Kiểm tra, đánh giá giữa kỳ: Khó khăn và giải pháp
Tùy theo tình hình đội ngũ thực tế, các trường học được trao quyền chủ động trong bố trí GV dạy các môn học mới Lịch sử – Địa lý và KHTN.
Giờ học của học sinh lớp 7A, Trường THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).
Ngoài phương án bố trí một giáo viên đảm nhận dạy toàn bộ môn học, nhiều trường lựa chọn phương án có từ 2 – 3 giáo viên phối hợp với nhau để dạy cùng một môn. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá vì vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Bám sát ma trận đề
Trước khi xây dựng đề kiểm tra giữa kỳ II môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, giáo viên khối 6 – 7 của Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã họp để thảo luận cấu trúc đề theo lượng nội dung kiến thức từng phân môn đã dạy – học. Cô Trần Thị Mai, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên – cho biết: Với khối lớp 6, đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, chương trình học mới chỉ có nội dung kiến thức liên quan đến phân môn Vật lý và Hóa học. Ở lớp 7, các chuyên đề mới tập trung vào nội dung kiến thức môn Hóa.
Vì vậy, trong cấu trúc đề, theo cô Mai, giáo viên sẽ tính toán số lượng câu hỏi, tỷ lệ điểm dựa trên kiến thức phân môn theo chủ đề. Ví dụ như chủ đề 1, phân môn Vật lý có 8 tiết, sẽ nhân với thang điểm 10 rồi chia cho tổng số tiết cả năm của môn để tính trọng số. Ngoài ra, có thêm tỷ lệ cân đối giữa câu hỏi trắc nghiệm và bài tập, chẳng hạn có thể dành 4 điểm cho trắc nghiệm. Môn nào có số lượng tiết học nhiều hơn thì gồm câu hỏi ở mức vận dụng cao nhằm phân hóa học sinh.
Trường THCS Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) xây dựng cấu trúc đề kiểm tra, đánh giá dựa vào số tiết của từng phân môn để thiết kế số câu hỏi và tỷ lệ điểm số cho phù hợp. Chẳng hạn, môn Sinh có 2 tiết một tuần, môn Vật lý và Hóa học, mỗi môn có 1 tiết/tuần thì số câu hỏi môn Sinh học sẽ chiếm 50% điểm số, với điểm tối đa là 5. Môn Vật lý và môn Hóa học chiếm 50% số điểm còn lại, trong đó, mỗi môn tối đa là 2,5 điểm. Cả 3 giáo viên sẽ phối hợp để ra đề kiểm tra.
Thầy Mai Quang Huy, Tổ trưởng Tổ Tự nhiên, Trường PTDTNT – THCS huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), cho biết: Đối với việc kiểm tra, chấm điểm của môn học Khoa học tự nhiên, 3 giáo viên dựa vào số tiết đã dạy và ngồi lại với nhau phân ra đề bài, để làm sao phổ điểm phù hợp với ma trận đề. “Đề kiểm tra được chúng tôi thiết kế chung trong một tờ đề. Sau khi học sinh làm bài, giáo viên thu về, phần của ai người đó chấm. Sau đó, giáo viên sẽ cộng điểm theo thang điểm 10″, thầy Huy thông tin.
Video đang HOT
Với đề kiểm tra môn Lịch sử và Địa lý, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) – chia sẻ: “Nội dung kiến thức cũng như các chủ đề được sắp xếp gồm 2 phần rõ ràng. Vì vậy, khi xây dựng số lượng câu hỏi của đề kiểm tra, giáo viên sẽ dựa trên tổng số tiết, phân môn nào có số tiết nhiều hơn thì khối lượng kiến thức sẽ tương ứng. Có thể tỷ lệ câu hỏi của các môn sẽ là 60 – 40 hoặc 50 – 50, tùy theo thực tế chương trình dạy – học cho đến thời điểm kiểm tra của từng khối lớp”.
Đây cũng là cách thức xây dựng đề kiểm tra của Trường PTDTBT THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam). Đề thi Khoa học tự nhiên sẽ có 20 câu, phân bố số lượng câu hỏi của mỗi phân môn tùy theo chương trình giảng dạy. Đề thi được sắp xếp theo từng phân môn, hết câu hỏi của môn này rồi mới đến môn khác để đảm bảo sự liền mạch tư duy cho học sinh khi làm bài.
Giờ học của thầy trò Trường TH&THCS thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa).
Khuyến khích câu hỏi liên môn
Đối với bài kiểm tra môn Lịch sử và Địa lý, học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) làm bài xong phân môn này, thu bài rồi mới làm đến đề của phân môn còn lại. Cô Nguyễn Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: “Chúng tôi tham khảo cách tổ chức thi môn tổ hợp của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để áp dụng. Vì vậy, sẽ có thêm 5 phút để thu bài sau mỗi phân môn. Học sinh làm bài kiểm tra trên 2 tờ giấy riêng biệt sẽ thuận lợi cho giáo viên khi chấm. Giáo viên phân môn nào sẽ nhận bài kiểm tra của phân môn đó để chấm, không phải chấm chung nên không mất thời gian chờ đợi”.
