Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Thực chất hay không?
Kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến có bảm bảo tính công bằng, chính xác và minh bạch như các kỳ thi trực tiếp là băn khoăn của nhiều chuyên gia cũng như phụ huynh, học sinh.
Tại Hội thảo “Dạy và học trực tuyến – Góc nhìn của giáo viên và nhà quản lý” vừa được iSMART Education tổ chức, TS Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc Đào tạo, Viện Phát triển Tài năng Quốc tế iTD Academy, chuyên gia đào tạo giáo viên của tổ chức INTESOL Worldwide, Vương quốc Anh, khẳng định Covid-19 đã tạo ra một hình hài mới cho giáo dục trong tương lai, đó là một nền giáo dục công nghệ. Học sinh có thể quay trở lại trường sau khi dịch bệnh lắng xuống, tuy nhiên, giáo dục trực tuyến vẫn sẽ trở thành hợp phần quan trọng trong mô hình giáo dục.
Chuyên gia khẳng định việc kết hợp các giải pháp công nghệ sẽ giúp kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến đáng tin cậy
Cũng chung quan điểm này, ông Phạm Văn Tuấn, Hiệu phó phụ trách chuyên môn cấp THCS, Hệ thống Giáo dục Alpha School khẳng định quan điểm trường học có thể đóng cửa, nhưng việc học thì không bao giờ được phép dừng. “Nhờ các giải pháp công nghệ mà Alpha đang dần chuyển sang trường học thông minh để có thể hoạt động trong mọi hoàn cảnh” – ông Phạm Văn Tuấn chia sẻ.
Bà Đoàn Hữu Nhật An, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều phương án như các trường chủ động dạy, nghiên cứu tất cả nền tảng để có thể dạy học online hoặc kết hợp vừa dạy học qua truyền hình, vừa dạy học online.
Thống nhất quan điểm học trực tuyến là xu hướng tất yếu, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít băn khoăn liên quan đến việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến. Làm thế nào để đánh giá trực tuyến đảm bảo khách quan, công bằng, đúng chất lượng đào tạo?
Giải đáp những băn khoăn này, ông Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc điều hành nền tảng dạy và học trực tuyến MegaSchool, đồng thời là Giám đốc điều hành Trường học thông minh 789 khẳng định, với khâu tổ chức, kết hợp với các giải pháp công nghệ, tính công bằng, chính xác và minh bạch của các kết quả thi cử trực tuyến rất cao và tin cậy, ngang với việc tổ chức thi trực tiếp, thậm chí còn cao hơn do hạn chế được lỗi chủ quan của con người.
Video đang HOT
“Ví dụ, khi học sinh làm bài thi và kiểm tra trực tuyến, công nghệ có đầy đủ các tính năng hỗ trợ như đếm giờ, ngắt giờ, ngắt kiểm tra, các câu hỏi còn thiếu trước khi nộp bài. Các chỉ định cho phép thí sinh được làm việc trên màn hình, mở ứng dụng khác, lập tức hệ thống cảnh báo hoặc phát tín hiệu dừng ngay cho giám thị” – ông Nghĩa cho hay. Chuyên gia này cũng trấn an rằng công nghệ chống gian lận với sự hỗ trợ của camera trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp kiểm tra đúng thí sinh đang dự thi, cảnh báo các hoạt động không phù hợp trong quá trình thi và toàn bộ quá trình làm bài của thí sinh cũng được ghi nhận trực tiếp trên hệ thống, hiển thị theo thời gian thực. Quá trình chấm bài được lưu tự động, đồng bộ với tất cả hệ thống quản lý nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực nếu có thể xảy ra.
Để dạy và học trực tuyến hiệu quả cao nhất, TS Nguyễn Thúy Hồng Vân cho rằng cần một sự đầu tư đủ lớn về mặt cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ và điều chỉnh chương trình dạy học hợp lý. Phần lớn giáo viên hiện vẫn chưa được hỗ trợ một công cụ dạy học trực tuyến đồng nhất, giúp cho họ tích hợp tất cả các bài giảng lại với nhau, các cơ sở dữ liệu về tài liệu học tập, học sinh và giáo viên cùng giao tiếp trên nền tảng đó…
“Tôi nghĩ cần phải có một nền tảng công nghệ và ứng dụng tốt cho giáo dục, một phần mềm All in one – tất cả trong một, mà trong đó tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu, hoặc tài liệu học tập giúp cho thầy và trò có thể phát huy tối đa tính tự chủ của người học” – TS Nguyễn Thúy Hồng Vân nêu.
