể từ khi chúng ta còn rất nhỏ", ông Pope nói.
56% người tham gia khảo sát đồng tình rằng, các thầy cô giáo mang đến ảnh hưởng lâu dài và tích cực trong cuộc đời họ, thúc đẩy họ tiến xa hơn và tin tưởng vào khả năng của bản thân.
Minh Hương
Theo PA
Giáo sư Pháp trao tặng 400 cuốn sách quý tới trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Ngày 12/11, Giáo sư Pháp David Camroux đã trao tặng gần 400 cuốn sách quý về các lĩnh vực học thuật chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quan hệ ngoại giao của Châu Âu tới trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội. GS David Camroux trao tặng sách tới GS.TS Phạm Quang...