Kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại Thừa Thiên – Huế
Sáng 3/7, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác chấm thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 tại Thừa Thiên – Huế.
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đạo tạo tại Thừa Thiên – Huế.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế Đặng Phước Mỹ cho biết, năm nay việc chấm thi trắc nghiệm sẽ được thực hiện bởi 2 trường thành viên của Đại học Huế (Thừa Thiên – Huế) là Trường Đại học Ngoại Ngữ và Trường Đại học Kinh tế, với gần 59.000 bài thi. Sở chủ trì làm phách và chấm tự luận môn Ngữ văn, với gần 19.000 bài thi. Hội đồng thi tại Thừa Thiên – Huế phấn đấu hoàn thành công tác chấm thi trước kế hoạch.
Hội đồng thi Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế bố trí một khu vực chấm thi đảm bảo an ninh, an toàn 24 giờ/ngày cả bên trong và bên ngoài trong suốt thời gian tổ chức chấm thi tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên – Huế). Khu vực chấm thi được bố trí độc lập gồm 6 phòng chấm thi tự luận và 3 phòng chấm thi trắc nghiệm.
Ngoài lực lượng Công an giám sát quá trình chấm thi, Hội đồng thi cũng đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ như hệ thống camera, thiết bị phòng cháy chữa cháy, máy phát điện dự phòng… đúng theo Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trưởng ban chấm thi tự luận Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2019 tại tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Tân cho biết, đến nay, qua kiểm tra ngẫu nhiên 5 túi bài thi tự luận, không phát hiện dấu vết gì bất thường trên các bài thi.
Video đang HOT
Đến thăm địa điểm chấm thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhắc nhở, công tác chấm thi qua các khâu phải được thực hiện đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc và trung thực. Tất cả các bài thi tự luận phải được chấm 2 vòng độc lập và chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi. Đặc biệt, các bài thi có điểm cao phải được chấm kiểm tra. Ngoài ra, khâu nhập điểm cần đảm bảo thực hiện qua 2 vòng độc lập, đối sánh kết quả rồi mới được đưa lên hệ thống phần mềm Quản lý thi.
Với các bài thi trắc nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, các cán bộ tham gia chấm thi phải nắm chắc quy trình cũng như phần mềm chấm thi, tuân thủ thao tác trên phần mềm, đảm bảo an toàn, chính xác.
Làm việc với Ban Chỉ đạo thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 của tỉnh Thừa Thiên – Huế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự chỉ đạo bài bản, nghiêm túc, có trách nhiệm từ các cấp địa phương cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban, ngành, đơn vị trong công tác tổ chức Kỳ thi nói chung và chấm thi nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu, Ban Chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất đảm bảo tiến độ chấm thi theo lịch trình để hoàn thiện cơ sở dữ liệu điểm thi của cả nước và công bố điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 vào ngày 14/7…
Tin, ảnh: Mai Trang
Theo TTXVN
Giám sát chặt khâu chấm thi
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo những ngày này liên tục kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia tại các địa phương
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ ngày 30-6 đã trực tiếp đi kiểm tra công tác chấm thi của hội đồng thi Bình Định. Các đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cũng đi kiểm tra khâu chấm thi tại Lào Cai, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Nội...
Tuyệt đối không để sai sót
Tại Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc chấm thi phải an toàn, nghiêm túc, trung thực, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận hoặc sai sót.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, cán bộ chấm thi của Trường ĐH Quy Nhơn sẽ chấm 17.746 bài thi trắc nghiệm môn toán, 17.255 bài thi trắc nghiệm tổ hợp khoa học tự nhiên, 11.550 bài thi thuộc tổ hợp khoa học xã hội, trong khi đó, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định sẽ chủ trì chấm 17.572 bài thi ngữ văn cho các thí sinh của tỉnh này.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019, cũng đã kiểm tra công tác chấm thi của hội đồng thi Hà Nội. Theo ông Phạm Văn Đại, Trưởng Ban Chấm thi Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Nội, Hà Nội đã huy động 519 cán bộ tham gia công tác chấm thi. Đây là giáo viên của các trường THPT trên địa bàn cũng như từ các trường ĐH phối hợp, trong đó 58 cán bộ thuộc tổ chấm kiểm tra. Hà Nội bắt đầu chấm thi từ ngày 30-6 và dự kiến việc quét các bài thi trắc nghiệm sẽ hoàn tất vào ngày 1-7.
Hội đồng thi Lạng Sơn đã họp ban làm phách và tiến hành việc làm phách từ ngày 29-6. Trong ngày 29-6, Lạng Sơn đã bàn giao toàn bộ bài thi cũng như các phòng trang bị máy chấm cho Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lạng Sơn, cho biết với môn thi tự luận, từ chiều 1-7, Lạng Sơn sẽ họp ban chỉ đạo cũng như 80 cán bộ tham gia và sẽ bắt đầu chấm từ ngày 2-7. Dự kiến ngày 7-7, Lạng Sơn sẽ hoàn tất việc chấm thi tự luận cho hơn 8.000 thí sinh, ngày 14-7 sẽ thông báo kết quả thi đến các thí sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra việc chấm thi tại Hà Nội ngày 30-6. Ảnh: THANH HÙNG
Thanh tra tại 63 hội đồng
Để hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực trong khâu chấm thi, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho hay phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được cải tiến tối ưu, việc chấm thi trắc nghiệm có quy trình rất rõ ràng. Ông Trinh cho biết thêm các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử. Người chấm nếu nhìn thấy bài thi thì không nhìn thấy phách, còn nhìn thấy phách thì không thấy bài của thí sinh.
Phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm đếm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét. Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định. Phần mềm chấm thi cũng chỉ cho phép người dùng sửa ở những chỗ bị lỗi, còn những chỗ không bị lỗi thì không thể tác động vào.
Bộ GD-ĐT cho hay camera an ninh giám sát sẽ ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm. Các hội đồng chấm phải có bộ lưu điện dự phòng bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới. Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT đã thành lập các đoàn thanh tra chấm thi đến tất cả 63 hội đồng thi với số lượng nhiều hơn năm ngoái. Bên cạnh 2 cán bộ từ trường đại học, thành phần các đoàn thanh tra sẽ có thêm một thanh tra là cán bộ địa phương. Đặc biệt, thanh tra sẽ không làm việc tại địa phương mình.
Chấm thẩm định 5% bài thi ngữ văn
Về chấm thi tự luận, ông Mai Văn Trinh cho rằng ở khâu đánh phách sẽ thực hiện triệt để việc cách ly đánh phách, thực hiện chấm thi 2 vòng độc lập. Việc chấm môn tự luận sẽ có tối thiểu 5% số bài thi được đưa ra để chấm thẩm định. Mục đích của việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% là nhằm xem liệu việc chấm vòng 1 và vòng 2 có đều tay hay không, qua đó có hướng xử lý nếu có vấn đề phát sinh.
Theo nguoilaodong
Bắc Kạn, Cao Bằng: Chấm thi đúng quy chế, xuất hiện nhiều bài Ngữ Văn đạt 8,9 điểm. Ngày 3/7, đại diện Ban chỉ đạo thi quốc gia do PGS.TS Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT đã đi kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng. Ông Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi tại Bắc Kạn Bắc Kạn: Siết chặt an ninh mọi quy trình chấm...