Thế nhưng, với môn Khoa học tự nhiên, đề kiểm tra lại không thể tách rời được như môn Lịch sử và Địa lý. Theo cô Trần Thị Mai, 3 giáo viên Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ ngồi lại để phối hợp chấm bài. “Đề được xây dựng chung, mỗi giáo viên sẽ chấm phần câu hỏi của phân môn theo barem điểm quy định. Sau đó, phân môn nào có số lượng tiết nhiều hơn, giáo viên sẽ đảm nhận luôn phần tổng hợp và vào điểm”.
Tiến độ vào điểm của giáo viên đáp ứng theo yêu cầu của nhà trường, thầy Phạm Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), thông tin đồng thời cho hay: Đối với việc chấm điểm, ban giám hiệu giao cho tổ trưởng chuyên môn giám sát. Tiến độ vào điểm cũng kịp thời, vì các thầy cô đã thống nhất với nhau từ khâu ra đề theo ma trận, thang điểm và đáp án bài thi.
Với đề kiểm tra giữa kỳ, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai khuyến khích những câu hỏi có tính tích hợp, liên môn. “Tuy nhiên, đến bài kiểm tra cuối kỳ, mỗi đề thi đều phải có câu hỏi mang tính chất liên môn, tích hợp. Điều này logic hơn vì đến cuối học kỳ I, dung lượng kiến thức các phân môn trong từng môn vừa đủ để giáo viên có những câu hỏi tích hợp. Câu hỏi liên môn sẽ có tính chất đánh giá, phân loại học sinh” – cô Nguyễn Thị Ngọc Anh khẳng định.
Nhận xét về điều này, cô Lê Thị Hoàng Chinh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (Đà Nẵng) – cho biết: “Việc kiểm tra, đánh giá đều dựa theo nội dung, các chủ đề mà học sinh đã học. Phòng GD&ĐT hướng dẫn nhà trường cần khuyến khích những câu hỏi mang tính chất tích hợp, liên môn, đúng với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Một nguyên lý, quy luật chung đều đã có nội dung liên môn rồi”.
Thầy Đàm Duy Tuấn, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Trung Hạ, nhấn mạnh: “Đối với những câu hỏi có độ phân hóa thì đưa vào phần tự luận. Như vậy, những câu hỏi mang tính chất phân loại trình độ học sinh thì không xây dựng theo phân môn, mà tích hợp cả 3 môn. Ví dụ: Vai trò của Oxy đối với cuộc sống và tự nhiên như thế nào, trong đó bao gồm cả kiến thức Hóa học, Sinh học và Vật lý”.
Dạy tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Còn nhiều trăn trở
Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 2 các trường triển khai dạy các môn tích hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.
Các môn học này sẽ thay cho các môn truyền thống trước đây là Lịch sử, Địa lý (Khoa học xã hội), Hóa học, Sinh học, Vật lý (Khoa học tự nhiên). Mặc dù các trường đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, song vẫn còn không ít khó khăn.
Mỗi nơi dạy một kiểu
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, môn Khoa học xã hội (KHXH) gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Môn Khoa học tự nhiên (KHTN) bao gồm các phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Tại Quảng Ngãi, các trường THCS vẫn đang phải dạy các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng lẻ đơn môn trước đây; đồng thời bố trí 2 - 3 giáo viên (GV) cùng đảm nhiệm. Không chỉ có GV dạy theo phân môn, mà học sinh cũng phải chuẩn bị vở, các yêu cầu riêng theo từng đơn môn. Do đó, hầu hết học sinh vẫn chưa có ý thức đó là môn học tích hợp, mà xem đó là 3 môn học riêng lẻ. Còn các GV dạy phân môn trong môn tích hợp sẽ phải phối hợp với nhau để dạy cùng một môn sao cho hợp lý.
Giáo viên dạy phân môn Sinh học lớp 6 tại Trường THCS Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi).
