Kiểm tra học kỳ II, ra đề học kỳ I ?
Ngày 15-4, nhiều học sinh và giáo viên dạy văn lớp 12 ở Bình Dương phản ánh Sở GD-ĐT tỉnh này vừa ra một đề kiểm tra học kỳ gây bất ngờ.
Theo phản ánh, trong đề kiểm tra học kỳ 2 môn văn của lớp 12 tổ chức ngày 14-4 có 3 câu nhưng không câu nào có liên quan đến chương trình học kỳ II mà chỉ liên quan đến các tác phẩm nằm trong chương trình học kỳ I như bài thơ Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo), Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)….
ảnh minh họa
Nhiều giáo viên dạy văn lớp 12 cho biết dù trước đó, họ đã được sở thông báo đề kiểm tra học kỳ II có thể có nội dung học kỳ I nhưng việc sở ra đề môn văn như trên khiến học sinh hoang mang dẫn đến làm bài không tốt. “Nội dung học kỳ I đã kiểm tra rồi giờ lại ra đề toàn nằm trong học phần cũ, như vậy là không khoa học, mất cân đối, thiếu tính trọng tâm, gây tâm lý bất lợi cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp và đại học tới” – một giáo viên tổ trưởng môn văn ở Bình Dương đánh giá.
Video đang HOT
Tối 15-4, trao đổi với phóng viên, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Dương, cho biết đề kiểm tra môn văn nằm trong chủ trương của sở là kiểm tra học kỳ II nhưng nội dung sẽ là chương trình học cả năm. Đây là năm đầu sở triển khai chủ trương này nhằm giúp học sinh tránh học tủ, qua đó chuẩn bị tốt hơn cho thi tốt nghiệp và đại học tới. Riêng việc học sinh và giáo viên bức xúc là do hiệu trưởng, giáo viên các trường không hướng dẫn, triển khai tốt chủ trương trên (!).
Theo Bưu Điện Việt Nam
Khối A ngành kinh tế áp đảo, khối C quá lèo tèo
Ngày 14/4, kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH,CĐ 2011, theo thống kê sơ bộ của nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A, nhất là ngành kinh tế vẫn chiếm áp đảo nhưng ngược lại khối C lại lèo tèo vài chục bộ.
Kết thúc ngày nhận hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ 2011, đồng loạt các phương tiện thông tin đại chúng đều thông tin phản ánh từ các trường THPT, Sở GD-ĐT trong Nam, ngoài Bắc về số lượng ĐKDT đông nhất vẫn là khối A và D, trong đó ngành kinh tế vẫn chiếm áp đảo nhất. Ở Hà Nội, học sinh dự thi đông nhất vào các trường ĐH Kinh tế quốc dân, Thương Mại, Học viện Ngân hàng, ĐH Điện lực, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Hà Nội...
Thí sinh không còn mặn mà với khối C do cơ hội việc làm ít
Ngược lại, khối C, số lượng hồ sơ ĐKDT lại rất ít, trong hàng nghìn bộ hồ sơ, chỉ có vài chục bộ đăng ký thi. Cụ thể, trường THPT Marie Curie - Hà Nội năm nay nhận được 1.200 bộ hồ sơ của 450 học sinh trong trường. Ông Lê Ngọc Lâm, cán bộ văn phòng của trường cho biết: "Lượng hồ sơ đăng ký chủ yếu vào khối A và D vào các trường ĐH Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Bách khoa, sau đó mới đến ĐH Ngoại thương, Thương mại. NV2 của học sinh chủ yếu đăng ký vào các trường ĐH Dân lập. Lượng hồ sơ khối C chỉ vài chục bộ, rất ít".
Tại trường THPT Yên Hòa, theo cô Đặng Thu Lan, cán bộ nhà trường cho biết: "Trường năm nay nhận được 1.500 hồ sơ ĐKDT ĐH,CĐ của học sinh nhưng số lượng hồ sơ dự thi vào khối C đếm được trên đầu ngón tay. Thí sinh chủ yếu thi vào trường Kinh tế Quốc dân và Thương mại".
Tương tự, tại trường THPT Đoàn Kết, nhận được 1.474 bộ hồ sơ nhưng lượng hồ sơ dự thi khối C chỉ nhiều hơn các khối ngành năng khiếu một chút. Kỷ lục, trường THPT Việt Đức, nhận được 2.200 bộ nhưng chỉ vẻn vẹn có 3 bộ hồ sơ khối C. Đặc biệt, tại phòng GD-ĐT, quận Hoàn Kiếm, trong 250 bộ hồ sơ nhận được không có bộ nào khối C.
Cô giáo Đặng Thu Lan, trường THPT Yên Hòa phân tích: "Nguyên nhân chính của việc thí sinh dự thi khối C ít cũng là điều dễ hiểu vì học sinh Hà Nội học phân ban nhiều. Số lượng học sinh học ban Tự nhiên nhiều hơn ban Xã hội. Thậm chí có trường không có ban Xã hội vì học sinh được quyền chọn ban học".
Tại sao thí sinh lại ĐKDT C ít? Không phải bây giờ mới xảy ra hiện tượng này mà từ nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây. Bởi vì thí sinh cũng đã thực tế hơn về việc làm sau khi ra trường với khối C hiện nay rất khó khăn như các ngành Văn học, Lịch sử, Thông tin - Thư viện, Công tác xã hội, Triết học, Chính trị học... Bên cạnh đó, thí sinh dự thi khối A và D, cơ hội xét tuyển cũng nhiều hơn khối C.
Kinh nghiệm nhiều năm tuyển sinh về số lượng thí sinh dự thi ít và tránh thiếu chỉ tiêu, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QG Hà Nội vài năm trở lại đây ngành nào cũng tuyển sinh 2 khối C và D, A. Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiều ngành cũng tuyển sinh cả 2 khối C và D. Tương tự, nhiều trường ĐH về xã hội khác cũng như vậy, mở thêm khối thi để "trống móm" thí sinh.
Theo thống kê năm 2010 của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 460.148 sinh viên đại học hiện nay thì sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn có 34.999 sinh viên (chiếm tỷ lệ 7,61%). Hệ CĐ còn ít hơn, trong tổng số 53.130 sinh viên, sinh viên nhóm ngành Xã hội nhân văn là 1.695 sinh viên (chiếm tỷ lệ 3,19%).
Theo Dân Trí
Nhóm ngành kinh tế dẫn đầu hồ sơ thi ĐH 2011 Tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH vào các trường ĐH, CĐ năm nay vẫn ghi nhận sự "lên ngôi" của nhóm các ngành kinh tế. Ngày mai, 14/4 là hạn chót nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường CĐ, ĐH theo tuyến Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều trường đã hoàn tất việc thu nhận hồ sơ...