Kiểm điểm hiệu trưởng thu cả tiền cắt tỉa cây cảnh
Nhiều khoản thu kỳ lạ như tiền “chất đốt”, thu làm chi phí hợp đồng cho giáo viên, tiền mua bát, muỗng ăn… cũng được Trường mầm non Sao Sáng thu.
Phòng GD&ĐT huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết đã yêu cầu ban giám hiệu Trường mầm non công lập Sao Sáng tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thu nhiều khoản của phụ huynh học sinh sai quy định.
Nhà trường cũng bị buộc phải hoàn trả lại toàn bộ các khoản thu bất hợp lý này.
Theo Phòng GD&ĐT Chư Prông, trước đó, nhiều phụ huynh gửi con em theo học ở Trường mầm non công lập Sao Sáng gửi đơn phản ánh việc phải đóng nhiều khoản bất hợp lý, không nằm trong các quy định thu chi cho phép.
Trường mầm non Sao Sáng ở huyện Chư Prông. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Cụ thể học sinh phải đóng 125.000 đồng/em để nhà trường lấy kinh phí “cắt tỉa cây cảnh”, 100.000 đồng tiền quỹ phụ huynh, 50.000 đồng tiền quỹ lớp; thu cấp dưỡng 360.000 đồng/năm, thu làm chi phí hợp đồng cho giáo viên 1.600.000 đồng/năm…
Tổng cộng để có thể cho con theo học mỗi phụ huynh phải đóng tới gần 4 triệu đồng.
Nhiều phụ huynh cho rằng các khoản thu trên hết sức vô lý vì Trường Sao Sáng là trường công lập, có chế độ hỗ trợ theo quy định của nhà nước. Mặt khác các khoản dùng để mua sắm muỗng, bát ăn… phụ huynh cũng phải bỏ tiền sắm hàng năm là chưa đúng.
Video đang HOT
Trường mầm non Sao Sáng còn yêu cầu đóng 100.000 đồng/em để lấy kinh phí “chất đốt” – là tiền mua gas để phục vụ việc nấu ăn cho các cháu.
“Trường có 400 cháu, tổng cộng tiền gas thu được 40 triệu đồng/năm trong khi các cháu mỗi ngày được nấu ăn hai bữa. 40 triệu đồng thì mua được 100 bình ga, với 400 học sinh thì chúng tôi nghĩ chỉ tốn khoản chi phí đó”, một phụ huynh bức xúc.
Dù UBND tỉnh Gia Lai, Sở GD&ĐT Gia Lai có văn bản yêu cầu các trường chưa tiến hành thu học phí của học sinh nhưng trường Sao Sáng lại “linh động” cho thu trước 450.000 đồng/em.
Giải thích về các khoản thu này, lãnh đạo nhà trường nói rằng đã thống nhất với phụ huynh trước khi thu. Riêng tiền học phí thì dù chưa có hướng dẫn nhưng nhà trường đã sai khi thu trước thông qua hội phụ huynh.
Qua xác minh, Phòng GD&ĐT huyện Chư Prông xác định Trường Sao Sáng đã thu sai và yêu cầu nhà trường phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường; đồng thời hoàn trả lại bốn khoản đã thu của phụ huynh gồm quỹ phụ huynh, phí trông coi tài sản, quỹ lớp, quỹ khen thưởng.
Riêng tiền học phí nhà trường cũng phải trả lại cho phụ huynh, khi có hướng dẫn của cấp trên mới được thu lại.
Theo Thái Bá Dũng/Tuổi Trẻ
Bộ GD&ĐT nói không có lạm thu đầu năm học
Nhiều bậc phụ huynh bức xúc. Nhiều cử tri phản ánh đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng Bộ GD&ĐT lại bảo "không có lạm thu".
Năm học mới 2015-2016 đã bắt đầu được 45 ngày. Đó cũng là quãng thời gian nhiều bậc phụ huynh ở nhiều trường sống trong bức xúc vì những khoản lạm thu đầu năm học.
Điều đáng nói là câu chuyện này năm nào cũng xảy ra, nổi lên trong những ngày đầu năm học rồi lại chìm xuống như chưa từng có chuyện gì.
Ảnh: VOV.
Sao lại không thấy? Rất nhiều nhà báo đã bỏ công đi điều tra, tìm hiểu về thực trạng lạm thu đầu năm học và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và cũng rất nhiều phụ huynh học sinh đã lên tiếng về tình trạng này. Ai cũng biết vậy tại sao Bộ GD&ĐT "tìm hoài không ra"? Ở đây đặt ra hai tình huống.
Thứ nhất, nhiều nhà báo, tờ báo đã phản ánh sai, nhiều bậc cha mẹ học sinh đã kêu không đúng;
Thứ hai, có tình trạng bao che, lấp liếm cho lạm thu và lạm thu đã trở nên rất tinh vi, được hợp thức hóa đến mức qua mặt được cơ quan quản lý một các dễ dàng.