Bà Đoàn Hữu Nhật An cũng thống nhất quan điểm cần có một nền tảng công nghệ cũng như một hệ thống chung hiệu quả, thân thiện, dễ sử dụng.
Ông Trần Trọng Nghĩa cho hay, đơn vị này đã đưa ra giải pháp trường học thông minh Mega School, phát triển kho nội dung số từ lớp 1 đến lớp 12 cũng như kho học liệu theo đúng phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Đây là kho học liệu rất lớn để hỗ trợ giáo viên, các nhà quản lý, nhà trường trong lúc ra đề kiểm tra, để tham khảo và trong công tác chuẩn bị thi…
Kiểm tra, đánh giá trực tuyến: Đa dạng hình thức, phù hợp thực tế
Trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài, kiểm tra đánh giá trực tuyến trở thành hình thức bắt buộc. Nhà trường, giáo viên đã chủ động bám sát quy định, áp dụng vào thực tiễn phù hợp.
HS huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trong giờ học trực tuyến.
Kiểm tra, đánh giá bằng bài thu hoạch, dự án
Tại các địa phương tổ chức dạy học trực tuyến, việc kiểm tra đánh giá là một trải nghiệm mới. Một trong những vấn đề giáo viên, phụ huynh quan tâm là làm sao để việc này được công bằng, khách quan và chất lượng.
Tại Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), việc kiểm tra, đánh giá học sinh được triển khai linh hoạt. Giáo viên, học sinh không bị áp lực mà còn hào hứng tham gia. Theo đó, các tổ bộ môn triển khai đánh giá thường xuyên bằng nhiều hình thức như vấn đáp, làm bài qua các phần mềm, theo sản phẩm... Đặc biệt, một số bộ môn như Vật lý, Sinh học... thầy cô chủ động xây dựng bài kiểm tra theo dự án bằng cách quan sát sự sinh trưởng của cây, từ đó ghi nhận làm bài thu hoạch, chụp ảnh.
Theo thầy Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, nhà trường giao quyền chủ động cho các tổ bộ môn trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, nhưng phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, thực hiện theo đúng chủ trương của ngành. Nhà trường cũng yêu cầu công tác đánh giá học sinh phải có sự thống nhất giữa các thành viên trong tổ bộ môn với nhau.
Để tránh tình trạng mỗi giáo viên, lớp kiểm tra, đánh giá khác nhau, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có cách làm thống nhất. Thay vì giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh trên hệ thống phần mềm, các thành viên trong mỗi tổ xây dựng kế hoạch và thống nhất về hình thức để tạo sự công bằng trong đánh giá, điểm số học sinh.
"Để tránh tình trạng lớp này chấm điểm kiểu này, lớp kia lại theo kiểu khác, chúng tôi yêu cầu tổ phải thống nhất về hình thức kiểm tra chung để tạo sự công bằng cho các em. Học sinh không được đến trường và phải học trực tuyến tại nhà đã là một thiệt thòi lớn. Nếu giáo viên đánh giá không khách quan và công bằng sẽ tạo thêm áp lực cho các em", cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, chia sẻ.
Trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài, kiểm tra đánh giá trực tuyến trở thành hình thức bắt buộc.
Thay đổi để thích ứng
Theo chia sẻ của các giáo viên, để kiểm tra, đánh giá trực tuyến đạt chất lượng, công bằng thì nhà trường, giáo viên và học sinh phải thay đổi. Trước hết, giáo viên thay đổi một số hình thức đánh giá theo cách cũ. Nhà trường cũng không nên quá chú trọng vào điểm số học sinh, thay vào đó cần hướng đến đánh giá khả năng hiểu bài và mức độ vận dụng kiến thức để làm bài của các em. Đây cũng là cơ sở để giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học sau khi học sinh đi học trở lại.