Năm học này, Trường THCS Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) có 311 học sinh lớp 6. Nhà trường phải bố trí 3 GV Vật lý, Hóa học và Sinh học cùng dạy môn KHTN lớp 6. Môn KHXH có 2 GV Lịch sử và Địa lý đảm nhiệm. Cô giáo Phan Thị Kiều Huyên, dạy môn Sinh học, Trường THCS Nghĩa An cho biết, GV chưa được đào tạo, bồi dưỡng dạy môn tích hợp, nên nhà trường phải phân công 3 GV cùng dạy môn KHTN. Nhà trường linh hoạt phân công thời khóa biểu theo từng chủ đề liên quan để dạy học phù hợp. Khi kiểm tra, đánh giá, GV sẽ dựa vào thời lượng của từng môn để phân bổ số câu hỏi và tỷ lệ điểm số cho phù hợp. "Ví dụ, môn Sinh học có 2 tiết/tuần, môn Vật lý và Hóa học mỗi môn có 1 tiết/tuần. Vì vậy, môn Sinh học sẽ chiếm 50% số điểm, với điểm tối đa là 5; môn Vật lý và môn Hóa học chiếm 50% số điểm còn lại, trong đó mỗi môn tối đa 2,5 điểm. Cả 3 GV cùng phối hợp để ra đề kiểm tra", cô Huyên nói.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) Võ Thành Nho, việc phân công GV các phân môn của môn KHTN dạy song song sẽ thuận tiện hơn. Trường phân công những GV được đào tạo Hóa - Sinh đảm nhận dạy 2 phân môn Hóa học và Sinh học. Những chủ đề mang tích tích hợp thì phân công GV có năng lực tốt đảm nhiệm. Đối với môn tích hợp, nhà trường định lượng tỷ lệ phần trăm của từng môn để quy ra số tiết.
Nếu như các trường THCS trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa dạy và học các phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học của môn KHTN theo hình thức song song, thì một số nơi khác dạy theo hình thức cuốn chiếu. Thầy giáo Phạm Văn Phương, dạy môn Hóa học, Trường THCS Nguyễn Tự Tân (Bình Sơn) cho biết, năm học trước, nhà trường phân công GV các phân môn của bộ môn KHTN dạy học song song, nghĩa là trong một tuần, các em được học các phân môn cùng lúc. Năm học này, trường dạy theo hình thức cuốn chiếu, tức là một phân môn sẽ được dạy trước cho đến khi kết thúc nội dung chương trình, sau đó, trường phân công GV của phân môn tiếp theo giảng dạy.
Nhà trường gặp khó
Theo các nhà quản lý giáo dục, việc phân công GV dạy các môn tích hợp liên môn theo hình thức song song hay cuốn chiếu đều gặp những khó khăn nhất định. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tự Tân Phạm Thị Minh Cẩm cho biết, nhà trường đang gặp khó khi triển khai dạy học môn tích hợp ở khối lớp 6 và 7. Bởi vì, đây là nội dung đòi hỏi GV phải được đào tạo liên môn, nhưng hầu hết GV chỉ được đào tạo và giảng dạy đơn môn. Do đó, trường phải bố trí nhiều GV cùng tham gia dạy môn tích hợp liên môn. Việc kiểm tra, đánh giá đối với môn KHTN cũng phức tạp hơn, khi một bài kiểm tra nhưng 3 GV phải cùng xây dựng đề, phân chia tỷ lệ câu hỏi cho từng phân môn tương ứng với lượng kiến thức các em đã học. Sau đó, cả 3 GV cùng tham gia chấm bài và thống nhất điểm.
Giáo viên và học sinh Trường THCS Nguyễn Tự Tân (Bình Sơn) trong giờ học.
"Một GV không thể dạy 3 môn cùng lúc, vì chuyên ngành đào tạo của thầy, cô giáo chỉ đơn môn. Hơn nữa, mỗi GV phải thực hiện cùng lúc 2 Chương trình Giáo dục phổ thông mới và Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành; trong đó, lớp 6, 7 sẽ được dạy theo chương trình mới. Vì vậy, có những tuần, GV phải dạy hơn 20 tiết, nên gặp áp lực về soạn giáo án và sức khỏe không đảm bảo", cô Cẩm chia sẻ.
Thầy giáo Phạm Văn Phương cho rằng, việc dạy học theo hình thức cuốn chiếu sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức của môn học được liền mạch hơn. Tuy nhiên, hình thức này cũng gây nhàm chán cho học sinh, vì phải học dồn kiến thức một môn trong cả tuần và kéo dài đến khi hết thời lượng của môn học đó. Như môn KHTN có 4 tiết/tuần và cả 4 tiết này các em phải học một phân môn. Sau đó, các em sẽ học phân môn tiếp theo từ 1 - 2 tháng.
Giao quyền tự chủ cho các trường
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến các đơn vị, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường căn cứ điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ GV để chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch dạy các môn học, bảo đảm tính khoa học, tránh gây áp lực cho cả GV và học sinh.
Kiểm tra, đánh giá giữa kỳ: Trải nghiệm lần đầu với môn Nghệ thuật Nhiều trường THPT đã tổ chức kiểm tra giữa kỳ, trong đó môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) gồm cả lý thuyết kết hợp thực hành. Thầy Ngô Xuân Tùng hướng dẫn học sinh làm bài tập môn Mỹ thuật. Dù mới trở thành môn học chính thức ở khối 10, nhưng tại các trường học, hoạt động kiểm tra diễn ra...