Kì lạ, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp tỉnh giống đề Olympic như đúc
Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trùng với đề thi Olympic 30 tháng 4 năm 2013.
Đề thi giống từng dấu chấm, dấu phẩy
Ngày 11/12/2019, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, trong đó có môn Ngữ văn.
Sau kì thi, đề Ngữ văn lớp 12 của tỉnh này lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của giáo viên và học sinh.
Nhiều giáo viên khen đề thi hay, độc đáo, xứng tầm là một đề thi dành cho học sinh giỏi.
Thế nhưng, đọc kĩ đề thi này, chúng tôi phát hiện Câu 1 (8 điểm) trùng với câu Nghị luận xã hội lớp 10 của kì thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX năm 2013.
Theo đó, Câu 1 đề thi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàucó nội dung như sau:
Suy nghĩ của anh/chị về hai ý kiến sau:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (Trích lời bài hát Cát bụi của Trịnh Công Sơn).
“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác.” (Xukhômlinxki)
Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh do tác giả cung cấp)
Đề Olympic 30 tháng 4 năm 2013. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Còn câu Nghị luận xã hội (8 điểm) của kì thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX năm 2013 có nội dung:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (Trích lời bài hát Cát bụi của Trịnh Công Sơn).
“Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác.” (Xukhômlinxki)
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về hai ý kiến trên.
So sánh hai đề thi, có thể nhận thấy, đề thi của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàunăm 2019 hoàn toàn trùng với đề thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX năm 2013 từ hình thức đến nội dung.
Điều đáng nói, đề thi Ngữ văn Olympic này được đưa vào sách “Tuyển tập đề thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX – 2013 Ngữ văn” do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành. Sách này được phát hành trên toàn quốc và đã tái bản nhiều lần.
Video đang HOT
Như vậy, học sinh tham dự kì thi học sinh giỏi ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàucó thể “trúng tủ” đề nếu các em đã đọc sách này hoặc được giáo viên luyện tập.
Và, với cách ra đề thế này, liệu có công bằng cho tất cả thí sinh hay không?
Hơn nữa, giáo viên ra đề thường là những thầy cô dạy giỏi, có kinh nghiệm hoặc chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo. Lẽ nào thầy cô thiếu đầu tư chuyên môn hoặc bất cẩn đến thế?
Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi (như đã phân tích) hai đề thi giống nhau đến từng dấu chấm, dấu phẩy thì không có chuyện “tư tưởng lớn gặp nhau”.
Đáp án đề thi Olympic 30 tháng 4
Chúng tôi nhận thấy, câu Nghị luận xã hội của đề thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX năm 2013 hay, có tính phân loại cao. Vì vậy, chúng tôi đăng kèm đáp án để bạn đọc có thêm một kênh tham khảo. (Nguồn: “Tuyển tập đề thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX – 2013 Ngữ văn” trang 45, 46).
Suy nghĩ về hai ý kiến của Trịnh Công Sơn và Xukhômlinxki.
* Giải thích.
- Ý kiến thứ nhất: nhấn mạnh sự nhỏ bé mong manh, hư vô của kiếp người.
- Ý kiến thứ hai: khẳng định giá trị của con người – chính là từ sự “ in dấu”, những đóng góp của họ cho cuộc đời.
Hai ý kiến trên bộc lộ quan điểm sống trái ngược nhau.
* Bàn luận.
- Ý kiến thứ nhất: xuất phát từ sự suy nghĩ nhỏ bé, hữu hạn của con người trong cuộc đời, lối sống tiêu cực, thiếu niềm tin; không có động lực, ý chí để vươn lên…
- Ý kiến thứ hai: tin tưởng vào giá trị của con người trong cuộc sống. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa khi con người biết “in dấu” qua những cống hiến, đóng góp cho cuộc đời và bằng tình cảm nhân ái…
- Phê phán những người có cách nghĩ bi quan, tiêu cực về cuộc sống, biểu dương những đóng góp; những “ in dấu” giản dị, chân thành có ý nghĩa với chuẩn mực của xã hội, của đạo lí dân tộc.
- Về sâu xa hai ý kiến này có mối quan hệ với nhau chính vì con người chỉ là hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ bao la, sự tồn tại của con người là ngắn ngủi nên càng phải sống có ý nghĩa, sống tích cực để làm một “hạt bụi tuyệt vời”.
(Lưu ý: Học sinh dùng dẫn chứng thực tế để chứng minh)
* Bài học nhận thức và hành động.
- Cần có nhận thức đúng đắn, tích cực về cuộc sống.
- Xác định và rèn luyện lối sống đẹp, hướng thiện…
Tài liệu tham khảo:
Ban tổ chức kì thi (2013), Tuyển tập đề thi Olympic 30 tháng 4, lần thứ XIX – 2013 Ngữ văn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
Cao Nguyên
Theo giaoduc.net
Một đề thi học sinh giỏi Ngữ văn quá nhiều...sạn!
Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 cấp huyện ra chưa chuẩn khiến học sinh không phát huy hết khả năng làm bài. Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo của một huyện (xin không nêu tên) tổ chức kì thi khảo sát học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019-2020.
Theo đó, đề thi có 2 phần, phần Đọc hiểu (6 điểm) và Tạo lập văn bản (4 điểm) cho 5 câu hỏi, với thời gian làm bài 150 phút.
Phần Đọc hiểu, đề yêu cầu học sinh quan sát bức tranh biếm họa (ảnh đính kèm) và trả lời các câu hỏi liên quan.
Câu 1 (1 điểm). Em hiểu thế nào là tranh biếm họa?
Câu 2 (3 điểm). Em thấy ấn tượng nhất với chi tiết hình ảnh nào trong bức tranh biếm họa trên? Vì sao?