Ngoài ra, để bảo đảm tính công bằng, khách quan, giảm thiểu gian lận trong kiểm tra, đánh giá cần thực hiện bằng cả hai hình thức là đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, hướng đến mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Theo bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, đối với lớp 1, lớp 2 không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian học tập trực tuyến hoặc học qua truyền hình. Tuy nhiên, giáo viên chú ý theo dõi tình hình học tập của từng học sinh theo giai đoạn để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng khi học sinh trở lại trường học tập trực tiếp. Đối với lớp 3, 4, 5, giáo viên có giải pháp khác nhau để ghi nhận, đánh giá được kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của từng học sinh.
Cụ thể, bài kiểm tra trên hệ thống dạy học trong môi trường Internet hoặc ghi nhận thông qua quá trình dạy học, trao đổi, đặt câu hỏi cho học sinh trả lời. Các bài tập được xây dựng đa dạng, nhiều hình thức khác nhau, bao gồm trắc nghiệm và tự luận. Giáo viên lưu đầy đủ minh chứng quá trình dạy học, đánh giá thường xuyên hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh để làm cơ sở đánh giá định kỳ trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, không gây áp lực về đánh giá, không gây căng thẳng cho học sinh.
Nhờ chủ trương trên, nhiều giáo viên đã linh hoạt công tác đánh giá học sinh theo phương pháp tự học, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức để tham gia các hoạt động trò chơi, ứng dụng phần mềm... Những đổi mới này đã đem lại hiệu quả, đồng thời giúp học sinh thích thú.
Để giờ học online trở nên thú vị và đạt hiệu quả như mong muốn, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn - Giáo dục công dân, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tận dụng những ứng dụng, phần mềm thiết kế câu hỏi đố vui, trò chơi... giúp học sinh học tập, đồng thời tạo tâm lý hứng thú.
Đồng thời, cô thay đổi một số phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh qua hình thức học online. Với chủ đề bài học tương đối dễ và đơn giản, cô sử dụng đánh giá tại chỗ để kiểm tra mức độ hiểu bài của các em. Một số ứng dụng như Azota, Pallet... được cô sử dụng, vừa để các em làm bài tập và cũng là hình thức để đánh giá năng lực thực chất. Những bài giảng dài, lượng kiến thức nhiều, cô thiết kế hình thức dạy học theo dự án...
"Học sinh học và được giao bài tập theo chủ đề, yêu cầu rõ nội dung cần làm và thời hạn nộp bài trong vòng 5 - 7 ngày. Giáo viên sẽ phân nhóm, làm bài theo từng chủ đề khác nhau và thời hạn nộp bài ít nhất là 7 ngày để các em có thời gian trao đổi, hợp tác. Hình thức đánh giá này dễ áp dụng, đặc biệt phù hợp với học sinh ở vùng nông thôn không có điều kiện tiếp xúc nhiều với công nghệ, lượng thông tin tiếp cận còn ít", cô Hằng chia sẻ.
Thầy cô có thể tự thiết kế bài tập để đánh giá kết quả học tập học sinh tại lớp học trực tuyến. Hình thức này giống như một trò chơi, mang tính chất nhẹ nhàng, đúng mức độ tiếp thu bài, giúp các em hứng thú hơn. Bên cạnh đó, giáo viên có thể thêm phần tuyên dương học sinh hoàn thành bài sớm nhất và đúng nhất để khích lệ tinh thần, cho điểm cộng. Những em chưa được tuyên dương sẽ lấy đó làm mục tiêu để cố gắng hơn. - Cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ).
"Choáng" với thi, kiểm tra giữa kỳ trực tuyến Nhà trường chủ động các hình thức kiểm tra, đánh giá nên có tình trạng mỗi trường tổ chức kiểm tra giữa kỳ mỗi kiểu Anh Thanh, phụ huynh của học sinh (HS) một trường THCS tại quận 1, cho biết con mình có lịch kiểm tra dày đặc, thậm chí là kiểm tra cả môn thể dục. Lịch kiểm tra dày đặc...