Khuyến khích trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng: Thí sinh vừa mừng vừa lo
Thông tin về phương án tổ chức tuyển sinh đại học năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) khuyến khích các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng để phân loại đối tượng tuyển chọn tốt hơn.
Bên cạnh niềm vui về sự công bằng trong tuyển sinh, nhiều học sinh và phụ huynh cũng bày tỏ nỗi lo về áp lực thi cử.
Tạo môi trường cạnh tranh công bằng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022. Theo đó, điểm mới nhận được nhiều sự quan tâm từ phía phụ huynh và học sinh là Bộ GDĐT khuyến khích các trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Bày tỏ quan điểm về nội dung trên, em Nguyễn Việt Hoàng – thí sinh vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại Vĩnh Phúc – cho rằng, đây là một điểm mới tiến bộ, giúp đánh giá thực chất năng lực của học sinh và tránh được “bi kịch điểm cao”.
“Nhìn nhận khách quan, việc các trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng sẽ rất hữu ích trong việc đánh giá chất lượng đầu vào và tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho thí sinh, tránh tình trạng bỏ sót những học sinh có thực lực, điểm cao nhưng không đỗ như năm nay” – Hoàng nêu ý kiến.
Bộ GDĐT khuyến cáo các trường đại học tuyển sinh riêng. Ảnh: Hải Nguyễn
Video đang HOT
Đồng quan điểm, em Nguyễn Khánh Linh – học sinh lớp 12 tại Hà Nội cho rằng, với những trường top đầu và ngành có mức độ cạnh tranh cao thì phương án tổ chức thêm kỳ thi riêng là hoàn toàn hợp lý. Điều này tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả học sinh, giúp các em có động lực phấn đấu.
“Chắc chắn chúng em sẽ có thêm áp lực, nhưng em nghĩ, việc có được môi trường cạnh tranh công bằng sẽ tạo động lực cho chúng em học tập, nỗ lực nuôi ý chí vào ngôi trường, ngành học mình mong ước.
Tuy nhiên, các trường nên tổ chức tuyển sinh gọn nhẹ, đúng mục tiêu, tránh rườm rà, gây áp lực cho thí sinh” – Khánh Linh nêu quan điểm.
Lo lắng về gánh nặng thi cử
Thừa nhận việc có thêm các hình thức chọn lọc đầu vào đại học là điểm mới tiến bộ, song nhiều phụ huynh và học sinh tỏ ra lo lắng về áp lực thi cử.
Bày tỏ sự lo lắng về “các kỳ thi tương lai” , em Trịnh Lê Hồng Ngọc – học sinh lớp 12 tại Nam Định cho biết, việc chuẩn bị cho nhiều kỳ thi cùng một lúc là điều không dễ dàng. Điều này sẽ vô tình tạo nên áp lực học tập và thi cử cho học sinh.
“Nhìn vào quá trình từ lúc ôn thi đến lúc thi xong của các anh chị khóa trên, em đã cảm thấy mệt mỏi. Nếu phải chuẩn bị cho nhiều kỳ thi cùng một lúc em không biết mình phải đối mặt như thế nào. Hơn nữa, học tập và thi cử trong điều kiện dịch bệnh rất thiệt thòi, khó khăn” – Hồng Ngọc thở dài.
Nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng vì áp lực học tập, thi cử. Ảnh: Thiều Trang
Chị Lê Thị Bắc – phụ huynh học sinh tại Thanh Hóa cũng cho rằng, nhiều trường đại học tổ chức tuyển sinh riêng, các con sẽ phải thi tại nhiều trường, nhiều lần rất tốn kém. Nhưng việc này lại giúp các trường đại học, đặc biệt những trường, những ngành có sự cạnh tranh cao phân loại và chọn được thí sinh giỏi.
Nhiều thí sinh và phụ huynh hy vọng, các trường đại học sẽ liên kết để tổ chức tuyển sinh chung. Trên cơ sở đó các trường nhỏ hơn có thể sử dụng kết quả bài kiểm tra năng lực chung đó để xét tuyển, nhằm giảm gánh nặng, áp lực phải tham gia quá nhiều kỳ thi cho thí sinh.
Bộ GDĐT khuyến cáo các trường đại học tuyển sinh riêng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm năm 2022.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Hải Nguyễn.
Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ GDĐT quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19 mà Bộ GDĐT đã công bố; đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.
Bộ GDĐT xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để tổ hợp thành các đề thi bằng phần mềm chuyên dụng, cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi).
Trường "hot" cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung
Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GDĐT; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh.
Bộ GDĐT khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
Bộ GDĐT cùng các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, thiết thực, khách quan, công bằng.
Về phương án thi THPT các năm 2023-2025, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện phương án, lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và sẽ công bố vào quý I năm 2022.
Kỳ thi "hai trong một" - 7 năm nhìn lại: Cần thay đổi những gì? Năm 2015, Bộ GDĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Nhìn chung, kỳ thi "hai trong một" này đã đạt được một số mục tiêu đề ra như: Áp lực thi cử giảm; thí sinh sẽ không phải đi thi quá xa; các trường đại...