Câu 3 (2 điểm). Viết câu thuyết minh ngắn gọn cho bức hình trên?
Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 còn nhiều sạn. (Ảnh: Kim Hà)
Phần Tạo lập văn bản, Câu 1 (6 điểm): "Giả sử em là cậu bé trong bức tranh, hãy viết một điều em muốn nói (trong khoảng 600 từ) với thầy cô/nhà trường?
Câu 2 (8 điểm). Em hãy chỉ ra điểm khác biệt khi viết về chiến tranh qua hai tác phẩm: chuyện người con gái Nam xương - Nguyễn Dữ và Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật?
Sau kì thi, nhiều giáo viên bình luận (trên mạng xã hội) đề ra chưa hay, thậm chí còn nhiều sai sót, khiến học sinh không phát huy hết khả năng làm bài.
Đọc kĩ đề thi, chúng tôi nhận thấy ý kiến của giáo viên nêu ra là hoàn toàn chính xác. Chúng tôi xin có đôi lời phân tích, bình luận về đề thi này nhằm giúp giáo viên ra đề được chuẩn xác - nhất là đề thi học sinh giỏi.
Thứ nhất, về hình thức, tranh biếm họa ở phần Đọc hiểu được đề chú thích "Theo //www.google.com" là sai.
Bởi, đây là tranh biếm họa của họa sĩ có bút danh LAP, chứ không phải "google". Hơn nữa, nguồn "google" thì khó kiểm chứng về mặt khoa học nên tính học thuật thiếu minh xác.
Câu 3. "Viết câu thuyết minh ngắn gọn cho bức hình trên?", sao lại sử dụng dấu "chấm hỏi" (?) trong khi không phải là câu hỏi?
Câu 2, phần Tạo lập văn bản: "Em hãy chỉ ra điểm khác biệt khi viết về chiến tranh qua hai tác phẩm: chuyện người con gái Nam xương - Nguyễn Dữ và Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật?", không viết hoa tên truyện "chuyện người con gái Nam Xương" (viết đúng phải là "Chuyện người con gái Nam Xương"), đây là lỗi cẩu thả của người ra đề.
Thứ hai, về nội dung, đề thi còn nhiều sai sót, chưa phù hợp với đối tượng là học sinh giỏi.
Phần Đọc hiểu, Câu 1 yêu cầu học sinh trả lời "thế nào là tranh biếm họa", chỉ nên hỏi cho môn Mỹ thuật.
Điều đáng nói là, thời gian gần đây, rất nhiều đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cho hình ảnh và yêu cầu học sinh bình luận.
Chúng tôi không đánh giá thấp việc đưa hình ảnh vào đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn. Thế nhưng, hình ảnh chỉ nên mang tính minh họa, vì văn chương là nghệ thuật ngôn từ (trong khi hình ảnh thuộc về hội họa).
Bàn về vấn đề này, cô Trần Thị T., giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn ở tỉnh Gia Lai nêu quan điểm:
"Từ trước đến nay, tôi không thích những đề Ngữ văn bằng hình ảnh. Bởi hình ảnh có quá nhiều cách để hiểu khiến học sinh hoang mang, khó xác định được trọng tâm để viết, trong khi thời gian làm bài có hạn.
Với lại, đề bằng hình không in màu cũng khó hiểu đúng ý tác giả. Khi không biết thì làm sao học sinh dám nêu ý kiến?".
Đáng chú ý, Câu 2 phần Tạo lập văn bản, yêu cầu học sinh "hãy chỉ ra điểm khác biệt khi viết về chiến tranh qua hai tác phẩm: chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ và Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật?", mơ hồ về nội dung.
Điều đáng nói, với câu lệnh này, học sinh chỉ cần chỉ ra điểm khác biệt về chiến tranh qua hai tác phẩm, vì đề thi thiên về môn Lịch sử.
Lạ lùng hơn, tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương", nhà văn Nguyễn Dữ chỉ gián tiếp nói đến chiến tranh phong kiến phi nghĩa, chứ không nói rõ một triều đại nào.
Trong khi, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", nhà thơ Phạm Tiến Duật nói đến chiến tranh thời chống Mĩ.
Sao lại có kiểu so sánh lạ kì, khập khiễng như vậy? Chưa kể, đây là tác phẩm văn chương chứ không phải nói đến đến kiến thức lịch sử xác thực.
Hơn nữa, nội dung chính của hai tác phẩm này cũng hoàn toàn khác nhau thì làm sao có thể so sánh?
"Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống cua họ." (Trích Ghi nhớ trang 51, sách Ngữ văn 9, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
"Qua hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính, bài thơ khắc họa nổi bật hình ảnh người lính lá xe ở Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ, với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, dung cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam." (Trích Ghi nhớ trang 133, sách Ngữ văn 9, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Một đề thi học sinh giỏi thông thường phải qua hai vòng phản biện. Thế nhưng, giáo viên ra đề và phản biện đề cũng không phát hiện ra những lỗi sai khó chấp nhận (như đã phân tích).
Vậy, những giáo viên có trách nhiệm liên quan đến đề thi làm việc cẩu thả hay năng lực chuyên môn hạn chế?
Câu hỏi này chúng tôi dành cho bạn đọc quan tâm bình luận...
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
Theo giaoduc.net
Thi được 1 điểm vẫn đạt học sinh giỏi cấp huyện Trong danh sách 285 học sinh giỏi lớp 9 của Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, Bến Tre, có em đạt 1 điểm (thang điểm 20). Theo Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành, 566 học sinh khá, giỏi ở khối lớp 8, 9 thuộc 13 trường THCS trên địa bàn tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2019-2020. Kết quả,...