Dư luận đang mong muốn một phản ứng tích cực từ phía Bộ GD&ĐT, nghiêm túc xử lý những cá nhân, đơn vị đã lạm thu đầu năm học.
Nhiều phụ huynh mong muốn, Bộ GD&ĐT hãy một lần đứng về phía các phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, để cùng "dẹp" những khoản lạm thu trong nhà trường.
Thế nhưng, trong cuộc họp báo chiều 20/10, khi các phóng viên đặt câu hỏi về tình trạng lạm thu núp bóng "tự nguyện", ông Phạm Văn Định - Vụ trưởng Vụ tiểu học cho biết: "Đã nhận được nhiều thông tin từ phụ huynh phản ánh và Bộ đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra nhưng... không thấy. Nếu có thì chúng tôi đã xử lý".
Bộ GD&ĐT nói không có, vậy tại sao trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn cho biết: "Cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng dạy thêm và học thêm ở các cấp học, đặc biệt là ở bậc tiểu học vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn;tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục công lập dưới hình thức "đóng góp tự nguyện" của hội cha mẹ học sinh để xây dựng nhà trường gây bức xúc, khó khăn cho người dân".
Các nhà quản lý giáo dục không biết hay đang cố tình không biết về thực tế "lạm thu" gây bức xúc trong phụ huynh học sinh? Bao nhiêu năm tình trạng này tái diễn khiến khiều người nghi ngờ ở đây có sự bao che, có lợi ích nhóm...
Đến mức, khi bất kỳ một trường nào có tình trạng lạm thu không phụ huynh nào tìm gặp nhà quản lý giáo dục để phản ánh, báo cáo. Nhiều nhà quản lý giáo dục chỉ nắm thông tin qua báo chí, qua mạng xã hội. Còn nếu có dịp lãnh đạo cấp Phòng, Sở xuống trường kiểm tra thì tất cả các khoản thu này đều được ghi chép, thỏa thuận tự nguyện... rất đầy đủ.
Lại nói về tự nguyện, đã tự nguyện rồi mà sao phụ huynh lại bức xúc như vậy? Bức xúc là vì họ đã "tự nguyện trong sợ hãi, lo âu" cho "vận mệnh" của đứa con mình đang gửi gắm ở nhà trường. Nhiều phụ huynh bức xúc nhưng sợ con mình bị trù úm, "cha mẹ dại, con cái phải mang".
Và thực tế đã có những trường hợp phụ huynh bị "bêu tên" trước giờ chào cờ của các con; học sinh bị đuổi học vì mẹ lên facebook "chê" trường của con... Cho nên, tốt nhất là "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Mọi sự im lặng chẳng qua là vì sự bình yên của đứa trẻ.
Thế nhưng, trong chính lời nói của Bộ GD&ĐT cũng đã có mâu thuẫn. Bộ nói không có tình trạng "lạm thu". Nếu không có lạm thu thì việc gì Bộ phải chấn chỉnh, phải qui định nọ kia?
Ngành giáo dục nếu không mạnh tay mà vẫn chỉ đơn thuần là ra các văn bản, giấy tờ chỉ đạo các địa phương, trường học "nghiêm túc thực hiện"... thì muôn đời lạm thu sẽ không được hạn chế, dẹp bỏ.
Thời gian qua, chất lượng dạy - học có nhiều vấn đề khiến những người có con đang đi học và những người tâm huyết với nghề thấy bất an. Thêm vào đó, việc làm, hành động của một số người thầy, người cô đã làm méo mó hình ảnh của người làm sư phạm, cộng với tình trạng lạm thu càng khiến cho người dân nhìn vào ngành giáo dục cảm thấy bức bối.
Từ những khoản thu đầu năm tới thái độ ứng xử của giáo viên, nhà trường với con trẻ khiến hình ảnh ngành giáo dục bớt đi sự "cao quý". Nếu các nhà quản lý không nghiêm, vẫn bao che, dung túng cho những chuyện như lạm thu, chạy theo thành tích, làm việc cho xong... thì các bậc phụ huynh, cử tri cả nước sẽ chỉ hết bức xúc khi con em mình không còn đi học nữa.
Theo Vũ Hạnh/VOV
Giáo dục kiểu truy tìm, đấu tố Thay vì nhìn vào thực tế, lắng nghe các ý kiến cầu thị thì việc đầu tiên không ít trường làm là truy tìm người dám "vạch áo cho người xem lưng" là ai. 1. Câu chuyện của một phụ huynh ở Hải Phòng gửi báo và Bộ GD&ĐT dưới đây viết lên một thực tế xót xa. Hôm đó do bận nên...